Học sinh 9,5 điểm Văn thi tốt nghiệp 2022 phân tích về 3 trùng vi thạch trên sông Đà thế nào?

"Sông Đà" - một trận đồ tự nhiên hùng vĩ, được xây bằng hai chất liệu nước và đá, lỏng và cứng, cuồn cuộn tuôn dài, nhấp nhô ngang dọc mà tạo hóa ban cho vùng Tây Bắc... 

Đỗ Thu Nga
10:00 08/07/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nguyễn Tuân trong “Tờ hoa” đã từng viết: “Người ta hay nhắc đến mang nặng đẻ đau. Có những quá trình không phải hoài thai nhưng cũng rất khổ đau và nặng nhọc đèo bòng”. Người yêu văn và hiểu văn, hay chỉ một chút yêu, một chút hiểu thôi cũng để để biết sự ra đời của một tác phẩm văn học là quá trình được nhắc đến ấy. Bởi văn học, nó không dung chứa bất kì một thứ gì tạp chất, nó phải là hạt ngọc mang giá trị liên thành. Người nghệ sĩ phải là những người “sống toàn tâm! toàn trí! sống toàn hồn!/ sống toàn thân! và thức nhọn giác quan” (Xuân Diệu), phải là những con người mang cái tâm, cái tài của mình say sưa trên từng trang giấy rộng mở. Và khi nhắc đến cái tâm, cái tài ấy, ta không thể không nhắc đến Nguyễn Tuân - người nghệ sĩ đã sống, đã tận hiến hết mình cho cuộc đời văn chương nghệ thuật. “Người lái đò sông Đà” chính là một tùy bút đặc sắc mà nhà văn họ Nguyễn đã dày công sáng tạo nên, khiến ta không khỏi say đắm trước vẻ đẹp thiên nhiên vừa hoang sơ, kỳ vĩ, vừa hung bạo trữ tình của dòng Sông Đà, mà nhất là thán phục trước hình tượng một người lái đò già bảy mươi nhưng vẫn sáng người một khí chất anh hùng mạnh mẽ, tài hoa và trí dũng vô song. Đặc biệt là qua đoạn trích: “Sóng nước như thể quân liều mạng... Thế là hết thác”.

Người ta vẫn thường biết tới Nguyễn Tuân như một “người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp”. Với Nguyễn Tuân, nghệ thuật là lĩnh vực cao quý lắm. Ông luôn tôn thờ nghệ thuật mà vì vậy, trong cuộc đời hoạt động sáng tạo nghệ thuật của mình, Nguyễn Tuân luôn dành trọn một tình yêu tha thiết, một niềm say mê, nhiệt huyết trên từng con chữ. Không chỉ thế, Nguyễn Tuân còn là một nhà “chủ nghĩa duy mĩ”, một người có “máu giang hồ xê dịch”, sống tự do và phóng túng. Với kỳ vọng mỗi trang đời là một trang nghệ thuật, với tâm niệm “chỉ có trường đời rộng rãi, chỉ có cuộc đời vô thường định mới cho ta những câu thơ đẹp”, nhà văn luôn coi rằng “đi để thay đổi thực đơn cho giác quan”. Cũng vì thế mà trong không khí náo nức hăng say của cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, trong âm thanh hứng khởi của “Tiếng hát con tàu”, sục sôi tiếng ca lao động, bước chân yêu “xê dịch” của Nguyễn Tuân đã thôi thúc, giục giã nhà văn tìm đến mảnh đất Tây Bắc hùng vĩ, hoang sơ để khám phá ra cái chất vàng mười đã qua thử lửa của thiên nhiên và con người nơi đây để viết nên tùy bút “Người lái đò sông Đà” trong những năm 1958 - 1960. Tác phẩm chính là một áng văn đẹp về lời ngợi ca và tình yêu tha thiết của một người nghệ đối với vùng đất Tây Bắc nói riêng và quê hương đất nước nói chung. Đặc biệt, qua ngòi bút điêu luyện, nhà văn đã làm nổi bật vẻ đẹp của hình tượng người lái đò với khí chất anh hùng, mạnh mẽ, tài hoa và trí dũng vô song. 

“Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành mật ngọt/ Một giọt mật thành đòi vạn chuyến ong bay” (Chế Lan Viên). Người nghệ sĩ trong cuộc hành trình dấn thân vào “vạn chuyến ong bay”, trải nghiệm cuộc sống để phản ánh cuộc sống, đã dày công lao động, sáng tạo nhọc nhằn mới có thể biến “một mật” thành “trăm hoa” dưới lăng kính chủ quan của mình. Và Nguyễn Tuân với lăng kính của cái đẹp, với ngòi bút tài hoa điêu luyện kết hợp với khả năng quan sát tỉ mỉ đã tinh tế khám phá ra chất vàng mười đã qua thử lửa của thiên nhiên và con người Tây Bắc mà hình tượng người lái đò sông Đà là kết tinh của vẻ đẹp ấy. Thông qua tác phẩm, người lái đò sông Đà hiện lên thật can trường, dũng cảm, độc hành đưa con đò mưu sinh chiến đấu với con sông Đà vừa hung hiểm, vừa nên thơ, trữ tình. Bước vào tuổi bảy mươi, đầu tóc bạc trắng nhưng thân hình ông vẫn “đẹp như một pho tượng tạc bằng đá cẩm thạch”, “nước da ánh lên chất sừng, chất mun”, “cánh tay lêu nghêu như cái sào, chân khuỳnh khuỳnh ra như kẹp lấy một bánh lái trong tưởng tượng”, còn cặp mắt thì “tinh anh, nhãn lực nhìn xa vời vợi”. Có thể nói, mười năm kinh nghiệm trên vùng sông nước đã tôi luyện cho người lái đò Lai Châu trở thành người đàn ông khỏe mạnh, kiên cường, dũng cảm với nghị lực phi thường của một cuộc đời chèo thuyền vượt thác. Nhưng mười năm ấy cộng thêm không dưới một trăm lần xuôi ngược trên sông Đà cũng đủ để cảm nhận được vẻ đẹp đầy phong sương và phảng phất mùi vị tháng năm của vùng sông nước, thác đá sông Đà từ ngoài hình đến phong thái của người lái đò Lai Châu. Đặc biệt, trên ngực ông có nhiều “củ nâu”- vết tích của những tháng ngày vật lộn chiến đấu với sông Đà mà Nguyễn Tuân đã dí dỏm gọi nó như là “một thứ huân chương lao động siêu hạng”. Ông sẵn sàng dùng tất cả can trường, sự tinh thạo và nhiều năm kinh nghiệm của mình để chiến đấu chống lại “kẻ thù số một của con người”, giành lấy sự sống từ tay nó về tay mình. Đấy chính là phong thái của một người nghệ sĩ tài hoa mà Nguyễn Tuân đang muốn tìm kiếm và khám phá.

bai-van-an-tuong-ve-3-trung-vi-thach-tran-tren-song-da

Trong tùy bút, “Người lái đò sông Đà”, hình tượng sông Đà và hình tượng người lái đò nổi bật lên và cũng là hai hình tượng chính, được nhà văn miêu tả và tái hiện bằng tất cả bút lực với kiến thức sâu sát về nhiều lĩnh vực, từ tri thức về hội họa, điêu khắc, kiến trúc, lịch sử, địa lí đến điện ảnh, văn học. Qua đó, hình tượng người lái đò hiện lên không chỉ với vẻ đẹp ngoại hình mang đậm phong vị Đà giang mà còn là một người tinh thạo, từng trải, giàu kinh nghiệm, hiểu biết sâu sắc về từng luồng lạch, ngõ ngách trên sông Đà. Nguyễn Tuân đã có một nhận xét ban đầu thế này: “Cuộc sống của người lái đò sông Đà quả là một cuộc chiến đấu hằng ngày với thiên nhiên, một thứ thiên nhiên Tây Bắc có nhiều lúc trong nó thành ra diện mạo và tâm địa của kẻ thù số một”. Chính vì thế mà trên “chiến trường” sông Đà ấy, người ta thấy nổi bật lên là hình ảnh một người lái đò trí dũng song toàn, như một viên tướng tài ba, thông minh linh hoạt và khéo léo như một người nghệ sĩ trong nghệ thuật vượt thác sông Đà. Trong cai gầm dữ của thác đá sông Đà, người lái đò hiện lên như một vị anh hùng chiến đấu với con thủy quái hung hãn, để giành lấy sự sống từ tay con thác gầm thét dữ dội kia. Nhưng qua sự dữ tợn của thiên nhiên, hình ảnh vị thuyền trưởng dày dặn kinh nghiệm thủy chiến hiện lên thật oai hùng. Trong cuộc chiến không cân sức giữa người lái đò lẻ loi và con sông Đà hung bạo, ông lái đò như một người hùng cưỡi chiến mã, tay vung gươm vượt qua kẻ địch, như chiến thần Triệu Vân của Tam Quốc, đơn phương độc mã phá vòng vây quân thù. Chỉ khác một điều, mặt trận của ông là sóng nước. Trên mặt trận trèo thác vượt ghềnh ấy, đòi hỏi người chiến sĩ phải dũng cảm và bình tĩnh để ứng phó với mọi sự biến đổi khôn lường, giảo hoạt của con sông, bởi chỉ sơ sẩy một chút thôi thì đến tính mạng cũng chẳng còn, nói gì đến chuyện làm một người nghệ sĩ tài hoa trên con sông Đà nghệ thuật. Nguyễn Tuân đã đặt cho những khó khăn, cửa ải mà ông lái đò phải vượt qua một cái tên rất “nhà binh” - trùng vi thạch trận. Thông qua cuộc chiến “ngang tài ngang sức” với ba trùng vi thạch trận ấy, ta càng cảm phục trước tài hoa của người lái đò Lai Châu.

Ở trùng vi thứ nhất, một chữ dũng hiện lên thật khác biệt. Cảnh hỗn chiến diễn ra với khí thế quyết tâm thắng trận của ông lái đò. Nhưng thiên nhiên cũng mạnh bạo không kém phần. Bằng ngòi bút tài hoa uyên bác kết hợp với vốn kiến thức phong phú trên tất cả các lĩnh vực như quân sư, thể thao,... Nguyễn Tuân đã cực tả được sự hung bạo, nham hiểm và dữ dội của đá nước sông Đà. “Sóng nước như thể quân liều mạng”, những luồng sóng dữ dội cứ liên tiếp đá trái, thúc gối “liên tiếp vào bụng và hông thuyền”, có lúc còn “đội cả thuyền lên” với mục đích duy nhất là hạ gục, nuốt chửng, và nhằm ăn chết con thuyền ngay từ vòng một... Sông Đà đã bộc lộ hết bản tính nham hiểm và hung bạo của nó, bày ra một thạch trận với bốn cửa tử, một cửa sinh. Nó đánh đòn phủ đầu, tới tấp hướng nguy hiểm về phía người lái đò Lai Châu. Nhưng dù sông Đà có tung đòn hiểm nhất “bóp chặt lấy hạ bộ người lái thuyền”, dù “mặt có méo bệch đi vì đau đớn”, ông vẫn “giữ kẹp lấy cuống lái bằng hai chân rất vững”, vẫn bình tĩnh kiên cường chiến đấu với dòng sông vì ông biết rằng, chỉ cần “non tay” một chút, cả con thuyền sẽ bị nuốt chửng bởi sóng thác sông Đà. Chỉ cần chỉ huy ngắn gọn và tỉnh táo, ông đã chiến thắng “phá xong trùng vi thạch trận thứ nhất”, xứng đáng với tài nghệ một vị anh hùng.

Đến trùng vi thứ hai, sau cú thách thức thất bại, dòng sông nham hiểm nào có chịu thua. Nó lại thay đổi cả chiến thuật và sơ đồ phục kích. Nhưng qua đó, chữ Trí của ông lái đò lại hiện lên thật rõ nét. Đoạn này, dòng sông lại tăng thêm nhiều cửa tử  “dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông Đà”, “bốn năm thủy quân không ngớt khiêu khích”, cửa sinh bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn. Những động từ mạnh vẫn tiếp tục tuôn chảy không ngớt trên trang văn cộng hưởng với phép so sánh, nhân hóa rất độc đáo giúp nhà văn biến sóng nước thành hùm thiêng sông nước, tăng thêm sức mạnh đến đỉnh điểm của Đà giang để tiếp tục tôn lên tư thế hào hùng của ông lái đò. Ông “không chút nghỉ tay ngưng mắt mà phá luôn vòng vây thứ hai và đổi luôn chiến thuật”. Ông đò “nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá, nắm hết quy lậu phục kích của lũ đá” nên chủ động, nhanh nhẹn làm chủ tình thế, “cưỡi lên thác sông Đà như cưỡi hổ, nắm chặt bờm sóng, ghì cương lái, phóng nhanh, chặt đôi ra để mở đường tiến”. Những động từ mạnh liên tiếp lại đưa người đọc vào cuộc chiến của sóng nước, tạo ra trạng thái say như say sóng, để từ đó tôn vinh lên những nét đẹp của ông lái đò - mưu trí, dũng cảm, kiên cường. Ông tả xung, hữu đột, như “một chiến tướng dày kinh nghiệm” đưa con thuyền vượt qua chiến trường đầy cam go, ác liệt của sóng thác sông Đà. Để đến cuối cùng, ông thắng, còn bọn binh tướng đá thất bại thì đưa “cái mặt tiu nghỉu, xanh lè thất vọng”.

Nếu ở cuộc giao tranh thứ nhất và thứ hai, Nguyễn Tuân đã cực tả vẻ đẹp trí dũng song toàn và phẩm chất anh hùng của ông lái đò thì tới chặng thứ ba, Nguyễn Tuân muốn cho ta cảm nhận rõ “tay lái ra hoa” của ông lái đò. “Bên trái, bên phải đều là luồng chết” khiến ông phải vận dụng tài năng nghề nghiệp của mình, nâng con thuyền lên khỏi mặt nước, “chọc thủng trùng vây”. Con thuyền cứ thế “vút xuyên qua cổng đá cánh mở cánh khép”, “như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái lượn được”. Những động từ mạnh “vút” , “xuyên” lặp đi lặp lại nhấn mạnh tốc độ của con thuyền, kết hợp với phép so sánh liên tiếp khiến người đọc cảm nhận được độ khéo léo của con thuyền trong hướng đi luồn lách tránh đội quân đá đông đúc. Nghệ thuật lái thuyền đến đây khiến người đọc hoàn toàn tâm phục, khẩu phục. Đúng là ông lái đò đã đạt đến mức nghệ sĩ trong nghề nghiệp của mình.

Đọc hết đoạn vượt thác đầy cam go, gay cấn của ông lái đò Lai Châu, ta cứ cảm tưởng mình vừa coi một bộ phim hành động nghẹt thở, hồi hộp đến từng giây, từng phút mà ông lái đò là nhân vật trung tâm. Hình ảnh người lao động anh hùng, hằng ngày chiến đấu vật lộn với thiên nhiên trong nguy hiểm trùng trùng đã làm nổi bật lên vẻ đẹp và sức mạnh của con người trước thiên nhiên hùng vĩ và kiêu ngạo. Đây là một cuộc chiến không cân sức nhưng bằng sự thông minh, gan dạ, kiên cường bất khuất, con người lao động đã chế ngự mà vượt lên trên cái sự khiêu khích, hằn học của thiên nhiên. Hình tượng ông lái đò qua đây được tác giả xây dựng trên hai vai trò, vừa là người chiến sĩ anh hùng, vừa là người nghệ sĩ tài hoa đã viết nên một bản hùng ca tuyệt đẹp về cuộc sống lao động, về nghệ thuật chèo lái trên con sông Đà rộng lớn. Nguyễn Tuân đã có một quan điểm nghệ thuật hết sức mới mẻ bởi ông cho rằng, nghệ thuật không phải chỉ là những người nghệ sĩ với những hình tượng thơ mộng, mơ hồ cao xa mà người làm nghệ thuật còn là người lao động, vốn đã nhuần nhuyễn, đạt đỉnh cao điêu luyện trong chính nghề nghiệp của mình. Thứ nghệ thuật ấy là nghệ thuật lao động. Bởi trong họ chất chứa cả một niềm đam mê sâu sắc, niềm tin yêu, luôn tìm cách sáng tạo, đột phá, tạo ra những cung đường mới mẻ cho nghề nghiệp chính mình.

“Ta bấu răng vào da thịt của đời/ Ngoàm sự sống để làm êm đói khát/ Muôn nỗi ấm, với ngàn muôn nỗi mất/ Ta đều ăn, nhắm nhía rất ngon lành/ Ngực thở trời, mình hút nắng tươi xanh/ Ta góp kết những vòng hoa mới lạ” (Thanh niên, Gửi hương cho gió, Xuân Diệu, 1945). Tựa như cách Xuân Diệu đã hút trọn chất đời để làm nên áng thơ, nhà văn Nguyễn Tuân cũng “hút nắng tươi xanh”, “góp kết những vòng hoa mới” để đưa Sông Đà “làm mình làm mẩy” cùng sức mạnh trí dũng và tài hoa của người lái đò vào trang văn với một vẻ đẹp vô cùng táo bạo và độc đáo. Trước Cách mạng, Nguyễn Tuân nổi danh với cái “thực tài” được thể hiện sâu sắc trong “Vang bóng một thời”. Dù là “chém treo ngành”, “Báo oán” hay “Chữ người tử tù”, con người trong một thời vang bóng ấy cũng là hiện thân của cái đẹp - một vẻ đẹp hoàn mỹ, toàn bích. Nhưng cũng chính vì yêu chuộng cái đẹp, yêu chuộng nghệ thuật nên đã phải nhận lấy bi kịch của một người “sinh nhầm thế kỷ”. Trong một thời kì phong kiến đã vào độ suy tàn, trong buổi xã hội nhiều tao loạn, con người vang bóng của Nguyễn tuân luôn thấm đượm u buồn và không khỏi chông chênh trước tình yêu cái đẹp của mình. Nếu như Huấn Cao, viên quản ngục... mang vẻ đẹp toàn bích của một thời quá vãng thì với người lái đò sau cách mạng, Nguyễn Tuân đã hướng tới vẻ đẹp gần với cuộc sống đời thường. Ông đẹp một vẻ đẹp khác hẳn. Đấy là vẻ đẹp của đường nét lao động, của những vết “củ nâu” như huân chương cao quý. Bằng ngòi bút tài hoa uyên bác, sử dụng thành công nhiều lĩnh vực như võ thuật, quân sự, thể thao... ông lái đò qua trang văn Nguyễn Tuân hiện lên thật đẹp. Ông vừa là người tinh thạo, từng trải, giàu kinh nghiệm; vừa là người trí dũng song toàn, thông minh linh hoạt, khéo léo như một người nghệ sĩ tài ba trong nghệ thuật vượt thác sông Đà. Ông đã trở thành anh hùng trong cuộc sống đời thường, trở thành biểu tượng cho người lao động Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Đó cũng là vẻ đẹp của người anh hùng trong thời kỳ đổi mới - thời kì dựng xây đất nước. Qua đó tác phẩm cũng là lời ngợi ca của nhà văn đối với vẻ đẹp thiên nhiên, con người ở miền Tây tổ quốc. Đó là sự thay đổi quan niệm, nhận thức trong phong cách sáng tác hướng đến “nghệ thuật vị nhân sinh” của nhà văn “suốt đời đi tìm cái đẹp” sau cách mạng tháng Tám.

Thông qua tác phẩm, ta cũng cảm nhận rõ cách nhìn con người độc đáo, mới mẻ của Nguyễn Tuân. Dưới “trăng hoa” “Người lái đò sông Đà”, người lái đò Lai Châu hiện lên là một người tài trí, am hiểu tường tận tính nết của sông Đà, đồng thời là một người ngoan cương, có lòng dũng cảm, quyết tâm vượt qua những thử thách khốc liệt của cuộc sống. Nhưng hơn hết, trong con mắt mang tính nghệ thuật của nhà văn họ Nguyễn, người lái đò mang một vẻ đẹp rất đỗi đặc biệt: “vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ”. Qua đó, cho ta thấy, Nguyễn Tuân luôn nhìn nhận con người từ góc độ tài hoa, nghệ sĩ. nếu như trước Cách mạng hình ảnh người nghệ sĩ mà ông hướng tới là những người có tài năng khí phách phi thường, ông đi tìm vẻ đẹp con người ở một thời “vang bóng” thì sau Cách mạng hình tượng người nghệ sĩ có thể tìm thấy ở ngay trong cuộc chiến đấu, lao động sản xuất hàng ngày. Đấy chính là phong cách nghệ thuật độc đáo, không trộn lẫn của nhà văn “suốt đời đi tìm cái đẹp” ấy.

Fague đã từng nói: “Nhà văn là người đi săn. Nhiệm vụ của y là mang cái đẹp về cho con người”. Và với tác phẩm “Người lái đò sông Đà” cùng hình tượng nhân vật ông lái đò Lai Châu, Nguyễn Tuân đã làm trọn công việc của một người đi săn như thế. Nổi bật trong vẻ đẹp trí dũng, tài hoa, ông lái đò đã trở thành một trong những hình tượng tuyệt đẹp trong sáng tác của Nguyễn Tuân sau Cách mạng tháng Tám - một người lao động bình thường với “chất vàng mười của Tây Bắc”, một người nghệ sĩ tài hoa như lời bày tỏ:

“Không nơi đâu đẹp tuyệt vời

Như sông như núi như người đò xưa”.

Từ đó, mỗi người đọc hôm nay càng thêm trân trọng những giá trị lao động chân thật nhất, những người lao động dù với công việc bình thường nhất, những ngày được cống hiến, được nỗ lực kiến tạo, dựng xây ước mơ của mình. Để rồi, dẫu cho cát bụi thời gian có tàn khốc thế nào đi chăng nữa, thì tác phẩm “Người lái đò Sông Đà” vẫn giống như một viên pha lê lấp lánh, rực rỡ, tồn tại bất hủ giữa sa mạc cuộc đời bởi vẻ đẹp độc đáo và khác biệt, không thể trộn lẫn hay nhoà mờ đi.

(Bài văn cảm nhận của Thái Khoa Diệu Ái/Thưởng thức sách)

Xem thêm: 8 dẫn chứng, nhận định "ăn điểm" cho "Người lái đò sông Đà"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận