Có một nỗi buồn mênh mang trong "Cánh đồng bất tận"

Hãy cùng nhau "giải mã" những thông điệp thẩm mỹ, những ý tứ sâu xa mà Nguyễn Ngọc Tư gửi gắm trong "cánh đồng bất tận" nhé.

Đỗ Thu Nga
10:00 07/05/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Beilinski – nhà tư tưởng Nga nổi tiếng thế kỷ 19 cho rằng: “Nhà triết học nói bằng phép tam đoạn luận, nhà thơ nói bằng các hình tượng và bức tranh.” Văn học nói chung và văn học hiện đại, hậu hiện đại nói riêng được xem là văn học của các ẩn dụ và biểu tượng. Những tác giả của dòng văn học này luôn nhìn cuộc đời bằng cái nhìn tỉnh táo, giàu chất suy tư và chiêm nghiệm đồng thời luôn cố gắng tìm ra cho mình những hướng đi mới tạo ra những quan niệm riêng về đời sống với định hướng nhằm “tra vấn hiện thực”.  Thôi thúc ấy đã mở đường cho những sáng tạo hình tượng, dồn nén thành những biểu tượng buộc người đọc phải giải mã những thông điệp thẩm mĩ được gửi gắm trong đó.

Trong số những cây bút trẻ mới xuất hiện, Nguyễn Ngọc Tư sớm đã gây ấn tượng với độc giả bằng giọng văn đậm chất Nam Bộ và lối viết hồn nhiên, chân chất. Cánh đồng bất tận là một trong những tác phẩm xuất sắc giúp chị nhận được giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam 2006 và để lại ấn tượng trong lòng độc giả. 

co-mot-noi-buon-menh-mang-trong-canh-dong-bat-tan-4

Một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng làm nên sức hấp dẫn của “Cánh đồng bất tận” chính là dòng chảy sâu kín của ngôn ngữ biểu tượng. Đó là biểu tượng cánh đồng, một biểu tượng xuất hiện đậm đặc, một biểu tượng đầy sức ám ảnh trong hệ thống những biểu tượng của không gian vùng sông nước mà Nguyễn Ngọc Tư đã khai thác.

Hãy cùng "giải mã" tác phẩm "Cánh đồng bất tận" nhé:

BIỂU TƯỢNG "CÁNH ĐỒNG" 

"Cánh đồng bất tận" được dệt bởi sự đan cài giữa xúc cảm và suy tưởng của nhân vật chính - Nương trên phông nền là cuộc sống của những kiếp người nhọc nhằn, tủi cực, trên miền đất hoang hoải mênh mông mà cô và gia đình đã "chu du" khắp chốn. Cùng với sự vận động là sự bóc tách từ bình diện ngôn ngữ trần thuật đến bình diện những tri nhận, ẩn ức đã lắng đọng thành các biểu tượng ám ảnh đời sống nội tâm nhân vật mà ở đây là biểu tượng cánh đồng - miền không gian bao quát toàn bộ thiên truyện.

Cánh đồng bất tận - đó là cánh đồng với miên man nhiều tên gọi, nhiều cách định danh và định nghĩa nhưng điểm chung đều ám chỉ một miền không gian thấm đượm nỗi buồn và sự tủi hờn đến cùng cực. Đó là cánh đồng rộng, cánh đồng hoang vắng, cánh đồng không có tên, cánh đồng vắng ngắt, cánh đồng lúa chết khô, cánh đồng vắng người, cánh đồng hoang lạnh, cánh đồng khơi, cánh đồng miên viễn với gió lắt lay những khói nắng héo xèo, cánh đồng ủ ê tin buồn, cánh đồng hoang liêu, cánh đồng trở thành đô thị, cánh đồng Chia Cắt, cánh đồng Bất Tận. Tất cả những mã ngôn ngữ này cứ chồng chất lên nhau, lắng đọng thành những ẩn ức có sức ám ảnh lớn.

co-mot-noi-buon-menh-mang-trong-canh-dong-bat-tan-0

Khác với đặc điểm bản thể vốn có của cánh đồng là sự tĩnh lặng, hiền hòa, tình yêu và sự sum vầy, "cánh đồng" trong văn Nguyễn Ngọc Tư lại "buồn thật buồn". Nó cô đơn, hiu quạnh, não nề, nó gắn với bức tranh quê buồn tím ngắt. Điều này phải chăng bắt nguồn từ lối viết "phũ phàng" như để đoạn tuyệt với lối cũ trong việc phản ánh sự tàn nhẫn, sự hung bạo của thực tại xã hội hôm nay.

Có thể nói biểu tượng cánh đồng là một khám phá độc đáo của Nguyễn Ngọc Tư khi nhìn nhận như một ẩn dụ của nỗi đau, tình thương, nỗi nhớ và thời gian.

CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN - HIỆN THÂN CỦA NHỮNG NỖI ĐAU

"Cánh đồng bất tận" là câu chuyện về một người đàn ông bị vợ phụ tình đâm ra căm ghét đàn bà và say mê trong những ý định trả thù những người phụ nữ bước qua đời ông ta mà quên đi trách nhiệm của mình với đứa con dứt ruột đẻ ra. Đến một ngày, một cô gái điếm len chân vào cuộc đời họ, làm xáo trộn cuộc đời họ: thằng con đuổi theo hình bóng của cô gái không chịu sự bạc ác của người cha; đứa con gái trong tận cùng của tủi nhục và đớn đau gắng chìa tay ra để kéo người cha về phía thế giới của mình nhưng vô vọng. Hai cha con gần sát nhau trong cơn hoạn nạn mà vẫn thuộc về hai thế giới xa cách. Mỗi người là một khối cô đơn tuyệt đối không chỉ đối với thế giới của người khác mà ngay cả ở thế giới của chính mình.

"Cánh đồng bất tận" là cánh đồng của những nỗi đau, những nỗi đau hiện hình trong số phận của những con người cùng khổ trong xã hội đang quay trong cơn lốc. Chính Nguyễn Ngọc Tư trong những lời phi lộ của "cánh đồng bất tận" đã phải thốt lên "Khi nào bạn bực tức, giận dữ, hãy bất động! Ngay tại đó! Đừng cử động! Đừng làm gì cả! Đừng nói gì - dù chỉ một lời. Hãy im lặng và bất động hoàn toàn. Tuyệt đối không biết gì đến kẻ hoặc sự việc làm cho mình giận dữ" (Hạn chế sân hận, trải rộng tình thương) và chị cũng khẳng định "trời ơi, mình giận muốn chết, muốn gào thét, muốn cào cấu, muốn đập phá mà không mình nhúc nhích, sao có thể hả hê?". Và trong "Cánh đồng bất tận", Nguyễn Ngọc Tư đã đưa những nỗi đau mà chị dằn vặt, xa xót cho nhân vật của mình vào trong cõi hận.

Đó là người cha Út Vũ vì hận tình, hận đời mà ông đã đốt nhà của mình rồi dẫn hai đứa con và đàn vịt vào trong cánh đồng trong cõi hận và rồi quay ra trả thù đời: Đánh đập đứa con gái vì nó giống mẹ nó quá, trêu đùa tình cảm và thể xác của người đàn bà (nhân vật người chị)...

"Cha tôi tính toán rất vừa vặn, sao cho vừa đủ yêu, vừa đủ đau, vừa đủ bẽ bàng và bỏ rơi họ đúng lúc... tôi có cảm giác cha quắp lấy người ấy vùi mặt vào da, vào thịt, ngấu nghiến mà lòng cha lạnh ngắt... trong cha tôi không còn chút cảm xúc nào, nét mặt tràn ngập những rắp tâm, chưa gặp mặt đã tính chuyện phũ phàng" (lời của Nương).

co-mot-noi-buon-menh-mang-trong-canh-dong-bat-tan-66

Đó là những người đàn bà - những kiếp người mòn mỏi, sống tù túng nghèo nàn, không yêu thương và không hi vọng; là Má tôi, sống cùng tiếng thở dài buồn não ruột "Má tôi thở dài khi nghe cha ghé bến... Má tôi thở dài khi nghe cha ghé bến... Má tôi thở dài khi tắm... Mỗi lần ghe vải ghé trước bến, má cũng thở dài, tay bối rối nắm vào hai túi áo mỏng lẹp kép. Thở dài cả khi thằng Điền bảo cho con xin tiền mua kẹo". Đó còn là những người đàn bà mà "tôi" đã gặp trên những con sông cạn nước, trên những cánh đồng khô nẻ, trên những phiên chợ đầy mùi người. Và hơn hết là những người đàn bà bị cha tôi gạt gẫm, bỏ rơi, bịt lối quay về. Mỗi người đàn bà mang một số phận như những con nước trong mùa hạn hán. Mỗi con nước có một nguồn riêng nhưng phần lớn đều cạn kiệt trước khi hòa mình vào dòng lớn.

Để làm nổi bật biểu tượng "cánh đồng", Nguyễn Ngọc Tư đã đi đến tận cùng những thể nghiện trong bút pháp của mình: Loại bỏ tầm quan trọng của sự kiện để đào sâu vào tâm lý và cảm xúc; đặt nhân vật của mình vào trong những bối cảnh có tính tương phản cao: Con thuyền nhỏ bé giữa mênh mông nước trắng, giữa bùn đất đặc quánh và cánh đồng "vắng bóng người lúa rày mọc hoang" cũng là để cho nhân vật cảm nhận chất thơ của cuộc sống nhọc nhằn, cơ cực trong sự ấm cúng của một triền sông quê.

"Cánh đồng" có thể là một không gian xác định nhưng "cánh đồng bất tận" lại là không xác định, không giới hạn, không phương hướng, đó là sự bất tận của nỗi đau con người trong cảm thức lưu lạc, đó là sự bất tận của tình yêu con người, sự trân trọng giá trị con người và niềm tin vào cuộc sống.

Sau cuối với tôi, câu chuyện trên cánh đồng hoang hoải nắng gió phương Nam ấy đã thực dẫn chúng ta đi từ "thung lũng đau thương ra cánh đồng vui của cuộc đời". Tôi tin đứa trẻ của Nương sẽ tốt vì nó có một người mẹ biết yêu thương, biết tha thứ và biết tin yêu.

Xem thêm:

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận