"Đối thoại" cùng nhà văn Nguyễn Tuân - Bài viết đáng để tham khảo của một nữ sinh lớp 11

"Cái đẹp biến khoảnh khắc trong văn học trở thành khoảnh khắc vĩnh cửu, nó khiến cho thời gian như kéo dài vô tận, lấn át đi cả nỗi sợ của cái chết".

Đỗ Thu Nga
10:00 12/03/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trong một tiết Văn học về tác phẩm “Chữ người tử tù”, thầy giáo tôi đã nói: “Các em có viết vì sao văn chương lại có sức mạnh cảm hóa con người đến như vậy không? Bởi đời sống văn học chính là những cuộc đối thoại. Người đọc, nhà văn và tác phẩm đối thoại để tìm thấy tiếng nói tri âm hoặc để làm sáng tỏ chân lý”. Nghe thầy nói, tôi đưa mắt mơ màng nhìn về phía xa xăm, thầm nghĩ “Đối thoại chỉ có thể xảy ra giữa người với người. Một trang sách đầy những con chữ thì chỉ biết nằm yên một chỗ, sao có thể chuyện trò cùng ta về bao điều trong cuộc sống? Thật ly kỳ!”

Tôi cứ thế đắm chìm trong suy tư của bản thân mà không kịp nhận ra từ lúc nào trước mắt tôi đã không cón là chiếc bảng đen bám đầy bụi phấn thường ngày nữa, cũng không còn đâu giọng nói trầm ấm quen thuộc của thầy tôi. Tôi có cảm giác mình đang đi xuyên qua không gian, một cảm giác thật lạ. Rồi bỗng nhiên, xung quanh tôi tối sầm lại. Tôi dò dẫm bước đi trong cái bóng tối dày đặc tưởng như vô lối thoát ấy. Đến một lúc, tôi chợt phát hiện ở phía xa xa kia có một luồng ánh sáng mờ mờ ảo ảo đang tỏa ra. Càng đến gần tôi mới biết hóa ra đó là ánh sáng của một chiết cầu ngũ sắc tuyệt đẹp. Tôi thích thú quá, liền bước ngay lên cầu. Nhưng diệu kỳ thay, xung quanh tôi bỗng hiện ra những nhân vật trong các tác phẩm quan thuộc như ông Lý Văn – người cầm đầu băng đảng cướp trong tác phẩm “Ném bút chì”, ông cụ Am và cái ấm trà trên tay trong truyện “Chén trà trong sương sớm” và đặc biệt hơn, tôi còn thấy có nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm “Chữ người tử tù” tay đang cầm bức lụa trắng đã ghi lên mấy chữ và tra cho viên quản ngục, dường như tất cả họ đều là những nhân vật chính trong tập truyện “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân. Đi đến gần cuối, tôi nhận ra ở bên kia cầu có một người đàn ông nom đã ngoài 50, mặc một chiếc áo cao cổ màu nâu cũ sờn trông thật giản dị, đang ngồi trầm tư bên chiếc bàn tròn. Tôi tiến lại gần để nhìn cho kỹ hơn, người đàn ông kỳ lạ ấy khiến tôi có chút cảm giác quen thuộc hơn là xa lạ. Hình như tôi đã thấy hình ảnh của ông trong quyển sách giáo khoa Ngữ văn 11 mà mình đang học. Là ai đây nhỉ? Là Nguyễn Tuân thì phải? Trong khi tôi vẫn còn đang băn khoăn thì người đàn ông ấy đã quay về phía tôi, nở một nụ cười và bảo:

- Này cô bé, hãy ngồi xuống đây cùng ta!

Tôi vâng lời ông ấy và ngồi xuống. Ngay khi ngồi trực diện tôi mới chắc nịch đó chính là Nguyễn Tuân chứ không ai khác. Nhà văn ôn tồn hỏi:

- Chắc cháu bất ngờ lắm phải không? Thế cháu có biết ta là ai không?

Tôi quả quyết đáp ngay:

- Dạ bác là nhà văn Nguyễn Tuân, tác giả của tập truyện “Vang bóng một thời” vô cùng nổi tiếng phải không ạ?

Nhà văn khẽ gội đầu như muốn xác nhận câu trả lời của tôi. Ôi vinh hạnh biết bao, tôi vừa vui vừa không tin vào mắt mình. Sao có thể? Tôi liền hỏi:

- Bác ơi! Cháu thực sự rất thích tác phẩm “Chữ người tử tù” nhưng bằng cách nào mà bác lại có thể sáng tạo nên một tác phẩm tuyệt vời, đặc sắc đến như thế ạ?

doi-thoai-cung-nha-van-nguyen-tuan--bai-viet-hay-7

Nhà văn cười xòa rồi đáp:

- Cháu biết không? Thực chất mỗi tác phẩm văn học là một cuộc đối thoại giữa nhà văn và cuộc đời. Vì vậy để tạo nên một tác phẩm thì trước hết nhà văn chúng ta phải mở rộng cõi lòng đón lấy những âm vang buồn vui của kiếp người, thâm nhập vào cuộc đời để hiểu rõ hơn những vấn đề về thế sự của con người. Nếu là một nhà văn mà không biết niềm vui của người khác, đau khổ trước nổi khổ đau của đồng loại thì tác phẩm của nhà văn ấy chẳng có chút giá trị gì trên địa hạt văn chương nghệ thuật. Bởi tài năng nghệ thuật sẽ chấm dứt khi nhà văn lạnh lùng, dửng dưng khép kín lòng mình với đời. Cũng nhưng trong sáng tác “Chữ người tử từ”, nếu ta không hòa vào, không đặt trái tim mình nơi cuộc đời thì làm sao ta nhận ra cái bộ mặt nhố nhăng, điêu tàn của xã hội Tây Tàu ấy? Làm sao để ta thấu cảm cho bi kịch của những con người như Huấn Cao, những bậc anh hùng khí phách, dũng cảm hiên ngan dám theo đuổi lý tưởng, chống lại cái xã hội bất công ngang tàng? Và làm sao để ta phát hiện ra sâu bên trong viên quản ngục – người đại diện cho triều đình phong kiến kia lại là một tấm lòng ưu ái cái tài, cái đẹp? Do đó, một tác phẩm càng hay, càng đặc sắc bao nhiêu thì chứng tỏ nhà văn ấy đã lấy trái tim mình để đối thoại, để cảm cuộc đời bấy nhiêu?

Hoá ra, bất kỳ một nhà văn lớn nào thì trước tiên phải là một nhà nhân văn chủ nghĩa. Nhà văn hắng giọng rồi nói tiếp:

- Và khi đã lắng nghe và thấu hiểu của những bi kịch của nhân loại, khi ta nhận ra cái chân lý trớ trên của cuộc đời, người có tài hoa, trí dũng song toàn thì bị cho là giặc, người trân trọng cái đẹp thì phải làm việc ở một nơi mất hế nhân tính, thiên lương, niềm thương cảm và xót xa cho đồng loại khiến ta không thể để cái hiện thực ấy tiếp tục diễn ra nơi trang giấy. Bằng cái tâm và bút lực của mình, ta mong muốn kiến tạo cho những con người đáng thương kia một thế giới tốt đẹp hơn. Vì vậy, ta chọn cách thoát li khỏi hiện thực cuộc sống chật chội tù túng kia, thay vào đó, ta đào sâu vào thế giới nội tâm phong phú của con người và thể hiện vẻ đẹp của những khát vọng lý tưởng, ước mơ trong họ.

Thầy tôi đã từng nói “Nguyễn Tuân là một trong những ngòi bút trụ cột của văn học lãng mạn”, điều ấy mới quả là đúng đáng biết bao. Khi cảm thụ các tác phẩm trong tập “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân tôi vẫn luôn được thưởng thức cái thế giới mà nhà văn nói, một thế giới tôn vinh vẻ đẹp và những hoài bão lớn lao của những con người tài năng nhưng thất thế, đến giờ đây tôi mới nhận ra điều đó. Bổng nhà văn hỏi tôi:

- Thế theo cháu thì đâu là cái đẹp trong tác phẩm “Chữ người tử tù” nào?

Tôi đắn đo, suy nghĩ cẩn trọng rồi trả lời:

- Theo con, con cho rằng cảnh tượng cho chữ giữa Huấn Cao và viên quản ngục chính là nét đẹp nhất trong tác phẩm. Và trong cảnh tưởng ấy, con còn nhận ra nhiều vẻ đẹp khác như vẻ đẹp của tài năng, lương tri con người thể hiện qua con chữ của Huấn Cao, vẻ đẹp của niềm say mê, kính cẩn trước cái đẹp của viên quản ngục và đặc biệt là vẻ đẹp của tình tri âm, tri kỷ.

Nhà văn cười xòa, nhẹ nhàng đáp:

- Giỏi lắm cô bé! Con rất hiểu ý của ta! Ta mong muốn xây dựng nhân vật Huấn Cao theo hình mẫu người anh lý tưởng, cả tài lẫn trí đều hội tụ. Chính vì vậy mà trong tác phẩm, cụ thể là ở cảnh cho chữ, con sẽ thấy vẻ đẹp của con người ấy được bộc lộ và tôn lên đến đỉnh điểm. Tài năng qua vẻ đẹp của con chữ thể hiện tầm vóc lớn lao, “hoài bão tung hoành của một đời người”, đồng thời cũng là niềm trân trọng của riêng ta dành cho con người có nhân cách lớn ấy. Và qua con chữ, vẻ đẹp được chuyển hóa, tiếp diễn từ vẻ đẹp tài năng của Huấn Cao trở thành vẻ đẹp trong tâm hồn viên quản ngục, vẻ đẹp của một con người được cảm hóa, được tìm lại chính mình. Viên quản ngục vốn là một người yêu say mê, mãnh liệt vẻ đẹp của tài năng, của con chữ. Chính vì vậy khi Huấn Cao chấp thuận với lời thỉnh cầu của viên quản ngục, con chữ ấy không chỉ thỏa mãn khát vọng thẩm mỹ trong ông ra mà còn mang ánh sáng thiên lương vào tâm hồn viên quản ngục. Từ đó, con chữ thúc đẩy viên quản ngục đến sự lựa chọn mang tính chất bước ngoặt đó là sự tôn vinh bảo vệ giá trị của cái đẹp, dù có phải nguy hiểm đến tính mạng. Ta tin rằng dù òa trong văn chương hay trong hiện thực đời sống thì vẻ đẹp của tài năng và vẻ đẹp trong tâm hồn con người khi được thức tỉnh, cảm hóa thì đều là những vẻ đẹp vĩ đại, là những “hạt ngọc” đáng quý nhất.

- Nhưng thưa bác, vì sao bác lại chọn trưng bày cái đẹp ở một nơi tầm thường, u tối thế kia mà thay vào đó không phải là ở một nơi sang trọng, đẹp đẽ hơn?

Nhà văn trầm ngâm, suy tư một lúc rồi mới đáp lại câu hỏi của tôi”

- Cả cuộc đời ta, ước nguyện lớn nhất và cũng là điều mà ta hằng day dứt mãi đó là đi tìm cho bằng được vẻ đẹp đích thực của cuộc sống. Ta khát khao được chiếm lĩnh, được tôn thờ cái đẹp hơn bất cứ điều gì trên cõi đời này! Ta đã đánh đổi cả quãng đời của mình để tìm kiếm nó và rồi ra nhận ra rằng chỉ có cái đẹp dù tồn tại ở nơi tầm thường, xấu xa mà vẫn ngời sáng những giá trị cao cả, ánh hào quang của nó thì đó mới là cái đẹp thật sự, cô bé ạ! Chính vì vậy mà ta để cái đẹp cao quý ở một nơi “chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián” như nhà tù, bởi hiện thực càng tù túng, xấu xa bao nhiêu thì giá trị của cái đẹp càng được nâng lên bấy nhiêu. Và cô bé thấy đó, sức mạnh của cái đẹp mới quả là phi thường, nó phá vỡ đi những giới hạn, rào cản xã hội, đưa hai con người tử đối đầu, từ ở hai vị thế khác nhau trở thành tri âm, tri kỷ, từ cuộc kỳ ngộ hóa thành cuộc hạnh ngộ. Đứng trước cái đẹp, tất cả vận vật đều trở nên bình đẳng, đều trở về với bản chất sạch trong vốn có của mình. Cái đẹp khiến cái ác phải tránh xa, xóa đi bóng tối mịt mù, để lại tình cảm đẹp đẽ, hòa quyện giữa một tấm lòng “biệt nhỡn liên tài" và một tấm lòng sợ “phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ” Cái đẹp biến khoảnh khắc trong văn học trở thành khoảnh khắc vĩnh cửu, nó khiến cho thời gian như kéo dài vô tận, lấn át đi cả nổi sợ của cái chết. Tóm lại, đó là một thế giới được ngự trị bởi cái đẹp, nơi có những con người sáng tạo ra cái đẹp và đem lòng yêu quý cái đẹp.

Ồ! Giờ đây tôi mới hiểu vì sao người đời lại ngợi ca Nguyễn Tuân đến thế, yêu mến mà đặt cho cái danh hiệu “Người đi tìm cái đẹp” (Nguyễn Đăng Khanh) “Cảnh cho chữ thực là cảnh tượng đăng quang của Cái Đẹp. Có thể nói đó là cuộc nổi loạn của Cái Đẹp trong thế giới nhà tù” (Từ dùng của TS Chu Văn Sơn)

- Bác ơi! Vậy cái đẹp là điều làm nên cội nguồn sức sống của một tác phẩm nghệ thuật chân chính phải không ạ? Nếu thiếu đi cái đẹp thì tác phẩm ấy sẽ như thế nào ạ?

- Cháu biết không? Nhờ có cái đẹp mà tác phẩm văn học mới chạm đến được những giá trị lắng đọng ở bề sâu mới đi vào lòng người một cách tự nhiên và có khả năng cảm hóa nhân loại. Trong nghệ thuật, lý tưởng thẩm mỹ góp phần định hướng tư duy theo tiêu chí Chân – Thiện – Mỹ và tạo nên những rung cảm nơi tâm hồn, trái tim người đọc. Thiếu khát kháo vươn tới cái đẹp, nghệ thuật sẽ không thể hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình đó là thanh lọc tâm hồn con người và cải tạo hiện thực cuộc sống. Chính vì vậy, một tác phẩm mà không nói về cái đẹp thì không xứng đáng là một tác phẩm nghệ thuật chân chính, sẽ không chạm đến trái tim của độc giả và dễ dàng chìm vào quy luật đào thải khắc nghiệt của thời gian văn chương.

- Cháu nhớ Huấn Cao đã khuyên viên quản ngục rằng “thầy Quản nên tìm về quê nhà mà ở, thấy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ”. Nhưng liệu viên quản ngục có nghe theo lời Huấn Cao, liệu cái đẹp có được bảo vệ đến cuối cùng.

- Điều này ta cũng không biết, nhưng ngay khi con chữ được truyền từ tay Huấn Cao đến viên quản ngục, đó chính là khoảnh khắc trao di huấn của cái đẹp, là lời tuyên thệ giữa những kẻ tri âm đồng điệu. Chính sức mạnh của cái đẹp và lời tuyên thệ với Huấn Cao sẽ trở thành nguồn động lực thúc đẩy viên quản ngục phải từ bỏ đi cái nghề bất lương, để gìn giữ giá trị sạch trong của cái đẹp. Viên quản ngục đã chắp tay “vái người tù một vái” mà nghẹn ngào nói “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Điều đó chứng tỏ viên quản ngục đã nhận thức được thiên lương, lương tri đã hiểu rõ sứ mệnh của mình và ta tin rằng dù cái đẹp đã kết thúc ở Huấn Cao nhưng nó sẽ được diễn tiếp nơi viên quản ngục. Có những cái cúi đầu làm cho người ta sang trọng và cao cả đó chính là cái cúi đầu kính cẩn trước cái đẹp trước ánh sáng thiên lương. Do đó, cái đẹp đến cuối cùng vẫn không chết đi mà sẽ tồn tại mãi nơi lòng người. Thế cháu có biết ta đã gửi gắm những thông điệp gì về cái đẹp trong tác phẩm không?

- Dạ cháu nghĩ thông điệp thứ nhất đó là cái đẹp có thể bắt nguồn từ cái ác, cái xấu xa nhưng sẽ không bao giờ chấp nhận tồn tại cùng những thức ấy. Bên cạnh đó, cái đẹp phải gắn liền với cái thiện để giáo dục và cải tạo con người. Cuối cùng, theo cháu con ngươi cần phải giữ vững thiên lương, thậm chí là bất chấp cả tính mạng của mình để xứng đáng với cái đẹp. Nhưng cháu vẫn thắc mắc, bác sẽ viết cái kết như thế nào cho sô phận của cả hai nhân vật, liệu Huấn Cao có được viên quản ngục thả đi để thoát khỏi cái chết nơi pháp trường?

Nhà văn ôn tồn đáp:

- Dù có biết đi chăng nữa, ta vẫn sẽ dừng câu chuyện lại ở đó. Bởi t among muốn được lắng nghe, được đối thoại cùng với bạn đọc. Biết đâu, độc giả sẽ thay ta tạo nên một thế giới mới, nơi con sẽ có một sức mạnh công lý, chính nghĩa nào đó đứng ra và bảo vệ Huấn Cao thoát khỏi cái chết.

- Nhưng nếu làm như vậy thì tác phẩm sẽ không còn được nguyên vẹn nữa mà bị xáo trộn, thay đổi hết cả cốt truyện lẫn ý tứ.

- Không đúng đâu cô bé của ta! Một tác phẩm chỉ thật sự hoàn chỉnh khi đó là cuộc đối thoại giữa nhà văn – bạn đọc – tác phẩm. Tác phẩm nào có phải là cái sân khấu vắng lắng nơi chỉ mình nhà văn diễn thuyết cái tôi của mình. Bởi nhà văn là người tạo ra tác phẩm còn sức sống của tác phẩm lại phụ thuộc vào độc giả. Mội bạn đọc sẽ có một cách cảm nhận riêng và biết đâu qua đó, ta sẽ phát hiện ra những vẻ đẹp mà ta chưa tìm thấy, nhận ra được những điều bản thân còn thiếu sót. Khi đón bạn đọc và tác phẩm, để họ đồng sáng tạo cùng mình, ta sẽ tìm được cho mình những bằng hữu tri âm tri kỷ, sẽ không còn cảm thấy cô đơn, lẻ loi nữa.

Hóa ra đó chính là cái đời sống trong văn học mà thầy tôi từng nói. Hóa ra một tác phẩm có thể đối thoại, chuyện trò và lắng nghe con người. Tôi cảm thấy ân hận biết bao vì những suy nghĩ nông cạn của mình. Đúng, mỗi tác phẩm chính là một cuộc đối thoại giữa nhà văn, tác phẩm và bạn đọc. Cuộc đối thoại ấy không chỉ khiến con người gần người hơn mà còn là sự soi chiếu các góc nhìn, quan điểm để từ đó là sáng tỏ, chạm đến chân lý của nghệ thuật, triết lý của đời sống. Đúng, tác phẩm sẽ chỉ còn là một nữa nếu thiếu đi tiếng nói của độc giả hay cũng chính là thanh âm của cuộc sống, là sự phản hồi thể hiện nhận thức của con người về tác phẩm. Nếu không được đối thoại cùng nhà văn, bạn đọc sẽ cảm thấy vô cùng chơi vơi, mơ hồ vì họ không biết phải làm như thế nào để tác động và cải tạo hiện thực xã hội ngày một tốt đẹp, lý tưởng hơn.

- Này cô bé! Cháu có cuốn cùng ta sáng tạo nên tác phẩm không?

Tôi vui quá liền đáp:

- Dạ vâng, cháu muốn lắm bác ạ!

“Dậy đi! Dậy di!”, đó là tiếng gọi của cô bạn thân ngồi bên cạnh tôi. Hóa ra, tất cả chỉ là một giấc mơ thật đẹp! Tôi bần thần nhớ đến lời của nhà văn Nguyễn Tuân rồi tự hỏi lòng: “Nhưng làm sao để cùng đối thoại với nhà văn đây? Phải chi được mơ nữa thì hay biết mấy! Nhưng lạ kỳ thay, tôi phát hiện trong tay mình đang cầm một cây bút. Phải chăng đó là một lời gọi mời? Thật tình cờ làm sao! Ngay khi nhận ra trên tay mình là một cây bút, tôi biết rằng có một cuộc “đối thoại”, một đời sống văn học đang diễn ra trong trái tim mình.

(Nguyễn Nguyên Thu Hà - Học sinh lớp 11 CV trường THTH ĐHSP - Năm học 2019 -2020)

Xem thêm: Vẻ đẹp thơ mộng của sông Đà qua bút pháp điêu luyện của Nguyễn Tuân

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận