Giếng cổ Đường Lâm và ý nghĩa tâm linh ít người biết
Với người dân Đường Lâm, giếng cổ mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa tâm linh. Hai giếng cổ đình Mông Phụ tượng trưng cho đôi mắt rồng thiêng liêng của ngôi làng...
Dân làng Đường Lâm bức xúc vì giếng cổ bị "makeup"
Chiều 7/11, nhiều người dân thôn Mông Phụ đã kéo đến đình Mông Phụ yêu cầu đoàn làm phim vừa tự tiện "trang điểm" cho giếng cổ trong khuôn viên đình để làm bối cảnh quay phim phải dừng việc xâm phạm di tích này.
Một người dân trong làng cho biết, vài ngày qua, đoàn làm phim hài tết Chuyện làng Bồm về làng này để quay phim. Đây là đoàn phim đã nhiều năm quay phim hài tết ở làng cổ Đường Lâm nên như mọi năm, đoàn phim chỉ "xin phép mồm" với chủ tịch xã.
Nhưng lần này, đoàn phim gây bức xúc khi tự ý tô vẽ giếng cổ trong khuôn viên đình Mông Phụ đã được xếp hạng di tích quốc gia. Với người dân Đường Lâm, những giếng cổ trong làng được coi là không gian linh thiêng, người dân luôn giữ cho giếng vẻ cổ kính quý giá.
Ông Hà Văn Thắng - trưởng thôn Mông Phụ chia sẻ với tờ Kinh tế đô thị: Khi nhận được phản ánh việc đoàn làm phim tô vẽ lên di tích ở làng cổ Đường Lâm, đại diện thôn đến yêu cầu dừng những hành vi xâm phạm di tích thì thành viên trong đoàn vẫn bất chấp, cho rằng đã được chính quyền chấp thuận.
Tuy nhiên, ông Phan Văn Hòa - Chủ tịch xã Đường Lâm lại cho biết: "Đoàn làm phim chỉ xin phép chủ trương cho phép được đóng phim. Nhưng vừa qua, đoàn làm phim không xin phép với cơ quan chức năng tự ý dùng vôi, bột màu để làm thay đổi giếng thôn Mông Phụ. Từ trước đến nay, các đoàn làm phim đến xin phép, chúng tôi đều không gây khó khăn nhưng đều yêu cầu họ không đụng chạm vào di tích”.
Còn theo Trưởng Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo: “Giếng cổ ở làng Mông Phụ thuộc khu vực bảo vệ I của di tích quốc gia. Theo quy định tại điều 32 Luật Di sản, khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích. Yếu tố gốc cấu thành di tích là yếu tố có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, thể hiện đặc trưng của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó. Tuy nhiên, đoàn làm phim đã không xin phép mà tự ý làm thay đổi bề mặt giếng".
Sau những phản ánh từ nhân dân, Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cùng cán bộ xã đã tới hiện trường để giải quyết vụ việc. Chủ tịch xã Đường Lâm Phan Văn Hoà cho biết: “Chúng tôi đã lập biên bản vi phạm, yêu cầu đoàn làm phim phải tạm dừng mọi hoạt động tại giếng đình Mông Phụ, không được tiếp tục quay phim ở đây và nhanh chóng trả lại hiện trạng ban đầu cho giếng đình trong ngày 8/11”.
Theo ghi nhận từ báo Kinh tế đô thị, giếng cổ không còn được như ban đầu. Thành giếng thay vì lớp rêu phong cổ kính nay đã bị đánh nhẵn, vô hồn. Tương tự, mặt trong của giếng vẫn còn lưu lại lớp vôi đỏ thay vì màu của rêu phong, dương xỉ bám trên giếng cổ trước đó. Giếng nước cũng đã xuất hiện nhiều vết cọ rửa lem nhem, nguệch ngoạc.
Trước cách khắc phục của đoàn làm phim, người dân Đường Lâm lo ngại nếu không xử lý nghiêm sẽ tạo ra tiền lệ xấu, các đoàn phim sẽ tiếp tục tự do đến và xâm phạm di tích.
Hiện tại, vấn đề này mới đang dừng lại ở việc lập biên bản, chưa có hướng xử lý, xử phạt rõ ràng. Đoàn làm phim vẫn được phép tiến hành quay ở những bối cảnh khác trong di tích quốc gia làng cổ Đường Lâm.
Ý nghĩa tâm linh của giếng cổ làng Đường Lâm
Nằm cách Hà Nội hơn 50km, làng cổ Đường Lâm là địa điểm du lịch nổi tiếng ở Hà Nội. Đây là làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia (19/5/2006). Đường Lâm gồm 9 làng, trong đó có 5 làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau.
Các làng này gắn thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán và tín ngưỡng hàng trăm năm nay không hề thay đổi. Người dân làng cổ Đường Lâm cũng rất tuân thủ các quy định bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa trong làng. Với người dân Đường Lâm, đây không chỉ không gian văn hóa mà còn tuổi thở là hơi thở của họ.
Được biết, Đình Mông Cổ đã được Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1984. Giếng cổ ở đình Mông Phụ là một trong những nơi được người dân làng Đường Lâm vô cùng trân quý.
Theo tờ Kiến thức, bên cạnh giá trị sử dụng, hai giếng bên đình Mông Phụ, tượng trưng cho đôi mắt rồng thiêng liêng của ngôi làng.
Người dân sinh sống tại làng cổ Đường Lâm, mỗi năm dân chỉ được phép tu sửa, nạo vét, khơi giếng một lần và đều phải cúng lễ theo đúng phong tục của làng. Từ khi làng cổ Đường Lâm được xếp hạng di tích cấp quốc gia, việc quản lý di sản càng nghiêm ngặt hơn. Vì vậy, việc xâm phạm di tích và văn hóa như vậy là hành động không được chấp nhận.
Ngoài giếng cổ ở đình làng Mông Phụ, tại Đường Lâm cũng còn nhiều giếng cổ khác như giếng xóm Xui, giếng xóm Sài, giếng xóm Đình, xóm Giang... Các giếng này được đặt ở giữa các xóm để người dân thuận tiện qua lại lấy nước. Một số giếng đã có tuổi đời 4 thế kỷ.
Về mặt kiến trúc, những chiếc giếng ở Đường Lâm không phải kè thành như giếng ở các vùng đất khác do loại đá dưới lòng đất rất cứng. Giếng thường rộng từ 3-5m, sâu trên 10m.
Nét đặc trưng khác của giếng cổ Đường Lâm là miệng giếng ghép bằng những tảng đá ong sần sùi, màu nâu trầm, rất bền và vững chãi.
Bên cạnh hệ thống giếng cổ, Đường Lâm còn có tới 956 nhà cổ, tập trung nhiều nhất ở các thôn Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh. Nhiều ngôi nhà được xác định xây dựng từ các năm 1649, 1703, 1850…, đến nay tuổi đời xấp xỉ 300 - 400 năm. Nhà cổ chủ yếu được xây dựng trên nền đất đá ong theo lối xưa, gỗ lim thuộc loại có giá trị cao kèm những nét chạm trổ tinh xảo và đẹp mắt. Không khí trong nhà mát về mùa Hạ, ấm áp về mùa Đông...
Xem thêm: Giai thoại tâm linh ly kỳ về cặp tượng "Thần Hầu", "Linh Cẩu" trấn yểm thủy quái ở chùa Cầu, Hội An
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận