Tình sử của vua Thành Thái: Tán đổ cô lái đò chỉ bằng một câu nói ỡm ờ

Vua Thành Thái của triều Nguyễn quả thực là "cao thủ tình trường". Chỉ với một câu nói ỡm ờ, ông đã tán đổ cô lái đò, đưa ngay vào dàn hậu cung hùng hậu của mình.

Đỗ Thu Nga
10:00 10/06/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ông vua đầu tiên trong sử Việt cắt tóc ngắn

Vua Thành Thái (1879 - 1954) tên khai sinh là Nguyễn Phúc Bửu Lân. Ông là vị hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn tại vị từ 1889 đến 1907. 

Vua Thành Thái là con thứ 7 của vua Dục Đức và bà Từ Minh Huệ Hoàng hậu Phan Thị Điểu, và là cháu nội Thụy Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Y, gọi vua Thiệu Trị là cụ nội.

Sử chép, sau khi vua Đồng Khánh mất vào năm Mậu Tý (1888), ông được Khâm sứ Pháp Rheimart và Nam triều chọn nối ngôi (do sự khéo léo của Diệp Văn Cương, chồng của Công nữ Thiện Niệm - cô ruột của ông trong quá trình thông dịch giữa các quan Nam triều và Công sứ). Lễ đăng quang tổ chức vào năm Kỷ sửu (1889).

Do vua còn quá trẻ, mới 10 tuổi, triều đình đã cử một Hội đồng Phụ chánh hùng hậu gồm 2 vị Phụ chánh thân thần (trong hoàng tộc) là Tuy Lý công (sau được phục là Tuy Lý vương) Miên Trinh và Hoài Đức công Miên Lâm cùng 2 Phụ chánh đại thần khác là Nguyễn Trọng Hiệp (Hợp) và Trương Quang Đản.

Chuyen-vua-Thanh-Thai-tan-do-co-lai-do-bang-cau-noi-om-o-9
Vua Thành Thái lúc trẻ

Ngoài ra, ông còn có các thầy dạy truyền thụ chữ nghĩa và kiến thức, trong đó phải nhắc đến Phan Thanh Liêm - con trai cụ Phan Thanh Giản, người từng bị thực dân Pháp bắt giải vào Sài Gòn năm 1873 khi tham gia bảo vệ thành Hà Nội, lúc quân Pháp mở cuộc tấn công thành lần thứ nhất vào tháng 11.1873 (Đại Nam thực lục chính biên - Đệ lục kỷ phụ biên - NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2011, tr. 66 - 67).

Được sự phò tá và dạy dỗ của các vị đại thần tài năng, có đạo đức, vua sớm trưởng thành và ý thức được thân phận mất nước của cả một dân tộc. Ông đã thực hiện một số cải cách, trước tiên với chính bản thân mình, bởi vì ông là vị vua đầu tiên trong lịch sử cắt tóc ngắn. 

Khi tiết triều, quần thần tròn mắt ngạc nhiên nhìn mái tóc ngắn dưới mũ vương miện của ông. Ông thu ngắn khoảng cách giữa đấng quân vương và thứ dân trong nước. 

Có tài liệu kể rằng một lần nọ xa giá nhà vua đang đi trên đường, gặp một người đàn ông đang vác bó tre nặng trên vai, quân lính hô đuổi người này dạt qua một bên đường, nhưng nhà vua đã ngăn lại và nói với đại ý rằng: “Ở cái đất nước này, còn có dân với vua gì đâu, đừng đuổi anh ta!”.

Tán đổ cô lái đò bằng câu nói ỡm ờ

Sử chép, trong số các vua nhà Nguyễn, vua Thành Thái là 1 trong những người nhiều vợ con. Thống kê của Nguyễn Phước tộc thế phả, ông có đến 19 hoàng tử và 26 hoàng nữ. Sở dĩ ông có nhiều con là vì trong việc tuyển lựa phi tần, ông rất dễ dàng. Quanh việc tuyển mỹ nữ của vua có nhiều giai thoại khác nhau.

Sách "Chuyện tình vua chúa hoàng tộc Việt Nam" của tác giả Đinh Công Vỹ cho biết, có lần ông cải trang thành một thư sinh nho nhã lên Kim Long chơi. Chơi chán, ông cùng mấy người tùy tùng đủng đỉnh dạo dạo xuống bến đò. Bỗng thấy cô lái đò xinh đẹp, hấp dẫn, ông ỡm ờ hỏi cô gái: “Này o tê, có ưng làm vợ của vua không?”.

Vốn chưa bao giờ nhìn thấy dung mạo vua nên cô lái đò không nghĩ người đứng trước mặt mình là vua. Cô chỉ nghĩ rằng đó là công tử nhà giàu đi chơi, nói lời bông đùa nên đã đánh bạo nửa đùa nửa thật bảo rằng: "Ưng".

Cô gái vừa đáp xong, thì vị thư sinh này cầm ngay lấy tay nàng, kéo ra mũi thuyền, mặc cho nàng đỏ mặt thẹn thùng. Ông liếc mắt đưa tình nói: "Rứa thì Quý phi ngồi nghỉ, để trẫm chèo cho!".

Chuyen-vua-Thanh-Thai-tan-do-co-lai-do-bang-cau-noi-om-o
Hai trong số nhiều cung phi của vua Thành Thái

Nói xong, vua giành lấy tay chèo từ tay cô lái đò, đích thân chèo cho đò xuôi dòng Hương giang từ Kim Long đến Nghinh Lương trước Phú Văn Lâu. Đò cập bến, vua bảo tùy tùng đi tiễn quý phi vào nội thể theo nguyện ước của nàng. Sau đó mới đi thông báo cho gia đình, kèm sính lễ. Lễ là bỗng nhiên cô lái đò thành vợ vua.

Sử còn chép, chuyện tuyển vợ của vua Thành Thái còn được áp dụng như một cách để ông tuyển binh chống Pháp. Ông còn còn gả vờ đóng vai kẻ hám sắc, bắt phụ nữ nhập cung để luyện quân sự, hình thành đội nữ binh riêng của ông, dưới vẻ ngoài là cung nữ vợ vua.

Ông còn từng nhờ họa sĩ Lê Văn Miến (tốt nghiệp trường Beaux Arts - Paris) vẽ các kiểu súng để sai đúc trang bị cho các nữ binh. Để che mắt giặc Pháp, nhiều khi ông giả điên, cào cấu các bà vợ xuất thân trong các gia đình quan lại làm tay sai cho Pháp.

Đội nữ binh này thường trực ở cung cấp thường có 50 người. Sau khi tập luyện quân sự đã thành thục, đội nữ binh ấy được bí mật trao trả về cho gia đình, đợi khi cần thì nhập ngũ chống Pháp. Sau đó tuyển 50 người mới để đào tạo... 

Nếu vua Thành Thái không bị thực dân Pháp và tay sai vu cho là điên, bắt đi đày ở nước ngoài, thì hẳn đội nữ binh ấy sẽ có tác dụng trong việc cứu nước.

Xem thêm: Điều ít biết về "Tứ nguyệt tam Vương" - thời kỳ tối tăm nhất của triều đại nhà Nguyễn

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận