Giải đề: "Khao khát của nhà văn hướng đến..."

“Nhà văn phải viết vì một con người hôm nay, vì thế giới hôm nay và vì thời đại của mình. Song cái lý tưởng mà nhà văn khao khát và hướng đến vẫn là một giá trị nhân loại trong trọn vẹn thời gian và không gian lịch sử”.

Đỗ Thu Nga
12:00 12/03/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

ĐỀ BÀI:

Đề bài: Bàn về sứ mệnh của nhà văn, có ý kiến cho rằng: “Nhà văn phải viết vì một con người hôm nay, vì thế giới hôm nay và vì thời đại của mình. Song cái lý tưởng mà nhà văn khao khát và hướng đến vẫn là một giá trị nhân loại trong trọn vẹn thời gian và không gian lịch sử”, Nguyễn Hoàng Đức.

Bằng hiểu biết của anh/chị về tác phẩm “Chí Phèo” (Nam Cao) và đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” (Trích vở kịch “Vũ Như Tô”, tác giả Nguyễn Huy Tưởng), hãy làm rõ nhận định trên.

GỢI Ý GIẢI ĐỀ:

Giải thích

- “Viết vì một con người hôm nay, vì thế giới hôm nay và vì thời đại của mình”: sự phản ánh thời đại vào tác phẩm, đó là những vấn đề, những sự việc có tính chất thời sự được nhà văn đưa vào tác phẩm của mình.

- “Giá trị nhân loại”: giá trị mọi thời của loài người, những giá trị có tính chất nhân bản. Giá trị nhân loại phản ánh tính người trong mỗi con người: khát vọng hạnh phúc, luôn ngưỡng vọng các giá trị Chân-Thiện-Mỹ. Giá trị nhân loại thể hiện trong các câu hỏi muôn thuở là con người trăn trở: Ý nghĩa của sự tồn tại là gì? Con người sẽ đi về đâu? Thế nào là hạnh phúc? …

-> Qua nhận định của mình, Nguyễn Hoàng Đức đã đề cập đến những giá trị trong nội dung phản ánh của văn học:

+ Trước hết, tác phẩm văn học phải hướng đến những giá trị của thời đại, phản ánh những vấn đề có tính chất xã hội, lịch sử.

+ Nhưng để có một sức sống vững bền, trở thành một tác phẩm không bao giờ chạm đáy, thì tác phẩm ấy phải chạm đến các giá trị muôn đời của loài người, có như vậy tác phẩm văn học mới có thể trường tồn “trong trọn vẹn thời gian và không gian lịch sử”.

giai-de-khao-khat-cua-nha-van-huong-den-0

Bàn luận

-Nhận định của Nguyễn Hoàng Đức là đúng đắn.

1.Tại sao “Nhà văn phải viết vì một con người hôm nay, vì thế giới hôm nay và vì thời đại của mình”?

- Cuộc đời là điểm xuất phát của văn học. Văn học là tấm gương phản ánh cuộc sống. Cuộc đời cung cấp chất liệu và nguồn cảm hứng để làm nên các tác phẩm văn học. Hiện thực ấy trước hết là hiện thực của “con người hôm nay”, “thế giới hôm nay”, “thời đại của mình”, chính là toàn bộ cuộc sống mà nhà văn là một phần của nó, chính là các sự kiện, con người, những tư tưởng, cảm xúc chạm vào tâm hồn nhà văn hằng ngày, hằng giờ để làm nên cảm hứng sáng tác.

- Nhiệm vụ của văn học là cải tạo hiện thực cuộc sống. Thông qua lực lượng vật chất tích cực là con người, văn học tác động để xây dựng cuộc đời tốt đẹp hơn. Do đó, trách nhiệm của nhà văn là phải nắm bắt những vấn đề nhức nhối, trăn trở của thời đại, nhận ra được nỗi lo âu đau đớn của con người thời đại, từ đó đưa ra kiến giải về một hướng đi của thời đại.

2. Vì sao “lý tưởng mà nhà khao khát của nhà văn hướng đến vẫn là một giá trị nhân loại trong trọn vẹn thời gian và không gian lịch sử”?

- Đối tượng phản ánh của văn học là con người. Văn học có nhiệm vụ lưu giữ tính người trong mỗi con người. Văn học phải cho con người hiểu biết về chính mình. Sự thật về con người đó không chỉ là những gì xảy ra ở hiện tại, mà còn là sự thật về bản chất con người trong suốt chiều dài lịch sử. Do đó, văn học phải hướng đến giá trị nhân loại.

- Nhà văn sáng tạo tác phẩm luôn mong muốn tác phẩm trường tồn cùng thời gian. Nguyễn Khải nói: “Nói cho cùng để sống được hằng ngày tất nhiên phải dựa vào giá trị tức thời. Nhưng để sống cho có phẩm hạnh, có cốt cách nhất định phải nhờ vào những giá trị bền vững”. Nếu chỉ dừng lại ở việc phản ánh những giá trị của thời đại, những vấn đề của ngày hôm nay, tác phẩm văn chương chỉ là tác phẩm của một thời, nó sẽ bị quên lãng khi thời đại ấy qua đi bởi hậu thế không còn khả năng đồng cảm, tiếp nhận. Chỉ khi hướng đến giá trị nhân loại, nhà văn mới có thể sáng tạo ra những tác phẩm mọi thời, để tác phẩm tồn tại trọn vẹn trong không gian và thời gian lịch sử, bởi người đọc ở mọi thời đều có thể tìm thấy mình trong đó.

Tóm lại, Nếu những vấn đề của đời sống hôm nay, của thời đại hôm nay thu hút độc giả, làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm, thì những vấn đề mang giá trị nhân loại mới thực sự làm nên sức sống muôn đời của văn chương. Những giá trị của con người hôm nay, thời đại hôm nay làm nên sức sống của tác phẩm văn học trong thời gian đồng đại, còn những giá trị nhân loại làm nên sức sống của tác phẩm trong dòng thời gian lịch đại.

Chứng minh

CHÍ PHÈO

1. Vấn đề “hôm nay”mà tác phẩm “Chí Phèo” phản ánh chính là hiện thực xã hội Việt Nam trước CMT8:

+ Xã hội làng Vũ Đại chính là lát cắt hiện thực cho thấy bản chất của xã hội đương thời. Đó là một xã hội có cái thế “quần ngư tranh thực”. Bọn cường hào ác bá tranh nhau xâu xé, đè nén, áp bức người nông dân vô tội.

+ Đi sâu vào hiện thực nhức nhối đầy xung đột, Nam Cao đã phát hiện ra những quy luật có tính chất phổ biến: Tấn bi kịch tha hóa của người nông dân lương thiện. (Chọn chi tiết để làm bật lên nội dung này).

2. Không dừng lại ở những vấn đề “hôm nay”, tài năng của một nhà văn hiện thực xuất sắc đã giúp Nam Cao chạm được đến những vấn đề có “giá trị nhân loại”, đề cao những giá trị nhân văn, nhân bản.

2.1. “Giá trị nhân loại” thể hiện qua sự khám phá vẻ đẹp của nhân tính

Luận điểm: Càng đi sâu vào tấn bi kịch của sự tha hóa, Nam Cao càng tin vào sức sống không thể bị hủy diệt của nhân tính. Niềm tin vào nhân tính ông gửi gắm vào hình tượng giọt nước mắt.

- Phân tích: Khi bị thị Nở từ chối, Chí Phèo “ôm mặt khóc rưng rức”. Hắn khóc như một đứa trẻ. Đó là giọt nước mắt đau đớn đến tận cùng. Chí Phèo khóc thương cho tình yêu và niềm hy vọng tan vỡ không cách gì níu kéo được. Chí Phèo khóc vì cánh cửa trở lại làm người đóng sập ngay khi cuộc sống trở về. Chí Phèo khóc vì nhận ra bi kịch đau đớn không thể cứu vãn.

giai-de-khao-khat-cua-nha-van-huong-den-9

-> Ý nghĩa chi tiết giọt nước mắt

- Đối với Nam Cao, giọt nước mắt là miếng kính biến hình vũ trụ, chính là biểu hiện rõ rệt nhất của nhân tính trong mỗi con người.Chí Phèo khi nhìn tình yêu, hạnh phúc và cánh cửa trở lại làm người vụt mất, đã “ôm mặt khóc rưng rức”. Hộ (Đời thừa) sau cơn say tỉnh dậy thấy ấm nước sôi của Từ, thì hối hận. “Và hắn khóc… ơi chao! Hắn khóc.Hắn khóc nức nở, khóc như thể không ra tiếng khóc. Hắn ôm chặt lấy cá bàn tay bé nhỏ của Từ vào ngực mình mà khóc”

- Giọt nước mắt chính là hiện thân của khả năng xúc cảm, khả năng xúc cảm chính là biểu hiện của nhân tính. Nam Cao tin rằng, khi con người có thể khóc thì khi ấy nhân tính vẫn chưa chết hẳn trong tâm hồn của họ.

- Giọt nước mắt tượng trưng cho những tình cảm rất chân thành trong tâm hồn con người: sự cảm động, tình yêu thương, niềm hạnh phúc, nỗi ăn năn hối hận, sự đau đớn dằn vặt… Nó đối lập hoàn toàn với trạng thái triền miên say đánh mất ý thức, cảm xúc – trạng thái của kiếp sống con người-thú mà cả Chí Phèo và Hộ đều từng trải qua.

2.2. “Giá trị nhân loại” thể hiện qua việc khám phá vẻ đẹp của tình người

Luận điểm: Qua hình ảnh bát cháo hành bình dị mà chan chứa yêu thương, Nam Cao đã chạm được đến vẻ đẹp muôn đời của nhân tính: tình người.

Phân tích

- Khi Chí Phèo còn suy nghĩ, Thị Nở vào “cắp một cái rổ, trong đó có một nồi gì đậy vung. Đó là một nồi cháo hành còn nóng nguyên”.

- Bát cháo hành giản dị và chan chứa tình người ấy đã tác động vào Chí Phèo: (Chọn chi tiết đặc sắc làm bật lên tâm trạng Chí Phèo).

- Bình luận (Ý nghĩa bát cháo hành)

- Hình ảnh bát cháo hành là một hình ảnh đặc sắc, giàu ý nghĩa tượng trưng:

-> Đó là kết tinh cho tình yêu thương bình dị mà cao cả của Thị Nở, một vẻ đẹp hiếm có được tìm ấy nơi người phụ nữ “ma chê quỷ hờn” bị cả làng Vũ Đại xa lánh.

-> Nó vừa thể hiện thông điệp nhân văn: Chỉ lòng tốt và tình thương mới cứu rỗi được linh hồn con người, đồng thời vừa chỉ ra một sự thực đau xót: ngay cả một lòng tốt bình dị nhất mà hơn nửa cuộc đời Chí Phèo mới lần đầu tiên có được. Thông điệp trở đi trở lại đầy ám ảnh trong các tác phẩm của Remarque: “Cái mà nhân loại thiếu, đó là một lòng tốt bình thường”.

-> Bát cháo hành thể hiện niềm tin của Nam Cao vào nhân tính không thể bị hủy diệt của con người, và chính bát cháo hành là phép màu làm nên cuộc lột xác đầy đau đớn và vật vã của Chí Phèo từ con quỷ dữ làng Vũ Đại trở về anh Chí lương thiện, từ loài thú sống kiếp mù tối trở về kiếp sống con người, khao khát yêu thương, khao khát hạnh phúc và mong muốn sống lương thiện.

VĨNH BIỆT CỬU TRÙNG ĐÀI

1.Vấn đề thời đại mà vở đoạn trích thể hiện chính là tấn bi kịch lịch sử xảy ra với nhân vật Vũ Như Tô:

Phân tích:

-Vớ kịch có hai xung đột chính: xung đột giai cấp (giữa vua tôi Lê Tương Dực chỉ biết ăn chơi hưởng lạc và nhân dân lầm than, đói khổ), xung đột giá (giữa ước mơ của Vũ Như Tô – đại diện cho cái Đẹp, và lợi ích thiết thực của nhân dân – đại diện cho cái Thiện). Trong đoạn trích, xung đột giai cấp đã được giải quyết bằng cái chết của Lê Tương Dực. Chỉ còn xung đột giá trị làm nên những mâu thuẫn xung đột sôi réo trong vòng xoáy của lịch sử, “vấn đề thời đại” hiện ra trong chính những cuồng nộ của lịch sử ấy.

-> Xung đột diễn ra từ xa đến gần. diễn biến của lớp kịch căng thẳng, dồn dập, cuộc biến loạn giống như một cơn giông bão đang dần tiến đến Vũ Như Tô, càng lúc càng dữ dội, tàn khốc, đau thương. Nó dữ dội từ xa trong lời kể của Đan Thiềm và quan nội giám, nó thảm khốc trong cái chết của tên quan ngu trung Nguyễn Vũ, nó đau thương trong cái chết của Đan Thiềm, nó bi phẫn trong sự hủy diệt của Cửu Trùng Đài và trong cái chết của bản thân Vũ Như Tô.

-> Cùng với diễn biến căng thẳng ấy, sự căm phẫn của nhân dân trước Cửu Trùng Đài, trước Vũ Như Tô ngày một sục sôi, hờn oán. Vì mượn tay Lê Tương Dực để thực hiện khát vọng nghệ thuật của mình nên Vũ Như Tô bị đánh đồng với kẻ xa hoa, tàn ác, với tên hôn quân bạo chúa, bị coi là kẻ gây tội ác. “Ai ai cũng cho ông là thủ phạm. Vua xa xỉ là vì ông, công khố hao hụt là vì ông, dân gian lầm than là vì ông, man di oán hận là vì ông, thần nhân trách móc là vì ông”

Vũ Như Tô trở thành mục tiêu cho sự oán giận, trở thành đối tượng để nhân dân và quân phiến loạn tàn phá, hủy hoại, giết hại.

giai-de-khao-khat-cua-nha-van-huong-den-6

-> Hiện thực phũ phàng càng lúc càng tới gần, cái chết và sự hủy diệt đã chạm đến người tri kỉ nhất là Đan Thiềm và chuẩn bị giáng xuống đầu, Vũ Như Tô vẫn bướng bỉnh, ông không hiểu và không chấp nhận mình có tội. Điệp khúc “Vô lý! Vô lý!” vang lên như một cách ông bướng bỉnh, đấu lý với cuộc đời.

-Nhân vật bi kịch Vũ Như Tô phải trả giá bằng sự hủy diệt của mộng lớn và bằng chính tính mạng của mình. Điều bi thương nhất của Vũ Như Tô là sự lạc lõng của ông giữa những kẻ nông nổi và tàn ác, là sự cô đơn đến đáng thương trước lòng hận thù của nhân dân. Chỉ đến khi kinh thành phát hỏa, Cửu Trùng Đài bị đập phá và biến thành một đài lửa rừng rực trong kinh Thăng Long đầy biến động, tận mắt chứng kiến “ánh lửa sáng rực, có cả tàn than, bụi khói bay vào”, Vũ Như Tô mới vỡ mộng, bừng tỉnh, xiết bao đau đớn, rú lên kinh hoàng tuyệt vọng: “Trời ơi! Phú cho ta cái tài làm gì? Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài!”. Trước sự thật tàn khốc ấy, nỗi đau vỡ mộng trong Vũ Như Tô hóa thành tiếng kêu bi thiết, não nùng, khắc khoải. Trong tiếng kêu ấy, mộng lớn, Đan Thiềm, Cửu Trùng Đài được tác giả đặt nối tiếp nhau, dồn dập vang lên, nỗi đau mất mát như hòa vào làm một, thành nỗi đau bi tráng tận cùng. Đây chính là âm hưởng chủ đạo trong đoạn kết của tác phẩm và cũng là thứ chủ âm dội ngược lên toàn bộ những phần trước của vở kịch.

-> Từ cái lõi lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng đã chạm đến vấn đề của thời đại, bi kịch của Cửu Trùng Đài chính là bi kịch trong mối quan hệ giữa nghệ sĩ và nhân dân.

2. Từ đó, Nguyễn Huy Tưởng triển khai những câu hỏi đã chạm đến những vấn đề mang giá trị nhân loại

- Câu hỏi về khát vọng muôn đời của nhân loại: Đằng sau Cửu Trùng Đài không chỉ là ước vọng xây một tòa đài “tranh tinh xảo với hóa công”để đất nước “nghìn thu còn hãnh diện”, mà đó còn là khát vọng vượt qua mọi giới hạn không gian và thời gian để vươn tới sự trường tồn vĩnh cửu.

-> Những câu hỏi ấy không dễ gì trả lời, vẫn luôn mãi trăn trở và nhức nhối trong tâm trí nhà văn và người đọc, bởi đó là những câu hỏi loài người luôn luôn đi kiếm tìm trên hành trình khẳng định ý nghĩa của sự tồn tại. Đó là những câu hỏi ngàn đời con người phải theo đuổi, để đạt được đến sự tồn tại toàn vẹn trong không gian và thời gian lịch sử.

Đánh giá

- Cả hai tác phẩm đều đã khẳng định tính đúng đắn của nhận định. Những vấn đề hôm nay chính là điều kiện cần để làm nên một tác phẩm hấp dẫn. Nhưng chính những giá trị nhân loại mới là cốt lõi, là điều kiện đủ để tác phẩm trường tồn cùng thời gian.

- Để truyền tải trọn vẹn những giá trị ấy, cần có sự hài hòa giữa nội dung và hình thức, nhà văn phải sáng tạo những hình thức nghệ thuật độc đáo, phù hợp để làm nên hình hài sắc vóc cho tác phẩm nghệ thuật.

- Bài học cho nhà văn và bạn đọc

(Theo thầy Trần Lê Duy)

Xem thêm: Lý luận văn học: "Xuyên qua ngôn ngữ, người ta có thể khái quát, cảm nhận hiện thực"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận