Đức Phật giải thích: Tiền có thể mua được hạnh phúc không?
Đức Phật dạy, hạnh phúc không nằm ở việc nhiều tiền mà nằm ở sự thanh tĩnh trong tâm hồn mỗi người.
Trong kinh kệ giáo lý nhà Phật có viết rằng: Người Phật tử ngoài tu tập, tích đức hành thiện thì có quyền làm giàu. Nhiều người cho rằng làm giàu, có tiền bạc rủng tỉnh là có được mọi thứ trên đời, thậm chí có cả hạnh phúc. Nhưng có thực sự như vậy không? Có tiền trong tay, ta sẽ được hạnh phúc, được sống trong tình yêu thương chân thật hay không?
Dân gian có câu: “Còn tiền còn bạc còn đệ tử, Hết cơm hết gạo hết ông tôi.” Tiền bạc chi phối nhiều mối quan hệ trong xã hội, tạo ra quyền lực ảo, nhưng chưa chắc đã giúp chúng ta có được tình cảm thực sự của người khác.
Nhưng nếu cuộc sống thiếu thốn tiền bạc thì sẽ vô cùng khó khăn, khổ sở. Chẳng những cái ăn cái mặc bị hạn chế mà khi ốm đau, bệnh tật cũng không có cách nào để thoát khỏi cảnh ấy. Khi tiền bạc dồi dào thì đời sống vật chất cũng theo đó mà sung túc, sức khỏe được cải thiện ít nhiều khi không phải chịu khổ sở về thể chất, mệt mỏi về tinh thần.
Đức Phật có răn rằng, con người ai cũng có quyền làm ra tiền bạc bằng chính mồ hôi nước mắt của bản thân, dùng sự siêng năng cần cù, vận dụng trí óc để tạo ra tiền bạc, từ đó gây dựng cho mình cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Theo lời Phật dạy, hạnh phúc trong cuộc sống không nằm ở việc chúng ta có bao nhiêu tiền, có bao nhiêu tài sản hay có quyền lực lớn đến mức nào mà hạnh phúc nằm ở sự tự do tự tại, sự thanh tĩnh ở tâm hồn khi không bị lòng tham lam, sân hận, si mê, thù ghét làm cho vẩn đục.
Đức Phật có nói “Thiểu dục tri túc”, có nghĩa là giảm bớt tâm tham và biết thế nào là đủ. Biết đủ không có nghĩa là an phận thủ thường, chấp nhận số phận mà không có ý thức cầu tiến, không muốn phấn đấu.
Biết đủ ở đây là hoan hỷ với bất cứ kết quả nào mà chúng ta nhận được sau khi đã vận dụng hết khả năng và trí tuệ của mình để thực hiện, đã nỗ lực hết sức mình.
Tiền bạc và của cải không đồng nghĩa với hạnh phúc. Hạnh phúc sẽ đến khi chúng ta biết đủ, biết hài lòng với hiện tại, biết trân trọng những gì mình đang có trong tay chứ không phải đứng núi này trông núi nọ, đòi hỏi mình có được những thứ mà người khác đang sở hữu.
Hạnh phúc thực sự vốn chẳng thể nào mua được bằng tiền, cũng chẳng thể bán hay đổi hạnh phúc lấy tiền bạc chi tiêu. Ai có suy nghĩ dùng tiền bạc để mua hạnh phúc thì người đó đã hoàn toàn sai lầm. Tiền bạc chỉ có thể tạo dựng tiền đề của hạnh phúc mà thôi. Người hạnh phúc chưa chắc đã có nhiều tiền mà người có nhiều tiền chưa chắc đã hạnh phúc.
Trong Kinh Phật có câu: “Ái dục là cội gốc của luân hồi sinh tử”. Hầu như tất cả những nỗi đau, những khổ cực hay tội ác trên thế gian đều bắt nguồn từ dục vọng, từ ham muốn quá độ, từ lòng tham lam mà sinh ra.
Đạo Phật cho rằng, con người vẫn có thể đạt được hạnh phúc ngay cả khi sự tiêu thụ vật chất là tối thiểu, tức là không cần quá nhiều tiền bạc, chúng ta vẫn có thể có được hạnh phúc trên đời.
Biết hài lòng, biết đủ với cuộc sống của mình, chúng ta sẽ không còn chịu sức ép của lòng tham, không còn thấy căng thẳng hay tiếc nuối về quá khứ đã qua, không quá trách cứ bản thân vì làm việc không được như ý.
Phật dạy ta “Thiểu dục tri túc” chính là muốn Phật tử trân quý những gì mình đang có trong tay, không cố công theo đuổi những gì nằm ngoài tầm với, khiến mình trở thành kẻ khổ sở như đang khát mà uống nước biển, càng uống lại càng bị cơn khát giày vò.
Xem thêm: Chàng trai loay hoay không biết tìm đâu để thấy Phật? - Câu chuyện Phật giáo đáng suy ngẫm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận