Sử Việt có một vị vua là hậu thân của... lão ăn mày?

Truyền thuyết từ thời Lê lưu truyền rằng, vua Lê Thần Tông có thân thế khá đặc biệt. Ông là hậu thân của một lão ăn mày.

Đỗ Thu Nga
09:00 26/12/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Vua Lê Thần Tông (1607 - 1662) tên húy là Lê Duy Kỳ, vị vua thứ 6 của thời Lê Trung Hưng, 17 của nhà Hậu Lê. Ông là con trưởng của vua Lê Kính Tông và hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh, con của Bình An vương Trịnh Tùng. Khi ông sinh ra, nhà Lê chỉ còn danh nghĩa, mọi quyền lực ở Đàng Ngoài đều thuộc họ Trịnh, còn Đàng Trong thuộc về chúa Nguyễn.

Hậu thân của một... lão ăn mày?

Vua Lê Thần Tông có một cuộc đời kỳ lạ. Ông là người duy nhất ở ngôi 2 lần, có 4 con làm vua, lấy vợ Tây. Và dân gian còn lưu truyền, ông là hậu thân của một... lão ăn mày.

Trong sách Tang thương ngẫu lục, kể lại nhiều sự tích những năm cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, của hai tác giả Phạm Đình Hồ và Nguyễn Án, kể lại:

Vua Lê Kính Tông ở ngôi lâu năm, mà chưa sinh hoàng nam để lập làm Thái tử, thường cầu khấn trời đất quỷ thần. Rồi hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh (con gái Trịnh Tùng) có mang. Đến ngày lên giường cữ, mãi vẫn chưa sinh, vua lo lắm. Trong giấc chiêm bao, vua thấy một người bảo: "Hoàng tử còn ở chợ Báo Thiên, hậu cung sinh mau sao được!".

Tỉnh dậy, vua sai một nội quan ra chợ dò thử xem. Chợ này xưa ở Tây Nam hồ Gươm, gần chùa Báo Thiên, khoảng khu vực phố Nhà Chung, gần Nhà thờ lớn Hà Nội ngày nay.

Khi đó vừa tảng sáng, chợ vắng tanh chưa có ai. Nội quan chỉ thấy dưới gầm phản hàng thịt, có lão ăn mày tóc bạc phơ, khoảng chừng ngoài 80 tuổi đương nằm ở mặt đất mà rên hừ hừ, ngoắc ngoải đợt chết. Nội quan vội về tâu vua. Nhà vua liền ra hỏi thăm.

Khi mặt trời lên, lão ăn mày chết. Cũng lúc ấy, trong cung hoàng hậu hạ sinh Hoàng tử. Vị Hoàng tử này được đặt tên là Duy Kỳ. 

Giai-thoai-vua-Le-Than-Tong-la-hau-than-cua-lao-an-may-0

Sau này, vua Lê Kính Tông thấy chúa Trịnh Tùng chuyên quyền quá, lại biết con thứ của Trịnh Tùng là Trịnh Xuân tranh ngôi Thế tử với Trịnh Tráng nên bàn mưu với Xuân giết chúa, hứa quyền binh sau này trao cho xuân. Nhưng vụ binh biến của Xuân và thuộc hạ là Văn Đốc không thành. Văn Đốc bị bắt, Trịnh Xuân bị tước quyền bính, giam lỏng trong phủ, vua Kính Tông đành treo cổ tự tử.

Khi đó, trong tôn tộc họ Lê còn có cháu đích của vua Lê Anh Tông, con Bản quốc công Lê Bách là Cường quận công Lê Duy Trụ lấy con gái của thế tử Trịnh Tráng, cũng muốn ý lên ngôi. Hoàng hậu Ngọc Trinh mới khóc với chúa, là cha của mình rằng:

- Tiên quân có tội, chứ đứa con có tội gì? Sao lại bỏ con của con mà đi tìm người khác. Nếu phụ vương lập nó, thì đến muôn đời sau kẻ làm vua vẫn là con cháu của phụ vương vậy.

Chúa liền sai đại thần, bạch quan rước trưởng hoàng tử là Lê Duy Kỳ tới điện Cần Chánh lên ngôi, tức Lê Thần Tông, lúc đó vua mới 12 tuổi.

Khi Thần Tông lên ngôi, triều thần lấy ngày sinh của vua làm tiết Thọ Dương. Hàng năm cứ đúng ngày ấy, nhớ sự tích sinh vua, các quan trong cung dựng hành tại chợ Báo Thiên, bộ Lễ sắm xe giá tàn quạt, đến nơi hành tại, rước hai cây thiên tuế, vạn tuế làm bằng trúc về cung, quan ở tòa Kinh Diên rước hai cây ấy đi quanh giường ngự 3 vòng, chúc Hoàng đế sống lâu trăm tuổi.

Sau khi cử hành xong, vua ngự ở điện Vạn Xuân, chịu lễ chầu mừng, ban yến ở sân điện. Các triều vua sau cũng theo như thế, gọi là lễ Khánh Thọ bảo thần.

Sử chép, vua Lê Thần Tông sinh được 4 người con là Chân Tông, Huyền Tông, Gia Tông, Hy Tông. Tất cả những người này đều là thiên tử nên đời sau cho rằng, vua Thần Tông có phúc thọ vào bậc nhất trong các vua Lê đời trung hưng.

Song các nhà sử học cho rằng, vua Thần Tông được ở ngôi lâu là nhờ vua cam chịu làm phận "bù nhìn" dưới sự điều khiển của chúa Trịnh. Thậm chí chúa Trịnh Tráng còn ép vua lấy em gái mình là Trịnh Thị Ngọc Trúc, vốn là vợ của người bác họ của vua là Lê Trừ, đã bị chúa xử tội. Bà Ngọc Trúc hơn vua tới 12 tuổi, đã có con riêng, nhưng vua hiểu không thể cưỡng lại quyền lực của Chúa Trịnh, đành nói: "Xong việc thì thôi, lấy gượng vậy".

Tuy chép lại chuyện này nhưng 2 tác giả Phạm Đình Hồ, Nguyễn Án vẫn bình luận: “Xét cái thuyết tiền thân, hậu thân là xuất tự kinh điển nhà Phật, đạo Nho chẳng hề nói đến. Nếu quả có chuyện ấy thật thì tiền thân vua Lý Thần Tông là thầy tu Từ Đạo Hạnh, hậu thân là lão già ở chợ Báo Thiên, lại hậu thân là vua Thần Tông triều Lê; một ông sư, một lão ăn mày, tái sinh vào nhà đế vương, khiến người không thể hiểu nổi”.

Vị vua ở ngôi 2 lần và lấy vợ Tây

Vua Lê Thần Tông ở ngôi 24 năm thì nhường ngôi cho con trai 13 tuổi là Lê Duy Hựu (hiệu là Chân Tông) và trở thành Thái thượng hoàng. Tuy nhiên, ở ngôi chỉ được 7 năm thì Lê Chân Tông ốm, qua đời nên Thái thượng hoàng Lê Duy Kỳ trở lại làm vua.

Đến năm 1662, Lê Thần Tông qua đời, táng tại Ngọc Long, xã Quần Lai, huyện Dương Lôi (nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Nối ngôi Thần Tông là con trai thứ tên Lê Duy Vũ (hiệu là Huyền Tông) cũng ở ngôi 9 năm thì ốm, chết. Người kế vị là Thần Tông tên Lê Duy Hợi (hiệu là Gia Tông) nhưng ông cũng không qua được bạo bệnh sau 4 năm sở hữu ngôi báu. Tiếp đó, con út của Lê Thần Tông tên Lê Duy Hợp (hiệu là Hy Tông) nối ngôi.

Theo một số nhà nghiên cứu, lê Duy Kỳ là người duy nhất trong số 108 vị vua chúa của 15 triều đại phong kiến Việt Nam có hai lần lên ngai vàng (7 niên hiệu) và có đến 4 người con đều làm vua. Không những thế, Thần Tông còn tạo ra kỷ lục đặc biệt khi ông là vị vua Việt Nam đầu tiên lấy vợ Tây và cũng là vua có nhiều vợ là người các dân tộc. 

Đại Việt Sử ký toàn thư có chép, năm 1630, vua lấy con gái Vương (Trịnh Tráng) là Trịnh Thị Ngọc Trúc, lập làm hoàng hậu. Sau hoàng hậu Ngọc Trúc, để phục vụ mục đích chính trị và giao thương quốc tế, Thần Tông được cho là còn cưới 5 bà vợ nữa, mỗi bà thuộc một dân tộc. Vợ thứ 2 là người Xiêm (Thái Lan), thứ 3 là người dân tộc Mường, thứ 4 là người Trung Quốc, thứ 5 là người Lào.

Giai-thoai-vua-Le-Than-Tong-la-hau-than-cua-lao-an-may-9

Trong cuốn Tường trình về Đàng Ngoài (Historie du Royaume de Tunquin), linh mục người Pháp Alexandre de Rhodes chép nhiều việc về thời Lê - Trịnh, có đoạn cho biết người vợ thứ 6 của vua Lê Thần Tông là cung phi người Hà Lan.

Sách này cũng ghi việc chúa Đàng Ngoài đã cầu cứu các thương gia người Hà Lan khi ấy đang chiếm đóng Java (Indonesia), xin cung cấp cho một số tàu tròn... Và người Hà Lan đã đồng ý ngay vì biết vua chúa Đàng Ngoài cần những tàu đó để tiến đánh chúa Đàng Trong. 

Nhà sử học Charles Robequin trong cuốn Le Thanh Hoa (xứ Thanh Hóa) - sách nghiên cứu về lịch sử, địa lý, phong tục, con người Thanh Hóa - cũng đề cập ông Lê Duy Kỳ là người Việt Nam đầu tiên lấy vợ người châu Âu.

Người vợ Hà Lan của vua là Orona là con gái phó toàn quyền Hà Lan tại Đài Loan. Năm 1630, trong chuyến sang Việt Nam, bà Orona được gặp vua Lê Thần Tông ở Thăng Long. Nghe lời khuyên của bố, bà đã ở lại làm vương phi của vua Lê. 

Các bà vợ của vua chung sống hòa thuận. Tương truyền, 6 pho tượng nhập thần của 6 người vợ vua Lê Thần Tông ở chùa Mật Sơn, tỉnh Thanh Hóa, là do 6 bà chung lòng chung sức bỏ tiền công đức ra làm, với nguyện ước mãi mãi bên nhau.

Xem thêm: Vua Lê Thần Tông: 2 lần lên ngôi, có 4 con làm hoàng đế, lấy vợ ngoại quốc

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận