Những điều chưa biết về Đại lễ Bạch Kim của Nữ hoàng Elizabeth II
Nữ hoàng Anh Elizabeth II sẽ có đại lễ mừng 70 năm trị vì vào đầu tháng 6 tới đây. Lễ kỷ niệm này có tên gọi là Đại lễ Bạch Kim.
Theo thông tin từ truyền thông Anh, Đại lễ Bạch Kim kỷ niệm 70 năm trị vì đất nước của Nữ hoàng Anh Elizabeth II sẽ được tổ chức từ ngày 2/6 đến 5/6, trùng với dịp nghỉ Bank Holiday.
Trong Đại lễ này sẽ diễn ra chuỗi sự kiện chính gồm: lễ diễu hành Trooping the Colours, lễ thắp sáng đèn hiệu, lễ Tạ ơn tại nhà thờ Thánh Paul, Bữa tiệc Bạch kim tại Cung điện và Bữa trưa Năm Thánh lớn.
Đại lễ Bạch Kim là gì?
Đại lễ Bạch Kim (tiếng Anh là Platinum Jubilee) là tên gọi cho lễ kỷ niệm mừng số năm đặc biệt của một sự kiện lớn. Đối với các hoàng gia lớn trên thế giới, Đại lễ Bạch Kim là tên gọi ứng với lễ mừng 70 năm trị vì của một vị quân chủ, mà tại nước Anh là Nữ hoàng Elizabeth II.
Thông thường, các đại lễ (jubilee) được tổ chức nhằm tôn vinh và kỷ niệm thời điểm lên ngôi của nhà vua và hoàng hậu tại vị. Thay vì tổ chức thường niên vào mỗi năm, các đại lễ này chỉ được tổ chức theo những mốc quan trọng như: 25 năm, 40 năm, 50 năm, 60 năm và 70 năm.
Theo truyền thống đặt tên jubilee, mỗi đại lễ sẽ được gán tên với một vật liệu quý trong tự nhiên. Như vậy, ta sẽ có thời điểm diễn ra mỗi đại lễ và tên gọi tương tự là:
Đại lễ Bạc: kỷ niệm 25 năm lên ngôi.
Đại lễ Ruby: kỷ niệm 40 năm lên ngôi
Đại lễ Vàng: kỷ niệm 50 năm lên ngôi.
Đại lễ Kim Cương: kỷ niệm 60 năm lên ngôi.
Đại lễ Sapphire: kỷ niệm 65 năm lên ngôi.
Đại lễ Bạch Kim: kỷ niệm 70 năm lên ngôi.
Tóm lại, Đại lễ Bạch Kim là lễ kỷ niệm 70 năm lên ngôi vị quân chủ. Sở dĩ có cái tên này vì trong tự nhiên, bạch kim hay platinum quý hiếm hơn các kim loại khác như vàng và bạc nhiều.
Đại lễ Bạch Kim gồm những sự kiện gì?
Ngày 2/6 - Lễ diễu hành của Quân đội Hoàng gia và thắp dèn hiệu
Buổi diễu hành sẽ có sự tham gia của 1.400 binh sĩ, 200 con ngựa và 400 nhạc công, xuất phát từ điện Buckingham, đi dọc đại lộ The Mall đến tổng hành dinh Horse Guards của Hộ Kỵ binh Hoàng gia Anh.
Người dân có cơ hội được tham dự buổi lễ này. Buổi lễ có sự góp mặt của các thành viên Hoàng gia diễu hành trên lưng ngựa và điều khiển xe ngựa. Kết thúc Trooping the Colour sẽ là màn bay diễu của Không quân Hoàng gia Anh.
Các thành viên Hoàng gia sẽ chứng kiến toàn bộ sự kiện từ ban công Điện Buckingham, với sự có mặt của tất cả các thành viên đang phục vụ nghĩa vụ công chúng.
Trong buổi tối 2/6 (theo giờ Anh), đèn hiệu Các thành viên Hoàng gia sẽ chứng kiến toàn bộ sự kiện từ ban công Điện Buckingham, với sự có mặt của tất cả các thành viên đang phục vụ nghĩa vụ công chúng.
Ngày 3/6 - Lễ Tạ ơn tại Nhà thờ chính tòa Thánh Paul tại London
Lễ Tạ ơn mừng sự trị vì của Nữ hoàng Anh sẽ diễn ra tại Nhà thờ chính tòa Thánh Paul tại thủ đô London. Tuy nhiên, sự kiện này sẽ không được mở cửa cho công chúng tham gia.
Ngày 4/6 - Cuộc đua ngựa The Derby và Bữa tiệc Bạch Kim
Vào ngày này, Nữ hoàng Elizabeth II cùng các thành viên Hoàng gia sẽ đến xem cuộc đua ngựa The Derby tại trường đua Epsom Downs ở hạt Surrey, đông nam nước Anh. Nữ hoàng là người rết yêu ngựa và đam mê bộ môn đua ngựa.
Vào buổi tối cùng ngày sẽ diễn ra tiệc Bạch Kim tại cung điện. Đài BBC sẽ đưa hàng loạt chương trình kỷ niệm 70 trị vì của Nữ hoàng, gồm các bộ phim tài liệu, chương trình âm nhạc...
Ngày 5/6 - Bữa trưa Năm Thánh lớn và cuộc thi Platinum Jubilee Pageant
Chủ nhật 5/6 là một ngày lễ lớn ở nước Anh với sự kiện Big Jubilee Lunch (Bữa trưa Năm Thánh lớn) được tổ chức trên toàn quốc. Cung điện cho biết hơn 1.400 người đã đăng ký tổ chức sự kiện này trong khu dân cư của họ, và hơn 200.000 sự kiện đơn lẻ khác sẽ diễn ra khắp đất nước.
Ngoài ra còn có cuộc thi Platinum Jubilee Pageant, với nhiều màn trình diễn khiêu vũ, diễu hành, âm nhạc đường phố, nghệ thuật sân khấu và hóa trang để tái hiện, tôn vinh thời gian trị vì của Nữ hoàng.
Các sự kiện sau lễ hội chính
Kể từ ngày 7/6, 3 cuộc triển lãm sẽ được tổ chức tại các tư trang Hoàng gia để trưng bày và kỷ niệm những khoảnh khắc quan trọng trong thời gian trị vì của Nữ hoàng.
Vào mùa hè, phòng khánh tiết của Điện Buckingham sẽ được mở để trưng bày những bức ảnh chân dung thời trẻ của Nữ hoàng được chụp bởi nhiếp ảnh gia nổi tiếng Dorothy Wilding. Món trang sức được bà sử dụng trong những bức ảnh đó cũng sẽ được trưng bày.
Ở cung điện Windsor, người dân sẽ được chiêm ngưỡng bộ lễ phục Nữ hoàng đã sử dụng trong buổi lễ đăng quang tại tu viện Westminster năm 1953. Trong khi đó, cung điện Holyroodhouse sẽ trưng bày trang phục của Nữ hoàng tại các Đại lễ Bạc, Đại lễ Vàng và Đại lễ Kim cương.
Sau Đại lễ Bạch Kim còn có đại lễ nào khác được tổ chức không?
Cho đến thời điểm hiện tại, Đại lễ Bạch Kim là lễ kỷ niệm lâu năm nhất dành cho các vị vua và hoàng hậu. Do đặc điểm tuổi thọ của con nguwofi, bản thân một Đại lễ Bạch Kim là vô cùng hiếm có.
Nhưng vẫn có thể có một tên gọi cụ thể cho một đại lễ kỷ niệm lâu năm hơn, đó là Đại lễ Sồi mừng 80 năm. Có thể lý giải cái tên đặc biệt này là vì trong tự nhiên, cây sồi có tuổi thọ cao, có cây thọ từ 100 đến 300 năm.
Lược lại 1 vòng lịch sử nhân loại thì có thể thấy, chưa có vị quân chủ nào đạt được mốc kỷ niệm của Đại lễ Sồi. Nếu nữ hoàng Anh là người đầu tiên làm được, khi đó bà ở mốc 106 tuổi, với đại lễ được tổ chức vào năm 2032.
Cũng có một số nguồn tin cho rằng, tên gọi Đại lễ Kim Cương có thể dành cho cả lễ kỷ niệm 75 năm trị vì. Song chưa có vị quân chủ nào đạt được mốc này nên chúng ta chưa thể biết chắc được một Đại lễ 75 năm (nếu có) sẽ được đặt tên là gì.
Búp bê Barbie Nữ hoàng Anh "cháy hàng" sau 3 giây chào bán
Trước thềm Đại lễ Bạch Kim, buos bê Barbie phiên bản Nữ hoàng Anh đã được tung ra thị trường và "cháy hàng" trong vài giây. John Lewis, chuỗi bách hóa hàng đầu ở Anh cho biết, sản phẩm búp bê này đã bán hết chỉ sau 3 giây chào bán.
Trên trang trực tuyến eBay, việc mua bán búp bê Barbie Nữ hoàng Anh diễn ra nhộn nhịp với mức giá ngày càng tăng lên. Giá bán lẻ ban đầu là 95 bảng Anh (2,7 triệu đồng) và giờ nó đang được những người sở hữu rao bán lại trên mạng với giá 1.000 bảng Anh (hơn 28 triệu đồng).
Có nhiều chuyên gia cho rằng, mức giá trên sẽ còn tăng cao hơn khi Đại lễ Bạch Kim diễn ra vào đầu tháng 6 tới.
Được biết, sản phẩm búp bê Barbie phiên bản Nữ hoàng Anh chỉ có 20.000 sản phẩm được bán ra trên thị trường. Đây là phiên bản giới hạn, hiếm có khó tìm nên sản phẩm càng được người hâm mộ hoàng gia săn lùng nhiều hơn.
Búp bê Barbie phiên bản Nữ hoàng Elizabeth II mô tả hình ảnh về người đứng đầu hoàng gia đang mặc váy dạ hội màu ngà, mái tóc bạc ánh kim lấp lánh. Diện mạo vương giả của búp bê phiên bản giới hạn càng trở nên hoàn hảo hơn với chiếc vương miện được thiết kế dựa trên báu vật có tên là Fringe.
Đây là chiếc vương miện ban đầu thuộc về Nữ hoàng Mary, sau đó được Nữ hoàng Anh sử dụng trong đám cưới của Hoàng tử Philip, cùng một số sự kiện khác. Sản phẩm ra đời nhằm đánh dấu cột mốc lịch sử đáng nhớ nhất của Nữ hoàng Anh nên giá trị của nó lại được nâng cao lên gấp bội.
Sự trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II có sức ảnh hưởng phi thường
Nữ hoàng Elizabeth II (Elizabeth Alexandra Mary; sinh ngày 21 tháng 4 năm 1926), còn được gọi là Elizabeth Đệ Nhị, là Nữ vương Vương quốc Anh và 14 Vương quốc Thịnh vượng chung khác.
Bà là sinh ra ở Mayfair, Luân Đôn, là con gái đầu lòng của Công tước và Nữ công tước xứ York (sau này là Quốc vương George VI và Vương hậu Elizabeth). Cha của bà lên ngôi Quốc vương vào năm 1936 sau khi người bác ruột của bà là Quốc vương Edward VIII thoái vị, khiến Elizabeth trở thành người kế vị ngai vàng.
Ngày 6/2/1952, Nữ hoàng Anh Elizabeth II trở thành người kế vị sau khi vua cha George VI qua đời. Một năm sau tang lễ của vua George VI, Nữ hoàng Elizabeth II tổ chức lễ đăng quang tại Tu viện Westminster, London, Anh, ở tuổi 27.
Sự kiện, Nữ hoàng Elizabeth II đội vương miện mỉm cười sau lễ đăng quang năm 1953 đã được truyền hình trực tiếp, thu hút hàng chục triệu người Anh theo dõi. Khoảng 3 triệu người đã xếp hàng dài trên các tuyến đường chờ đoàn diễu hành của Nữ hoàng đi qua.
Trong hơn 1 thập kỷ đầu nắm quyền, Nữ hoàng Anh luôn giữ lịch trình bận rộn với các chuyến ngoại giao, nổi bật là chuyến thăm 10 ngày tới Đức năm 1965, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của thành viên hoàng gia Anh tới quốc gia này kể từ năm 1913. Chuyến thăm này cũng đánh dấu kết thúc 20 năm Thế chiến II, tượng trưng cho sự hòa giải giữa hai nước.
Tháng 10/1966, Nữ hoàng Anh cùng chồng tới thăm Aberfa, miền nam xứ Wales, sau thảm họa sạt lở khiến 116 trẻ nhỏ và 28 người lớn thiệt mạng. Nữ hoàng đã hoãn chuyến thăm tới Aberfa một tuần vì lo ngại sự hiện diện của bản thân sẽ cản trở nỗ lực tìm kiếm, giải cứu nạn nhân khi đó.
Trong chuyến thăm tới Úc và New Zealand năm 1970, Nữ hoàng Anh đã phá vỡ truyền thống hoàng gia hàng thế kỷ khi quyết định đi dạo giữa đám đông người dân thay vì vẫy tay chào mọi người từ khoảng cách xa. Cách chào hỏi gần gũi này của Nữ hoàng sau đó đã trở thành thông lệ cho các thành viên hoàng gia Anh khi dự sự kiện trong và ngoài nước.
Năm 1977, bà và chồng Philip vẫy tay chào từ Cung điện Buckingham trong lễ kỷ niệm bạc, đánh dấu 25 năm ngày bà lên ngôi. Đến ngày 6/9/1997, Nữ hoàng Anh phát biểu trực tiếp trên truyền hình về cái chết của Công nương Diana. Thời điểm đó, thái độ chỉ trích của công chúng với hoàng gia Anh, vốn kịch liệt từ sau vụ ly hôn của Thái tử Charles và Diana năm 1996, càng tiếp tục dâng cao.
Ban đầu, Nữ hoàng từ chối treo cờ rủ tại Cung điện Buckingham hay phát biểu trước toàn quốc về Công nương Diana. Tuy nhiên, sau khi các cố vấn và chính phủ Anh thúc giục, Nữ hoàng Elizabeth II đã phát biểu trên truyền hình về cái chết của con dâu cũ. Bà cũng cùng các thành viên hoàng gia Anh cũng dự tang lễ của cố Công nương Diana.
Năm 2002, Nữ hoàng Anh tổ chức kỷ niệm vàng đánh dấu 50 năm trị vì. Loạt sự kiện mừng Nữ hoàng Elizabeth II được tổ chức khắp Anh và khối thịnh vượng chung. So với những năm 1990 đầy biến động và thường xuyên vấp phải chỉ trích từ công chúng, hoàng gia Anh lúc bấy giờ có mối quan hệ tích cực hơn với người dân.
Vào năm 2012, Nữ hoàng tổ chức buổi tiệc kỷ niệm 60 năm trị vì tại dinh thự Sandringham, Norfolk. Tương tự đại lễ vàng, đại lễ kim cương đánh dấu 60 năm nắm quyền của Nữ hoàng Anh cũng được tổ chức khắp Anh và khối thịnh vượng chung.
Năm 2021, Nữ hoàng Anh phải đối mặt với một năm đầy thách thức từ đại dịch COVID-19 cho đến sức khỏe và sự ra đi của Hoàng thân Philip.
Nói về vị Nữ hoàng vĩ đại của nước Anh, nhà sử học và giảng viên Kate Williams, tác giả cuốn Our Queen Elizabeth viết: "Sự trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II có sức ảnh hưởng phi thường, đóng vai trò lớn mà rất ít phụ nữ có được. Là người trị vì lâu nhất nước Anh, người đầu tiên đón đại lễ Bạch Kim, Nữ hoàng đã cống hiến hết mình để phụng sự, làm việc và chứng kiến thế giới thay đổi bất ngờ.
Năm 1952, thời điểm Nữ hoàng lên ngôi, phụ nữ chưa được khuyến khích đảm nhận vai trò này. Vào thời điểm Nữ hoàng ăn mừng cột mốc đại lễ Bạch Kim, thật tuyệt vời khi thấy một thương hiệu mang tính biểu tượng như Barbie phát hành những búp bê nhân vật nữ quan trọng trong lịch sử có tác động như các nhà lãnh đạo, người sáng tạo và người tiên phong với các thế hệ mới".
Đại lễ Bạch Kim sẽ diễn ra từ ngày 2/6 - 5/6 tới, "đây là cơ hội cho các cộng đồng trên khắp Vương quốc Anh cùng tụ họp để tổ chức mừng cột mốc lịch sử này".
Xem thêm: Nữ hoàng Anh Elizabeth II và phương châm sống quyết đoán "không kêu ca, không giải thích"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận