Dành cho HSG Văn: Lý luận về đặc trưng của truyện ngắn

Nhà văn chỉ cần “vẽ một con báo qua mảng lông mà vẫn biết là con báo, qua một con mắt mà truyền được cả tinh thần” (Lỗ Tấn).

Đỗ Thu Nga
10:00 11/08/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Tác phẩm bao giờ cũng tồn tại trong những hình thức thể loại nhất định. Lý luận văn học đã mặc định “không có tác phẩm nào tồn tại ngoài hình thức quen thuộc của thể loại”. Truyện ngắn cũng là một thể loại tác phẩm phổ biến, nên có những đặc trưng riêng của nó.

1. Truyện ngắn thiên về lối kể kết hợp giữa sự thật đời sống với khả năng hư cấu, tưởng tượng. Khác với tiểu thuyết về dung lượng, truyện ngắn “tập trung mô tả một mảnh đất của cuộc sống, một biến cố hay một vài biến cố xảy ra trong một giai đoạn nào đó của đời sống nhân vật, biểu hiện nào đó của tính cách nhân vật, thể hiện một khía cạnh nào đó của xã hội” (Nguyễn Xuân Nam, Từ điển Văn học, tập 2, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1984, trang 457).

Một thiên truyện ngắn có thể trở thành một “tòa lâu đài” chứa đựng cả tinh thần thời đại nếu như thực sự nằm dưới ngòi bút có tài. Nhà văn chỉ cần “vẽ một con báo qua mảng lông mà vẫn biết là con báo, qua một con mắt mà truyền được cả tinh thần” (Lỗ Tấn). Trên thế giới, đạt được điều đó, số nhà văn chỉ đếm được trên đầu ngón tay: G.Maupassant, A.Daudet, A.Chekhov, E.Hemingway, J.London, Lỗ Tấn, Nam Cao… Sức mạnh trong sáng tác của các bậc thầy này phần nhiều ở tính chất điển hình và minh xác một hình tượng, trong đó con người và cuộc sống được bộc lộ. Với điển hình đó, người đọc liên tưởng đến một giai đoạn lịch sử, một thời đại dân tộc. Lúc này, truyện ngắn trở thành “tấm bia kỷ niệm vĩ đại”, trở thành “tòa đại lầu chứa đựng cả tinh thần thời đại” như Lỗ Tấn đã nói.

2. Nếu như kịch “được xây dựng trên cơ sở những mâu thuẫn lịch sử, xã hội, hoặc những xung đột muôn thuở mang tính toàn nhân loại” (Từ điển Thuật ngữ văn học, Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi, NXB Giáo dục, 1992, trang 114); thơ chủ yếu phản chiếu cuộc sống bằng thế giới cảm xúc, nội tâm, tình cảm của chủ thể nhân vật trữ tình - nhà thơ; tiểu thuyết là loại hình “chiếm lĩnh đời sống trong toàn bộ sự đầy đặn của nó”; thì truyện ngắn thường “hướng tới việc khắc họa một hình tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống con người” (Từ điển thuật ngữ văn học, sách đã dẫn), là sự hội tụ đa chiều trong khoảnh khắc như “mặt xén ngang của cuộc sống”. Cùng một thể loại văn xuôi tự sự như tiểu thuyết, truyện ngắn vừa có những nét chung lại có những nét riêng của mình. Đặc trưng chung của thể hiện đầu tiên ở cốt truyện. Truyện ngắn là thể loại có cốt truyện nhưng nhìn chung biến hóa hơn tiểu thuyết. Truyện ngắn có nhân vật, được thể hiện qua lời kể, trần thuật. Cả hai thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết đều chú trọng vai trò của người kể chuyện. Song điểm khác biệt dễ thấy nhất giữa truyện ngắn và tiểu thuyết là truyện ngắn có hình thức kể chuyện nhỏ - tức là “truyện ngắn”. Nó chỉ đề cập đến một vài biến cố riêng của cuộc sống con người. Số lượng nhân vật cũng không nhiều, vì hầu hết các truyện ngắn xây dựng rất ít các sự kiện, ít biến cố. Tình tiết trong truyện ngắn vì thế thường được lựa chọn rất kỹ, chỉ ghi lại những tình huống nào tiêu biểu nhất, đủ sức cho người đọc hình dung cả quá trình sống của nhân vật. Cũng vì vậy mà “dung lượng hiện thực trong cuộc sống phản ánh có mức độ” (Lê Tư Chỉ, Để phân tích truyện ngắn, NXB Trẻ, 1996, trang 19).

danh-cho-hsg-van-ly-luan-ve-dac-trung-cua-truyen-ngan-8

3. Đề tài, nội dung truyện ngắn có thể lấy ở nhiều mặt của cuộc sống, nhiều vấn đề có tính chất thời sự xã hội. Phần lớn là vấn đề đời tư cá nhân, có khi chỉ là khoảnh khắc trong đời tư đó. Việc lựa chọn đề tài, phản ánh nội dung trong tác phẩm chịu sự chi phối bởi “nhãn quan” nhà văn, trong đó xác lập “điểm nhìn” riêng cho mình là quan trọng hơn cả. Nhà văn tiến bộ luôn đứng trên mọi quan hệ giai cấp, mọi sự ràng buộc của hệ tư tưởng, nói lên tiếng nói lẽ phải của chân lý, cuộc đời. Cảm hứng thế sự chi phối âm vang, độ lắng đọng của truyện ngắn trong dòng thời gian, trong lòng người đọc. Những truyện ngắn trường tồn mãi mãi khi nó âm ỉ bên trong những tiếng nói thầm kín của con người, những khát vọng của mọi thời đại.

Nhân vật trong truyện ngắn đa phần được khắc họa bằng nội tâm chứ ít khi thông qua sự đối thoại như văn bản kịch. Nội tâm của nhân vật trong truyện ngắn là mạch chỉ xuyên suốt, quyết định mấu chốt của cốt truyện. Cốt truyện được xây dựng liền mạch với sự phát triển tâm trạng, nó “chủ yếu là nhận ra cái gì, vì vậy nó thường kết thúc theo lối chấm phá”. Kết cấu truyện ngắn cũng không chia thành nhiều thành tố phức tạp. Nó không có kết cấu chương hồi, mà chủ yếu là sự đan bện các chi tiết. Chi tiết là nơi gửi gắm nhiều nhất tư tưởng của nhà văn trong bất kỳ truyện ngắn nào. Nội dung của truyện ngắn thể hiện qua hệ thống chi tiết. Các chi tiết có thể xuất hiện nhiều lần, lặp lại có tác dụng nhấn mạnh chủ ý nhà văn. Có những tác phẩm rất nhiều chi tiết, các chi tiết chính được các chi tiết phụ tô bật ý nghĩa. Đối với mỗi nhà văn, việc lựa chi tiết trong truyện ngắn là hết sức cần thiết. “Ý thức về chi tiết nghệ thuật trong truyện ngắn là sức sống cảm quan thẩm mỹ đối với người cầm bút. Do dung lượng truyện ngắn hạn chế, nên sự tuyển dụng chi tiết đưa vào tác phẩm phục vụ cho chủ đề, cho tư tưởng chung, cho việc khắc họa tính cách, tâm lý nhân vật… là trách nhiệm, tài năng của nhà văn” (Phùng Quý Nhâm, Thẩm định văn học, NXB Văn nghệ, 1991, trang 83).

4. Ngôn ngữ truyện ngắn thường cô đọng, súc tích. Văn phong trong truyện ngắn đóng vai trò quan trọng, tạo nên phong cách riêng của nhà văn. Giọng văn quyết định hình thức tổ chức kết cấu truyện và nội dung tư tưởng. Thể tài truyện ngắn cũng chịu sự quy định của văn phong. Lời văn bộc lộ, giãi bày, suy ngẫm về thế thái nhân tình thì hình thành truyện ngắn trầm tư, thế sự; lời văn trần thuật, hoạt kê tạo nên thể tài châm biến, đả kích; lời văn phân tích, mổ xẻ về những vấn đề thời sự xã hội thì tính hiện thực cao. Vì vậy, “lời văn là yếu tố quan trọng cho nghệ thuật viết truyện ngắn. Lời kể và cách kể chuyện là những điều người viết truyện ngắn đặc biệt chú ý khai thác và xử lý, nhằm đạt hiệu quả mong muốn” (Lại Nguyên Ân, Từ điển Văn học, Bộ mới, NXB Thế giới, 2004, trang 1.846).

Với những đặc trưng trên, truyện ngắn là một thể loại có sức sống bền lâu, được nhiều độc giả yêu chuộng. Nó luôn không ngừng phát triển để càng ngày càng khẳng định giá trị riêng biệt mà không một thể loại nào có được. Trong chương trình THCS và THPT có rất nhiều tác phẩm thuộc thể loại truyện ngắn. Nắm được những đặc trưng này, sẽ giúp cho việc dạy và học ở nhà trường tốt hơn.

(Trần Ngọc Tuấn - Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)

Xem thêm: Bàn về vấn đề "đôi mắt" trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận