Cựu hoàng Thành Thái và chuyện tình đế vương ít biết ở Bạch Dinh Vũng Tàu

Bạch Dinh ở Vũng Tàu chính là mái ấm của cựu hoàng Thành Thái với cô thôn nữ địa phương, trong thời kỳ u ám khi chịu sự quản thúc của người Pháp.

Đỗ Thu Nga
10:00 02/07/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đôi nét về cựu hoàng Thành Thái

Cựu hoàng Thành Thái (1879 - 1945) tên khai sinh là Nguyễn Phúc Bửu Lân, vị hoàng đến thứ 10 của nhà Nguyễn, tại vị từ năm 1889 đến 1907. Ông là 1 trong 3 vị vua nhà Nguyễn có tinh thần chống Pháp cao nhất.

Ông là người khinh ghét bọn quan xu phụ. Ông cũng ghét gần gũi, làm việc cùng những người Pháp. Thậm chí, vào năm 1890, ông cho ban hành một lá cờ mới có nền vàng với một vạch nằm ngang màu đỏ ở giữa tượng trưng cho ý nguyện thống nhất 3 vùng Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ vốn đang bị chia cắt lúc đó (Nam Kỳ là xứ thuộc địa, Bắc Kỳ và Trung Kỳ là xứ bảo hộ của Pháp). 

Cuu-hoang-Thanh-Thai-va-chuyen-tinh-de-vuong-it-biet-o-Bach-Dinh
Vua Thành Thái

Để qua mặt thực dân Pháp, ông giải thích rằng biểu tượng trên lá cờ là tượng trưng quẻ "càn" trong kinh dịch, vốn tượng trưng cho Trời. Thực dân Pháp cuối cùng bỏ qua chuyện này. Lá cờ này chỉ tồn tại ít lâu thì bị thay bằng cờ của Liên bang Đông Dương do Pháp thiết kế.

Trong thời gian trị vì, vua Thành Thái còn bí mật lập các đội nữ binh để che mắt Pháp. Một số tài liệu ghi rằng vua đã chiêu nạp được 4 đội, mỗi đội 50 người, đội trước huấn luyện xong thì trở về gia đình và nạp đội mới, khi có thời cơ sẽ cùng nổi dậy chống Pháp. Nhưng sự việc cuối cùng bị lộ khi Thượng thư bộ Lại Trương Như Cương và Cơ mật viện báo cho Khâm sứ Pháp Levécque.

Chuyện tình đế vương trong tòa Bạch Dinh Vũng Tàu

Cuộc đời của cựu hoàng Thành Thái không chỉ gắn liền với những câu chuyện về lòng yêu nước mà còn gắn liền với những giai thoại kỳ lạ về tình yêu đôi lứa. Một trong những đoạn tình cảm nam nữ của ông có liên quan đến tòa Bạch Dinh ở Vũng Tàu.

Theo Kiến thức, Bạch Dinh là tòa dinh thự nổi tiếng, có lịch sử đặc biệt ở Vũng Tàu. Công trình được người Pháp xây dựng từ năm 1898 - 1902 trên nền pháo đài Phước Thắng cũ. Do màu sơn trắng nên người Việt gọi nó là Bạch Dinh.

Từ tháng 9/1907, Bạch Dinh Vũng Tàu được dùng làm nơi giam lỏng cựu hoàng Thành Thái. Ông sống tại đây trong gần 10 năm. Khoảng cuối thời gian đó, vị vua thứ 10 của nhà Nguyễn đã trải qua cuộc tình nồng ấm với một cô thôn nữ địa phương.

Cuu-hoang-Thanh-Thai-va-chuyen-tinh-de-vuong-it-biet-o-Bach-Dinh-9

Theo tác giả Gia An (báo Bà Rịa - Vũng Tàu), khi sống ở Bạch Dinh, vua Thành Thái thường đi xe hơi sang vùng Long Điền, Đất Đỏ dự tiệc đình, tiệc lễ, hội hè của người dân địa phương. Bà con trong vùng lúc đó thấy xe nhà vua là đứng nép sát bên đường, cúi chào cung kính.

Năm 1912, trong chuyến đến thưởng lãm các trò chơi dân gian của người dân làng Phước Thọ, vua Thành Thái đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy một cô thôn nữ cao dong dỏng, tóc búi về nhất cuộc thi đua ngựa của làng, Cô gái không môi son phấn má mà trông mặn mà, dễ ưa, tên Trần Thị Đê. 

Vua Thành Thái nảy sinh tình cảm và nhắn tin qua ông Hội đồng Kế rằng muốn cưới cô Đê về làm vợ, chuẩn bị nhận lễ vật, đưa dâu Bạch Dinh. Hôn lễ diễn ra sau đó không lâu dù ban đầu cô Đê cứ khăng khăng từ chối vì "không nỡ sống xa mẹ, xa cha".

Hai bà phi của vua vốn là hai chị em ruột của một viên quan lớn trong triều đình, đến tận nhà cô dâu để lo việc trang điểm và đem sính lễ qua rước dâu. Năm đó, cựu hoàng mới 35 tuổi, còn ý trung nhân vừa tròn đôi mươi. Nghi lễ ở Bạch Dinh diễn ra rất long trọng trong sự bảo vệ cẩn mật của binh lính.

Cuu-hoang-Thanh-Thai-va-chuyen-tinh-de-vuong-it-biet-o-Bach-Dinh-7

Theo một lời kể khác thì vua Thành Thái gặp người trong mộng vào mùa hè năm năm 1916 chứ không phải năm 1912. Và bối cảnh của cuộc gặp là vua tình cờ nhìn thấy một cô gái đang phi ngựa trên đường chứ không phải là trong một cuộc đua ngựa.

Không rõ lời kể này có chắc chắn không nhưng vua đã có những giây phút hạnh phúc bên người vợ mới Bạch Dinh - thời kỳ u ám khi chịu sự quản thúc của người Pháp.

Có một điều mà chúng ta cần biết, vua Thành Thái không có nhiều thời gian tận hưởng niềm hạnh phúc ở Vũng Tàu. Đến năm 1916, ông bị đày ra đảo Réunion cùng với con trai là vua Duy Tân, để lại người vợ hiền cùng tòa dinh thự màu trắng trống vắng.

Một nguồn sử liệu cho rằng, khi vua Thành Thái rời Việt Nam, thứ phi Trần Thị Đê đang có thai được 3 tháng và phải rời Bạch Dinh để về quê chờ sinh nở. Đầu năm sau, công chúa Trần Thị Kiều ra đời mà không biết mặt cha. Hai mẹ con đùm bọc nhau trong khốn khó.

Cựu hoàng bặt vô âm tín trong 3 thập kỷ. Đến năm 1947, vị cựu hoàng mới trở về nước, nhưng bị chính quyền bù nhìn thân Pháp quản thúc tại Sài Gòn. Ngay khi có cơ hội, ông đã về Vũng Tàu tìm gặp người tình xưa.

Cuu-hoang-Thanh-Thai-va-chuyen-tinh-de-vuong-it-biet-o-Bach-Dinh-6

Họ mừng mừng tủi tủi vì phận vợ chồng vẫn nặng nghĩa đậm duyên. Hạnh phúc của Thành Thái còn được nhân đôi khi lần đầu gặp mặt con gái sau hơn 30 năm xa cách. Những năm sau đó, ông đã dồn hết tâm trí và tiền của cho hạnh phúc của nàng công chúa ra từ cuộc tình Bạch Dinh.

Mỗi lần gặp mặt, hai cha con lại đi đây đó trò chuyện, chụp ảnh kỷ niệm. Công chúa thường nhắc lại thuở ấu thơ cô đơn buồn tủi của mình. Còn cựu hoàng Thành Thái vẫn đau đáu nỗi hận trong lòng vì không giúp được gì cho dân tộc.

Một lần về lại Bạch Dinh, ông đã làm bài thơ "Sầu tây bể cấp" để bày tỏ nỗi lòng ai oán của mình về thời cuộc. Lời thơ ám ảnh lòng người: “Sống thừa nào biết đến hôm nay/Nhìn thấy núi non đất nước này/Sừng ngựa chưa quên câu chuyện cũ/Ruột tằm chín khúc mối sầu tây...".

Sau ít năm đoàn viên, cựu hoàng vĩnh biệt thế gian do tuổi già sức yếu, ngày 20/3/1954. Không rõ trong thời khắc ông ra đi, những người phụ nữ quan trọng nhất cuộc đời ông có ở bên cạnh hay không...

Xem thêm: Ngọ Môn - tuyệt tác kiến trúc chứng kiến bao thăng trầm của nhà Nguyễn

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận