Hoàng Sa, Trường Sa trong tôi - Bài văn đạt giải nhất
Đây là bài viết có ý tưởng tương đối tốt, cách triển khai mạch lạc, rõ ràng. Bài viết gần gũi và khá cảm xúc.
"Ba ơi con nhìn thấy..đó là gì hở ba?.
Ba tôi cười híp mắt bảo Hoàng Sa, Trường Sa".
Khi còn là những trang giấy trắng thơ ngây, nép mình sau những trang viết đượm màu của nắng gió. Như một quy luật chung của vòng tuần hoàn mỗi trang giấy trắng sẽ được khoác lên mình những màu mực riêng của thời đại. Nhưng dù có đổi thay ra sao thì những trang giấy trắng, mầm non của đất nước sẽ luôn được giáo dục, dạy bảo để ươm mầm cho tình yêu quê hương, tổ quốc và ý thức giữ gìn chủ quyền biển đảo. Một cơn gió có thể cuốn đi tất cả mọi thứ nhưng chắc chắn rằng nó sẽ chẳng làm lung lay nối dấu chân của lịch sử. Đặc biệt là đối với dân tộc Việt Nam, đất nước được biết đến với bề dày lịch sử vĩ đại, được viết nên từ xương máu của cha ông và biết bao người đã dâng hiến cả cuộc đời mình để đổi lấy độc lập chủ quyền cho dân tộc. Hiện nay với dòng chảy vô tận của thời gian lịch sử ấy được trao lại cho các bạn trẻ, những người kế thừa tinh hoa dân tộc. Như những cơn sóng dồn dập trên mặt biển, dòng lịch sử cứ thế trôi mãi mang theo cả công lao to lớn, chiến công hào hùng. Liệu có bao giờ ta tự hỏi rằng với vô vàn bài học ta được học hằng ngày về "tình yêu quê hương đất nước, chủ quyền biển đảo" thì những điều ấy có cần thiết để duy trì, phát triển trong cuộc sống hiện nay hay không?.
Đây có lẽ sẽ là một nút thắt lớn cần phải gỡ rối trong thế hệ chúng ta, thời đại của sự kế thừa, phát triển. Muốn tạo nên những bước tiến, sự phát triển bền vững đòi hỏi chúng ta phải thấu hiểu cặn kẽ mọi ngọn nguồn. Do vậy chúng ta nên nhìn lại lịch sử để thấu hiểu ngọn nguồn của "tình yêu quê hương, chủ quyền biển đảo". Phải chăng ở thời trước khi cha ông những người "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh", ở họ luôn luôn thiếu một thứ mà chúng ta thời nay đang xem là chướng ngại vật cần vượt qua. Đó là sự do dự, chính kiến lệch lạc!. Chính vì sự thiếu hụt này đã tạo nên tinh thần chiến đấu đầy oai hùng. Ý chí chiến đấu hy sinh anh dũng là những gì mà cả dân tộc ta có được, mà ngay cả họng súng của kẻ thù cũng phải e dè. Chắc hẳn ta vẫn chưa thể quên được một dáng hình nhỏ bé của nữ anh hùng Võ Thị Sáu đứng trước lưỡi hái tử thần của bọn giặc xâm lược, tinh thần thép vẫn vậy không chịu khuất phục quỳ trước bọn quân thù kiên quyết đáp trả thẳng thừng: "Không cần bịt mắt tôi. Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng và tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người". Lời tuyên bố ấy vẫn luôn vang vọng mãi cho đến ngày hôm nay.
Chiến tranh qua đi, lịch sử đã sang trang nhưng vẫn còn đó những nỗi đau, sự mất mát và ám ảnh hằn in sâu đậm trong trái tim những người mẹ Việt Nam anh hùng. Những người ở lại chứng kiến hòa bình độc lập, được hô to hai tiếng Việt Nam, và được giương cao lá cờ tổ quốc chắc hẳn là một niềm hạnh phúc lớn lao. Song, điều ấy lại không được trọn vẹn khi phải trải qua quá nhiều mất mát của đời người, bao người cha, người anh, người con đã mãi vắng bóng trên con đường trở về và họ mang theo cả những ước mơ, hoài bão, hứa hẹn không thành. Tấm bia đá trống trải vẫn đợi từng ngày để được khắc lên đó một cái tên "liệt sĩ'', là những đứa con khuyết mất tiếng "mẹ, cha". Là những ngày trời lạnh đến buốt xương người thương binh vẫn từng ngày chịu đựng. Tất nhiên khi chúng ta nhìn lại lịch sử hầu hết đều thốt lên lời căm thù giặc, oán giận chúng vô cùng. Và đồng thời sẽ rất tự hào, biết ơn, xúc động vô vàn trước công lao, sự hy sinh của các chiến sĩ. Sau tất cả ta nên cảm ơn những bài học lịch sử, sự giáo dục về tình yêu quê hương, ý thức giữ gìn chủ quyền đất nước. Bởi nó không chỉ giúp ta hiểu về nguồn cội của mình mà còn nuôi dưỡng trong ta hạt mầm của tình yêu. Từ đó giúp ta thấu hiểu bản thân, tạo nên bước đệm cho sự phát triển trong tương lai. Thay vì chỉ mặc định tình yêu quê hương đất nước, chủ quyền biển đảo trên khuôn khổ của các con chữ thì thế hệ trẻ của chúng ta ngày nay đã chuyển hóa tình cảm ấy theo nhiều chiều hướng khác nhau.
Có lẽ sẽ vất vả cho các bạn trẻ khi đứng trước một kho tàng lịch sử đồ sộ, đi đôi với sự ngưỡng mộ còn là cả những nhiệm vụ, sứ mệnh thiêng liêng, cao cả . Nhưng dù có khó khăn gian lao thì tình yêu quê hương, đất nước luôn luôn được thắp sáng trong lòng các bạn trẻ từ thuở tấm bé. Để khi khôn lớn chúng đã có sẵn trong lòng hình hài Tổ quốc. Bởi lẽ đó, với sức trẻ của mình các mầm non tương lai đã ra sức phát triển bảo vệ quê hương, chủ quyền biển đảo một cách anh dũng, thông minh. Chắc hẳn chúng ta vẫn chưa thể nào quên được "Liệt sĩ Nguyễn Văn Tiến'', chiến sĩ trưởng Lữ đoàn Công binh 131, Quân chủng Hải quân đã anh dũng ngã xuống trong khi thực hiện nhiệm vụ. Ở độ tuổi hai mươi, độ tuổi tươi đẹp nhất của đời người, theo nhịp đập của tình yêu đất nước người chiến sĩ trẻ đã trở thành tấm gương dũng cảm tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Quân chủng Hải quân Việt Nam. Sự hy sinh mất mát bao giờ cũng để lại những hồi ức đau thương. Song, ta có quyền tự hào về những hồi ức ấy, sự đau thương ở lại nhưng một trái tim anh dũng, một con người yêu nước đã được trở về bên Bác. Và sẽ được đón chào trong vòng tay ấm áp của Bác Hồ kính yêu. Mỗi năm để tỏ lòng thành kính của mình với các anh hùng, liệt sĩ trẻ em trên cả nước đã vẽ tranh, ca hát để tưởng nhớ công lao to lớn ấy. Hay tình yêu ấy chỉ đơn giản là những điều nhỏ nhặt giản đơn, một lời chào hỏi lịch sự của đứa bé với du khách nước ngoài, tự hào nói rằng "con là người Việt Nam!". Và cần phải nhìn nhận rằng tình yêu tổ quốc trong mỗi người dân Việt Nam không chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ, quốc gia mà đó đã trở thành ngọn lửa nhiệt huyết, cháy bỏng trong trái tim của những người sống nơi xa xứ, các kiều bào tại nước ngoài. Vào thời gian dịch bệnh hoành hành cả nước phải đương đầu với nhiều khó khăn thách thức rất lớn, tuy không thể trở về quê hương để cùng san sẻ khó khăn nhưng các kiều bào sinh sống tại nước ngoài vẫn ngày ngày dõi theo và giúp đỡ đất nước thân yêu. Thật vậy tinh thần yêu nước luôn bất khuất, chan chứa trong bao con người Việt Nam. Trở thành một chân lí sống được truyền dạy qua bao thế hệ con rồng cháu tiên.
Nếu ví đất nước Việt Nam là một cơ thể sống, nhân dân là máu và xương nâng đỡ thì biển đảo sẽ là một phần da thịt. Một cơ thể sống được cấu thành từ rất nhiều bộ phận, mỗi bộ phận đều rất quan trọng. Vì biển đảo là phần da thịt không thể thiếu ấy nên mỗi người phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn. Và Hoàng Sa, Trường Sa là hai quần đảo quan trọng của dân tộc, nơi lưu giữ biết bao mồ hôi, nước mắt của cha ông ta. Những đợt sóng nhấp nhô tràn trề sức sống, nắng vàng lóng lánh chiếu xuống mặt nước xen lẫn với cảnh vật trong veo tươi đẹp vô cùng. Phải chăng con người ta thường bị thu hút bởi vẻ đẹp mà không một phát minh nào của nhân loại tạo ra được?. Nhưng đối với dân tộc Việt Nam không chỉ say mê vẻ đẹp, giá trị mọi mặt mà biển đảo mang lại, hơn hết thứ chúng tôi quan tâm đó là "chủ quyền biển đảo''. Bởi vì biển đảo là một bộ phận quan trọng của đất nước, chỉ khi chủ quyền được xác định rõ ràng thì phần da thịt ấy mới được "công nhận", không một thế lực nào được phép xâm phạm.Có lẽ chúng ta đã quá quen với câu nói của ngôi sao hài kịch nổi tiếng - Lucille Ball rằng: " Yêu bản thân mình đầu tiên và mọi thứ sẽ đâu vào đấy. Bạn phải thực sự yêu bản thân mình thì mới có thể làm bất cứ điều gì trên thế giới này?". Thật vậy, phần da thịt ấy luôn luôn được quan tâm, chăm sóc như một lẽ tất yếu của việc yêu bản thân và đỉnh cao chính là hình thành nên được ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nếu tình yêu xuất phát từ những cảm xúc chân thành, mộc mạc thì ý thức lại là thứ tích lũy mỗi ngày qua sự tiếp nhận giáo dục. Thế hệ trẻ của chúng ta ngày nay nắm bắt thông tin một cách nhanh chóng, học hỏi được rất nhanh và hiệu quả nên việc hình thành ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo khá dễ dàng.
Tuy vậy những điều sai lệch luôn là một cái gì đó nổi bật hơn so với những chân lí đúng đắn. Từ suy nghĩ sai lệch rất nhanh chóng phát triển thành một "hệ tư tưởng lệch lạc". Nó vô hình tác động rất xấu tới mọi người, hiện nay rất nhiều thông tin sai phạm tràn lan trên khắp các trang mạng xã hội cho rằng quần đảo "Hoảng Sa, Trường Sa" không thuộc chủ quyền biển đảo Việt Nam. Hệ tư tưởng này có ảnh hưởng tiêu cực đối với cả dân tộc Việt Nam, sẽ rất dễ để khẳng định hay phủ định vấn đề nhưng giải quyết vấn đề mới là cốt yếu. Nhà nước ta đã thực hiện rất tốt công tác đính chính, xử lí các thông tin sai sự thật về bất cứ điều khoản, thông báo, tin tức liên quan đến chủ quyền biển đảo. Mọi việc đều được công khai minh bạch với nhân dân tránh tình trạng hiểu sai, hiểu nhầm dẫn đến hình thành tư tưởng lệch lạc. Dân tộc chúng ta đang được hưởng nền hòa bình một cách trọn vẹn, một thành quả xứng đáng cho cả dân tộc nên ta càng trân quý hơn những gì ta có. Việc giáo dục, xây dựng ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo là yếu tố tiên quyết giúp thế hệ trẻ hình thành, phát triển những phẩm chất đáng quý khác.
Theo sự chảy trôi của dòng lịch sử ta đã được ngắm nhìn lại những thước phim chân thật nhất về tình yêu quê hương đất nước, thước phim ấy chỉ có thể mua được bằng chính tình yêu tha thiết của nhân dân Việt Nam với tổ quốc thiêng liêng. Đồng thời cũng là một lời nhắc nhở cho thế hệ trẻ chúng ta về nhiệm vụ lớn lao, ý thức giữ gìn chủ quyền biển đảo. Đã là một cơ thể sống hoàn chỉnh ngoài việc tự ý thức bảo vệ bản thân, điều ta cần còn là sự tôn trọng giữa người với người cũng như sự tôn trọng đối với chủ quyền biển đảo. Một bàn tay không thể nào vỗ thành tiếng, nhưng một trái tim vẫn có thể đập, vẫn có thể kết nối với hàng triệu trái tim khác tạo thành một mắt xích không thể nào chia tách. Và nhờ thế tình yêu quê hương đất nước, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo sẽ không hẳn chỉ là một bài học khô khan thường ngày mà nó còn chứa đựng cả những nghĩa vụ cho thế hệ tương lai.
(Theo Thích Văn Học)
Xem thêm: NLXH 200 chữ: Có một con người phi thường đang say ngủ trong mỗi chúng ta
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận