Đôi vợ chồng bỏ mặc lời dị nghị đồng lòng hiến xác, tự xây mộ, chuẩn bị hậu sự cho mình

Cách đây 40 năm, vợ chồng ông Sơn rời Nam Định vào Đồng Nai lập nghiệp, đăng ký hiến xác khi qua đời. Hiện, ông bà tự xây mộ, chuẩn bị hậu sự cho mình.

Đỗ Thu Nga
15:00 09/11/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Một ngày đầu tháng 11, tại xã nông thôn mới Suối Nho, huyện Định Quán (Đồng Nai) - khu kinh tế mới của người dân miền Bắc vào lập nghiệp, phát triển kinh tế từ những năm đầu thập niên 1980 - vợ chồng ông Trần Hải Sơn (75 tuổi) và bà Hoàng Thị Nhàn (70 tuổi) thanh thản an hưởng tuổi già trong ngôi nhà khang trang.

Người dân xã Suối Nho ai cũng biết "ông Sơn tóc dài" vì chuyện hai vợ chồng chưa qua đời đã xây sẵn 2 ngôi mộ lớn, khắc bia, khảm ảnh thờ đầy đủ cho bản thân ngay trước nhà. 

Thơ tình trên bia đá

Quả thật trong ngôi nhà khang trang, khuôn viên, sân vườn rộng rãi nổi bật hai ngôi mộ lớn xây ngay trước cửa. Hàng ngày, ông Sơn đều dành thời gian chăm chút, lau chùi "nơi an nghỉ" của vợ chồng mình.

Ông Sơn cho biết, hai ngôi mộ được xây đầu năm 2020, đặt nằm cạnh nhau, bia đá ghi rõ tên tuổi, năm sinh, quê quán của ông Trần Hải Sơn và bà Hoàng Thị Nhàn cùng dòng chữ: "Xin để tôi yên giấc ngàn thu ở nơi này".

chuyen-ve-doi-vo-chong-hien-xac-tu-xay-mo-chuan-bi-hau-su-cho-minh-0
Hai ngôi mộ đặc biệt vợ chồng ông Trần Hải Sơn tự chuẩn bị cho mình

Ở dọc hai phía bia đá khắc đôi câu đối ông Sơn tâm đắc: "Trăm năm tình viên mãn - Trọn đời nghĩa phu thê". Trên mộ của bà xã ông là cặp câu hẹn thề: "Kiếp này ta tạm xa nhau nhé - Kiếp sau anh sẽ tìm lại em". Theo ông Sơn, nội dung câu chữ khắc trên mộ nói lên tình cảm vợ chồng thủy chung, son sắc muôn đời muôn kiếp là điều tâm đắc với ông bà.

Xung quanh mộ, ông Sơn dựng 4 tảng đá lớn hình trụ tượng trưng 4 người con trai, luôn hướng về cha mẹ.

Chia sẻ về lý do xây mộ đôi dù sức khỏe hai vợ chồng còn rất tốt, ông Sơn kể: "Qua thời gian tâm sự với vợ, tôi bảo bà chắc hai vợ chồng phải làm điều gì đó làm ký ức của đời mình. Con người rồi ai cũng về với cát bụi, vậy nên tôi nhờ bia đá chứng minh sự tồn tại, hiện diện của chúng tôi trên cõi đời".

Khi được chồng giãi bày ý tưởng, bà Nhàn rất ủng hộ. Mộ phần của ông bà sẽ được nằm mãi trên đất tổ, thể hiện sự trường tồn với các thế hệ con cháu đời sau.

"Tôi muốn con cháu nhìn vào mộ phần của cha mẹ, ông bà để biết gốc gác, cũng như tổ tiên của mình", ông Sơn chia sẻ.

"Không nên tên sông, tên núi cũng để lại việc nghĩa cho đời"

Ngồi bên 2 ngôi mộ đặc biệt, ông Sơn kể chuyện mối duyên với bà Nhàn từ những ngày còn ở miền Bắc.

Ông Sơn là bộ đội xuất ngũ, từng công tác và chiến đấu ở quân khu 3. Năm 1980, hai vợ chồng quyết định rời quê nhà Hải Hậu, Nam Định vào vùng kinh tế mới vùng Tân Phú - Định Quán (Đồng Nai) lập nghiệp.

Gặp, yêu, nên duyên vợ chồng từ những ngày gian khó, ông bà luôn yêu thương nhau, cùng chung tay nuôi dạy các con trưởng thành.

chuyen-ve-doi-vo-chong-hien-xac-tu-xay-mo-chuan-bi-hau-su-cho-minh-8
Năm 2007, hai vợ chồng đăng ký hiến xác sau khi qua đời

Thấy ông Sơn làm điều kỳ quặc, không ít dân làng bàn tán, dị nghị. Những người thợ được thuê tới xây mộ cũng ngạc nhiên bảo: "Chúng cháu chưa thấy ai lập mộ khi vẫn còn sống khỏe mạnh như ông".

Khi được hỏi liệu có sợ điềm xui rủi, kém may mắn với chuyện lo phần âm như vậy, bà Nhàn vui vẻ: "Nhiều người thấy vợ chồng tôi tự lập mộ thế này cũng tỏ ra sợ hãi. Nhưng tôi không cảm thấy như vậy. Việc làm của chúng tôi không vì động cơ gì, cũng không làm ảnh hưởng tới an ninh xã hội".

Ngoài việc tự làm mộ cho mình, hành động đặc biệt khác khiến nhiều người nể phục ông bà Hải Sơn hơn cả là vào năm 2007, hai người đăng ký hiến xác cho y học tại đại học Y Dược TPHCM. Cụ ông quê gốc Nam Định nói rằng muốn để lại điều gì thật ý nghĩa cả khi đã mất đi.

chuyen-ve-doi-vo-chong-hien-xac-tu-xay-mo-chuan-bi-hau-su-cho-minh-6
Trong nhà ông Sơn treo rất nhiều huân huy chương kháng chiến

"Thân xác của chúng tôi sau khi chết cũng sẽ còn có ích cho đời. Tôi muốn các cháu sinh viên có điều kiện được học, thực hành, nghiên cứu, phục vụ ngành y, phục vụ cộng đồng. Ở đời nhiều người mất đi rồi có thể trở thành tên sông, tên núi, tên chợ, tên đường… Tôi suy nghĩ bản thân có gì để lại nên quyết định làm một việc có ý nghĩa cho xã hội", ông Sơn chia sẻ.

Lo đủ những việc lớn, ý nghĩa cuối cùng cho cuộc đời mình, ông Sơn bà Nhàn giờ an hưởng những tháng ngày tuổi già bên nhau, tình cảm vợ chồng vẫn mặn nồng, son sắt. Đều đã ở tuổi xưa nay hiếm, ông bà mãn nguyện với cuộc sống an vui, sum vầy bên con cháu. Căn nhà của ông bà treo vô số ảnh lưu lại những khoảnh khắc gia đình đoàn tụ như vậy.

Ông căn dặn các con, sau này bố mẹ mất, trước khi đi đâu xa hay ai vừa trở về nhà hãy ghé qua mộ thắp một nén nhang chào hỏi, để cùng giữ lễ nghĩa, đạo nhà tưởng nhớ ông bà, tổ tiên. 

(Theo Dân trí)

Xem thêm: Cho đi là còn mãi: Chuyện về một xã có 50 người hiến tạng, hiến xác

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận