Bài văn 9 điểm phân tích về giá trị nhân đạo trong "Chiếc thuyền ngoài xa"

"Chiếc thuyền ngoài xa" là một sáng tác tiêu biểu của ông không chỉ bởi đề tài sáng tác mới mẻ mà còn bởi giá trị nhân đạo sâu sắc của nó.

Đỗ Thu Nga
12:00 01/03/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Theo quan điểm của Nguyễn Văn Siêu một tác phẩm văn chương chân chính phải gắn bó chặt chẽ với đời sống con người, có khả năng nhân đạo hóa con người, làm cho “người gần người hơn”. Nguyễn Minh Châu là nhà văn luôn luôn trăn trở về cuộc sống nhân dân và thiên chức của người cầm bút. Chiếc thuyền ngoài xa là một sáng tác tiêu biểu của ông không chỉ bởi đề tài sáng tác mới mẻ mà còn bởi giá trị nhân đạo sâu sắc của nó.

Văn chương thời kì đổi mới giai đoạn sau năm 1975 tiếp nhận khá nhiều tác phẩm hay và những đề tài mới mẻ. Chiến tranh kết thúc, nhiều vấn đề nhân sinh đạo đức phải được nhìn nhận lại, văn chương cũng phải đổi mới đề tài sáng tác. Nếu trước năm 1975, ngòi bút Nguyễn Minh Châu thiên hướng sử thi, lãng mạn trong đề tài người lính thì sau năm 1975, ông lại chuyển hướng vào những vấn đề đời tư thế sự, khám phá vẻ đẹp con người đằng sau cuộc sống lấm láp, đời thường, trong hành trình mưu sinh vất vả. Chiếc thuyền ngoài xa tiêu biểu cho khuynh hướng sáng tác này của Nguyễn Minh Châu. Hiện thực cuộc sống người dân sau chiến tranh đã được phác họa rõ nét. Ẩn sâu trong đó là cả một tấm lòng nhân đạo sâu sắc của nhà văn Nguyễn Minh Châu – nhà văn được tôn vinh là “người mở đường tinh anh và tài năng nhất” người đã khám phá con người trong tầng sâu lịch sử để tìm kiếm “những hạt ngọc” còn “ẩn giấu” đằng sau những dáng vẻ lấm láp đời thường kia.

Trước hết, giá trị nhân đạo của truyện được thể hiện ở niềm xót thương, cảm thông của nhà văn với số phận con người dập dềnh, lênh đênh trên đau thương của đại dương của cuộc sống, cuộc sống lam lũ vất vả của gia đình thuyền chài. Chiếc thuyền là không gian sinh hoạt của đôi vợ chồng và một đàn con thơ. Ước mơ lớn nhất của người vợ là có một chiếc thuyền rộng hơn và được nhìn thấy đàn con được ăn no. Trong lúc hoàn cảnh túng quẫn, người chồng thay đổi tâm tính trở nên tàn bạo, vũ phu. Người vợ vì thương con, bất lực nên đã cam chịu đòn chồng và còn xin lên bờ để đánh. Người đàn bà làng chài trong truyện chính là hiện thân cho những gì là đau khổ, bất hạnh. Chị chính là hiện thân cho biết bao số phận của những người phụ nữ miền biển lênh đênh, nhọc nhằn luôn khao khát những hạnh phúc đời thường mà ngoài tầm tay với. Chị sống lam lũ, khó nhọc cùng gia đình trên chiếc thuyền chật hẹp lại thường xuyên phải chịu đòn chồng, không phải dăm bữa nửa tháng mà là “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”.

Giá trị nhân đạo của truyện ngắn không chỉ được thể hiện ở lòng xót thương, cảm thông sâu kín của nhà văn mà còn ở chỗ Nguyễn Minh Châu đã kịch liệt lên án nạn bạo lực gia đình đã gây ra bao nhiêu đau khổ mà nạn nhân chính là phụ nữ và những tâm hồn trẻ thơ. Thói vũ phu của người chồng cũng do hoàn cảnh xô đẩy. Thế nhưng chứng kiến cảnh mẹ mình bị cha đánh đập, thằng Phác đã có dấu hiệu của một đứa trể thiếu vắng tình yêu thương. Nó thương mẹ nó và căm giận cha nó. Nó đã từng tuyên bố “Chừng nào nó còn ở trên biển thì mẹ nó không bị đánh”. Nó giống bố nó ở tính nết cục cằn, thô lỗ. Bởi vậy, nó nhất quyết chống lại hành động của cha. Chứng kiến mẹ bị đánh, nó xông ra ngăn cản để rồi nhận lấy hai cái tát của cha làm nó ngã dúi dụi xuống cát. Ba hôm sau nó lại định dùng dao găm chống lại người cha và cứu lấy người mẹ đáng thương của nó. Tâm hồn thằng bé Phác đã trở nên bị vấy bẩn bởi phải chứng kiến cảnh tượng không đáng có. Tâm hồn Phác sẽ không thể lành lặn. Tuổi thơ của em đang bị chà đạp bởi cái xấu, cái ác.

gia-tri-nhan-dao-trong-chiec-thuyen-ngoai-xa

Bên cạnh đó, Nguyễn Minh Châu còn phê phán lòng tốt hời hợt, cách hành động thiếu thiết thực của luật pháp vào đời sống con người. Dù Phùng và Đẩu có thiện chí giúp đỡ người đàn bà nhưng họ không hiểu thấu, hiểu sâu hoàn cảnh và bi kịch cuộc đời của người đàn bà kia. Từ đó, Nguyễn Minh Châu muốn phát biểu: luật pháp và lòng tốt là cần thiết nhưng luật pháp phải đi sâu vào cuộc sống con người, phải vì con người. Những người cầm cân nảy mực phải thấu hiểu cuộc sống nhân dân thì cuộc sống của những người dân vất vả kia mới có thể khấm khá hơn được.

Điều đặc biệt làm nên giá trị nhân đạo của Chiếc thuyền ngoài xa khiến cho tác phẩm có thể phát sáng mãi là ở chỗ nhà văn biết phát hiện, nâng niu, trân trọng vẻ đẹp tâm hồn con người đằng sau cuộc sống gian khổ, nghèo khó. Phẩm chất của người đàn bà hàng chài trong tác phẩm chính là vẻ đẹp khuất lấp, là điểm sáng rực rỡ của truyện ngắn mà Nguyễn Minh Châu gọi đó là “hạt ngọc còn ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người”. Tình yêu thương con hết mực, sức chịu đựng tuyệt vời chính là những vẻ đẹp dễ thấy ở người đàn bà. Câu nói “đưa tôi lên bờ mà đánh” đã thể hiện được tình yêu thương đó. Người đàn bà không muốn con mình nhìn thấy cảnh bạo lực tàn ác. Tiếng gọi “Phác, con ơi!” cùng hành động ôm chầm lấy con đã chứng tỏ tình yêu thương vô bờ bến chị dành cho đứa con tội nghiệp. Rồi hành động “chắp tay vái lấy vái để” thể hiện được sự hối lỗi, ăn năn khi nỡ để con nhìn thấy mình bị đánh.

Điều dễ thấy ở người đàn bà chính là đức hi sinh, lòng vị tha, bao dung của một người vợ, người mẹ. Chị thấu hiểu lão chồng mình, thấu hiểu rằng lão chỉ là nạn nhân. Cách nhìn của chị về lão khác hẳn với Phùng, Đẩu và cả thằng Phác. Trong đau khổ chị vẫn chắt chiu những hạnh phúc đời thường, lấy đó làm điểm tựa để sống vững hơn. Người đàn bà thất học mà không tăm tối. Đằng sau cái vẻ lấm láp, lam lũ của người đàn bà chính là sự hiểu đời, hiểu người sâu sắc. Câu chuyện của người đàn bà ở tòa án huyện đã cho thấy rõ điều đó. Từ thái độ rón rén, sợ sệt ban đầu, chị trở nên sắc sảo đưa ra những lí do chị không thể bỏ gã chồng vũ phu, độc ác. Chị cần hắn để chèo chống con thuyền trong phong ba bão táp, để cùng nhau nuôi đặng một sắp con. Lí lẽ của chị đưa ra thật sắc sảo, làm nên những bước ngoặt trong nhận thức của cả Phùng và Đẩu, buộc người nghệ sĩ và vị chánh án phải nhìn cuộc sống ở góc độ đa chiều: “có gì vỡ ra trong đầu của vị boa công phố biển”, còn Phùng thì nhận thấy “căn phòng lộng gió của Đẩu như bị hút hết không khí trở nên ngột ngạt”.

Từ đó nhận ra người đàn bà ấy không cam chịu đau đớn về thể xác và tinh thần một cách ngờ nghệch mà chị rất hiểu đời, hiểu người sâu sắc hơn hai vị trí thức. Người đàn bà là hiện thân cho tình yêu thương, đức hi sinh tuyệt vời mà Nguyễn Minh Châu hết sức trân trọng.

Xem thêm: So sánh chi tiết "A Sử trói Mị" (Vợ chồng A Phủ) và "gã đàn ông đánh vợ" (Chiếc thuyền ngoài xa)

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận