Đến "xứ Nẫu" chiêm bái bức tượng Phật đôi cao nhất Việt Nam
Tượng Quan Thế Âm Kiết Tường hướng về núi, tượng trưng cho rừng vàng; tượng Quan Thế Âm Nam Hải hướng nhìn ra biển chính là thể hiện cho biển bạc. Tượng Phật đôi sẽ đem đến cho vùng đất nơi đây, con người nơi đây tương lai phát triển phồn thịnh, an lành.
Quy Nhơn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch của tỉnh Bình Định. Năm 2010, Quy Nhơn được Thủ tướng chính phủ công nhận là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh và được bình chọn là điểm đến hàng đầu Đông Nam Á bởi tạp chí du lịch Rough Guides của Anh vào năm 2015 và lọt vào top 20 điểm đến hàng đầu thế giới năm 2020 do Hostelworld xếp hạng.
Nếu trước khi đến Quy Nhơn, du khách đặc biệt nhớ về vùng biển hiền hòa với Eo Gió, Giếng Tiên hay miền cát cháy bất tận, người dân hiền hòa... Thì nay, nơi đây thu hút nhiều lượt khách tham quan bởi bức tượng Phật đôi Quan Thế Âm tại tịnh xã Ngọc Hà, sát vách Eo Gió (thôn Lý Lương, xã Nhơn Lý) với kích cỡ đồ sộ và uy nghiêm.
Cho đến thời điểm tháng 4/2022, tịnh xã Ngọc Hòa vẫn đang trong quá trình thu bổ, nâng cấp, hoàn thiện nhiều hạng mục khác nhau.
Điểm nhấn đặc biệt ở tịnh xá Ngọc Hòa chính là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát quay lưng lại với nhau. Bức tượng đôi này có chiều cao khoảng 30 mét, hai mặt xoay về hai hướng Nam - Bắc. Đây là bức tượng đôi lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.
Tại khu vực này, người dân còn truyền miệng với nhau rằng: Tượng Quan Thế Âm Kiết Tường hướng về núi, tượng trưng cho rừng vàng; tượng Quan Thế Âm Nam Hải hướng nhìn ra biển chính là thể hiện cho biển bạc. Vì vậy, tượng Phật đôi sẽ đem đến cho vùng đất nơi đây, con người nơi đây tương lai phát triển phồn thịnh, an lành.
Thân của Tượng Phật đôi làm rỗng, gồm nhiều tầng, hôm đại lễ yểm tượng vào tháng trước, tịnh xá và các Phật tử xa gần đã đặt vào bên trong 2.000 bức tượng Quan Thế Âm cỡ nhỏ, bằng chất liệu đồng, đá, composite… Trước khi niêm kín tượng, tịnh xá cũng đặt vào trong tất cả những thông tin cần thiết để đời sau biết về ý tưởng và quá trình xây dựng. “Cứ hình dung đơn giản, hai ba trăm năm nữa, khi đại tu tượng đôi này, thời đó sẽ có 2.000 tượng cổ, ấy là một hỷ sự”, sư Giác Tri, trụ trì tịnh xá cho biết.
Về kỹ thuật: Đế Tượng Phật đôi xây bằng đá tổ ong, theo kỹ thuật xây truyền thống của dân Bình Định. Bên trong có thể đặt được 8.000 tro cốt theo dòng họ – vùng này đang giải phóng mạnh các nghĩa trang truyền thống, tịnh xá muốn tạo nơi yên nghỉ mới cho người đã mất, thuộc dân làng chung quanh.
Về mỹ thuật: Tượng Phật đôi đã chắt lọc được các triết lý, tạo hình từ Tây Tạng (đôi mắt), từ Ấn Độ (ngọn lửa hủy diệt của thần Shiva), từ Chăm Pa (bích họa), từ Thủy Chân Lạp, và đặc biệt là một giải phẫu hình thể mang dáng dấp của người Việt mẫu mực...
Nếu để ý kỹ, du khách có thể thấy hai phần đầu của tượng được thiết kế khổng lồ với các mặt chắp lại với nhau. Xung quanh có Phật Quan Âm màu trắng cùng với Phật Di Lặc màu xanh. Điều này cho du khách cảm giác giống với phong cách thiết kế chùa của miền Tây.
Lối đi lại, hành lang của tịnh xã Ngọc Hà cũng được trồng nhiều câu xanh, nhiều chậu cây cảnh tạo nên không gian thoáng mát, thanh tịnh cho du khách chiêm bái.
Một lưu ý nhỏ là khi vào thăm tịnh xá bạn nên chọn mặc đồ trang nhã, thanh lịch; nên đi giày thấp đế để leo bậc thang dễ hơn cũng như dễ tháo cởi khi vào trong tham quan.
Nếu bạn ghé thăm Eo Gió, thì nên viếng tịnh xá Ngọc Hòa bởi khoảng cách không xa và có dịp chiêm ngưỡng bức tượng Phật đôi khổng lồ độc đáo tại Quy Nhơn mà hiếm nơi nào khác có được.
Xem thêm: Chiêm bái 10 tượng Phật khổng lồ nổi tiếng thế giới
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận