Lưỡng quốc trạng nguyên đầu tiên trong huyền sử Việt: Tuổi thơ nghèo khó từng phải dắt mẹ đi xin ăn

Về xứ Phù Dung xưa (nay là huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) để nghe câu chuyện chàng Quan trạng Tống Trân - Lưỡng quốc trạng nguyên đầu tiên trong huyền sử Việt.

Thùy Nguyễn
07:00 19/10/2021 Thùy Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Tuổi thơ nghèo khó cơ cực cùng mối tình đặc biệt với nàng Cúc Hoa

Tương truyền dưới thời vua Lý Nam Đế, ở xã An Đô, tổng Võng Phan, huyện Phù Dung (nay là thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) có người họ Tống, tên Thiệu Công thuộc dòng dõi thi thư, gia đình hiếu lễ. Tống Thiệu Công lấy vợ tên Đào Thị Cuông, người xã Phù Oanh. 

Hai vợ chồng sống nhân từ, hiền lành, làm nhiều việc thiện. Đến tuổi lục tuần, bà Cuông mong mỏi mãi mới có thai. Sau 11 tháng, bà hạ sinh một cậu bé khôi ngô tuấn tú vào đúng giờ Dần ngày rằm tháng tư năm Bính Ngọ (556). Trong nhà luôn tỏa ánh hào quang suốt ba đêm liền, ông bà vui mừng liền đặt tên con trai là Tống Trân.

cau-chuyen-ve-luong-quoc-trang-nguyen-dau-tien-trong-huyen-su-viet-1
Tượng thờ Quan trạng Tống Trân

Mới lên 3, Tống Trân đã tinh thông hết Âm luật, bộc lộ khí chất thông minh, thiên tư sáng suốt. Tuy nhiên, khi Tống Thiệu Công lâm bệnh và qua đời, gia cảnh ngày càng sa sút, Tống Trân còn nhỏ đã phải dắt mẹ đi xin ăn khắp nơi, nay đây mai đó.

Một hôm, hai mẹ con Tống Trân đến Sơn Tây, vào xin ăn ở một gia đình Trưởng Giả giàu có nhưng keo kiệt và gian ác. Thấy mẹ con Tống Trân, hắn liền đuổi đi và chửi mắng không ngớt. Nàng Cúc Hoa - con gái Trưởng Giả là một người tốt bụng đã lén lút mang cơm cho 2 mẹ con ăn. Trưởng Giả bắt gặp đã tức giận, đuổi nàng đi và từ chối không nhận con. Thế là mẹ con Tống Trân đưa Cúc Hoa đi cùng, trở về quê cũ làm ăn. Tống Trân ngày đêm lo dùi mài kinh sử, Cúc Hoa đảm đang chăm lo cho gia đình.

Khi vua Lý Nam Đế (544-548) mở khoa thi chọn nhân tài, Tống Trân vào kinh ứng thí đỗ thủ khoa cả 3 kỳ thi, được vua ban cho cờ biển, 1000 vuông gấm và 10 đĩnh vàng cho về vinh quy bái tổ. Trở về làng, Tống Trân bái yết tổ tông, thăm hai bên nội ngoại, khao dân làng và hỏi cưới Cúc Hoa làm vợ, dựng nhà ở làng Phù Oanh (quê ngoại) cho mẹ và vợ ở rồi trở lại kinh thành.

Ba tháng sau, Vua cử Tống Trân đi sứ Bắc quốc 10 năm. Tại đây, Tống Trân được vua Tàu sau nhiều lần thử tài khen ngợi là nhân tài thứ nhất trong 18 nước chư hầu và phong làm Lưỡng Quốc Trạng Nguyên. Khi vua Tàu muốn gả con gái, Tống Trân do từ chối nên bị giam vào chùa Linh Long trong 100 ngày, không được cho thức ăn nước uống.

cau-chuyen-ve-luong-quoc-trang-nguyen-dau-tien-trong-huyen-su-viet-2
Tống Trân cùng mối tình với nàng Cúc Hoa nổi tiếng một thời

Khi bị giam cầm, Tống Trân phát hiện tượng Phật làm bằng chè lam có thể ăn nên ra lệnh tướng sĩ ăn tượng Phật, uống nước cúng. Sau 100 ngày, vua Tàu thấy quan trạng và tướng sĩ vẫn khỏe mạnh, khâm phục tài trí Tống Trân và phong làm Phụ quốc Thượng tể Đẩu Nam Tống Đại vương.

Cuộc sống hạnh phúc bên 2 người vợ

Trong 10 năm chồng đi sứ nước người, Cúc Hoa luôn một lòng hiếu thuận và chăm sóc mẹ chồng, ngày đêm mong ngóng tin chồng và một lòng thủy chung. Tuy nhiên, cha nàng một mực bắt nàng lấy con nhà giàu. Biết tin, Tống Trân trở về, giả dạng người hành khất để dò la. Biết tin Cúc Hoa vẫn một lòng một dạ, chàng làm rõ bộ mặt xấu xa của Trưởng giả, đón mẹ và vợ về quê đoàn tụ. Nhà vua cảm động trước con người Cúc Hoa nên phong cho nàng là Quận phu nhân.

Sau khi Tống Trân về nước, công chúa xứ Tàu ngày đêm mong nhớ nên xin cha cho sang đất Việt tìm chàng. Thương con, vua Tàu ưng thuận, phái tùy tùng đi theo bảo vệ công chúa. Trên đoạn đường ngược xuống phương Nam, đoàn người gặp bão lớn, công chúa bị đánh dạt vào bờ. Sau nhiều ngày lưu lạc, nàng một hôm tình cờ gặp Tống Trân đang đi săn trong rừng và được chàng đưa trở về nhà.

Nghe xong câu chuyện, Cúc Hoa cảm động trước tình cảm chân thành của công chúa Bắc quốc nên vui lòng giữ ở lại, đồng ý để Tống Trân lấy Công chúa Bắc quốc làm vợ thứ hai. Sau này, Tống Trân còn ra giữ chức Phụ chính đại thần được hơn 10 năm, khi ngoài 60 thì cáo lão về quê, mở lớp dạy học cho con em nhà nghèo.

cau-chuyen-ve-luong-quoc-trang-nguyen-dau-tien-trong-huyen-su-viet-3
Đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân ngày nay

Nàng Cúc Hoa không con, mắc chứng bệnh đau bụng nên qua đời ngày mồng 3 tháng 3. Sau 5 năm, Tống Trân cũng mắc bệnh và mất ngày mồng 5 tháng 5 năm Tân Hợi (621). Biết tin, triều đình đã cho sứ thần mang sắc chỉ và vàng bạc về địa phương cùng với nhân dân xây dựng đền để tôn thờ. Triều đình phong cho ông là Thưởng đẳng tối linh phụ quốc Tống Trân đại vương. Về sau ông được truy phong làm Thượng đẳng phúc thần.  

Đền thờ ông tọa lạc ở một khu đất cao, đẹp thuộc địa phận thôn An Cầu, xã Tống Trân, nằm tách biệt với khu dân cư trên khuôn viên rộng khoảng 5 mẫu Bắc Bộ. Năm 1950, ngôi đền bị phá hủy hoàn toàn, sau đó qua nhiều lần trùng tu tôn tạo và đến năm 1998, đền Tống Trân được trùng tu toàn bộ.

Dù đã qua nhiều thế kỷ, hậu thế vẫn nhắc đến câu chuyện Tống Trân như một niềm tự hào. Bên cạnh đó, ông còn là người trọng tình nghĩa, tạo nên chuyện tình đẹp như trong chuyện cổ tích với bà Cúc Hoa. 

Xem thêm: Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi cùng giai thoại đấu trí cả triều đình phương Bắc

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận