Tôi sẽ sống rất cẩu thả nếu tôi không viết và tôi sẽ viết rất cẩu thả nếu tôi không sống

Bất kì một nghệ sĩ nào cũng thoát thai từ một môi trường sống nào đó; bất kì một tác phẩm nào cũng là sự khúc xạ từ những vấn đề trong cuộc sống. Nhà văn, nhà thơ sẽ viết rất cẩu thả nếu họ không sống...

Đỗ Thu Nga
10:00 19/04/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

ĐỀ BÀI:

“Tôi sẽ sống rất cẩu thả nếu tôi không viết và tôi sẽ viết rất cẩu thả nếu tôi không sống" - Francoise Sagan.

Hãy bình luận về quan điểm trên?

BÀI VIẾT GỢI Ý:

Nếu như không đi qua những nốt thăng nốt trầm của cuộc sống, không có những trải nghiệm sâu sắc về đời người, không có những năm tháng sống trong nhung lụa chốn hoàng cung, không có mười năm gió bụi vất vả đói nghèo, không có chuyến đi sứ đến Trung Quốc sau khi lên làm quan nhà Nguyễn, thì còn đâu một đại thi hào dân tộc Nguyễn Du được nhân dân mọi thời đại biết đến và ca ngợi, còn đâu một Truyện Kiều bất tử đến ngày nay? Tài năng là thiên phú, nhưng trải nghiệm là cả một cuộc hành trình sống và chiêm nghiệm của người nghệ sĩ. Và để tạo nên những áng văn, áng thơ bất hủ của thời đại, những bậc văn nhân thi nhân ấy phải lặn sâu vào từng ngõ ngách của nhân gian, phải để cho tác phẩm của mình va đập vào đời, vào hồn người nhạy cảm tinh tế để thể hiện trọn cái hỉ nộ ái ố của cuộc sống. Như nhà văn Francoise Sagan đã từng chia sẻ: “Tôi sẽ sống rất cẩu thả nếu tôi không viết và tôi sẽ viết rất cẩu thả nếu tôi không sống.”, người ta chỉ có thể được công nhận là một nhà văn, nhà thơ thật sự khi họ biết cách dung hòa giữa hiện thực đời sống và văn chương, và đây cũng là thiên chức, là tư chất của mọi bậc thi sĩ văn nhân mọi thời đại.

Không chỉ Francoise, mà nhiều bậc thi nhân, văn nhân cũng sẽ sống rất cẩu thả nếu họ không viết, và cuộc sống sẽ thật vô vị, nhàm chán biết bao khi thiếu đi biết bao áng văn chương của thời đại. Mỗi con người đều sẽ có những cái nhìn khác nhau về cuộc sống, nhưng để trở thành một nhà thơ, nhà văn, họ không chỉ sống, mà họ còn phải biết tái hiện lại cái cuộc sống dưới đôi mắt của họ. Nếu họ không viết thì mọi ý đồ, mọi góc nhìn của họ sẽ chẳng thể được thực thi hoá, đó vẫn sẽ mãi chỉ là suy nghĩ mắc kẹt trong não, một thoáng rồi lại quên. Bản thân khi đặt bút để tạo nên một áng văn, áng thơ nào đó, người cầm bút cũng sẽ chiêm nghiệm được thêm nhiều điều, sẽ tự nhận thức được cái nhìn của mình về thế giới xung quanh. Nhưng sống và viết với đời tác giả là hai thứ phải luôn song hành với nhau. Một tác phẩm có giá trị thật sự phải là một tác phẩm có khả năng phản ánh hiện thực đời sống. Bởi lẽ, hiện thực là nguồn gốc của nhận thức, của ý thức, do đó đời sống là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng nghệ thuật, đồng thời là chìa khoá giải thích những hiện tượng phức tạp của nghệ thuật. Bất kì một nghệ sĩ nào cũng thoát thai từ một môi trường sống nào đó; bất kì một tác phẩm nào cũng là sự khúc xạ từ những vấn đề trong cuộc sống. Nhà văn, nhà thơ sẽ viết rất cẩu thả nếu họ không sống. Nói cách khác, nếu họ không sống và không trải nghiệm, thì những con chữ họ viết ra dù có hoa mỹ đến đâu vẫn chỉ là những câu từ vô nghĩa. Với lời chia sẻ trên, Francoise Sagan đã một lần nữa thiên chức của người cầm bút: họ viết để sống, họ sống để viết, và họ phải biết hài hoà giữa hiện thực với văn chương, có thế mới tạo nên được một tác phẩm nghệ thuật chân chính Từ rất xa xưa, văn học đã trở thành món ăn tinh thần của nhân dân và các thi nhân xưa vẫn gửi lòng mình vào các tác phẩm văn học. Phải chăng văn học có thể hấp dẫn người đọc bởi chính đối tượng mà nó phản ánh, không nằm đâu xa lạ mà hiện hữu ngay trong thế giới này, như Andersen đã từng khẳng định: “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do chính cuộc sống viết ra”? Thực chất, văn nghệ nói chung cũng như văn học nói riêng đúng là lĩnh vực của tình cảm thẩm mỹ, nhưng bản chất của nó vẫn là một hình thái ý thức xã hội, phản ánh tồn tại của xã hội. Mối quan hệ giữa văn học với hiện thực là mối quan hệ giữa cái phản ánh và cái được phản ánh. Văn chương phản ánh cái hiện thực đời sống một cách chân thực nhất, bởi lẽ đời sống luôn là đối tượng khám phá của nghệ thuật, của văn chương. Xét đến cùng, cuộc đời là nơi xuất phát của văn học, và văn học nuôi dưỡng đời sống con người. Một tác phẩm văn chương chân chính phải là một tác phẩm nặng chất “thực” của đời, đậm chất “tình” của thơ. Muốn làm được điều đó, những bậc văn nhân thi nhân ngoài kia phải đón nhận hết thảy mọi tiếng vang động của đời, và mọi biến thiên của kiếp nhân sinh. Văn chương ấy mà, không thể cẩu thả được. Đó là cả một công trình nghệ thuật kì công mà tác giả phải xây dựng bằng từng miếng gạch, từng lớp xi măng, rồi mới lặng lẽ trở nó vào đời. Mà với một công trình, chỉ cần đắp thiếu một miếng gạch hay trát một lớp xi măng ẩu thôi đã khiến nó mất đi sự vững chắc và tính thẩm mỹ cao độ vốn có. Văn học – với tư cách là một bộ môn vừa mang giá trị thẩm mỹ cao lại đồng thời phản ánh xã hội, càng phải coi trọng và cẩn thận khi tạo nên tác phẩm của mình, hay nói như Nam Cao: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện.” Muốn thế, người cầm bút phải tỉ mỉ, phải say mê, phải cẩn trọng ở cả đời thơ văn và đời người, có thế mới tạo được nên một tác phẩm chạm tới cả ba giá trị chân – thiện – mỹ mà con người vẫn luôn hướng đến.

De-van-hay-Ban-ve-su-cau-tha

Đã bao giờ bạn đặt ra câu hỏi, vì sao nhà văn nhà thơ lại muốn viết, lại thích viết, lại yêu việc viết đến như vậy? Là niềm vui tao nhã trong cuộc sống, hay là ngọn lửa đam mê luôn bùng cháy trong tim? Chúng đều đúng, nhưng chưa đủ chính xác. Những bậc thi nhân văn nhân ấy tìm đến văn chương, đến thơ ca chẳng vì mục đích gì quá to lớn, nhưng lại vô cùng cao cả: họ viết để sống. Mà sống ở đây không chỉ là tồn tại giữa khoảng không vũ trụ mênh mang, họ viết còn tự nhận thức một cách sống đúng đắn, từ đó lan tỏa sự sống tới mọi người, mọi đời, mọi thời đại. Nhìn lại dòng chảy miên viễn của nền văn học nước nhà, thời điểm trước khi văn học viết ra đời đã có một dạng văn học đã nổi lên và trở nên vô cùng phổ biến, đó là văn học dân gian với những câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ hay những câu chuyện truyền thuyết, cổ tích. Văn học dân gian đa phần đều là văn học truyền miệng, sử dụng ngôn ngữ bình dân, ngôn ngữ nói, ngôn ngữ của quần chúng lao động. Tác giả của văn học dân gian không có một cá nhân cụ thể nào nhất định, đó là công trình sáng tác của cả một tập thể nhân dân lao động, và quá trình sáng tác tập thể diễn ra như sau: Đầu tiên một người khởi xướng, tác phẩm hình thành và được tập thể tiếp nhận; sau đó, những người khác tiếp tục lưu truyền và sáng tác lại làm cho tác phẩm biến đổi dần, hoàn thiện và phong phú thêm về nội dung cũng như hình thức nghệ thuật. Khi ấy, con người không chỉ đơn thuần là sáng tác để sống, họ sáng tác văn chương để con người sống cùng nhau. Và ngay từ thời điểm đó, ta đã thấy được bóng dáng dân tộc sống cùng văn chương ở những bài hò lao động, những bài đối đáp giao duyên đến là vui tai. Nhưng những người dân lao động đó đâu chỉ để sống cùng nhau, họ còn sáng tác để sống sâu sắc hơn, và thật hơn nữa. Bằng việc tạo nên những câu hò, câu ca dao dân ca truyền thống hay những câu chuyện kì ảo, họ muốn hát lên tiếng lòng, về tình yêu gia đình, tình yêu đất nước quê hương và con người; về phận mình và phận đời; về khát vọng của con người trước cuộc sống;… Lắng nghe lời hỏi, đáp của hai nhân vật trữ tình trong bài ca “Ở đâu năm cửa nàng ơi”, chúng ta thấy hiện lên nhiều địa danh từ thủ đô Hà Nội đến Hải Dương, Bắc Giang, vào Thanh Hoá, rồi ngược Lạng Sơn. Mỗi vùng có một nét đẹp riêng, hợp thành một bức tranh non nước Việt Nam thơ mộng, giàu truyền thống văn hoá. Không trực tiếp nói ra, nhưng cả người hỏi lẫn người đáp đều biểu hiện tình yêu, niềm tự hào về quê hương, Tổ quốc mình. Bài ca còn kéo dài hơn nữa. Chẳng hạn, chàng trai hỏi tiếp:

Ở đâu có chín từng mây

Ở đâu lắm nước, ở đâu nhiều vàng?

Chùa nào mà lại ở hang

Ở đâu lắm gỗ thì nàng biết không ?…

Cô gái đáp :

Trên trời có chín từng mây

Dưới sông lắm nước, núi nay nhiều vàng

Chùa Hương Tích thì lại ở hang

Trên rừng lắm gỗ, hỡi chàng biết không…

Như vậy, chàng trai, cô gái trong cuộc hát giao duyên này nói riêng, nhân dân lao động Việt Nam ta nói chung không chỉ say đắm, mến yêu, tự hào về giang sơn Việt Nam cẩm tú mà còn tỏ ra là những người lịch lãm, hào hoa, tế nhị và giàu hiểu biết, thật đáng noi theo. Văn học dân gian đã bước đầu mở ra cánh cửa của sức mạnh thơ văn với đời sống con người.

Tiến tới văn học viết, khái niệm “viết để sống” đã được nâng cao thêm một bậc khác. Những nhà văn, nhà thơ ấy trải lòng mình qua ngòi bút trước đời, để cảm nhận cuộc sống, để di dưỡng tinh thần; họ viết để nuôi lớn tâm hồn của họ. Văn chương là thư ký trung thành của trái tim, là tiếng nói hồn nhiên nhất của con người trước cuộc đời. Khi đôi tay anh tạo nên những áng văn, những vần thơ mang hơi thở của thời đại, đó là khi cảm xúc trong anh trào dâng, đó là khi anh tự nhận thức bản thân, đó là khi anh tìm thấy chân lý đời mình, đó là khi anh cảm nhận được giá trị và những triết lý của cuộc sống. Một tiếng thơ văn hay không bắt đầu từ một trái tim vô cảm, chúng chỉ bật ra khi lòng ta đã tràn đầy. Từ ấy, văn chương nảy lên trong tác giả, rồi anh đặt bút xuống và viết. Có những tiếng thơ văn được tạo ra để nhà văn, nhà thơ di dưỡng tinh thần, cảm nhận cuộc sống ở nhiều khía cạnh khác nhau mà chỉ văn chương mới có thể biểu lộ chúng một cách chính xác nhất. Ta có thể dễ dàng thấy điều này ở thơ Bác, ở một hồn thơ vừa cổ điển, vừa hiện đại của người. Trong bài thơ “Vọng nguyệt”, Bác có viết:

“Ngục trung vô tửu diệc vô hoa

Đối thử lương tiêu nại nhược hà?

Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt

Nguyệt tòng song khích khán thi gia.”

Bác có cái niềm vui tao nhã tựa những bậc thi nhân xưa, đó là thú vui thưởng nguyệt. Mà cố nhân hay thưởng thức vẻ đẹp của ánh trăng với rượu, bên hoa, rồi từ đó lòng họ nảy lên những câu thơ tuyệt đẹp. Nhưng phải biết rằng, lúc viết bài thơ này, Người đang bị giam cầm nơi ngục tù tối tăm, vậy mà người vẫn ngắm vầng trăng người yêu, xao xuyến trước vẻ đẹp của trăng với câu hỏi tu từ “Đối thử lương tiêu nại nhược hà?” Hoàn cảnh khốn khó hay xiềng xích tù ngục đều không thể ngăn được tâm hồn thi nhân bay về thiên nhiên rộng lớn. Và đâu chỉ có mình Người ngắm trăng, trăng lúc đó cũng “nhòm khe cửa” để ngắm nhà thơ, tựa như những người bạn tri âm tri kỷ vậy. Với bài thơ trên cùng những tác phẩm khác của Hồ Chí Minh, có thể thấy Người viết để di dưỡng tinh thần, để làm đầy tâm hồn, để sống trong hoàn cảnh tù túng gian khổ.

Nhà văn, nhà thơ còn viết để tự nhận thức về chính mình, như Nguyễn Duy đã bày tỏ ở khổ cuối bài thơ “Ánh trăng”:

“Trăng cứ tròn vành vạnh

Kể chi người vô tình

Ánh trăng im phăng phắc

Đủ cho ta giật mình.”

Đối diện với trăng trong tình huống bất ngờ , quá khứ tựa thước phim tua chậm trong tâm trí tác giả, đưa ông tới bến bờ tuổi ấu thơ, tới đêm rừng những năm kháng chiến. Quá khứ trở về mà lòng chợt rưng rưng, nhận thức và nhân cách của tác giả từ đó bừng tỉnh, song song với đó là cảm xúc ăn năn, day dứt khó nói. Trăng vẫn thuỷ chung như vậy dẫu mặc sự chuyển giao của thời gian, thời đại, tựa quá khứ nghĩa tình, đầy đặn, bao dung, nhân hậu. Trăng và quá khứ càng tròn trịa, bao dung bao nhiêu thì con người càng day dứt, ăn năn bấy nhiêu. Trăng vẫn vậy, chỉ có con người đổi thay, vô tình quên đi vầng trăng tình nghĩa khi mải cuốn trong nhịp sống mới. Và rồi ánh trăng im phăng phắc, tựa lời nghiêm khắc nhắc nhở, là sự trách móc trong lặng im. Chính cái “im phăng phắc” của vầng trăng đã đánh thức con người, làm xáo động tâm hồn người lính năm xưa. Sự lặng thinh ấy đủ cho ta giật mình, đó là sự bừng tỉnh của nhân cách, là sự trở về với lương tâm trong sạch, tốt đẹp. Từ đó, con người và suy ngẫm sâu sắc về thái độ của mình đối với quá khứ gian lao, tình nghĩa; gợi nhắc thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thuỷ chung cùng quá khứ. Con người nhận thức bản thân qua ngòi bút là như vậy đó.

Người làm nghề văn bằng việc sáng tác còn suy ngẫm và gửi gắm những triết lý về cuộc đời. Nguyễn Minh Châu – người truy tìm những viên ngọc ẩn giấu ở bề sâu tâm hồn con người, đã viết rất hay về kiếp nhân sinh trong truyện ngắn “Bến quê”. Con người ta cứ mải miết chạy đua với nhịp sống ồn ã mà quên đi những vẻ đẹp bình dị nhất xung quanh mình, và Nhĩ là nhân vật điển hình của một con người như vậy. Lúc còn trẻ, Nhĩ đã được đặt chân đến nhiều mảnh đất khác nhau trên khắp thế giới qua những chuyến công tác, nhưng bây giờ anh lại mắc phải căn bệnh tai quái khiến “bán thân bất toại”, chỉ có thể sống dựa vào gia đình, vợ con. Cho đến khi nằm trên giường bệnh, Nhĩ mới nhận ra khung cảnh của thiên nhiên buổi sớm trong lành vốn quen thuộc, gần gũi nhưng lại rất mới mẻ với anh; nhận ra tình yêu thương, sự tần tảo và đức hy sinh thầm lặng của vợ; nhận ra vẻ đẹp của bãi bồi bên kia sông mà lâu nay mình đã bỏ quên, nhưng tất cả đã là muộn màng. Lại càng trớ trêu hơn nữa khi anh nhờ thằng con trai thực hiện ước muốn được đặt chân lên bãi bồi bên kia sông của mình, thằng con trai anh sao hiểu được niềm khao khát của cha nó, nên làm một cách miễn cưỡng và rồi bị cuốn hút vào trò chơi hấp dẫn nó gặp trên đường đi, để rồi có thể lỡ chuyến đò ngang duy nhất trong ngày. Từ hoàn cảnh của mình, từ đứa con trai, Nhĩ đã chiêm nghiệm được cái quy luật phổ biến của đời người: “Con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái vòng vèo hoặc chùng chình”. Anh không trách đứa con trai bởi giống như anh ngày trước, “nó đã thấy có gì hấp dẫn ở bên kia sông đâu”. Từ việc viết, Nguyễn Minh Châu đã rút ra được triết lý sống sâu sắc, để từ đó sống đẹp hơn, và có giá trị hơn nữa.

Nhà văn, nhà thơ không chỉ là thư ký trung thành của trái tim, mà theo Balzac, họ còn là thư ký trung thành của thời đại. Tình cảm trong thơ văn không thể tách rời tình cảm trong cõi sống, nó phải được xây dựng trên cái nền của hiện thực, của cuộc đời. Bởi lẽ, văn học là tấm gương đi nghênh ngang giữa đời sống, là tấm gương phản chiếu thời đại. Thiếu đi những trải nghiệm, những cái nhìn, những tinh tế, người cầm bút sẽ chẳng thể cảm nhận được cái đẹp giản đơn nhưng đầy thẩm mỹ, cái khổ đau hằng tồn trong đời sống. Dĩ nhiên, hiện thực trong văn chương không phải hiện thực trần trụi, khô khan, mà nó phải được xây đắp dựa trên nền tảng của tình cảm. Nó chính là cuộc sống được chắt lọc, được tạo nên ở dạng “tinh chất” nhất. Mà để làm được điều đó, tác giả trước hết phải thật sự sống đã, hay như Nam Cao nói: “Sống đã, rồi hãy viết, hãy hòa mình vào cuộc sống của nhân dân.” Đến với thế giới nghệ thuật của văn học, ta được cấp một “tấm giấy thông hành”, đi xuyên thời gian và không gian để hiểu lịch sử, biết về đời sống sinh hoạt, tinh thần, nếp cảm, nếp nghĩ, cách tổ chức, xây dựng cuộc sống của mỗi thời kỳ, tựa những cuộc du lịch lý thú trên trang viết.

Truyện Kiều – một kiệt tác của nền văn học Việt Nam với hơn 3000 câu lục bát – đã phản ánh chính xác đời sống xã hội Việt Nam những năm cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX: triều đình rối ren, cuộc sống nhân dân lầm than khổ cực, số phận người phụ nữ vốn đã không được coi trọng càng bị chà đạp, vùi dập. Tất cả cũng là vì đồng tiền, thứ quyền lực nắm quyền lực cao nhất của xã hội thời đó:

“Trong tay sẵn có đồng tiền

Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì!”

Dưới con mắt của nhà đại thi hào dân tộc của chúng ta, đồng tiền đã làm mục nát bộ máy phong kiến thống trị, trụy lạc nhân phẩm, biến con người thành một thứ hàng hóa, phá vỡ các mối quan hệ trong gia đình, hủy hoại tự do và hạnh phúc cá nhân. Quan lại vì tiền mà không màng phải trái, sai nha vì tiền mà đánh đập người dân, lũ nhà chứa cậy tiền mà hành hạ người tài sắc. Tiền đã đè đầu cưỡi cổ phận hồng nhan, phận tài hoa, và cả cốt cách trong sạch của nhiều cõi người. Phải quan sát nhiều như thế nào, phải lặn sâu vào đời đến mức nào, phải hiểu cuộc đời ra sao mới có những vần thơ giàu chất hiện thực đến vậy? Ắt hẳn, vị thi nhân ấy đã có những trải nghiệm về đời sâu sắc, có con mắt trông thấy sáu cõi; vị thi nhân ấy phải sống và chiêm nghiệm mới có thể tạo nên những áng thơ chân thật như vậy.

Nhưng nếu như Nguyễn Du chỉ là người quan sát mà tri âm với phận đàn bà, phận ca nhi, thì tiến tới văn học kháng chiến, bản thân nhà thơ, nhà văn là một nhân vật quan trọng của tác phẩm. Nếu không có những cuộc kháng chiến cứu quốc vĩ đại, không có những tháng ngày gian lao khổ cực, khi mà độc lập phải đánh đổi bằng cả máu và nước mắt, thì sẽ không có một “Đồng chí”, không có một “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, không có một “Tây Tiến”, một “Việt Bắc”,… “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật đã tái hiện chân thực những khó khăn, thiếu thốn và khốc liệt của bom rơi đạn nổ qua cách nói ngang tàng, hóm hỉnh, lạc quan của người lính Trường Sơn:

“Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi.”

Văn học vốn dĩ đã luôn ngập tràn chất hiện thực, nhưng khi nhà thơ cũng hoá một nhân vật của tác phẩm, tính chân thực ấy càng được nâng cao. Bằng những vần thơ bình dị, Phạm Tiến Duật đã cho chúng ta sống lại cả một thời oanh liệt những năm kháng chiến chống Mỹ. Gian khổ có, thiếu thốn có, vất vả có, nhưng họ – những người lính mang một lòng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh vẫn mang một trái tim hiên ngang ra chiến trận. Tiếng nói lý tưởng, quyết tâm vì miền Nam ruột thịt, vì thống nhất Tổ quốc thì không một thử thách nào có thể huỷ diệt:

“Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

Chỉ cần trong xe có một trái tim.”

Đôi khi tính hiện thực trong văn chương không chỉ đơn giản gói gọn lại trong cái bối cảnh có thật, mà nó còn là sự chân thực trong cốt cách và tâm hồn. Nhà văn, nhà thơ sống thôi là chưa đủ, họ phải sống và cảm nhận, có vậy mới dựng xây được một công trình văn học hoàn chỉnh.

Văn học bản chất không mang một giới hạn nhất định, nó có khả năng vượt qua cả chiều kích không gian lẫn thời gian. Chúng ta xúc động trước tình người sâu đậm của cụ Bơ-men và Giôn-xi; chúng ta như hiểu rằng ở đâu cũng vậy, tình yêu thương con người luôn là điều đáng quý và thiêng liêng. “Chiếc lá cuối cùng” đặc biệt ở chỗ, bản thân nhân vật trong truyện đều là người làm nghệ thuật, và O.Henry qua truyện ngắn này đã đúc kết được ý nghĩa của nghệ thuật chân chính: đó là nghệ thuật vị nhân sinh. Có những góc khuất mà nhà văn, nhà thơ phải thật tinh tế mới có thể nắm bắt được, đó là những vẻ đẹp nhỏ bé giữa thế gian bát ngát. Và để chạm vào từng ngõ ngách ấy, người cầm bút cần sống và thấu hiểu đời sống của mọi kiếp người trên cõi trần gian.

Với lời chia sẻ “Tôi sẽ sống rất cẩu thả nếu tôi không viết và tôi sẽ viết rất cẩu thả nếu tôi không sống”, tác giả “Buồn ơi chào mi” đã có đúc kết khá toàn diện về đời người cầm bút, về sứ mệnh người chèo lái cánh buồm văn chương: họ viết để sống tốt đẹp hơn, và họ sống để viết sâu sắc hơn. Và muốn làm được điều đó, nhà văn nhà thơ cần biết kết hợp hài hoà giữa văn chương và hiện thực đời sống. Người nghệ sĩ phải sống sâu sắc, gắn bó với cuộc đời, với con người, phải yêu cái nghề, yêu cái nghiệp văn chương bén rễ và nảy nở trong trái tim, phải có cái tâm, cái tài, không ngừng nỗ lực trau dồi năng lực nghệ thuật. Nhưng một tác phẩm thành công không chỉ ở người sinh thành mà còn ở người tiếp nhận. Bản thân người đọc mỗi khi chạm vào trang viết trước hết là cần đặt cái tâm của mình vào cái mình đang đọc đã, có thế mới hiểu được nội dung tác phẩm, nếu không một trang văn chương dù hay đến đâu cũng hoá một văn bản vô nghĩa. Người đọc phải sống cùng nhà văn, sống cùng tác phẩm, có tâm hồn rộng mở và trái tim ấm nóng để hoà chung nhịp đập với nghệ sĩ. Bên cạnh đó, ta còn cần phải biết nhạy cảm với cái đẹp, với đời và là người đồng sáng tạo với người cầm bút để hoàn thiện tác phẩm, bởi lẽ: “Khi tác phẩm kết thúc, ấy là lúc cuộc sống thực sự của nó mới bắt đầu.”

Lang thang trong cõi ta bà, Basho cảm nhận mùi hương hoa mơ như một hơi thở sáng thế:

“Mùi hoa mơ ơi

Con đường núi mọc

Bỗng nhiên mặt trời.”

Người nghệ sĩ cũng vậy, họ lang thang trong cõi đời, phiêu du giữa thời đại, họ sống và trải nghiệm, và rồi họ làm nên nghệ thuật. Nhưng để hoàn thiện chính mình, để sống tốt đẹp hơn, người cầm bút cần tận tụy sáng tạo văn chương, cần yêu và tâm huyết với cái nghề của mình. Nhà văn, nhà thơ không thể không viết hay không sống, họ phải biết cách dung hoà hai hành động này để dung hòa mối quan hệ giữa hiện thực và văn chương. Đời người nghệ sĩ, như nữ nhà văn Francoise Sagan nói, “sẽ sống rất cẩu thả nếu không viết và sẽ viết rất cẩu thả nếu không sống”, đây là tư chất, cũng là sứ mệnh của người làm nghề văn, và đã là sứ mệnh thì không thể cẩu thả được, bởi cẩu thả trong văn chương là điều “thật là đê tiện”.

(Bài viết của Minh Châu - thành viên nhóm Thích Văn học)

Xem thêm: "Nghệ thuật không đứng ở ngoài trỏ vẽ cho đường chúng ta đi"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận