NLXH 200 chữ: Con người có cần nỗi sợ trên hành trình cuộc sống của mình hay không?
Đề bài: Trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu hỏi: “Con người có cần nỗi sợ trên hành trình cuộc sống của mình hay không?”
Rainer Maria Rilke đã từng nói rằng: “Con người cần phải có hành động chống lại nỗi sợ hãi một khi nó nắm được anh ta”. Có lẽ vì thế, trong suy nghĩ của nhiều người, nỗi sợ chính là “người cản trở”, “kẻ thù” của thành công, của hạnh phúc. Thế nhưng có bao giờ bạn nghĩ bên cạnh sự dũng cảm thì nỗi sợ ở một khía cạnh nào đó cũng thật cần thiết trên hành trình cuộc sống của con người? Nỗi sợ là cảm xúc, phản ứng tự nhiên của con người trước những mối nguy hiểm, đó có thể là sự hoảng loạn, sự chần chừ, sự e ngại… Cuộc sống là một hành trình đầy khó khăn và thử thách, khi chúng ta dám đối diện với thử thách, vượt lên trên nỗi sợ, con người sẽ khám phá và mở rộng hơn rất nhiều cuộc sống vốn ngắn ngủi, đó là khi thành công đến, là khi tìm thấy và khẳng định được chính mình. Nhưng không phải vì thế mà cứ sống một cách ngang tàng, không biết sợ bởi lẽ có những nỗi sợ lại rất cần thiết trong cuộc sống. Xã hội sẽ ra sao nếu như ai cũng không biết sợ pháp luật? Đó là khi những quy tắc, chuẩn mực, giới hạn bị phá vỡ, khi mọi quyền của con người bị xâm phạm một cách ngang nhiên.
Đó là khi ai cũng có thể lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để gây tội ác, như những dư chấn sau vụ án Lê Văn Luyện, đó là tội ác của Lê Anh Tuấn, không biết sợ pháp luật vì biết mình chưa đủ độ tuổi luật định để nhận bản án thích đáng của pháp luật đối với tội ác dã man của mình. Đối diện với bất kì một vấn đề nào trong cuộc sống, cái sợ sẽ khiến con người trở nên cẩn trọng hơn. Hơn nữa, đôi khi nỗi sợ lại là biểu hiện trái chiều của thái độ trân trọng với cuộc đời. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết: “Mỗi một con người vì ngại chết mà muốn sống. Mỗi một con người vì sợ mất tình mà giữ mãi một lòng nhớ nhung.” Ta vẫn thường nhìn nhận sự sợ hãi đồng nghĩa với hèn nhát, thiếu can đảm, từ đó mà xem nhẹ, coi khinh nỗi sợ. Vì vậy, chúng ta hãy trân trọng nỗi sợ hãi đang ngự trị cuộc sống của chúng ta bằng cách bước vào nó với sự tò mò, chủ ý có ý thức và kiến thức mà chúng ta có, và ta thực sự có thể đối mặt với nhiều nỗi sợ hơn chúng ta tưởng! Ai biết được điều gì có thể xảy ra nếu chúng ta “du hành hướng về nỗi sợ hãi của mình” (John Berryman).
Cách viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ
1: Nêu vấn đề (câu mở đoạn)
- Dẫn dắt - giới thiệu vấn đề: Dẫn dắt từ câu nói hoặc trực tiếp nêu ngay vào đề tài yêu cầu. (thông thường là vấn đề đã cho trong nội dung phần Đọc hiểu).
- Đánh giá khái quát vấn đề (tích cực, tiêu cực, ....)
2: Triển khai vấn đề (đưa ra suy nghĩ - cách hiểu của em về đề tài nghị luận)
- Giải thích các khái niệm liên quan.
- Bàn luận về vấn đề: biểu hiện; tác dụng, ý nghĩa; phản đề hoặc mở rộng vấn đề dựa trên quan điểm cá nhân.
+ Đặt ra các câu hỏi vì sao, tại sao. Sau đó bình luận, chứng minh từng ý lớn, ý nhỏ, sắp xếp luận cứ một cách rõ ràng.
+ Lựa chọn dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu, ngắn gọn, chính xác.
- Rút ra bài học cho bản thân hoặc liên hệ tới các hiện tượng tác động trực tiếp hoặc tương tự với đề tài.
3: Kết thúc vấn đề (tổng kết lại vấn đề)
+ Khẳng định ý nghĩa và tính thời sự của hiện tượng.
Xem thêm: Hoàng Sa, Trường Sa trong tôi - Bài văn đạt giải nhất
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận