Nhìn thấy cái khác thường trong cái bình thường và trong cái khác thường nhìn thấy cái bình thường

"Nhìn thấy cái khác thường trong cái bình thường và trong cái khác thường nhìn thấy cái bình thường" - Những nhà nghệ sĩ đích thực cần có cho mình phẩm chất ấy.

Đỗ Thu Nga
15:00 31/12/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

“Nhìn thấy cái khác thường trong cái bình thường và trong cái khác thường nhìn thấy cái bình thường" - Ý kiến của nhà văn Nga Pautopxki là sự đúc rút từ kinh nghiệm của một bậc thầy văn học thế giới về cái nhìn của nhà văn góp phần làm nên người nghệ sĩ đích thực. Bởi để trở thành “nhà nghệ sĩ đích thực”, tức là một người nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng và được độc giả công nhận, anh phải có cái gì đó gọi là “phong cách” riêng, tư tưởng sâu sắc, có tính nhân loại. Mà điều gì sẽ kiên quyết làm nên “phong cách” của anh? Chính là cái nhìn. “Cái khác thường” có thể là những gì trái với lẽ tự nhiên, không nằm trong quy luật và sự vận động phát triển bình thường của đời sống xã hội, con người. “Cái bình thường” là cái bám sát “mép lưới” của sự chuẩn mực trong xã hội, nằm ngoài quy luật tự nhiên. Hai điều này trái ngược nhau, nhưng không đối nghịch. Vì trong trường hợp này có thể “cái bình thường” sẽ trở thành vỏ, che lấp cái bề trong – bề sâu – bề xa của vấn đề – là cái khác thường. Nhưng trong trường hợp khác “cái khác thường” lại trở thành bức màn che đậy mà ẩn sâu trong đó là “cái bình thường”.

Người nghệ sĩ “nhìn thấy” được điều này không chỉ bằng cảm quan, đôi mắt thông thường mà phải là một sự xem xét, quan sát và thẩm thấu; cảm nhận, phân tích và lí giải bằng cả lý trí và trái tim, để từ “cái khác thường” trong “cái bình thường”, “cái bình thường” trong “cái khác thường” đưa ra những chân lí, quy luật cuộc sống, xã hội và con người. Có lẽ, vấn đề cái nhìn và sứ mệnh của người nghệ sĩ, vì thế, mà luôn là mối trăn trở của người cầm bút đương thời, để làm sao, từ những điều tưởng như nghịch lí, cái chân lí lộ diện.

Vậy vì sao nhà văn đích thực cần có được cái nhìn ấy?

“Cuộc sống vốn đa sự, con người thì đa đoan.”. Số học, tưởng như những con số là rõ ràng vậy mà khi nhìn xuôi ta hiểu đó là số 9, nhìn ngược ta lại thấy đó là số 6. Văn học với thế giới nghệ thuật và sự đa nghĩa của lớp ngôn từ, hình tượng cũng không nằm ngoài định luật ấy. Phản ánh cuộc sống nhưng không phải là sự sao chụp, bê nguyên xi thực tại, qua cái nhìn của nhà văn, hiện thực trở nên đa diện hơn. Một cuộc hò hẹn giữa đôi trai gái, anh chiến sĩ và chị dân quân là chuyện bình thường (Mảnh trăng cuối rừng). Nhưng lại là cuộc hẹn hò, gặp gỡ nơi Gầm Đá xanh – tuyến đường chiến tranh khốc liệt nhất – đó là cái không bình thường. Tuy nhiên, tình huống ấy lại phản ánh quy luật rất đỗi “bình thường”: chiến tranh có thể hủy diệt làng mạc, thôn xóm, những con đường,… nhưng không thể tiêu diệt tình yêu thương và những con người sống vì lý tưởng ấy.

Dieu-gi-lam-nen-pham-chat-cua-nha-nghe-si-5

Một thằng ra tù – Chí Phèo – trở thành một thằng săng đá là chuyện phi lý, bất bình thường. Bởi nhà tù phải là nơi cải tạo, giúp con người ta hoàn lương và trở nên tốt đẹp hơn chứ? Nhưng khi biết đó là nhà tù thực dân, và Chí là con đẻ của nhà tù ấy, ta thấy đúng là “lẽ thường”. Và một thằng lưu manh, chuyên rạch mặt ăn vạ, hắn khóc, là “chuyện khó tin”. Nhưng hắn ôm mặt “khóc rưng rức” sau một quá trình vật lộn để trở về là một con người lương thiện vì bị Thị Nở từ chối, rơi vào bi kịch tình yêu và lớn nhất là bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người, ta lại thấy đó là chuyện “bình thường”. Như vậy, có thể thấy, phản ánh những mâu thuẫn bề ngoài – chân lý bên trong là sứ mệnh của văn học, và nhà văn phải là người có được cái nhìn nhiều chiều vào bề sâu – bề xa – bề sau hiện thực để khám phá ra những quy luật ấy.

Bởi nhà văn là “nhân tố khởi đầu của mọi khởi đầu” trong quá trình sáng tác, nếu anh không có cái nhìn đa diện, nhiều chiều, nhiều khía cạnh, không một chân lý cuộc sống nào dễ dàng đến với anh. Bởi chân lý cuộc sống khuất lấp, bị che giấu sau nhiều dáng hình con người, bộ mặt nhân gian. Đi sâu vào thức nhận ra mới thấy rõ được. Danh xưng “nhà nghệ sĩ đích thực” cao quý vốn không hề dễ có, anh phải thực sự có cái nhìn tinh tế – sắc sảo – tìm kiếm trong mọi sáng tác của mình.

Ta biết đến cái phố huyện Cẩm Giàng – Hải Dương quẩn quanh, nghèo nàn đã hằn lên trong văn phẩm “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam. Một miền quê “tàn” đi theo năm tháng với những lớp người lay lắt:

“Quanh quẩn mãi cũng vài ba dáng điệu

Tới hay lui cũng chừng ấy mặt người.”

(Quanh quẩn – Huy Cận)

Đọc lần đầu, ta sẽ thấy được lý do của sự quạnh hiu, buồn tẻ ấy là ở sự sống, ở con người mà tỏa ra. Dẫu không một từ “nghèo”, không một từ “chán” được con người ta than thở. Giọng văn của Thạch Lam thâm trầm, nhỏ nhẹ nhưng không đượm buồn mà xót thương. Tất cả vẽ lên một bức tranh phố huyện lúc chiều tà nên thơ và đậm chất làng quê, với những bóng tối bao trùm.

“Cái bình thường” ở “Hai đứa trẻ” chính là cái nghèo deo dắt, đeo bám con người ta trong một cuộc sống tẻ nhạt, hiu hắt. Sự vật tàn lụi, con người lụi tàn. Cái chõng tre sắp gãy, chiếc thau đồng đã cũ của vợ chồng bác xẩm chưa một lần vang lên, ngọn đèn trong nhà ông Cửu cũng chỉ “leo lét”. Vậy mà cái đèn con của chị Tí lại có khả năng chiếu sáng cả vùng đất nhỏ này. Đó là ánh sáng của niềm hy vọng mà ngày nào những cư dân nơi phố huyện cũng thắp lên. Là sự tranh đấu bé nhỏ nhưng bền bỉ và mãnh liệt giữa bóng tối và ánh sáng. Và là khát vọng hướng đến ánh sáng cuộc đời của những con người nghèo khổ ấy. Vì sao ngày nào Liên với anh cũng trông hàng chăm chỉ cho mẹ dù chẳng bán được là bao; chị Tí và thằng con cùng với cả gia tài của chị cũng dọn quán bán hàng dù không có mấy khách? Vì sao ngày nào vợ chồng bác xẩm cũng cất lên tiếng đàn ngheo não lòng, “bần bật” trong đêm khuya thanh vắng?

Vì sao một đứa bé mới tám tuổi như Liên đã có thể biết được, cảm nhận được mùi đất – mùi quê hương trong khi những đứa trẻ khác tầm tuổi Liên “Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”? Vì sao một đứa trẻ như An có thể tỉnh nhanh chóng khi chị nó – Liên gọi dậy vì tàu đến, dù bình thường những đứa trẻ khác còn phải nũng nịu, rề rà mãi? Và vì sao một chuyến tàu đêm bình dị, thường nhật lại khiến cho hai đứa trẻ háo hức, mong chờ, nếu hôm nào tàu không đông thì sẽ không vui?

Ấy chính là cái quy luật tâm trạng, quy luật hoàn cảnh. Là “cái khác thường” trong những “cái bình thường”. Dù bóng tối xâm lấn và bao trùm từ chiều muộn đến đêm khuya nhưng chưa bao giờ ánh sáng biến mất. Dẫu le lói, nó vẫn tồn tại xung quanh cuộc sống của cư dân phố huyện. Những điều ấy làm lên chân lí của truyện, là cái quy luật – hằng số về sự sống và cuộc đời con người: dù khó khăn, nghèo khó nhưng con người ta sẽ không bao giờ ngừng hướng ra ánh sáng, hy vọng vào tương lai và nghĩ về một cuộc đời – ngày mai tốt đẹp hơn. Ở thời nào cũng vậy, trong hoàn cảnh nào cũng thế, “con người ta luôn vươn tới sự sống và kiếm tìm ý nghĩa sự sống” (Platon).

Tưởng như đi ngược lại với tự nhiên, nhưng lại làm lên chuẩn mực là vì thế.

Có ai ngờ đâu một người vợ – giữa thế kỉ XX – XXI bị chồng đánh “năm ngày một trận nặng, ba ngày một trận nhẹ” mà không lên tiếng nửa lời, thậm chí còn tình nguyện là người cho chồng giải tỏa, phát tiết. Làm sao người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu lại làm được điều ấy? Vì sao Nguyễn Minh Châu lại xây dựng hình ảnh nhân vật người đàn bà nhẫn nhục đến khó hiểu như thế? Đó là thắc mắc của riêng Phùng và Đẩu. hay là của cả chúng ta nữa?

Cuộc sống của nhân dân ta sau ngày giải phóng 30-04-1975 mang đến hòa bình, độc lập cho đất nước nhưng con người thì lại càng bị gò sâu hơn vào cái nghèo, cái đói, gây nên bao bi kịch gia đình.

Thế nhưng, điều gì làm lên sự nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài? Mọi thứ đều có nguyên do của nó. Cái nghịch lý, khác thường là sự tồn tại những nguyên nhân khuất lấp, lí giải ẩn giấu đằng sau. Đó là vì chị hiểu sự ngột ngạt, bức bối của cuộc sống nghèo đói trên thuyền đã khiến cho gã chồng chị – từ một anh nông dân vùng biển hiền lành trở thành một gã vũ phu, bạo lực. Những cái đánh của anh không nằm ở bản chất con người người đàn ông ấy, mà nằm ở hoàn cảnh cuộc sống đói nghèo đẩy con người ta vào những “bước đường cùng” như thế, khiến một người đàn ông vốn hiền lành, tốt bụng, giờ ra tay bạo hành vợ mình. Và xót xa nhất là thằng Phác – đứa con toan mang dao ra để giết ba, cứu mẹ. Đau đớn thay cho cái hoàn cảnh chua chát ấy! Nhưng làm sao khác được? Mà chắc chắn cũng không phải là tình cờ khi Nguyễn Minh Châu nói về thằng Phác giống bố nó nhất và chị thương nó nhất – người đàn bà hàng chài thương đứa con giống chồng chị nhất. Có nghĩa là chị thương người đàn ông khốn khổ kia, chứ không oán hận anh. Chị hàm ơn anh vì đã chấp nhận lấy chị. Vì chị hiểu, chị cần anh: vì những lúc gió to biển động con thuyền cần có người chèo lái. Những đứa con của chị cũng cần có đủ cha, đủ mẹ…

Những lý lẽ rất đời, rất đàn bà mà bao kẻ như Phùng, như Đẩu, dẫu tri thức, dẫu hiểu biết thì vẫn mang rất nhiều câu hỏi. Nhưng đó lại là chân lí, sự mâu thuẫn ấy lại là quy luật, là quy luật giữa những tranh đấu trong nghệ thuật và đời sống mà “phẩm chất” của một người nghệ sĩ đích thực là phải tranh đấu cho những điều ấy. Một người đàn bà tưởng vô học nhưng lại thông thạo lẽ đời hơn bất cứ ai. Một kẻ hiểu biết nhiều, tưởng như đã khám phá ra được “chân lý của sự toàn thiện” vậy mà đến những phút cuối cùng mới bắt đầu thực sự “vỡ ra” những chân lý. Nếu cuộc sống không thay đổi, những cảnh đời trong nghèo đói như thế vẫn cứ mãi tiếp diễn.

Liệu trong cuộc sống này còn biết bao câu chuyện hiện thực nghiệt ngã về bạo lực gia đình như thế nhưng được che giấu? Có phải vì thế mà Nguyễn Minh Châu không đặt tên cho người đàn bà hàng chài?

Không chỉ là chân lý cuộc sống, đó còn là chân lý thuộc về nghệ thuật. Khi đứng xa ta thấy chiếc thuyền trong sương mờ ảo, đẹp đẽ thật đấy; nhưng nếu không lại gần, “đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy những vang động của đời”, làm sao người nghệ sĩ hiểu được cuộc sống nghiệt ngã với những mâu thuẫn, nghịch lý đớn đau. Thấy được quy luật của cuộc sống, trong cái bình thường có sự khác thường và trong cái khác thường thấy được sự bình thường, người nghệ sĩ mới thực sự hoàn thành sứ mệnh của mình, và văn chương mới thực sự hoàn thành sứ mệnh của văn chương: văn là đời, là người.

Ý kiến của nhà văn Nga Pautopxki đã nêu lên đúng đắn về yêu cầu ở cái nhìn đối với người nghệ sĩ. Anh phải có một cái nhìn mâu thuẫn nhưng ẩn sâu là cái quy luật mà soi chiếu vào mọi vấn đề, vì cuộc sống luôn tồn tại những mâu thuẫn chờ anh khám phá và lí giải, đúc rút ra những chân lý muôn đời. Như Vũ Trọng Phụng nhìn ra cái bình thường trong cái bất thường của đám ma cụ cố tổ trong “Số đỏ”, Kim Lân nhìn ra cái bình thường trong cái bất thường là đám cưới ngày đói của anh cu Tràng. Một bên có tất cả nhưng thiếu tất cả là tình thương, một bên thiếu tất cả nhưng có tất cả là tình người.

Sáng tạo nghệ thuật gian truân và nhọc nhằn như thế, hiểu được những điều này, bạn đọc, anh hãy biết trân trọng những tác phẩm của nhà văn, mà đồng cảm với họ, và cùng họ khám phá, lí giải những chân lí cuộc đời. Như thế, sứ mệnh của văn chương mới có thể vẹn toàn, vì bạn đọc và nhà văn phải là những Lưu Bình – Dương Lễ thời hiện đại!

(Bài viết của Ngọc Mai – HSG Quốc gia năm 2019)

Xem thêm: "Trước hết phải sống cho hết mình..."

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận