Giải mã lý do người Việt luôn cầu cúng trước khi làm việc quan trọng

Nếu bạn để ý, trước mọi sự kiện quan trọng trong cuộc đời, người Việt đều cầu cúng. Nhưng tại sao lại có hành động như vậy thì không phải ai cũng biết.

Đỗ Thu Nga
06:00 08/07/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

7/7 và 8/7 là 2 ngày chính thức diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Đây là sự kiện vô cùng quan trọng đối với thí sinh cả nước. Và đây cũng là 2 ngày mà các bậc phụ huynh "mất ăn mất ngủ" lo lắng không biết liệu các con thi cử ra sao, làm bài tốt không?

Và tâm lý chung của các bậc phụ huynh cũng như sĩ tử cả nước là tìm đến niềm tin tâm linh. Chính vì thế, trước ngày thi, phụ huynh và thí sinh đến Văn miếu Quốc Tử Giám rất đông để thắp hương, cầu mong việc thi cử "đầu xuôi đuôi lọt".

Giai-ma-ly-do-nguoi-Viet-luon-cau-cung-truoc-khi-lam-viec-quan-trong

Có thí sinh chuẩn bị lễ vật như bánh đậu xanh, bóng đèn, bút, giấy... đem vào điện đặt lễ.  Những vật phẩm này tượng trưng cho mong mỏi thi cử thuận buồm xuôi gió...

Và từ nhiều năm nay, cứ gần đến các kỳ thi quan trọng, học sinh, sinh viên và gia đình lại đổ về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám để "lễ cầu may". Việc này cũng thường gây ra tranh luận bởi có người coi đó là hành vi mê tín, nhiều người lại khẳng định là "liệu pháp tâm lý" bình thường.

Theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Hoàng - Giám đốc điều hành trung tâm tâm lý Dr.Psy, hiện tượng nhiều người đổ xô đi cầu may trước khi làm việc quan trọng là dễ hiểu. "Xét ở góc độ tâm lý, việc cầu cúng góp phần trấn an tinh thần trước khi thực hiện việc lớn như đi thi, động thổ xây nhà...", ông Hoàng nói.

Ông Hoàng cũng cho rằng, người Việt từ nhiều đời nay đều đặt niềm tin vào tín ngưỡng cũng như tâm linh bởi quan niệm "có thờ có thiêng, có kiêng có lành". Bên cạnh đó, người Việt có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, với quan niệm "các cụ sẽ về phù hộ cho con cháu thi cử thuận lợi". Chính vì thế, việc cúng bái trước khi làm việc quan trọng là thể hiện mong muốn được tổ tiên trợ giúp.

Giai-ma-ly-do-nguoi-Viet-luon-cau-cung-truoc-khi-lam-viec-quan-trong-8
Sĩ tử đi xin chữ trước các kỳ thi quan trọng

Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải - Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đồng tình với nhận định trên. Theo ông, việc cầu may, lễ vái trước khi làm việc quan trọng là những hoạt động thuộc phạm trù đời sống tâm lý của con người.

Theo đó, nhu cầu của con người là vô tận, phát triển theo quy luật của "lòng tham" gồm của cải, danh vọng, địa vị, quyền lực... Để thỏa mãn nhu cầu, nhiều người sẵn sàng làm mọi việc có thể trong đó có việc cầu cúng, lễ bái. Trong trường hợp này dễ phát sinh hoạt động mê tín dị đoan.

Có một nguyên nhân khác khiến nhiều người chọn cúng bái lễ lạp trước khi làm việc quan trọng đó là vì đức tin, vì lòng biết ơn hoặc tuân thủ, duy trì và giáo dục các chuẩn mực tốt đẹp trong cuộc sống gia đình, cộng đồng, xã hội. Ở một khía cạnh nào đó, hoạt động này cũng là nhu cầu của con người nhưng không đồng nghĩa với lòng tham.

Ông Hải cũng cho rằng, con người thường hướng đến sự hoàn hảo. Khi chưa hiểu biết đầy đủ, không lý giải được rõ ràng, hợp lý một hiện tượng, sự việc nào đó, người ta thường có tâm lý bị ảnh hưởng tâm lý đám đông, thấy người ta làm thế nào thì mình làm như vậy, không theo thì không yên tâm", ông Hải nói.

Chuyên gia tâm lý Ngọc Hoàng cho rằng, bản chất của tín ngưỡng thờ cúng, cầu may không xấu. Bởi nó được xây dựng dựa trên truyền thống dân tộc và cũng thể hiện đặc điểm văn hóa tinh thần của người Việt. 

Giai-ma-ly-do-nguoi-Viet-luon-cau-cung-truoc-khi-lam-viec-quan-trong-86
Ảnh: Báo Tin tức

Một trong những nguyên nhân tạo ra các phong tục thờ cúng là để đáp ứng nhu cầu tâm lý của con người khi gửi gắm niềm tin vào thế lực siêu nhiên, vô hình. Điều đó cũng cho thấy bản chất của các phong tục là tính hướng thiện, tinh thần lạc quan và mong đợi những điều tốt đẹp.

"Tuy nhiên, khi tín ngưỡng bị biến tướng, sự gửi gắm niềm tin trở nên sai lệch, mới trở nên tiêu cực", ông Hoàng khẳng định. Chẳng hạn, ỷ vào việc cúng bái mà không cố gắng, chểnh mảng vì tin rằng "thần phật làm cho hết" lại trở thành mê tín. Do đó, cầu may phần nào hữu ích khi nó giúp người cầu cúng có tâm lý an tâm hơn trước khi làm việc quan trọng. Nhưng nó cũng có thể trở nên sai lệch nếu quá tin vào tâm linh, không chú trọng nỗ lực của bản thân.

"Không có gì là đúng hay sai cho việc cầu mong và gửi gắm niềm tin vào thần phật, chỉ là do cách thức người làm quyết định đó có phải là mê tín hay không", ông Hoàng nói.

Ông Phạm Đình Hải cũng cho rằng, bí quyết của hoạt động lễ bái, cầu cúng được đúc kết như một quy luật trong thành ngữ "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu", có nghĩa là tài năng, đức độ, tâm ý của người cầu cúng phải hướng thiện để tạo thành một dạng năng lượng tương ứng với năng lượng của đối tượng cầu cúng (thần phật).

"Từ hơn 2.500 năm trước, kinh sách đạo Phật đã ghi chép nhiều bài học kinh nghiệm về những sai lầm, mê tín dị đoan trong hoạt động cầu cúng, lễ bái. Những nơi đông đúc, xô bồ, hỗn tạp chắc chắn không phải là nơi lý tưởng để thực hiện những nghi lễ này", ông Hải khẳng định.

(Theo VnExpress)

Xem thêm: Ly kỳ chuyện ni cô sở hữu nhân tướng như "La Hán tái phàm"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận