Giai thoại ít biết về những bóng hồng ngang qua đời thi sĩ đa tình Hàn Mặc Tử

Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình. Cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng ông để lại sự nghiệp thơ ca đồ sộ và những mối tình đã trở thành huyền thoại...

Đỗ Thu Nga
14:00 22/07/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Thật vậy, trong làng Thơ mới, Hàn Mặc Tử là thi sĩ có diện mạo thơ phong phú, sáng tạo và đầy bí ẩn. Bên cạnh những vần thơ điên, thơ say, thơ siêu thực còn là giọng thơ trữ tình đằm thắm, thể hiện tình yêu cuộc sống thiết tha, khao khát tình người đến cháy bỏng.

Số phận bất hạnh của thi sĩ tài hoa

Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22/9/1912 tại ngôi làng Lệ Mỹ bên dòng Nhật Lệ, nay thuộc thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Cha ông là chủ sự Sở Thương Chánh Nhật Lệ - Đồng Hới, do đó, anh em ông được ăn học tử tế từ nhỏ.

Năm 14 tuổi, cha ông qua đời đột ngột vì bệnh. Gánh nặng gia đình đè lên vai gầy của người mẹ. Gia đình cầm cự được vài năm thì ông cũng phải bỏ học để phụ giúp mẹ. Năm 1935, những dấu hiệu đầu tiên của bệnh phong bắt đầu xuất hiện trên cơ thể ông. Nhưng đến năm 1937, khi những cơn đau đớn dữ dội bắt đầu xuất hiện, ông mới biết chắc rằng mình mắc bệnh nan y. Gia đình đưa ông chạy chữa và cả trốn tránh khắp nơi vì sự kỳ thị, cũng như không tin tưởng vào y học tây phương.

Chuyen-ve-nhung-bong-hong-ngang-qua-doi-thi-si-da-tinh-Han-Mac-Tu-7

Cho đến tháng 9/1940, khi đã gần như tuyệt vọng vì bệnht ật, ông mới được đưa vào trại phong Quy Hòa. Hai tháng sau, Hàn Mặc Tử mất trong sự cô độc ở trại phong. Đến vài ngày sau, gia đình đưa đồ ăn vào tiếp tế cho ông thì mới hay tin.

Hàn Mặc Tử được gia đình chôn cất ở chân núi Trứng, với ngôi mộ không có gì đặc biệt so với các bệnh nhân khác: Một nấm đất nhỏ kích cỡ như hàng tram ưngooi mộ khác, xếp theo dãy thứu tự, nằm lặng lẽ trong muôn vàn sự ra đi lặng lẽ của những người bị phong.

Đến năm 1959, gia đình và bạn bè mới cải táng sang một địa điểm khác. Năm 1991, ca nhạc sĩ Nhật Trường - Trần Thiện Thanh (tác giả ca khúc nhạc vàng bất hủ mang tên Hàn Mặc Tử) đã về nước và quyên góp tiền để xây dựng khu mộ mới như hiện nay - gồm cả đài tưởng niệm trên nền mộ cũ. 

Quần thể gồm 1 khoảng sân, phía chính giữa là đài tưởng niệm có hình cuốn sách thơ, bệ tượng đài, hình phù điêu bao quanh khu mộ cũng dễ liên tưởng đến hình tượng vầng trăng khi khuyết lúc đầy, vốn luôn thấp thoáng ẩn hiện trong thơ Hàn.

"Ánh sáng" khác thường trên bầu trời văn học Việt Nam

Chỉ sống vỏn vẹn 28 năm trên cõi đời nhưng Hàn Mặc Tử đã kịp để lại một di sản thơ ca đồ sộ. Trong đó có nhiều bài thơ, câu thơ được xếp vào hàng tuyệt tác. Ông cũng là 1 trong những nhà thơ đầu tiên của dòng thơ lãng mạn hiện đại, là người khai sinh ra trường thơ loạn (hay thơ điên). Nếu chỉ dùng 4 chữu để tóm tắt về cuộc đời thi nhân Hàn Mặc Tử thì 4 chữ đó là: tài hoa, đa tình, đau thương và yểu mệnh.

Được biết, năm 16 tuổi, ông bắt đầu làm thơ và nổi tiếng trên thi đàn với bài thơ đầu tiên “Vội vàng chi lắm” họa vận bài Gởi nhạn của nhà thơ Mộng Châu. Thơ Hàn Mặc Tử thuở ban đầu mang đậm dấu cổ thi, chất trữ tình trong thơ ông là chất trữ tình cổ điển, với lối so sánh ước lệ và thể thơ Đường luật. Tuy nhiên, dẫu bắt đầu bằng những khuôn mẫu nhưng thơ của Tử đã mầm mống xuất hiện những phá cách đầy táo bạo:

“Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối,Gió thu lọt cửa cọ mài chăn”…(Thức khuya)

Năm 1935, ông đổi bút danh thành Lệ Thanh, rồi Hàn Mặc Tử. "Hàn Mặc Tử" là "chàng bức rèm lạnh" hay "chàng đơn lạnh". Cái tên ấy dường như đã ứng với dự cảm về những năm cuối trên đỉnh thơ cô đơn, lẻ lạnh của riêng ông.

Chuyen-ve-nhung-bong-hong-ngang-qua-doi-thi-si-da-tinh-Han-Mac-Tu-9

Năm 1936, ông cho xuất bản tập "Gái quê" lừng danh và cũng chính lúc này ông phát hiện ra mình mắc bệnh phong. Những đau khổ mà bệnh tật mang lại, cộng với bản năng sáng tạo đã chắp cánh cho thi ca Hàn Mặc Tử, đưa ông lên đỉnh cao của văn chương, nghệ thuật hiện đại. 

Từ những năm ba mươi của thế kỷ, trong tư duy nghệ thuật của mình, Hàn Mặc Tử đã có ý thức đi tìm cái lạ và nung nấu thi hứng sáng tạo ở một cường độ cao: “Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ - sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui buồn hờn giận đến gần đứt sự sống”. Thế giới nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc Tử vô cùng phong phú và đa dạng như ông đã từng nói: "Vườn thơ của tôi rộng rinh không bờ bến. Càng đi xa càng ớn lạnh ".

Trong cuốn: "Hàn Mặc Tử: một hiện tượng thơ độc đáo trong tư duy thơ Việt Nam", nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy cho rằng: “Nếu Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính là dòng lãng mạn thuần khiết, nếu Xuân Diệu và nhất là Huy Cận, là dòng lãng mạn được cườm vào những yếu tố tượng trưng… thì Hàn Mặc Tử là hài hòa của lãng mạn, tưởng tượng, thậm chí siêu thực nữa”. Có lẽ chính từ cuộc sống mỏi mòn trong bệnh tật, cô đơn, trong bóng đêm hoang hoải đầy ác mộng, ẩn ức, ám ảnh giữa thực và mộng của ông đã thăng hoa từ vô thức mà bừng lên những hình ảnh siêu thực trên cái nền lãng mạn: “Không gian dày đặc toàn trăng cả/ Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng”, “Nước hóa thành trăng trăng ra nước/ Lụa là ướt đẫm cả trăng thơm”…

Những bóng hồng ngang qua đời thi sĩ đa tình

Nói về cái sự đào hoa, đa tình của Hàn Mặc Tử, trong cuộc đời ngắn ngủi của ông, nếu tính riêng quãng đời sau khi trưởng thành thì chỉ trong khoảng 10 năm, Hàn Mặc Tử đã kịp “gieo tình” cho rất nhiều người con gái. Có người khiến cho ông buồn bã u sầu vì mối tình đơn phương không được đáp trả, như cô gái nhà bên mang tên Hoàng Cúc. Mối tình gắn với bài thơ tình nổi tiếng “Đây thôn Vỹ Dạ”. Có người vì ông mà sầu thương rơi lệ như nữ sĩ Mai Đình. Có người lại chỉ như một làn gió mát thoảng qua, ve vuốt tâm hồn chàng thi sĩ trong những ngày tháng cuối đời đau đớn và u sầu như Ngọc Sương (chị gái của nhà thơ Bích Khê) và Thương Thương.

Mối tình trong sáng nhất của Hàn Mặc Tử là người con gái tên Huế có cái tên rất đẹp: Hoàng Thị Kim Cúc. Năm 1933, ông làm cho Sở Đạc điền Quy Nhơn và quen Hoàng Cúc.

Năm 1939, khi đang điều trị bệnh phong tại Quy Nhơn, Hàn Mạc Tử nhận được bức ảnh của Hoàng Cúc gửi tặng và làm bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ đề tặng lại.

Nhiều người cho rằng, giữa hai người có một tình yêu đẹp. Tuy nhiên, Hoàng Cúc từng viết: “Tử và tôi cách xa nhau như hai ngọn núi, Tử thì kín đáo và bẽn lẽn như con gái, còn tôi thì bí mật và xa lạ như cung trăng! Tuy thế Tử cũng đã tìm cách để gặp, nhưng rồi vẫn cũng chưa toại nguyện...” (Ảnh: Bút tích của Hoàng Cúc).

Chuyen-ve-nhung-bong-hong-ngang-qua-doi-thi-si-da-tinh-Han-Mac-Tu

Mối tình da diết nhất của Hàn Mặc Tử gắn liền với cái tên Mộng Cầm (quê ở Phan Thiết, Bình Thuận) tên thật là Huỳnh Thị Nghệ. Trong lần vào Phan Thiết thăm Mộng Cầm, người đẹp đã đưa Hàn Mặc Tử lên lầu Ông Hoàng. Không ngờ rằng đây lại là lần đi chơi sau cùng của hai người. Hàn Mạc Tử ra Huế, sau đó vào Quy Nhơn, điều trị bệnh phong ở bệnh viện phong Quy Hòa, và mất ở đó.

Mối tình với Mộng Cầm và địa danh Lầu Ông Hoàng xuất hiện nhiều lần trong thơ Hàn Mặc Tử: "Ta lang thang tìm tới chốn Lầu Trăng/Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang/Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết...".

Một bóng hồng nữa của Hàn Mặc Tử là Mai Đình. Mai Đình thực ra không phải là một nàng thơ. Đúng nghĩa, nàng là một người bạn văn chương của chàng. Nàng gặp Hàn Mặc Tử khi chàng đã lâm trọng bệnh, xa lánh tất cả mọi người.

Sau này, khi Hàn Mặc Tử mất đi, Mai Đình lúc chưa lập gia thất, vẫn đến thăm gia đình ông. Kể ra, mối tình với Mai Đình, là một tình sử đẹp, bởi sự thanh cao, tinh khiết, vượt qua mọi ranh giới tầm thường trên đời.

Thêm một người nữa là  Lê Thị Ngọc Sương. Cô gái người Quảng Ngãi, chẳng phải ai xa lạ, chính là chị ruột thi sĩ Bích Khê, bạn văn chương của Hàn Mặc Tử. (Ảnh: Người ngoài cùng bên phải).

Một bóng hồng lướt qua đời Hàn Mặc Tử là Thương Thương. Trong những ngày cô đơn, thi sĩ nhận được một bức thư đề tên người gửi là Thương Thương. Chàng đã đem lòng say đắm người trong mộng, đặt cho nàng biệt danh Người lụa bến Sông Hương. Tuy hai người không gặp mặt nhưng tình yêu đó đã chắp cánh cho những vở kịch thơ ngọt ngào như Duyên kỳ ngộ, Quần tiên hội...

Xem thêm: Nhà thơ Chế Lan Viên: Đẹp trai, làm thơ hay nhưng phải cái nóng tính

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận