Chuyện tình xuyên thế kỷ, xuyên biên giới: Cô gái Triều Tiên đợi 31 năm để lấy chồng Hà Nội, Chủ tịch nước đích thân mở lời xin dâu
Ngày 31/12/2002, cuộc hôn nhẫn xuyên thế kỷ, xuyên biên giới được tổ chức tại Hà Nội với 800 khách mời. Đám cưới được tổ chức linh đình, giải tỏa bao mong đợi, khát khao dồn nén 31 năm của đôi trẻ đã không còn trẻ nữa.
Chuyện tình xuyên thế kỷ bị hai quốc gia ngăn cấm
Ông Phạm Ngọc Cảnh (người Hà Nội) là 1 trong số 200 sinh viên đến Triều Tiên những năm 1960, 1970 để học tập. Đến năm 1971, ông Cảnh là sinh viên Đại học Hóa học Công nghiệp Hàm Hưng và đến thực tập tại nhà máy phân hóa học Hưng Nam. Tại thành phố này, ông gặp bà Ri Yong Hui - nhân viên phòng thí nghiệm của nhà máy. Cũng từ đây, tình yêu của hai người chớm nở.
Thời điểm gặp bà Ri, ông Ngọc Cảnh đã thầm nghĩ: "Nếu cô ấy là vợ mình thì hay quá!". Cô gái Triều Tiên khi ấy cũng có cảm tình đặc biệt với chàng sinh viên Việt Nam. "Từ lúc đầu tiên nhìn vào mắt ông ấy, tôi đã rất buồn vì tình yêu sẽ không thành", bà Ri từng chia sẻ.
Thời điểm lúc bấy giờ, cả Triều Tiên và Việt Nam đều không cho phép yêu đương, kết hôn với người nước ngoài. Nhiệm vụ quan trọng khi ấy của sinh viên Việt Nam là học tập để trở về tái thiết Tổ quốc sau chiến tranh. Phía Triều Tiên đương nhiên nghiêm khắc hơn, họ cự tuyệt hôn nhân với người nước ngoài.
Ấy thế mà tình yêu lại khiến hai con người với hai quốc tịch khác nhau xích lại gần. Chàng sinh viên Việt Nam tìm cách "cưa đổ" tình yêu sét đánh trong vòng bí mật. Mỗi khi thấy nàng đi lấy mẫu phân tích, ông Ngọc Cảnh lại cố tình đi ngược chiều, chào hỏi rồi lướt qua nhau. Khi thời gian thực tập kết thúc, ông đến trực tiếp phòng phân tích gặp mặt bà Ri.
Ri Yong Hui nói rằng mình chưa có người yêu, thế là chàng lấy tấm ảnh chụp cùng 2 người bạn cũng là du học sinh, gói vào chiếc khăn mùi xoa mua ở Trung Quốc trao cho nàng làm tin, rồi xin địa chỉ nhà nàng.
“Tôi tìm đến nhà gặp thì cô ấy rất ngỡ ngàng. Lúc ấy có hai chị em cô ấy ở nhà. Tôi hẹn, vào hôm cô ấy đi làm đêm, sáng hôm sau sẽ ở nhà thì chủ nhật tôi xuống chơi” - ông Cảnh nhớ lại. Trong lần gặp đầu tiên ấy, ông đem theo máy ảnh đi cùng, chụp một bức ảnh kỷ niệm tình yêu. Khi đó, chàng sinh viên 22 tuổi, còn cô gái Triều Tiên mới 23 tuổi.
Lần nào đến thăm, ông cũng ăn vận như một người Triều Tiên, đi xe bus mất 3 tiếng, đổi bus mấy lần rồi xuống trạm cách nhà người yêu khoảng 2km, đi bộ vào để không ai để ý. Chủ nhật đến gặp một chút rồi lại vội vã trở lại trường. Và cứ thế, họ yêu nhau trong gần 2 năm trước khi ông Ngọc Cảnh phải trở về nước vào năm 1973.
"Hay chúng mình tự tử đi anh..."
“Đến đầu năm 1973 tôi tốt nghiệp về nước và tạm biệt cô ấy. Hôm ấy, buổi chiều tôi trốn đi đến nhà cô ấy chia tay. Cô ấy lại tiễn tôi cùng bạn bè ra ga tàu. Tôi lại đi tàu lên thành phố, đêm hôm ấy 11 giờ mới ra ga đi lên tàu lên thủ đô Bình Nhưỡng.
Lúc ở nhà cô ấy, thì cô ấy bảo tôi là: Hay chúng mình tự tử đi anh. Nhưng tôi bảo em đừng nghĩ thế, mình yêu nhau không có gì sai trái cả, việc gì mà phải chết. Tôi nói cô ấy hãy chờ tôi, có điều kiện tôi sẽ quay lại”, ông Cảnh nhớ lại.
Để giữ an toàn chuyện tình này, người thanh niên đã mua một lô phong bì viết sẵn địa chỉ Ngân hàng Nhà nước, nơi mẹ ông làm việc, ghi tên người nhận là mẹ và dặn khi viết thư thì cho vào phong bì ấy, dán lại rồi gửi về Việt Nam chứ đừng gửi về theo địa chỉ nhà.
Những cánh thư tình yêu của họ cũng khác thường lắm. Họ không xưng với nhau là anh em. Họ gọi nhau là đồng chí:
“- Chào đồng chí. Đồng chí Ri Yong Hui lúc này có mạnh khỏe không? Công việc thế nào? Mùa đông năm nay, tuyết ở Hàm Hưng có đổ dày hơn không?
- Chúc đồng chí luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao?”.
Những cánh thư gửi đi trong thấp thỏm, lời lẽ vô cùng chừng mực, không dám nhắc đến một từ nào yêu thương. Nhưng sâu trong thâm tâm họ luôn hy vọng có một ngày được đoàn tụ.
Đến năm 1978, ông Ngọc Cảnh có cơ hội sang Triều Tiên công tác và hẹn gặp người yêu đúng 1 lần rồi nhanh chóng trở về nước. Ông dặn bà Ri chờ mình, hẹn sẽ tìm cách để cùng nhau kết hôn. Bà Ri cứ thế gói ghém tình yêu với người đàn ông ở cách mình 5.000km vào sâu trong suy nghĩ.
20 năm sau đó, đến ngày 25/4/1997, thúc giục con trai duy nhất lấy vợ bất thành, cha ông Cảnh viết thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm: "Chúng tôi tha thiết đề nghị ông xem xét giải quyết trong chuyến đi này, chấp nhận cho hai cháu Cảnh và Ri Yong Hui được kết hôn và sống với nhau những năm còn lại của cuộc đời hai cháu.
Kính mong ông thông cảm với nỗi buồn day dứt của gia đình chúng tôi, con trai lớn tuổi mà chưa lập gia đình...".
Đó là những lời tràn đầy tâm tư của đáng sinh thành đã cao tuổi, dồn mọi hy vọng vào cậu con trai duy nhất muốn tác động đến phía Triều Tiên tác hợp cho hôn sự này. Đó cũng là lần đầu tiên gia đình ông Ngọc Cảnh biết về mối tình dài đằng đẵng suốt 26 năm.
Thế nhưng phía Triều Tiên không hồi đáp đề nghị của đoàn Việt Nam. Và tình yêu của ông bà tiếp tục sống trong những ngày chờ đợi dài đằng đẵng.
Đám cưới muộn sau 31 năm yêu xa
Bà Ri vẫn luôn chờ đợi và tin vào tình yêu ông Ngọc Cảnh dành cho mình. Còn nhớ những năm 1990 liên tục thiếu đói, thiên tài, dù người Triều Tiên nỗ lực hết sức trồng trọt. Việt Nam cũng viện trợ, cho vay hàng trăm nghìn tấn gạo cho đến năm 2000.
Trong số hàng trăm nghìn tấn gạo ấy, có 7 tấn bản thân ông Ngọc Cảnh quyên góp được. Trong bầu không khí nồng ấm ngoại giao giữa hai nước, Việt Nam lại có đoàn sang Triều Tiên năm 2002, do Chủ tịch nước Trần Đức Lương dẫn đầu.
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã từng kể lại rằng: Khi ông biết về chuyện tình đó, ông vô cùng cảm động. Thương cho chuyện tình đôi lứa trắc trở mấy chục năm trời. Ông cũng đã đích thân "xin dâu". Ông nhớ, lúc đó phía bạn có thái độ nhẹ nhàng và chấp thuận ngay.
Đến tháng 9/2002, Đại sứ quán Triều Tiên tại Việt Nam gửi công hàm đến Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo, việc kết hôn được Ủy ban Thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên phê chuẩn. “Sau khi kết hôn, việc mà họ sống ở đâu là theo hy vọng của họ. Nếu cô Ri Yong Hui cư trú và sống tại Việt Nam thì cô ấy trở thành Công dân Triều Tiên ở nước ngoài”, công hàm đề ngày 4/9/2002 nêu rõ.
Lúc ấy, ông Cảnh hối hả sang Triều Tiên đón dâu. "Khi ấy, cán bộ ngoại giao Triều Tiên bảo tôi: Đồng chí không phải xuống địa phương, địa phương sẽ đưa cô ấy lên. Tôi ở đại sứ quán 15 ngày không biết tin tức gì, đến ngày thứ 15 thì họ đưa tôi ra gặp.”, ông Cảnh kể.
Bà Đỗ Thị Hòa - Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên cũng không thể quên được hình ảnh cuộc gặp ấy. Khi đang ngồi nói chuyện thì ông Cảnh đứng bật dậy, lao ra cầu thang, ôm lấy người yêu mà khóc như mưa.
Hôn lễ phía nhà gái được cử hành theo nghi thức truyền thống tại Đại sứ quán Việt Nam tại Bình Nhưỡng ngày 20/2, với khách mời là một người cháu gái của cô dâu, các thành viên ở Đại sứ quán Việt Nam, 3 người thuộc Bộ ngoại giao Triều Tiên, 2 người ở Thường vụ Quốc hội Triều Tiên và 2 người ở Hội Hữu nghị Triều - Việt.
Vào ngày 31/12/2002, cuộc hôn nhân xuyên thế kỷ, xuyên biên giới được tổ chức tại Hà Nội với 800 khách mời. Đám cưới linh đình đã giải tỏa được khát khao đoàn tụ dồn nén 31 năm của cặp đôi không còn trẻ.
Họ cưới nhau khi ông đã 53 tuổi, bà 54 tuổi. Họ đến với nhau sau những năm tháng thanh xuân dài đằng đẵng bị chia cắt. Nguyện vọng của gia đình với người con trai duy nhất, gần 30 năm tốt nghiệp về nước, cuối cùng cũng đã thành.
Khi sang Việt Nam làm dâu, bà Ri vẫn đau đáu nỗi nhớ quê bởi ở bên này không có gia đình, người thân và cũng không hiểu tiếng. Thế nhưng bà luôn có một người chồng tình cảm, yêu thương, quan tâm.
Từ khi đón được vợ sang Việt Nam, ông Ngọc Cảnh hạnh phúc lắm. Đi đâu ông cũng đưa vợ theo để bù đắp những năm tháng xa cách. Nghĩ về chuyện tình đầy trắc trở của mình, ông trầm tư: “Người Việt Nam mình rất thủy chung, tôi thừa hưởng cái đạo đức, tư cách, tình cảm ấy.
Tôi nghĩ, câu chuyện của chúng tôi cũng là để thế giới thấy rằng người Việt Nam không chỉ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thành công mà còn có tình yêu mãnh liệt không kém gì các dân tộc khác.”.
(Theo VTV)
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận