Hai cựu học sinh giỏi quốc gia thử làm đề thi năm nay: Bài văn ấn tượng, thu hút sự quan tâm của cộng đồng văn chương

Nguyễn Hải Thủy và Nguyễn Thị Huyền Trang - hai cựu học sinh giỏi quốc gia đã thử làm đề thi Ngữ văn năm nay. Bài viết của hai bạn nhận được sự quan tâm từ cộng đồng yêu văn.

Đỗ Thu Nga
10:23 07/03/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia (HSGQG) năm học 2022-2023 được tổ chức vào ngày 24-25/2. Đề thi môn Ngữ văn chọn học sinh giỏi quốc gia cụ thể như sau:

"Câu 1: Nghị luận xã hội (8,0 điểm)

Người xưa có câu: "Hữu xạ tự nhiên hương". Quan điểm trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về việc xây dựng hình ảnh bản thân trong cuộc sống hiện nay.

Câu 2: Nghị luận văn học (12,0 điểm)

Có ý kiến cho rằng: "Viết văn, cũng chừng ấy ký tự, chừng ấy con chữ, mỗi nhà văn sáng tạo ra một thế giới của riêng mình. Thế giới của riêng mình nhưng lại không chỉ cho riêng mình".

Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học, anh chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên".

Hai-cuu-hoc-sinh-gioi-quoc-gia-thu-lam-de-thi-HSG-van-nam-nay-4

Sau khi đọc đề, hai bạn Nguyễn Hải Thủy (giải Nhất quốc gia môn ngữ văn 2020) và Nguyễn Thị Huyền Trang (giải Ba quốc gia môn ngữ văn 2020) đã thử làm đề thi năm nay.

BẠN HUYỀN TRANG VỚI PHẦN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

"Picasso từng là một họa sĩ vô danh. Ông đã dùng 15 đồng bạc cuối cùng trong túi để thuê sinh viên dạo quanh hàng tranh và hỏi: "Ở đây có bán tranh của Picasso không?". Sau đó chưa đầy một tháng, tên tuổi ông lan khắp Paris và ông trở nên nổi tiếng. Câu chuyện này của Picasso ngày nay được người ta lan truyền như một bài học điển hình của việc quảng bá và truyền thông thương hiệu cá nhân, nhưng liệu có mâu thuẫn với quan điểm "Hữu xạ tự nhiên hương" của người xưa hay chăng?

Như chất xạ mang trong mình hương thơm đặc biệt thì ắt sẽ tự lan tỏa và thu hút xung quanh; mỗi người nếu mang trong mình giá trị riêng, tư chất riêng thì ắt sẽ được công nhận, một cách tự nhiên không gượng ép.

Nikola Tesla chưa từng phải tự nhận mình là "cha đẻ của công nghệ thời hiện đại", nhưng cả thế giới đều mệnh danh nhà bác học này như thế vì những phát minh đi trước thời đại của ông. William Shakespeare có thể sẽ chỉ mãi là một chân nhắc tuồng hoặc một diễn viên vô danh trong nhà hát, nếu không tài tình sáng tác nên những tác phẩm vừa kịch tính, vừa sâu sắc phản ánh được khủng hoảng của thời đại, để trở thành một nhà soạn kịch danh tiếng. Dù trong bất kì lĩnh vực nào, khi mỗi chúng ta hoàn thành được trách nhiệm và bổn phận của bản thân, đó đã là điều quý giá vô cùng. Khi ấy, ta đã vô hình trung kiến tạo nên một giá trị nhất định. Mà đã là giá trị, tự nhiên sẽ tỏa sáng mà chẳng cần bất kì ánh đèn sân khấu nào.

Tập trung vào việc phát triển bản thân, tự khắc cái "tôi" của ngày hôm nay sẽ khác với cái "tôi" của ngày hôm qua, có thể trưởng thành hơn, nhiều trải nghiệm hơn. Cũng giống như mỗi ngày bước lên một nấc thang mới, bạn sẽ bước đến một đỉnh cao mà không cần phải giới thiệu, người ta cũng biết bạn là ai. Còn khi sự tập trung của chúng ta bị phân tán vào việc "làm sao để được nhiều người biết đến hơn?", "làm sao để trở nên nổi tiếng?", để rồi bất chấp tất cả mà đánh đổi sự nổi lên nhất thời của mình bằng những tai tiếng còn lại mãi về sau. Thì khi ấy, giá trị ở đâu ta đã kiến tạo? Trước khi đặt ra câu hỏi trách móc rằng sao cuộc đời bạc bẽo quá, không cho mình nổi một sự công nhận, thì hãy tự hỏi lại chính mình đã làm được những gì để đòi hỏi một sự ghi công?

Hai-cuu-hoc-sinh-gioi-quoc-gia-thu-lam-de-thi-HSG-van-nam-nay
Bạn Nguyễn Thị Huyền Trang, giải Ba quốc gia môn Ngữ văn 2020

Song, trong một thời đại bùng nổ và cạnh tranh thông tin, thời đại mà bất kỳ cái gì cũng cần được quảng cáo rầm rộ và nhờ truyền thông để nâng tầm giá trị, thì liệu "hữu xạ" có còn "tự nhiên hương", liệu cứ hoàn thiện bản thân là sẽ tự thu hút những cơ hội? Nhiều người chắc hẳn sẽ trả lời rằng: Không! Đã qua rồi cái thời mà "tiếng lành đồn xa", tỏa hương ngồi chờ ong bướm đến. Thời đại hiện nay với những sự thay đổi chóng mặt đòi hỏi chúng ta phải chủ động và hành động quyết liệt chứ chẳng thể "há miệng chờ sung". Người ta chẳng còn ngạc nhiên với những thương hiệu toàn cầu vẫn ngày ngày quảng cáo và phủ sóng trên khắp các kênh truyền thông, từ truyền hình đến mạng xã hội…

Quả thực, vật đổi sao dời, thời thế thay đổi đã là quy luật tất yếu. Nhưng thời thế không phải là cái cớ cho việc gồng mình xây dựng hình ảnh cá nhân một cách giả tạo, rồi tự an ủi rằng ngày nay phải làm thế cho hợp thời.

Quả thực, sống là không chờ đợi, là chủ động nắm bắt cơ hội cho chính mình. Nhưng sống chủ động cũng chẳng phải cái cớ cho sự vội vã và nóng lòng muốn thành công sớm, để rồi bất chấp đốt cháy giai đoạn, ngụy tạo và giả dối.

Đừng vội vin vào câu chuyện của Picasso để ngụy biện rằng, không tự quảng bá mình thì sẽ chẳng ai biết đến. Vì trước khi nghĩ đến chuyện tự truyền thông, Picasso cũng phải vẽ những bức họa, dấn thân vào nghệ thuật sáng tạo, cũng phải có một giá trị nào đó để đem đến cho người. Và mọi sự ghi nhận, nể phục đều trên nền tảng của cái chất rất riêng mà chúng ta có, chứ không phải qua việc "gióng trống khua chiêng" cho một bản sao nhạt nhòa hoặc phô trương cho sự dị biệt lố lăng.

Xây dựng hình ảnh bản thân trong cuộc sống hôm nay là cần thiết. Nhưng linh hồn của việc tạo dựng hình ảnh ấy là cái chất bên trong, cái giá trị mà chúng ta có, chứ chẳng phải một cái vỏ rỗng tuếch. "Hữu xạ tự nhiên hương" vẫn đúng, vì bức thông điệp quan trọng nhất trong quan niệm này của người xưa là hướng mỗi con người đến sự phát triển và hoàn thiện bản thân mình, tập trung nâng tầm giá trị mình bằng chính cách mình sống và cách mình ứng xử. Và "tự nhiên hương" giống như quả ngọt cho quá trình đi tìm phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình, cũng là một sự lựa chọn. Chúng ta có thể chọn "tự nhiên hương", cũng có thể chọn chủ động truyền thông thương hiệu cá nhân, chỉ cần có điều cốt lõi là "hữu xạ" thì mọi con đường đều là đáng quý.

Nhìn lại lời nhận xét của Einstein dành cho vua hề Charlot: "Ngài chỉ diễn câm thế mà mọi người trên thế giới đều hiểu. Ngài chắc chắn sẽ trở thành một nhân vật vĩ đại". Phải chăng, cũng vì thế chúng ta càng có thể có niềm tin rằng: Chỉ cần mình thực sự là ánh sáng, thì mình ắt sẽ tỏa sáng…"

P/s: Từng là học sinh thi HSG Quốc gia, nhưng nhìn thấy đề thi vẫn muốn nói một cái gì đó. Bài viết này chỉ mang tính đưa ra suy nghĩ cá nhân, có thể nhiều chỗ khiến mọi người hoài nghi hay tranh cãi, nhưng rất mong nơi này giống như bức "Trường học Athens" của Raffaello, là nơi để tranh biện, luận bàn kiếm tìm chân lý, chứ không phải so sánh hơn thua đúng sai trái phải!".

BẠN HẢI THỦY VỚI PHẦN NGHỊ LUẬN VĂN HỌC

"Văn thì cứ suy tôn Hàn Dũ, thơ lại chỉ thấy thần tượng Đỗ Phủ, chẳng khác gì leo núi phải lên Thái Sơn, bơi thuyền phải ra Đông Hải vậy. Nếu cứ ôm lấy Đông Hải, Thái Sơn, mà ngoài ra không biết cái lạ của Thiên Thai, Vũ Di, cái đẹp của Tiêu Tương, Kinh Hồ thì người đó chỉ là anh đốn củi trên Thái Sơn, bác lái đò ngoài Đông Hải".

Trong "Tùy Viên Thi Thoại", Viên Mai quan niệm dấu ấn của mỗi người nghệ sĩ nằm ở sự mới mẻ, độc đáo, nhìn xa trông rộng để quan sát hết thảy giang san. Phải chăng, mỗi nhà văn cũng cần sáng tạo "thế giới của riêng mình", "thế giới của riêng mình nhưng lại không chỉ cho riêng mình".

Từ ba màu sắc chính là xanh, đỏ, vàng mà tạo ra những bức tranh muôn hình vạn trạng; từ bảy nốt nhạc mà tạo nên biết bao âm giai lúc trầm, lúc bổng, lúc dạt dào, lúc sâu lắng; và cũng chừng ấy chữ cái mà biết bao tác phẩm văn học muôn màu muôn sắc ra đời. Với nguồn nguyên liệu thô sơ, ít ỏi ấy, bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ đã lựa lọc để sáng tác nên "thế giới của riêng mình" - thế giới của tình cảm, cảm xúc, thế giới của những mảnh đời với muôn kiểu tình huống, thế giới được tạo nên từ quan niệm và cách nhìn của chính nhà văn.

Sáng tạo "thế giới của riêng mình" là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn. Và liệu có phải chỉ có nhà văn, nhà thơ mới tạo tác được thế giới ấy? Từ cửa sổ phòng bệnh, trong nỗi cô đơn tuyệt vọng của bệnh tật và cả khát khao vươn tới cái đẹp, Van Gogh đã khắc họa thế giới riêng chứa đầy cảm xúc hỗn tạp qua bức tranh "Đêm đầy sao". Trong đêm trăng mang đau đáu của mối tình đơn phương, Beethoven đã tạo nên thế giới riêng qua "Sonat ánh trăng", lúc mãnh liệt như những đợt sóng trào, lúc mênh mang như dòng sông Danube, lúc trầm mặc, dịu êm như vầng trăng huyền ảo. Không chỉ riêng văn học, mà ở các lĩnh vực như hội họa, điêu khắc, âm nhạc, người nghệ sĩ đều có thể tạo nên thế giới riêng. Tôi băn khoăn rằng, liệu thế giới riêng trong văn học có gì khác biệt? Phải chăng, điều đó nằm ở tính đại chúng, không phải ai cũng tự sáng tạo được một bức tranh, hay viết một bản nhạc để gửi gắm tâm tư, nhưng ai cũng có thể viết văn, làm thơ, giãi bày tình cảm qua ngôn từ. Mỗi người đều tạo ra một thế giới riêng qua ngôn từ!

Viết văn, cũng chừng ấy kí tự, chừng ấy con chữ, mỗi nhà văn sáng tạo ra một thế giới của riêng mình. Nguyễn Tuân từng quan niệm "Nghề văn là nghề của chữ", đó là nghề "dùng chữ nghĩa sinh sự để sự sinh". Từng ấy kí tự, mỗi nghệ sĩ với quan điểm sáng tác khác nhau, giọng văn khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, tính cách khác nhau sẽ tạo nên tác phẩm khác nhau. Người ta nhớ về Nguyễn Tuân là bậc thầy sáng tạo ngôn từ, thế giới của ông là thế giới của những người tài hoa nghệ sĩ, sự vật được viết dưới bình diện văn hóa thẩm mỹ. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh, nhu cầu tránh trùng lặp trong văn học đã buộc Nguyễn Tuân tung ra tất cả những chữ đồng nghĩa trong vốn liếng của mình. Nói về phi công Mỹ, ông những từ "cướp trời, giặc trời, vân phỉ…", nói về lính Mỹ bị giải đi, ông dùng những từ "Một dây tù Mỹ, một dây tội tù, một chuỗi quỷ sống, một xâu vô lại".

Hai-cuu-hoc-sinh-gioi-quoc-gia-thu-lam-de-thi-HSG-van-nam-nay-0
Bạn Nguyễn Hải Thủy, giải Nhất quốc gia môn Ngữ văn 2020

Thế giới riêng mình không có nghĩa là nhà văn tự tách biệt bản thân khỏi dòng chảy chung của nhân loại. Xuyên suốt các thời kì phát triển, mỗi người nghệ sĩ đều không ngừng nỗ lực cống hiến những áng văn thơ ghi lại dấu ấn cuộc đời, mỗi tác phẩm đều là tinh hoa tiền nhân để lại cho hậu thế tiếp nối, kết thừa, phát triển. Người ta thường hiểu lầm rằng nghệ sĩ chủ trương xóa bỏ gò bó để tự do tạo ra thế giới của riêng mình, nhưng không có gò bó cũng không có nghệ thuật. Sở dĩ, bậc đại sư vẽ ngựa Hàn Can thành công là bởi ông lấy ngựa thực làm thầy. Thạch Đào đời Thanh cũng từng nói "Nhặt góp hết thảy những đỉnh núi lạ rồi mới viết bản thảo". Không có người nghệ sĩ nhân chính nào tách biệt khỏi thế giới chung và cũng không có tác phẩm thành công nào mà không dựa trên tinh hoa của người xưa để lại.

Thế giới của riêng mình cần bắt nguồn từ thực tế cuộc sống. Nghệ thuật là lĩnh vực của sáng tạo, người nghệ sĩ được phép dựng xây một thế giới riêng, song không có nghĩa thế giới ấy xa rời thực tế. Nhà văn thụ hưởng bầu sinh quyển thời đại, chứng kiến đổi thay thời thế nên lẽ tất yếu thế giới mà nhà văn gây dựng mang hình ảnh của cuộc sống. Hơn hết, vượt lên trên nhu cầu thỏa mãn sáng tạo cá nhân, mỗi nhà văn, nhà thơ đều có sứ mệnh cao cả ghi lấy những cuộc "bể dâu", những biến cố lịch sử không thể nào quên. Sáng tác trong thời kì đòi hỏi tính quy phạm, cái ta chung vô cùng chặt chẽ, Đỗ Phủ vẫn thành công xây dựng thế giới nghệ thuật riêng. Suốt cả một đời, những dòng thơ dung dị, chân thật của Thánh Thi xoay quanh lòng yêu dân, ái quốc và tinh thần đấu tranh chống bọn cường quyền. Thế giới trong thơ ông bắt nguồn từ chính cuộc đời thực, khi nhà thơ chịu nhiều cảnh cực khổ loạn lạc, tận mắt thấy bao hiện tượng thối nát của xã hội, kinh qua nỗi khổ của lê dân bá tánh. Cảm hứng từ cuộc đời mới làm nên chất riêng trong thế giới của văn sĩ.

Từ thế giới riêng của người nghệ sĩ, bạn đọc thấy được hình ảnh của chính mình, bởi "Bài thơ hay làm cho ta không còn thấy câu thơ, chỉ còn cảm thấy tình người. Quên rằng đó là tiếng nói của ai, người ta thấy nó như tiếng ca từ trong lòng mình, như là của mình vậy" (Tố Hữu).

Trong nhịp bước phát triển của thế giới công nghệ ngày nay, cụm từ "thế giới riêng" đã chẳng còn xa lạ với chúng ta. Không ít người tạo ra một không gian riêng trên nền tảng mạng xã hội, họ cho rằng đó là thế giới của họ và hễ khi người khác phạm sai lầm, tâm lý đám đông khiến họ sẵn sàng mỉa mai, buông những câu nói lạnh lùng làm tổn thương người khác, và rồi, chúng ta dần xa nhau, mất đi sợi dây kết nối tâm hồn với tâm hồn. Bởi vậy, câu nói không chỉ đúng với nhà văn mà còn có giá trị trong thời đại hôm nay, thế giới của mình nhưng không phải vị kỉ, không phải cho riêng mình!

"Viết ra không phải là việc khó; cái khó là phải có những câu chuyện gì đáng kể để kể, những tư tưởng gì đáng ghi để ghi" (Jérôme và Jean Tharaud).

P/s: Thế giới riêng và thế giới chung - tuy hai mà một, tuy một mà hai. Bài đăng viết về một khía cạnh trong đề thi học sinh giỏi quốc gia, chỉ mang tính chất tham khảo để độc giả cùng đưa ra cảm nhận riêng, bởi "Câu hỏi cuối cùng cho thế giới vẫn còn đó" (Albert Einstein)".

Xem thêm: Họ để tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận