Người chị gái có 1 - 0 - 2 của Phan Đình Phùng: Dùng mưu 'dụng địch... đánh địch' để được trùng phùng với em trai
Ít ai biết được, Phan Đình Phùng có 1 người chị gái vô cùng tài trí. Khi giặc Pháp định lợi dụng bà để lung lạc ý chí Phan Đình Phùng thì bà lại lợi dụng ngược lại chúng để được đi thăm em trai sau 9 năm không gặp mặt.
Phan Đình Phùng (1847 – 21 tháng 1 năm 1896) hiệu Châu Phong, tự Tôn Cát, là người lãnh đạo khởi nghĩa Hương Khê chống lại thực dân Pháp trong phong trào Cần Vương. Vào thế kỷ 19, ông là sĩ phu Nho giáo nổi bật nhất tham gia vào các chiến dịch quân sự chống Pháp. Trong thế kỷ 20, sau khi đã qua đời, Phan Đình Phùng vẫn được những người theo chủ nghĩa dân tộc tôn vinh như một vị anh hùng dân tộc. Ông nổi tiếng với những ý chí và nguyên tắc sắt đá của bản thân - không chịu đầu hàng ngay cả khi giặc Pháp quật mồ mả tổ tiên, bắt giữ và dọa giết cả gia đình.
Và ít ai biết được, Phan Đình Phùng có một người chị gái trí dũng chẳng kém ông là bao. Bà đã khiến thực dân Pháp phải đỏ mặt tía tai khi dùng mưu "dụng địch... đánh địch" để được đi thăm em trai trong rừng sâu sau 9 năm không được gặp mặt.
Chị gái của Phan Đình Phùng là ai?
Trong bức thư của Hoàng Cao Khải gửi Phan Đình Phùng đề tháng 4 năm Giáp Ngọ (1894) có viết: "Nay tôi đã thương thuyết với các quý quan: Trước hãy tha Bà chị nhà để được đến báo tin cho túc hạ và kèm cả bức thư này đường đột gửi đến túc hạ. Kính xin bực cao minh xét cho" (thư của Hoàng Cao Khải gửi Phan Đình Phùng theo Bài ngoại liệt truyện được dẫn lại trong Tổng tập văn học Việt Nam, tập 19).
Vậy vì sao trong bức thư của Hoàng Cao Khải gửi Phan Đình Phùng lại nhắc đến "Bà chị nhà". Vậy, bà là ai, phạm tội gì và vì sao lại được tha? Theo Gia phả họ Phan làng Đông Thái, huyện La Sơn (nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) cụ Phan Đình Tuyển, thân sinh của Phan Đình Phùng, sinh được 8 người con, 7 trai và 1 gái. Bà vợ cả sinh được 6 người con, 5 trai và 1 gái.
Người con gái đầu là Phan Thị Đại, 5 người con trai tiếp theo là Phan Đình Thông (tú tài), Phan Đình Thuật (cử nhân), Phan Đình Tuấn (mất sớm), Phan Đình Phùng (Đình nguyên tiến sĩ), Phan Đình Vận (Phó bảng). Bà vợ hai của Phan Đình Tuyển sinh được 2 con trai (không thành đạt gì). Như vậy bà Đại là người chị cả, cũng là người chị gái duy nhất của Phan Đình Phùng.
Bà Phan Thị Đại lấy chồng là ông cử nhân Lê Văn Thống, người làng Trung Lễ (xã Cổ Ngu, tổng Văn Lâm, nay là xã Đức Trung, Đức Thọ, Hà Tĩnh, cách Đông Thái 7km). Khi Phan Đình Phùng mới nổi lên khởi nghĩa, ông lấy quê hương Đông Thái làm đại bản doanh khởi nghĩa, gọi là Đại đồng Đông Thái. Khí giặc tấn công vào Đại đồn Đông Thái, Phan Đình Phùng vượt vòng vây, kéo quân lên vòng vây, kéo quân lên vùng núi rừng Hương Sơn, Hương Khê lập căn cứ kháng chiến.
Ở quê nhà, bà Đại bị giặc bắt rồi khép tội "ám thông với giặc, chống lại triều đình", bị kết án tử hình. Sau một thời gian bị giam giữ ở nhà lao Hà Tĩnh, bà bị giải vào Huế để chịu tội.
Khi đi đến địa phận tỉnh Quảng Bình thì nhận được lệnh từ Huế gửi ra, cho giảm án vì: "Em làm giặc không liên quan đến chị gái đã xuất giá. Muốn bắt tội cũng không thể khép án tử hình". Bà lại được giải trở về nhà lao Hà Tĩnh.
Vậy vì sao bà Phan Thị Đại lại được hưởng đặc ân như vậy? Không lẽ thực dân Pháp và bọn tay sai thấu nỗi oan vô tội của người phụ nữ này? Thật ra thì chúng chẳng nhân từ đến vậy đâu. Chúng giảm án cho bà là để lợi dụng bà, dùng bà làm người đưa thư dụ dỗ Phan Đình Phùng đầu hàng nhằm thực hiện ý đồ mua chuộc lòng người của chúng. "Các quý quan" mà Hoàng Cao Khải nhắc đến trong thư chính là tên Toàn quyền De Lanessan kẻ đạo diễn ra vở kịch này.
Mưu "dùng địch... đánh địch" của chị gái Phan Đình Phùng
Bà Phan Thị Đại biết được mưu đồ mua chuộc của giặc nhưng đây là cơ hội duy nhất để bà được gặp em trai nên đương nhiên, người phụ nữ ấy không thể bỏ qua. Bởi vì từ khi giặc tấn công vào đại đồn Đông Thái (11/1885), Phan Đình Phùng chuyển lên lập căn cứ ở núi rừng Vũ Quang, còn bà thì bị giặc bắt giam, đến nay đã 9 năm, hai chị em không gặp được nhau.
Chính vì lẽ đó mà dù biết thừa âm mưu của chị bà Phan Thị Đại vẫn quyết chí đi. Còn bọn cầm quyền cũng khá hả hê vì không ngờ người đàn bà này dễ dàng quy thuận chúng đến vậy. Chúng hy vọng rằng, thông qua thư của Hoàng Cao Khải và qua sự khuyên nhủ của bà Phan Thị Đại, có thể lay chuyển ý chí kháng chiến của Phan Đình Phùng.
Và vào một ngày đẹp tháng 4 năm Giáp Ngọ (1894), bà ra đi từ tỉnh thành Hà Tĩnh, mang theo bức thư của Hoàng Cao Khải, có phu khiêng cáng, có một tiểu đội lính tráng cầm cờ quạt chiêng trống đi mở đường. Đi đến địa giới huyện Hương Khê, địa đầu của vùng nghĩa quân kiểm soát, quân lính của Phan Đình Phùng được báo trước cũng đem cờ quạt, võng lọng ra đón rước tử tế. Tại đây, linh của triều đình quay lại.
Bà lại lên cáng của nghĩa quân, về Đại bản doanh của Phan Đình Phùng đặt ở Ngàn Trươi (nay thuộc huyện Vũ Quang). Tại quân doanh, chị em trùng phùng mừng mừng tủi tủi. Sau khi hàn huyên mọi chuyện gia đình, quê hương, Phan Đình Phùng hỏi:
- Chị đã lên đây thì ở lại hẳn với em chứ.
Ý ông muốn giữ chị ở lại, sợ khi về giặc lại trả thù. Nhưng người chị nói:
- Không. Chị gặp được cậu là tốt rồi. Chị phải về vì còn gia đình hai bên nội ngoại, cần phải phụng dưỡng. Bọn giặc chẳng làm gì được chị đâu.
Phan Đình Phùng lại hỏi:
- Chị có điều gì khuyên nhủ em không?
Trái với mong ước của bọn cầm quyền, bà Đại trả lời:
- Việc của cậu là việc quốc gia đại sự. Một quyết định của cậu có ảnh hưởng đến số phận của hàng ngàn người. Chị là phận đàn bà, chẳng thể khuyên được điều gì. Chỉ mong cậu muôn phần bảo trọng...
Xem thêm: Người duy nhất của triều Nguyễn "thà chết không chịu làm vua" là ai?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận