Ôn thi tốt nghiệp THPT: Công thức viết kết bài chung cho tác phẩm 12

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 sắp đến, chúng tôi xin phép giới thiệu đến bạn công thức viết kết bài chung cho các tác phẩm Ngữ văn 12.

Đỗ Thu Nga
11:00 24/04/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Công thức viết kết bài Ngữ văn 12

1. Những năm tháng trôi đi và lịch sử không ngừng biến động. Những tác phẩm B của nhà văn/nhà thơ A mãi là bông hoa không tuổi tựa mùa xuân không ngày tháng đã ghi lại quá khứ hào hùng, sôi động của đất nước mình một thuở. Vẻ đẹp của con người Việt Nam đã làm nên cái hồn của cả dân tộc và góp phần làm cho tác phẩm sống mãi với thời gian.

2. Khép lại những trang văn/trang thơ ấy, trong lòng bạn đọc vẫn bồi hồi bao cảm xúc. Tác giả A đã gieo vào lòng chúng ta bao cảm xúc dạt dào không chỉ cho hôm nay mà còn mãi mai sau về (vấn đề nghị luận). Chính điều đó đã tạo nên sức sống bất diệt cho tác phẩm, làm cho người đọc càng yêu thế giới văn học hơn.

3. (Vấn đề nghị luận) trong tác phẩm B có lẽ chính là nét vẽ đẹp nhất mà người nghệ sĩ A đã tạo nên trong sự nghiệp sáng tác của mình. Dù cho ở quá khứ, hiện tại hay tương lai, tác phẩm B vẫn sống mãi với thời gian. Thật đúng với lời nhận định: “Văn học nằm ngoài mọi sự băng hoại, mình nó không chấp nhận quy luật của cái chết”.

4. Sau khi đọc xong một tác phẩm văn học, tôi tự hỏi “Tác phẩm B đó đem lại điều gì mà khiến nhiều bạn đọc yêu thích đến thế?”. Có lẽ tác giả A đã dùng tất cả lớp ngôn từ tinh tế nhất để tạo nên (vấn đề nghị luận) của tác phẩm B đến độ hoàn hảo như vậy.

5. Xuân Diệu quan niệm: “Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa”. Tác giả A đã đem hiện thực ấy vào trong trang viết của mình một cách tự nhiên, đồng thời A cũng khiến trái tim người đọc tan chảy khi suy ngẫm về ( vấn đề nghị luận) của tác phẩm B. Quả thực văn học chân chính nằm ngoài sự băng hoại của thời gian nên tác phẩm B vẫn sáng ngời cho đến tận hôm nay và mãi mãi về sau”.

cong-thuc-viet-ket-bai-chung-cho-tac-pham-12-6

Phương pháp viết kết bài Ngữ văn 12

Bước 1: Khẳng định lại vấn đề

Các bạn có thể bắt đầu viết kết bài bằng cách khẳng định lại những ý được thể hiện, phân tích ở mở bài hay những luận điểm được đề cập tới trong phần thân bài. Việc thâu tóm lại nội dung giúp cho bài viết thêm trọn vẹn và hoàn chỉnh.

Bước 2: Đánh giá thành công tác giả

Từ vấn đề được khẳng định, các bạn có thể liên hệ sang phong cách sáng tác của tác giả, đưa ra đánh giá về những thành công tác giả đã đạt được trong tác phẩm.

Bước 3: Bài học nâng cao quan điểm

Hãy chốt lại kết bài bằng việc đưa ra những bài học đúc kết hay vấn đề, quan điểm nâng cao bởi kết bài không đơn giản chỉ tóm tắt, “gói” lại nội dung mà phải khơi gợi lại những tâm tư, suy nghĩ trong lòng người đọc.

Kết bài mở rộng và nâng cao vấn đề

Cách 1: Đưa lí luận vào kết bài

Với cách kết bài này, người viết đưa thêm những lí luận, dẫn chứng để khẳng định, làm rõ các luận điểm, đồng thời giúp tăng tính khoa học cho bài làm. Lưu ý, các bạn không cần đưa ra những lí luận quá sâu sắc, dễ sa đà vào những sai lầm khác, khiến kết bài miên man và chệch hướng.

Ví dụ:

Xuân Diệu quan điểm “Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa”, Chính Hữu đã đem hiện thực vào trang viết của mình một cách tự nhiên, đồng thời ông cũng khiến người đọc cảm thấy con tim mình như tan chảy khi chứng kiến tình đồng chí, đồng đội keo sơn, thắm thiết trong tột cùng gian khó. Quả thực văn học chân chính nằm ngoài sự băng hoại của thời gian, nên hình tượng người lính trong “Đồng chí” vẫn mãi sáng ngời cho tận hôm nay và mãi mãi về sau.

Ở kết bài trên, người viết cũng thực hiện theo 3 bước: gói lại vấn đề, khẳng định tài năng của tác giả và đưa ra bài học. Tuy nhiên, kết bài này được đánh giá cao bởi nó đã được gài gắm thêm lí luận. Hình ảnh “Thơ là hiện thực” để liên hệ sang tính hiện thực của bài thơ, “thơ còn là thơ nữa” giúp nhấn mạnh chất lãng mạn trong bài thơ.

Cách 2: Vận dụng kiến thức thực tế

Để tăng thêm tính linh hoạt và sự sinh động cho kết bài, các bạn có thể đi từ kiến thức thực tế vào sách vở, dẫn dắt từ câu chuyện đời thực tới tác phẩm. Cách viết này khá gần gũi và dễ chiếm được cảm tình của người đọc.

Ví dụ:

Mỗi lần có dịp đi qua Quảng trường Ba Đình lịch sử, ta sẽ vẫn thấy dòng người như bất tận vào lăng viếng Bác. Ta chợt nhớ tới bài thơ của Viễn Phương với những ước nguyện cao đẹp dâng hiến lên Người. Bác đi xa, và Viễn Phương cũng đã trở thành người thiên cổ nhưng dư âm của “Viếng lăng Bác” sẽ còn mãi ngân vang.

Tóm lại: Có nhiều cách, nhiều kiểu kết bài. Nhưng dù kết bài theo kiểu nào đi chăng nữa thì cũng nhằm khắc sâu kết luận của người viết để lại ấn tượng cho người đọc và nhằm nhấn mạnh ý nghĩa của vấn đề đã được nghị luận. Kết bài hay phải vừa đóng lại, chốt lại, phải vừa mở ra, nâng cao và cứ ngân nga mãi trong lòng người đọc.

Xem thêm: Ôn thi tốt nghiệp THPT: Top 10 quan điểm đặc biệt về văn chương của Xuân Diệu

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận