"Thần cơ" Hồ Nguyên Trừng: Người tù Đại Việt thành quan to triều Minh
Sau khi bị nhà Minh bắt, Hồ Quý Ly bị giam, 2 con trai được tha bổng. Hồ Hán Thương được giao chức quan nhỏ còn Hồ Nguyên Trừng được trọng dụng vì có tài chế súng và thuốc nổ.
Hồ Nguyên Trừng là ai?
Hồ Nguyên Trừng (1374 - 1446) biểu tự Mạnh Nguyên, hiệu Nam Ông, sau đổi thành Lê Trừng. Ông là một nhà chính trị, quân sự, tôn thất hoàng gia Đại Ngu, còn trưởng của vua Hồ Quý Ly và là hoàng huynh vua Hồ Hán Thương. Ông từng làm tể tướng triều Hồ, có nhiều đóng góp về khoa học quân sự và là chỉ huy chính của quân đội Việt Nam trong kháng chiến chống Minh (1406 - 1407).
Hồ Nguyên Trừng, trước khi đổi họ Lê là người huyện Vĩnh Phúc, lộ Thanh Hoa (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa). Ông là con trưởng của Hồ Quý Ly và là anh của Lê Hán Thương và Thánh Ngâu. Trong Nam Ông mộng lục ông có nói ngoại tổ phụ là Nguyễn Thánh Huấn, vốn là một người rất hay thơ đời Trần, nên mẹ ông có lẽ là Nguyễn Phu nhân. Song câu viết trong bài là "Trừng thái phụ chi ngoại tổ viết: Nguyễn Công", có lẽ chưa chắc ngoại tổ phụ của Trừng họ Nguyễn, mà là ngoại tổ của ông nội Trừng mới là họ Nguyễn (còn tồn nghi vấn).
Vào cuối thời Trần, Hồ Quý Ly làm Phụ chính Thái sư, nắm mọi việc trong triều. Nguyên Trừng nhận chức Tư đồ. Sau khi nhà Hồ thành lập, ông nhận chức Tả Tướng quốc, cùng với chú là Hữu Tướng quốc Hồ Quý Tỳ đứng hàng Tể tướng. Cuối năm 1406, đế quốc Minh xâm lược Đại Ngu, vua Hồ Hán Thương sai Tả Tướng quốc Trùng cầm quân chống đối.
Đại Việt Sử ký Toàn thư, bộ quốc sử Đại Việt thời Lê kể Hồ Nguyên Trừng đã trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh lớn như trận Lãnh Kinh (1406), trận phòng thủ Đa Bang, cùng các trận phản công sông Lô và cửa Hàm Tử (1407). Trừ trận Lãnh Kinh là thắng lợi khó nhọc của quân Đại Ngu, các trận đánh do Hồ Nguyên Trừng chỉ huy đều thất bại.
Tháng 5 âm lịch năm 1407, Hồ Nguyên Trừng bị bắt về Trung Quốc cùng với Thượng hoàng Hồ Quý Ly, vua Hồ Hán Thương, Hữu Tướng quốc Hồ Quý Tỳ. Về sau, ông được nhà Minh sung vào Công bộ làm quan, được nhà Minh gọi là '''Hỏa khí chi thần'''. Ngoài ra, ông còn là nhà văn Việt Nam ở thế kỷ XV, với tác phẩm tự kể Nam Ông mộng lục.
Hồ Nguyên Trừng - "cha đẻ" của súng thần công
Sử sách có ghi, Hồ Nguyên Trừng không chỉ là vị tướng có tài mà còn là một công trình sư lỗi lạc, được coi là ông tổ của nghề đúc súng thần công Việt Nam. Việc ông lập 1 phòng tuyến chống giặc bắt đầu bằng cứ điểm then chốt Đa Bang (Ba Vì) kéo dài theo bờ Nam Sông Đà, sông Hồng cho đến sông Ninh (Nam Hà) rồi lại tiếp tục theo bờ sông Luộc, sông Thái Bình đến Bình Than dài trên 400 km, đã tỏ rõ ông là nhà quân sự kiệt xuất.
Hồ Nguyên Trừng cũng sáng tạo ra cách đánh độc đáo: Ông cho đúc nhiều dây xích lớn chăng qua những khúc sông hiểm trở, kết hợp với quân mai phục trang bị bằng hỏa lực mạnh, từng khiến cho thủy binh giặc nhiều phen khiếp đảm. Tuy vậy, nói đến Hồ Nguyên Trừng người ta thường nhắc nhiều đến công sáng chế ra súng “thần cơ” của ông.
Thời ấy, do yêu cầu chống giặc ngoại xâm, muốn có nhiều súng trang bị cho các thành trì và các hạm đội, Hồ Nguyên Trừng đã phải gấp tổ chức những xưởng đúc súng lớn. Nhờ thông minh và khả năng suy nghĩ phi thường mà ông đã đúc kết những kinh nghiệm cổ truyền, trên cơ sở đó, phát minh, chế tạo ra nhiều loại súng có sức công phá sấm sét. Từ việc cải tiến súng, chế thuốc súng, hiểu rõ sức nổ của thuốc đạn Nguyên Trừng phát minh ra phương pháp đúc súng mới gọi là súng “thần cơ”.
Sử sách đời Minh có viết: “Trừng dâng cách chế tạo súng thần”, “Trừng chuyên đôn đốc chế tạo súng, tiễn, thuốc súng”, “Trừng chuyên quản hoả khí, quân khí”, “Triều ta dùng hoả khí chống địch là loại chiến cụ hàng đầu xưa nay mà sự nhẹ nhàng thần diệu của nó thực là mới lấy được khi Văn Hoàng đế bình Giao Chỉ, tức dùng Lê Trừng, con vua nước Việt, tướng quốc nguỵ làm quan bộ Công chuyên trách đôn đốc chế tạo, truyền hết tài năng”.
Theo các nhà quân sự, súng "thần cơ" của Hồ Nguyên Trừng có đầy đủ các bộ phận của loại súng "thần công" ở những thế kỷ sau này. Súng có nhiều loại, loại nhỏ dùng cho bộ binh bắn xa khoảng 700 mét. Loại lớn là 'thần cơ pháo' đặt cố định bảo vệ thành hoặc dùng xe kéo vận chuyển. Cấu tạo súng thần công bao gồm: Thân súng dài 44 cm, nòng súng dài 5 cm, trục quay, thước ngắm, lỗ điểm hỏa, khối hậu. Trong đó khối hậu được đúc kín chứa thuốc nổ, nòng súng chứa những trái đạn, trục quay để điều chỉnh góc bắn, lỗ điểm hỏa để châm ngòi và thường được gắn thân bánh xe ở trục quay để cơ động.
Vào lúc thế giới đang thai nghén về súng đại bác thì súng "thần cơ" của Hồ Nguyên Trùng là một sáng chế vĩ đại. Dù Trung Quốc là nơi phát minh ra thuốc súng nhưng trong cuộc xâm lược Đại Việt, quân Minh vẫn không tránh khỏi nỗi kinh sợ trước hỏa lực của "thần cơ thương pháo". Khi chiếm được những khẩu pháo này họ rất đỗi kinh ngạc và khâm phục vì “thần cơ thương pháo”, có nhiều ưu thế hơn hẳn vũ khí của quân Minh. Họ nhanh chóng chở những cỗ “thần cơ” của Hồ Nguyên Trừng về nước, dùng súng Thần An Nam khi đánh với Mông Cổ.
Minh sử chép: Trong cuộc bình Giao Chỉ, nhà Minh đã bắt được súng thần, pháo thần của Giao Chỉ được coi là vũ khí nhất thiên hạ... Súng “thần công” có được gần đây dùng sắt làm tên, bắn đi bằng lửa, đi xa ngoài 100 bước, nhanh chóng kỳ diệu như thần, nghe thấy tiếng là lửa đã đến (Trương Tú Dân).
Sau khi thất bại trong cuộc kháng chiến chống Minh. Năm 1407, 17.000 người Việt gồm gia quyến quan tướng họ Hồ và quân lính Đại Việt bị đưa về Nam Kinh, Trung Quốc. Vì tính mạng của cha (Hồ Quý Ly) nên Hồ Nguyên Trừng buộc phải phục vụ cho nhà Minh trong việc trông coi xưởng đúc súng.
Sau khi bị bắt thành quan to nhà Minh
Quay lại chuyện của nhà Hồ, vào tháng 2/1400, Hồ Quý Ly lấy ngôi báu của nhà Trần. Lúc ấy trong lòng có ý muốn lập con thứ là Hồ Hán Thương (cháu ngoại Trần Minh Tông) làm Thái tử nên đã thăm dò ý Hồ Nguyên Trừng bằng cách ra câu đối: "Thử nhất quyển kỳ thạch, hữu thì vi vân vũ dĩ nhuận sinh dân" (Nghĩa là: Hòn đá lạ bằng nắm tay này, có lúc làm mây làm mưa để nhuần thấm sinh dân".
Nghe xong, Hồ Nguyên Trừng khiêm tốn trả lời, ý không màng ngôi cao, chỉ mong phụng sự đất nước: "Giá tam thốn tiểu tùng, tha nhật tác đống tác lương dĩ phù xã tắc" (Nghĩa là: Cây thông nhỏ mới ba tấc kia, ngày sau làm rường cột để chống nâng xã tắc).
Đến tháng 12/1400, Hồ Quý Ly tự xưng là Thái thượng hoàng và nhường ngôi cho Hồ Hán Thương. Hồ Nguyên Trừng lúc này nhận chức Tả tướng quốc. Cuối năm 1405, nguy cơ xâm lược của giặc Minh ngày càng rõ rệt. Khi nghị sự các quan trong triều chia thành 2 phái đánh và hòa.
Hòa tức là chấp nhận sức ép của Bắc triều, cắt đất nước, cống nộp từ con người đến sản vật. Hồ Nguyên Trừng nói: "Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo thôi”. Hồ Quý Ly rất tâm đắc ý chí của Hồ Nguyên Trừng nên đã thưởng cho Hồ Nguyên Trừng chiếc hộp đựng trầu bằng vàng.
Đến giữa năm 1406, Hồ Nguyên Trừng thống lĩnh binh mã cự 10 vạn quân Minh từ Quảng Tây đánh sáng. Trận đầu ông thất bại ở khu vực Đáp Cầu (Bắc Ninh ngày nay), vì khinh địch ít. Sau đó, ông cũng đuổi được chúng ra khỏi bờ cõi.
Đến cuối năm 1406, nhà Minh tiếp tục đợt xâm lược mới với quân số lên đến 80 vạn. Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng chỉ huy một cánh quân tiên phong dọc sông Cái. Thất bại này nối thất bại kia vì giặc mạnh lại biết dùng kế ly gián, chia rẽ họ Hồ với quân tướng và dân chúng.
Giữa năm 1407, toàn bộ gia tộc họ Hồ, từ Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương, Hồ Nguyên Trừng đến con cháu đều bị bắt sống và giải về Kim Lăng, Trung Quốc.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, NXB KHXH Hà Nội 1993 có chép: Năm 1411 Hồ Ngạn Thần theo lệnh vua Trùng Quang Trần Quý Khoáng đến Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay) để cầu phong. Vua Minh sai Hồ Nguyên Trừng gặp Ngạn Thần thu thập tin tức Giao Chỉ.
Khâm định Việt sử thông giám cương mục, NXB Hà Nội 1998, ngoài nội dung cũ, liên quan đến Hồ Nguyên Trừng còn có các chi tiết: Vua nhà Minh ngự điện nhận tù binh và hỏi Hồ Quý Ly rằng: “Giết vua, cướp nước, như thế có phải là đạo người bầy tôi không?”.
Hồ Quý Ly không trả lời, bèn giao cả xuống giam vào ngục tù, chỉ tha cho con là Trừng, cháu là Nhuế. Sau, Quý Ly ở trong ngục được tha ra, bắt đi thú thủ ở Quảng Tây; Trừng vì lành nghề chế binh khí, dâng phép chế súng lên vua Minh, nên được tha ra để dùng.
Lời cẩn án – Sử cũ chép: “Khi Quý Ly đến Kim Lăng, vua nhà Minh giả vờ trao cho chức tham chính, sai người hộ tống đến nơi làm việc, rồi giết chết ở dọc đường”. Có lẽ nào đánh bắt được người đầu sỏ của giặc, không đem làm tội một cách đường hoàng mà lại phải dùng kế giả dối để giết bao giờ? Thật là vô lý! Nay theo sách Minh sử kỷ sự cải chính lại.
Những năm tháng cuối đời của Hồ Nguyên Trừng
Giai đoạn sau cuộc đời Hồ Nguyên Trừng không được chính sử Việt Nhắc đến. Có nhiều văn bản Trung Quốc còn lưu lại đều thống nhất dùng họ Lê cho Hồ Nguyên Trừng và con cháu ông, đây là họ của Lê Huấn, cha nuôi Hồ Quý Ly. Để tiện bề theo dõi, trở xuống xin được đổi lại họ Hồ trong các đoạn dịch.
Theo Minh Sử: "Vào thời Minh Thành tổ, Giao Chỉ được bình định, kỹ thuật (chế tạo) thần cơ thương pháo được thu dung, thành lập và huấn luyện một binh đoàn trang bị súng thần cơ".
Kết nối dữ liệu trên với tài liệu của Tôn Lai Thần (Sun Laichen) sẽ hiện ra chân dung nhà khoa học quân sự Hồ Nguyên Trừng:
Theo lệnh vua Minh, các tù binh Đại Việt biết chế tạo vũ khí như Hỏa súng, Đoạn tiễn, Thần tiễn, Thuốc súng; đã bị áp giải đến Nam Kinh cùng với nhiều thợ thủ công các loại, tổng cộng lên đến khoảng 17.000 người. Trong số này có Hồ Nguyên Trừng. Đại Việt sử ký toàn thư cũng đặc biệt ghi nhận năm 1407 Hồ Nguyên Trừng đã chế tạo nhiều súng ống và tàu chiến để chống lại quân Minh xâm lược. Việc ngài Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng nắm kỹ năng chế tạo vũ khí cầm tay cho thấy tầm quan trọng mà Đại Việt gửi gắm ở kỹ nghệ sản xuất thuốc súng cũng như cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa Đại Việt và các nước láng giềng, trước hết là với Trung Hoa và Chiêm Thành. Thú vị là sự tinh thông ấy đã thay đổi vận mệnh Hồ Nguyên Trừng tại Trung Hoa…. Nguyên trừng được tha bổng và nhậm một chức quan thuộc Công bộ. Ông chịu trách nhiệm chế tạo hỏa súng, hỏa tiễn và thuốc súng trong Binh trượng cục (Cục chế tạo vũ khí) và rồi được thăng chức Thượng thư bộ Công (tương đương hàm bộ trưởng ngày nay – ND)… Theo một số sách vở Trung Hoa (Minh sử cảo), triều Minh khi tế thần súng cũng thường hiến cúng Hồ Nguyên Trừng. 73 tuổi, Hồ Nguyên Trừng mất, con ông (Lê Thúc Lâm – ND) đã thay ông tiếp tục chế tạo vũ khí cho nhà Minh đến khi về hưu năm 1470 ở tuổi 70.
Phần lớn ghi chép của Việt Nam cho rằng, Hồ Nguyên Trừng làm quan triều Minh đến tam phẩm (Công bộ tả thị lang, thứ trưởng). Thực ra theo bộ Minh sử đầy đủ đã xuất bản ở Đài Loan, năm 1445 Hồ Nguyên Trừng được thăng chức nhị phẩm (Công bộ thượng thư).
Điều này phù hợp với nghiên cứu của Tôn Lai Thần. Có lẽ làm "bộ trưởng" chưa được 1 năm thì Hồ Nguyên Trừng mất nên tài liệu Việt Nam sơ suất. Hữu thị lang Hồ Thúc Lâm, con Hồ Nguyên Trừng đến tuổi hưu trí vẫn được triều Minh lưu dụng. Thậm chí đến cháu nội ông là Hồ Thế Vinh, năm 1469 cũng được tuyển làm Trung thư xá nhân tại Công bộ.
Hiện có không ít trang trên mạng đề cập đến nơi an nghỉ của họ Hồ. Chẳng hạn khảo biện “Hỏa long kinh”, thuộc chủ đề Trung Quốc lịch sử văn vật, tác giả Lý Bân, Đại học Thanh Hoa xuất bản 1/1/2002 viết:
Tháng sáu, năm Chính thống thứ 10 (1445) thăng (Hồ Nguyên Trừng) làm Thượng thư bộ công, giữ việc nội phủ, tháng 7 năm sau mất, hưởng thọ 73 tuổi, an táng tại vùng núi phía tây Bắc Kinh, sườn núi Ngọc Đài, thôn Nam An Hà.
Từ các dữ liệu trên có thể thấy, Hồ Nguyên Trừng và các con cháu ông là những công trình sư có đóng góp cho nghiên cứu và thực nghiệm khoa học quân sự lớn lao của nhà Minh. Phải chăng chính công tác “gián điệp” trong quá trình xâm lăng Đại Việt đầu thế kỷ 15, nhà Minh đã nhìn thấy “mỏ vàng” nhân lực trí lực đồ sộ ở nước Nam. Cướp đất và ra sức tiêu diệt văn hóa chưa đủ, họ còn bắt đi 17.000 trái tim khối óc người Việt đem về để kiến thiết Trung Quốc. Nguyễn An, nhân vật tham gia thiết kế và xây dựng Tử Cấm Thành, và Hồ Nguyên Trừng là những cái tên chói sáng trong số tù nhân kia. Họ bất tử vì tài năng kiệt xuất, lưu truyền thiên cổ.
******
Cuối đời sống trong nhà lao mang tên Trung Hoa, dù chức cao bổng hậu Hồ Nguyên Trừng vẫn ngóng về quê hương với nỗi niềm sâu nặng. Phải chăng đây là lý do Nguyên Trừng lấy bút hiệu Nam Ông (ông già nước Nam) và viết cuốn "Nam Ông mộng lục" bất hủ.
Trước tác gồm 31 phần, do Hồ Huỳnh, Thượng thư bộ Lễ Minh triều đề từ năm 1440, có cả hậu tự năm 1442 của Tống Chương. Ở lời nói đầu, Hồ Nguyên Trừng bảo: "Trong xóm mười nhà thể nào cũng có người tín nghĩa như Khổng Tử, huống hồ nhân vật nước Nam không kể hết".
Thời gian và chiến tranh làm sách vở tiêu tán hết, nên ông phải viết lưu lại cho đời. Bằng nỗi niềm thương nhớ cố quốc, hồi tưởng năm tháng đã qua, Hồ Nguyên Trừng ngỡ cuộc đời là một giấc mộng dài. Ông giải thích chữ “mộng”: Những nhân vật trong sách, một thời phồn hoa, rồi thời cuộc biến đổi không còn để lại vết tích, chỉ còn một mình tôi biết được và kể ra, như vậy chẳng phải mộng là gì!
Qua "Nam ông mộng lục" người ta phần nào hình dung được đất nước Việt Nam cách đây hơn 600 năm. Các mảng đời sống, tín ngưỡng, phong tục, lề thói… rất sinh động và chân thật. Hồ Huỳnh nhận định: "Văn họ Hồ ngắn gọn mà nghiêm trang, cẩn mật, cao nhã mà uyên bác, theo tình kể lại, theo nghĩa đặt lời… Ca ngợi sự tiết nghĩa thì bừng bừng cảm khái, có thể uốn nắn phong tục, biểu dương trước thuật thì siêu thoát, thanh tân, có thể nuôi dưỡng tính tình…".
Xem thêm: Hồ Quý Ly và cuộc cải cách táo bạo mang tư tưởng tiến bộ nhưng chưa thành công
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận