Full mở bài nâng cao cho tất cả các tác phẩm văn học lớp 12 [P1]: 2k5 đừng bỏ lỡ nhé!
Sống Đẹp xin chia sẻ trọn bộ mở bài nâng cao cho các tác phẩm văn học lớp 12 được trích dẫn từ fanpage "Lớp Văn Thầy Nhật" để các bạn học sinh, nhất là 2k5 tham khảo.
1. TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP - HỒ CHÍ MINH
Chiều dài bốn ngàn năm của lịch sử dân tộc có biết bao nhiêu dấu mốc đáng ghi nhớ gắn liền với sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm. Và một trong những mốc trọng đại ấy là sự kiện Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Để tuyên bố với cả thế giới và nhân dân cả nước rằng Việt Nam từ nay dành được độc lập, Hồ Chí Minh đã viết tuyên ngôn độc lập. Một văn kiện vừa mang tính văn học, vừa đậm tính lịch sử.
2. TÂY TIẾN - QUANG DŨNG
Chiến tranh đã đi xa nhưng những dư vang của nó thì vẫn luôn còn đó, đọng lại mãi trong lòng mỗi chúng ta. Chúng ta sẽ chẳng thể quên "cái chết hóa thành bất tử" khi gặp ở trang thơ Tố Hữu, càng không thể quên hình ảnh người chiến sĩ " đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới" in sâu trong thơ của Chính Hữu,... Từ bao giờ, người lính trở thành tượng đài bất tử như thế trong thơ ca? Đi qua biết bao khó khăn, gian khổ, hình ảnh những người lính Tây Tiến cũng hình ảnh còn mãi, sống mãi, đẹp mãi. Ta bắt gặp họ trong từng câu thơ đầy cảm xúc của Quang Dũng gửi gắm vào tác phẩm "Tây Tiến".
3. VIỆT BẮC - TỐ HỮU
Nhắc đến Tố Hữu, ai cũng nhớ đến ông bởi ông là người đại diện xuất sắc của thơ ca cách mạng Việt Nam và cũng là nhà thơ có phong cách riêng, độc đáo. Giọng thơ của ông luôn thấm đẫm chất trữ tình sâu lắng, gắn liền với các chặng đường quan trọng của lịch sử dân tộc. Chính vì thế, "Việt Bắc" chính là đỉnh cao của thơ Tố Hữu và cũng là thành tựu xuất sắc của thơ ca kháng chiến thời kỳ chống Pháp.
4. ĐẤT NƯỚC - NGUYỄN KHOA ĐIỀM
"Đất Nước" - hai tiếng gọi thiêng liêng nhất đối với mỗi con người Việt Nam. Chỉ với hai từ ngắn gọn nhưng mỗi khi vang lên ta lại thấy được sự cao, trang trọng nhưng lại rất đỗi bình dị và gần gũi. Giai đoạn 1945 - 1975, "Đất Nước" của Nguyễn Khoa Điềm như một bản giao hưởng trầm hùng cất lên với biết bao yêu thương cháy bỏng, ngân nga cùng tháng năm.
5. SÓNG - XUÂN QUỲNH
Không biết tự bao giờ, những con sóng ào ạt từ sông, biển đã chạm vào trái tim của biết bao nghệ sĩ. Nếu ở Nguyễn Khuyến thổi vào sóng hơi thở của mùa thu thanh mát, Huy Cận viết sóng Tràng Giang bằng những câu thơ hắt hiu của người thi sĩ bất lực trước thời cuộc thì Xuân Quỳnh đã phủ trọn con sóng kia bằng tình yêu nồng nàn, vĩnh cửu, say đắm, cháy bỏng. Giữa lúc kháng chiến chống Mỹ đang ở giai đoạn nước sôi lửa bỏng, vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm, chung thủy trong tình yêu được nữ sĩ Xuân Quỳnh thể hiện trong tác phẩm "Sóng" rực sáng như một viên ngọc sáng của văn chương.
6. ĐÀN GHITA CỦA LORCAR - THANH THẢO
Thanh Thảo - nhà thơ giàu suy tư, trăn trở với những vấn đề của đời sống. Bằng tài năng và lối tư duy độc đáo Thanh Thảo thường đi sâu khám phá những sự kiện nổi bật của đời sống xã hội ở chiều sâu bản chất, khước từ lối biểu đạt dễ dãi, nhạt nhòa. Đàn ghi ta của Lorca là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách và tài năng của Thanh Thảo, bài thơ được sáng tác chớp nhoáng khi nhà thơ ngồi đàm đạo về thơ Lorca với một số người bạn. Bài thơ đã làm sống dậy hình ảnh Lorca - một người nghệ sĩ thiên tài, một người hiệp sĩ của đất nước Tây Ban Nha, là nỗi đồng cảm, mến mộ của Thanh Thảo với một người nghệ sĩ tài hoa nhưng số phận bi thảm, ngắn ngủ.
7. NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ - NGUYỄN TUÂN
Nguyễn Tuân - nhà văn, người nghệ sĩ tài hoa, uyên bác, cả đời say mê tìm kiếm cái đẹp của cuộc sống... Ông đặc biệt có sở trường về thể loại tùy bút. Một trong những sáng tác tiêu biểu của ông là tùy bút "Người lái đò sông Đà". Bên cạnh hình ảnh người lái đò tài hoa, dũng cảm, Nguyễn Tuân còn khắc họa được vẻ đẹp của con sông Đà qua những điểm nhìn khác nhau: Có khi dữ dội, hung bạo có lúc lại duyên dáng, nên thơ.
8. AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG - HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
Nhà văn Thu Bồn viết:
"Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu"
Những vần thơ ấy gợi nhắc cho chúng ta về một xứ Huế mộng mơ, dịu dàng với dòng sông Hương xinh đẹp. Chính dòng sông ấy, vùng đất ấy đã để lại cảm hứng trong lòng vô số nhà văn, nhà thơ khi đến đây để sinh ra những tác phẩm văn học có giá trị. Tương tự thế, sông Hương đi vào trong trang văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường để lại những thương nhớ không nguôi trong "Ai đã đặt tên cho dòng sông".
(Còn tiếp...)
Xem thêm: "Share" về tham khảo dần: Những cách dẫn dắt từ mở bài sang thân bài trong bài nghị luận văn học
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận