Sử Việt có 1 nhân vật tên "TRẬT" nhưng đường công danh lại cực trơn tru, thi đâu trúng đó

Dưới thời Hậu Lê có 1 sĩ tử học không giỏi, chẳng chủ đích đi thi nhưng thi lần nào đỗ lần ấy. Sau này, ông còn làm quan trong triều và được dân chúng yêu mến.

Đỗ Thu Nga
09:00 07/03/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Tên "TRẬT" mà thi đâu trúng đó

Sử chép, ông Nguyễn Trật sinh năm 1573, người làng Nguyệt Viên, huyện Hoằng Hóa (nay là xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Tên ông hiện nay nằm trên Bia Tiến Sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Tương truyền, khi còn trẻ ông cao lớn, khỏe mạnh, hiền lành, chăm chỉ, từng đỗ trong kỳ thi Hương nhưng sau đó tự thấy mình học lực hạn chế nên bỏ ngang, không thi Hội nữa. Song, con đường công danh của ông không vì thế mà dừng lại.

Sách "Tang thương ngẫu lục" cho biết, không còn vương vấn con đường khoa cử, nhưng lúc bấy giờ có thầy địa lý đi chơi qua làng Nguyệt Yên, thấy ông Trật hiền lành, lễ độ nên đã khuyên nên tiếp tục con đường khoa cửa.

Dù không giỏi nhưng nhờ có bạn bè ở trọ cùng nhà chỉ bài nên Trật lần lượt thi đỗ trường nhất, trường nhì và trường 3 trong kỳ thi Hội. Đến trường thi thứ tư - trường thi cuối cùng của kỳ thi Hội, bạn bè của Trật thì rớt hết, chỉ có ông là đậu, và chẳng còn ai chỉ bài cho Trật nữa.

Chuyen-ve-si-tu-may-man-nhat-lich-su-khoa-cu-Viet-Nam-0
Nguyễn Trật không mấy mặn mà với chuyện thi cử nhưng cứ hết lần này đến lần khác đỗ đạt cao

Thế nhưng ông Trật lại may mắn một cách vô cùng lạ lùng. Sách "Tang thương ngẫu lục" chép: Ở trường thi thứ tư, khi đang làm bài, lều bên cạnh Trật có một thí sinh vật vã ôm bụng kêu đau, Trật bỏ thi cõng bạn đi cấp cứu. Vì bệnh nặng mà thí sinh này qua đời.

Trước khi mất, thí sinh này đã lấy quyển thi của mình đang làm gần xong tặng cho Trật: "Đây là bài thi rất đắc ý của tôi nhưng chưa đề tên vào, nay xin tặng ông để đền ơn".

Nguyễn Trật nhận bài thi của bạn rồi quay lại trường thi. Vì bài thi làm chưa xong nên ông viết thêm phần cuối, ký tên mình vào bài rồi nộp cho quan coi thi.

Khi chấm thi, thấy bài của Trật phần đầu viết ý tứ, câu từ rất hay nhưng phần cuối lại kém hơn hẳn. Tuy vậy, bài thi vẫn được chấm đỗ, Nguyễn Trật cùng 7 người khác vào dự thi Đình.

Đến làm quan cũng nhờ vận may

Ở kỳ thi Đình, học lực không giỏi, đề khó, lại không có quý nhân phù trợ, Nguyễn Trật đành nộp quyển thi không chữ. Cho rằng Trật kiêu ngạo nộp giấy trắng, không chịu làm bài, triều đình tức giận, dự tính không treo bảng vàng cho ông đậu và xử phạt. 

Tuy nhiên, vận may của Nguyễn Trật lại một lần nữa kéo đến. Thời điểm đó, triều đình đang hỗn loạn khi chúa Trịnh Tùng qua đời. Thế tử Trịnh Tráng dẫn vua Lê chạy trốn, trên đường gặp được Trật. Nhờ có công hộ giá mà sau này khi lên ngôi, chúa Trịnh Tráng đã đặc cách cho Trật đỗ tiễn sĩ của khoa thi năm đó.

Chuyen-ve-si-tu-may-man-nhat-lich-su-khoa-cu-Viet-Nam-7

Bia tiến sĩ khoa Quý Hợi (1632) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám có chép: "Ngày lành tháng tư mùa hạ, Hoàng thượng ngự ở cửa điện Kính Thiên, ra bài văn sách ở sân rồng. Trong khi các sĩ tử làm bài, bỗng có Nguyễn Trật làm văn hơi sai thể thức nên chỉ có 6 quyển được khảo duyệt mà thôi. Các quan hữu ty dâng quyển tiến đọc. Hoàng thượng ngự lãm, lấy Phùng Thế Trung đỗ đầu, sáu người còn lại đều cho đỗ đồng tiến sĩ xuất thân".

Sau khi đỗ đạt, Nguyễn Trật ra triều làm quan đến chức Công khoa Đô cấp Sự trung, nhờ tính tình hiền lành, thương yêu dân chúng nên Trật được triều đình và người đời rất yêu mến đặt cho cái tên Ông Nghè Nguyệt Viên.

(Theo Pháp luật và Bạn đọc)

Xem thêm: Lưỡng quốc trạng nguyên đầu tiên trong huyền sử Việt: Tuổi thơ nghèo khó từng phải dắt mẹ đi xin ăn

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận