Có một Tây Tiến lãng mạn giữa những hồn thơ cách mạng bi tráng

Trong Tây Tiến có chất lãng mạn đến từ nỗi nhớ, có sức gợi đến từ những câu thơ chan chứa thi vị. Chính vì thế, Tây Tiến giống như "pháo hoa" giữa hồn thơ cách mạng bi tráng.

Đỗ Thu Nga
15:00 12/07/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nhắc đến thơ ca của những tháng ngày đỏ lửa, người yêu thơ không thôi xuyến xao trước hiện thực cách mạng tàn khốc. Đó là sự ra đi của em gái nhỏ nơi chiến hào ngày đêm vẫn thét gào tiếng bom rơi đạn lạc trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: “Em nằm xuống đất sâu/ Như những khoảng trời đã nằm yên trong đất/ Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng/ Những vì sao ngời sáng lung linh”. Và nỗi đau ấy, đôi khi còn vương đọng nơi vách núi, con sông; khi mà những chàng trai cô gái vì quê hương đất nước mà chôn vùi tuổi xuân xanh: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”.

Ám ảnh, day dứt, thương đau là như thế; nhưng đó chỉ là một trong những lát cắt rất nhỏ trong tâm hồn của những con người ở bên kia chiến tuyến. Bên cạnh những nỗi đau, đằng sau những nỗi buồn và thẳm sâu trong chất nghiêm nghị, bi tráng vốn có của họ còn là những thơ mộng, lãng mạn, nên thơ của một tâm hồn hào hoa, lãng mạn. Và Tây Tiến của Quang Dũng cũng là một trong những minh chứng rõ nét cho điều ấy. 

1. Chất lãng mạn đến từ nỗi nhớ - cảm hứng chủ đạo cho cả bài thơ

Từ xưa đến nay, nỗi nhớ luôn là một trong nhiều niềm nỗi ám ảnh trái tim người nghệ sĩ. Nó phản ánh chiều sâu lãng mạn trong tâm hồn của họ, bởi lẽ, hễ là con người, với tất cả những rung động lẽ thường, yêu nhớ là điều tất yếu. Đó là nỗi nhớ người yêu của cô gái tài hoa mệnh bạc Thúy Kiều trước tình cảnh xa cách dặm ngàn: “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng/ Tin sương luống những rày trông mai chờ”. Hay là nỗi nhớ đầy ắp tình quân dân trong những ngày tháng trường kì chiến đấu của Tố Hữu: “Nhớ người mẹ nắng cháy lưng/ Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô”. 

co-mot-tay-tien-lang-man-giua-nhung-hon-tho-cach-mang-bi-trang-0

Trở lại với Quang Dũng và thi phẩm Tây Tiến, đó là những da diết, nồng đượm của nỗi nhớ về quá khứ. Nhớ con đường hành quân bên những vách đá cheo leo, nhớ những cơn mưa rừng chất chứa nỗi nhớ nhà, nhớ mùi lúa chín của người dân bản Mai Châu, nhớ cảnh chia tay, nhớ người xa cách. Quang Dũng đã thành thật với nội tâm của chính mình, để rồi mỗi câu trong bài thơ đều là những lát cắt khác nhau của nỗi nhớ. Mỗi kỉ niệm đều khơi gợi trong lòng bạn đọc những xúc cảm khác nhau, khi day dứt xót xa trước hiện thực chiến trường, khi xúc động trước lòng anh dũng kiên trung của người chiến sĩ; và đặc biệt là những khi đồng cảm và trân quý tâm hồn lãng mạn, giàu chất thơ ấn lấp đằng sau sắc xanh màu áo lính và khét nồng mùi thuốc súng, đạn bom. 

2. Chất lãng mạn đến từ những câu thơ chứa chan thi vị, giàu sức gợi…

“Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Thật đặc biệt khi đây là câu thơ duy nhất trong bài được Quang Dũng sử dụng toàn bộ thanh bằng cùng nhiều âm tiết mở để gợi ra sự êm dịu, nhẹ nhàng, lơ đãng, phiêu diêu của con đường hành quân trong những cơn mưa rừng. Nó khiến ta hình dung ra một không gian mênh mông , xa vắng, dàn trải, nhạt nhòa và mênh mông đến không cùng. Nó tái hiện lại nỗi nhớ đã đồng quyện cùng những cơn mưa rừng của người chiến sĩ. Bất chợt ta tự hỏi, đó là mưa rừng Tây Bắc hay mưa lòng người chiến sĩ sau những giờ hành quân nhọc nhoài, dừng chân bên dốc núi nghiêng đồi, lặng lẽ ngắm nhìn những bản , những làng, những mái nhà tranh đang chìm trong làn mưa hư ảo. Từ phiếm chỉ “nhà ai” có phải đang giãi bày những bâng quơ, những băn khoăn, nghi vấn, mơ hồ về bóng hình những gian nhà sau lưng họ, nơi đó có mẹ, có cha, có bữa cơm chiều nồng đượm tình thân. Nỗi nhớ đầy vơi, không hiện hữu thành hình, thành nét mà bâng quơ, ý nhị đã khiến tâm hồn người chiến sĩ hiện lên với tâm hồn đầy lãng mạn, thiết tha…

Đặc biệt, mỗi khi nhắc đến sự lãng mạn trong hồn thơ Quang Dũng, tôi đặc biệt yêu thích đoạn thơ: 

“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có thấy dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa…”

Những câu thơ hiện lên mang âm hưởng của một lời tự nhắn. Đó là lời nhắn nhủ của những tâm hồn đã hành quân trên miền núi cao Tây Bắc, của những tâm hồn chưa thôi yêu nhớ phong vị hữu tình của cảnh, của người nơi đây. Đó như là một lời nhắn của kẻ tiễn dặn người đi và cũng có thể hiểu là những tự vấn trong lòng kẻ sắp nhấc bước dặm xa. Khung cảnh chia tay của người lính Tây Tiến được Quang Dũng đặt trong không gian “Chiều sương ấy”. Nó làm ta nhớ đến buổi chiều “Dưới cầu nước chảy trong veo/ Bên cầu thơ liễu bóng chiều thướt tha” (Truyện Kiều) hay “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều” (Ca dao). Không gian chiều tà đặc trưng của nỗi quạnh niu, khép kín cùng với không khí sương mờ đã tạo nên một cảnh tượng mơ hồ, mông lung, xa vắng. Là sương mù của đất, của trời miền Tây hay của lòng người vì trót phải chia xa, biệt ly?

Những triền lau xám hắt hiu đã gợi ra một không gian thật gợi cảm. Hình ảnh những triền hoa lau không phải lần đầu xuất hiện trong thi ca nhưng mỗi lần xuất hiện, nó như gieo vào lòng người những dư vị riêng. Hoa lau cứ man mác trong tôi lời thơ ai viết: “Anh có biết chiều nay hoa lau nở/ Trắng một trời thương nhớ phải không anh”, cứ man mác dư vị mùa thu đầy ắp kỉ niệm trong thơ Chế Lan Viên. Hoa lau là loài hoa màu xám, ảm đạm, hiu hắt, mềm mại, thướt tha và chỉ cần một cơn gió núi nhẹ thoảng qua, từng nhành hoa lau cũng cứ thế mà chao liệng theo. Cánh hoa lau ấy đứng trước người lính Tây Tiến như đong đưa, như lả lướt, như luyến tiếc và tơ vương, khát khao được đồng hành cùng họ trong mọi nẻo đường hành quân. Những hồn lau như thế xuất hiện trong làn sương chiều mờ ảo, nơi bến bờ sông suối hoang sơ hẻo lánh của miền Châu Mộc, Châu Mai đã góp phần bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn của một thi sĩ tài hoa lãng mạn, có cách nhìn cách cảm thiên nhiên rất lạc quan yêu đời đôi phần mơ mộng. Và dường như vì quá yêu Tây Bắc, vì đã gửi trọn tâm hồn mình cho mảnh đất nơi đây nên Quang Dũng nhìn những cây lau ven đường với dáng vẻ của con người nơi đây. Chúng có tâm hồn riêng, là tâm hồn của rừng núi Tây Bắc, chúng hấp thụ những tinh túy của vùng đất này, hấp thụ bao yêu thương, nhớ mong của quân-dân nơi đây mà thành thực thể sống, như đưa tiễn người lính buổi chia xa, như sợi dây nối móc với mắt xích kỉ niệm, chỉ cần nhìn thấy bông lau, người lính liền nhớ đến “hồn lau” Tây Bắc, nhớ đến những đêm trại, nhớ tiếng khèn, mùi xôi, nhớ những ân tình, hào hùng nơi đây. Cụm từ “nẻo bến bờ” gợi mở ra không gian hoang vắng, hiu hắt và rợn ngợp. Từ “nẻo” ấy không khỏi khiến ta liên tưởng đến những vị trí “khuất bóng”, xa vắng. Những bông hoa lau cứ thế mà phất phơ giữa những khoảng đồi vắng lặng ấy đã tạo nên miền xúc cảm miên man, phiêu bồng. Nỗi nhớ và sự xáo trộn của những cảm xúc đã làm câu thơ mang đậm chất thơ. Viết về chiến tranh, về người lính, nhưng những trang thơ Quang Dũng vẫn không quên thả những điệu thơ vào chất khô cằn, nghiêm nghị vốn có của người lính, đây cũng chính là lí do mà giới mộ điệu ưu ái nhận xét ông là người “tài hoa, tài tử”. 

"Có thấy dáng người trên độc mộc 

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"

Phép điệp “có thấy”, “có nhớ” nhấn mạnh xúc cảm da diết, cuộn trào trong nhung nhớ của nhà thơ, cái nỗi luyến lưu khó nói được thành lời để rồi phải tự vấn bản thân mình như thế. Câu thơ bị chi phối bởi bút pháp “Thi trung hữu họa” thật tài tình, đọc câu thơ lên, người ta có thể hình dung ra ngay một bức tranh thật thơ mộng, thật tình tứ giữa cảnh thật thơ và người thật tình… Hình ảnh “Dáng người” ấy có thể là kết quả từ ánh nhìn của bà con dân bản Châu Mai đang lặng lẽ nhìn dáng anh chiến sĩ xuôi đò từ biệt sau bao ngày nặng sâu nghĩa tình. Cũng có thể là ánh nhìn của người chiến sĩ Tây Tiến đang quyến luyến ngoái nhìn bà con nơi đây trong buổi chia ly đầy thương, đầy nhớ. Câu thơ với hình ảnh “dáng người” đã mở ra những tứ thơ thật đẹp, thật ấm áp, thật ngọt ngào, lãng mạn…Câu thơ “Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa” mang đậm phong vị của những câu thơ Kiều - những câu thơ nhẹ nhàng - thơ mộng như chính dòng cảm xúc của con người đang tuôn chảy vào thơ (Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng). Câu thơ sử dụng hình thức đảo ngữ, đặt động từ “trôi” lên đầu như nhấn mạnh hình ảnh của bông hoa đang lững lờ trôi trên dòng sông chiều ấy. Bông hoa chuyển động nhưng lại làm toát lên sự ấn tượng về vẻ lặng tờ, thinh lặng, phiêu phiêu của dòng sông. Không gian bỗng chốc trở nên cô đọng trong những thổn thức của lòng người. Là hoa trôi, nước chảy, là chuyện của cảnh, của vật hay chuyện người lính ra đi trong những luyến tiếc đầy vơi. Trong một khoảnh khắc bất chợt, ta thấy như cảnh và người đồng quyện vào nhau - tả cảnh mà ngụ tình…

Viết về cái tình Quang Dũng, đặc biệt là những lãng mạn tinh tế trong tâm hồn ông, tôi luôn có cảm giác có gì đó chưa thể thõa mãn trong một đôi câu từ. Nhưng rất dễ để nhận thấy, sự lãng mạn nơi tâm hồn nhà thơ được đan cài rất tinh tế, ngay bên cạnh sự hào hùng, bi tráng của người lính. Chính vì vậy, dù yêu, dù nhớ, dù da diết bồi hồi nhưng hình ảnh người lính Tây Tiến không trở nên bi lụy. Giữa những vất vả gian lao, vị ngọt của thơ vẫn đòng đầy trong vị đắng của cảnh, của hiện thực chiến tranh. Sâu thẳm trong tâm hồn người chiến sĩ là một tư cách nghệ sĩ đáng trân trọng, ngương mộ…

(Nguồn: Luyện kĩ năng viết văn – Học văn anh Tài)

Xem thêm: Học sinh 9,5 điểm Văn thi tốt nghiệp 2022 phân tích về 3 trùng vi thạch trên sông Đà thế nào?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận