Hai mảnh đời gian truân ghép lại bằng lời cầu hôn bên cửa tử và chuyện người vợ cả đời cõng chồng, dỗ ăn

Anh là bộ đội suy thận độ 3, ốm đến mức người teo tóp, mặt biến dạng. Chị là người từng 1 lần tự tử vì hôn nhân tan vỡ. Hai mảnh đời gian truân ghép lại như một dấu lặng giữa cuộc đời xô bồ.

Đỗ Thu Nga
10:13 26/04/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Cách đây gần 1 tháng, Báo Nông Nghiệp Việt Nam có đăng tải câu chuyện "Lời cầu hôn bên cửa tử", kể về cuộc hôn nhân nặng nghĩa tình của anh Nguyễn Trọng Quảng và chị Hoàng Mỹ Linh. 10 năm chung sống, chị Linh chưa 1 lần được làm vợ đúng nghĩa nhưng vẫn ngày đêm dốc sức chăm sóc người chồng bệnh tật. Đọc câu chuyện này, nhiều người có dịp ngừng lại tự hỏi lòng mình liệu đã trân trọng người bạn đời được bao nhiêu? 

Hai mảnh đời gian truân

Anh là Nguyễn Trọng Quảng (sinh năm 1974, quê ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) là nam chính trong câu chuyện hôn nhân đầy nghĩa tình này. Năm 1993, anh vào bộ đội, làm hậu cần. Đến năm 2001 thì thấy người bị phù, đi khám mới biết suy thận độ 3B, phải nhập viện điều trị ngay.

Mấy năm đầu, mỗi tuần anh Quảng chạy thận 2 lần. Sau đó tăng lên 3 lần. Lúc đó, bố anh đã mất, ở nhà mẹ làm nông, mấy người em cũng làm công nhân đều không có điều kiện. Lâu lâu rảnh rỗi họ mới xuống thăm anh. Đồng đội cũng bận bịu nên anh tự chăm lấy thân.

chuyen-nguoi-phu-nu-truan-chuyen-ca-doi-cong-chong-do-an-9
Anh Nguyễn Trọng Quảng (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

bảo hiểm quân đội lo nhưng anh vẫn phải mua thêm thuốc, mỗi tháng tiêu tốn 4 - 5 triệu đồng. Trong khi ấy, lương chỉ được vài 3 triệu. Để có tiền chạy chữa, mẹ anh phải vay mượn phụ vào.

Thanh xuân phơi phới với bao ước mơ hoài bão bị dập tắt hoàn toàn bởi căn bệnh suy thận quái ác. Anh Quảng buộc phải bỏ lại tương lai tươi sáng để sớm tốt làm bạn với phòng bệnh. Cuộc sống của anh chỉ quanh quẩn từ buồng bệnh đi 500m đến khoa chạy thận, trưa trở về phải có người dìu, rồi sốt, rồi hồi, rồi hôm sau lại chạy thận. Nhiều lúc anh chỉ muốn buông xuôi, đến lịch không đi lọc máu nữa khiến cho cơ thể phản ứng, mắt hoa, tai ù, buồn nôn, bí tiểu, phù lên, buộc phải tiếp tục.

Sau lịch lọc máu, anh Quảng gần như rất rảnh. Lúc này, anh lại đi xuống căng tin công đoàn trong bệnh viện - nơi có người con gái nhỏ nhắn, đôi mắt đượm buồn bán hàng. Lúc đầu chưa biết tên nhưng cảm mến chị, anh hay xuống đó mua đồ, ngồi chơi.

Người con gái mang đôi mắt u sầu đó là chị Hoàng Mỹ Linh (sinh năm 1981, quê ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Chị sinh ra trong gia đình nông dân chẳng khấm khá gì. Sau này, chị lấy chồng nhưng cuộc hôn nhân đó không may mắn. Nhiều lúc chị nghĩ, cuộc đời mình chẳng còn gì.Chị từng có lần nghĩ quẩn, leo lên lan can cầu định nhảy xuống sông Đồng Nai tự tử. Nhưng mới chỉ tờ một chân xuống thì người xe ôm đã lao đến lôi lên, giáng cho 1 cái tát.

chuyen-nguoi-phu-nu-truan-chuyen-ca-doi-cong-chong-do-an
Chị Hoàng Mỹ Linh (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

Lúc thức tỉnh, thương mình, thương con chị lại quay về. Lúc đã có hai mặt con, thấy không sống được với nhau nữa chị chia tay, gửi con về cho bà nội rồi lại bà ngoại để ra Bắc bán hàng ở căng tin công đoàn Bệnh viện 103.

Nói về chuyện tình cảm với anh Quảng, chị Linh nhớ lại: "Trong bệnh viện thì toàn bệnh nhân, có những người tình trạng còn nặng hơn anh nên tôi cũng không để ý. Thế nhưng những lúc trực đêm hay buổi trưa vắng vẻ, khóa cửa ngoài mà tôi vẫn nghe thấy tiếng gọi nhỏ nhẹ: “Em ơi”. Đợi một lúc, lại: “Em ơi, bán cho anh lon bò húc, 20.000 đồng sốt vang”.

Mấy lần anh lấp ló sau song cửa, chị Linh hỏi: "Anh đựng sốt vang vào cái gì?”. Khi đó, anh Quảng mới chìa cái bát nãy giờ giấu ở sau lưng và đưa nó qua ô mở khóa. Mấy lần đầu anh chỉ nói thế nhưng lần thứ 4 anh xin thêm sốt vang. Chị Linh hỏi để làm gì thì anh bảo để rưới cơm.

Khoảng mươi lần đưa hàng qua ô cửa như thế, chị Linh mới tò mò hỏi anh: “Anh có ăn được không?”. Anh cười, trả lời rằng có. Vốn hiền lành nên anh rất ít nói. Khi không thấy anh ra mua hàng nữa, tôi hỏi thì mới hay đang ốm nặng…".

Lời cầu hôn bên cửa tử

Gặp nhau nhiều lần, nói chuyện nhiều lần, anh Quảng và chị Linh thấu hiểu hoàn cảnh của nhau. Cũng nhờ đó mà tình cảm tăng tiến thêm vài phần. 

Thế nhưng sức khỏe của ngày càng yếu đi, bác sĩ từng thông báo: "Quảng yếu lắm rồi, chuẩn bị cho về quê!. Lúc đó, lòng dạ chị Linh càng thêm rối bời. Bệnh nhân chạy thận thường chết sau vài ba năm, đằng này anh đã kiên cường chiến đấu đến 10 năm.

Biết sức khỏe mình yếu và cũng biết chị Linh thương mình, khi ngồi cạnh nhau, anh Quảng mạnh dạn hỏi: "Thế ở quê em đã có người yêu chưa?”. Anh hỏi tiếp. Nước mắt lăn dài trên má, chị lắc đầu, ngập ngừng một lúc rồi mới trả lời: “Nếu để cuộc sống của anh duy trì thêm thì em đồng ý!”.

Trong đầu chị lúc đó chỉ nghĩ đơn giản, xưa mình từng đứng trước vực thẳm của cái chết may có người kéo lên, nay anh cũng trong hoàn cảnh tương tự, không kéo được bằng tay thì kéo bằng tinh thần vậy.

Thế rồi, bàn tay chị tìm đến bàn tay anh. Đó là cái nắm tay đầu tiên của họ. Chị rời phòng anh, anh cứ dõi theo cái dáng nhỏ bé đi dưới bóng hàng xà cừ khổng lồ của Bệnh viện 103, đôi bờ vai gầy khẽ rung lên từng chập.

chuyen-nguoi-phu-nu-truan-chuyen-ca-doi-cong-chong-do-an-8
Những lúc rảnh rỗi, chị Linh hay đẩy xe cho chồng đi dạo

Mấy ngày sau, khi cơn sốt bớt dần, người hồi lại một chút, anh đến phòng trọ của chị chơi. Về rồi anh mới dám cầm điện thoại nhắn tin: “Chiều nay mình đi chơi nhé!”. Chị hỏi: “Đi đâu hả anh?”. “Đi mua nhẫn”. Không thấy hồi âm, anh liền tìm đến. Chị lại hỏi đi đâu, anh ngạc nhiên bảo: “Thế em không đọc tin nhắn à?”. Chị cười: “Chưa, nhưng đợi một tí rồi ta cùng đi!”.

Vậy là anh đem mấy triệu dành dụm để mua thuốc ra mua nhẫn, số tiền mà anh lúc thức đút ở túi áo, lúc ngủ đút trong gối nằm để phòng trộm vì đã có lần bị mất cả điện thoại. 

Hôm sau, anh ra bến xe Nước Ngầm tiễn chị về quê, đôi nhẫn đính ước vẫn nằm trong túi. Lúc chị bước chân lên bậc cửa xe, ở bên dưới anh mới liều gọi với: “Anh muốn trao cho em một món quà!”.

Anh đeo nhẫn cho chị, chị đeo nhẫn cho anh khi người ở trên bậc xe, người ở dưới đất. Xe lăn bánh, những người chứng kiến mới xì xào nhưng anh cứ lơ đi bởi chỉ sợ chị về hẳn quê, không còn có cơ hội gặp lại.

Một thời gian sau, anh Quảng đưa chị Linh về quê ăn hỏi. Chuyện xin dâu, đưa dâu chỉ vỏn vẹn trong 1 ngày rồi anh chị lại trở về bệnh viện để anh còn chạy thận tiếp. Ở làng chị Linh, người ta xì xào chắc anh phải giàu lắm bởi yếu thế, già thế, xấu thế mà chị vẫn lấy. Chẳng ai biết được anh là bộ đội lương ba cọc, ba đồng.

Sau khi kết hôn, vợ chồng anh dọn ra nhà trọ ở. Những lúc không đi chạy thận, anh Quảng ước mơ có việc làm hợp sức để đỡ đần vợ. Và anh cũng mơ có một đứa con. Nhưng thể trạng yếu như thế thì ước mơ vẫn chỉ là ước mơ thôi. Đã thế, 5 năm nay anh còn bị loãng xương, cột sống xẹp, người lùn đi, mặt biến dạng, chân tay biến dạng, phải ngồi xe lăn cả ngày.

Mọi ăn uống, vệ sinh, thay quần áo, xoa bóp đều do chị Linh đảm nhiệm. Mỗi lần đi chạy thận, chị lại cõng anh từ buồng xuống xe, cõng từ xe lên thang máy, cõng từ thang máy đến chỗ lọc rồi lọc xong lại cõng thêm 1 vòng ngược lại như thế. Trước đây chị cõng, anh còn biết cặp chân vào sườn nhưng gần đây đôi chân đã mềm oặt, sụn háng cũng bị biến mất.

10 năm kết hôn nhưng chưa 1 lần làm vợ

Trong một lần tâm sự, anh Quảng nói: "Nếu không gặp được Linh thì giờ tôi đã chết rồi". Còn chị Linh, khi được hỏi về chuyện thầm kín thì chỉ cười. Nụ cười đăm đắm như nắng tỏa những ẩn dấu bao điều bí mật, đau đớn, tủi hờn. 10 năm lấy nhau, anh chị chưa bao giờ được hưởng hạnh phúc vợ chồng. Phần vì sức khỏe của anh hạn chế, phần vì sau một lần đổ vỡ hôn nhân, chị như chim bị cung tên bắt hụt, sợ cả cành cong.

Với anh Quảng, chị thương vì: "Khi mình đã trao cho ai niềm tin, nghị lực, giúp họ sống sót là đã vui rồi! Từ trẻ đến giờ tôi vẫn chưa hề yêu ai, chưa biết tình yêu là gì. Hạnh phúc của tôi là thấy chồng khỏe, con ngoan còn không có hạnh phúc của riêng mình”.

Suốt cả năm anh Quảng ở viện, đến mức mẹ mất hồi năm 2020, anh cũng chỉ về được 1 ngày. Ba người em đều làm công nhân, cuộc sống chẳng dư dả gì. Còn cơ quan anh thì lễ tết mới có chút chế độ. Chỉ có bạn bè hội khóa cấp 3 mấy năm gần đây thường rủ nhau gom góp cỡ 5 - 7 triệu lại thăm nom anh, mới đây nhất họ còn tặng cái xe lăn điện trị giá 18,5 triệu...

10 năm sống với nhau thì 5 năm anh nằm một chỗ, chị chẳng thể đi làm ngoài căng tin được nữa. Trước chị chỉ lo cho con nên tiền nong còn tùng tiệm nhưng giờ nghỉ việc, chị tranh thủ bán hàng online rồi ship đồ hải sản của quê mình. Mỗi tháng được cỡ 3 triệu thì thuê nhà mất 2,5 triệu nên vẫn phải vay nợ.

chuyen-nguoi-phu-nu-truan-chuyen-ca-doi-cong-chong-do-an-5
Chỉ có chị Linh bón, anh Quảng mới ăn được nhiều

Tháng nào chị Linh cũng lên chùa đôi lần để cầu sức khỏe cho người thân nhưng lại quên cầu cho chính cuộc đời mình. Chị Linh từng nói, bọn trẻ con còn gửi được chứ anh thì không nên suốt cả năm chị không mấy khi rời khỏi chồng quá 30 phút. Khi có việc tang hay hỷ thì phải nhờ em trai trông hộ 1 hôm để đi rồi nhanh nhanh chóng chóng trở về.

Cuộc sống thiếu thốn kinh tế, vất vả vì ngày đêm chăm chồng bệnh tật nhưng chị Linh chưa bao giờ hé răng than vãn. Ấy vậy mà vẫn có những kẻ ác ý bảo đường quang không đi lại đâm quàng vào bụi rậm. Nghe vậy nhưng chị chẳng bận tâm.

Nhiều lúc chị Linh nghĩa, sướng cũng một kiếp người, khổ cũng một kiếp người, khỏe cũng một kiếp người, yếu cũng một kiếp người. Khi nuôi một đứa trẻ chỉ mong nó lớn khôn, khi nuôi một người ốm chỉ mong sao họ được khỏe mạnh…

Kể vậy nhưng vẫn chưa thể hết câu chuyện cuộc đời gian truân của cả anh và chị. Thế nhưng bóng tối đã trùm xuống, chị chủ động ngắt lời phóng viên để đi chuẩn bị bữa tối cho chồng. Đó là một bát cơm mềm như cháo cùng ít thịt rang mặn cho dễ tiêu.

Cả  chị và đứa con trai đang ôn thi đại học ở cùng đều ăn theo như vậy dù không hề thích. Cứ 10 bữa thì 6, 7 bữa chị phải đẩy xe lăn ra quán nước để dỗ anh ăn, nhất là 1, 2 miếng cuối cứ nghẹn bứ lại nơi cổ họng: “Anh ăn ngoan rồi em lại cho đi chơi nhé!”.

Trân quý tấm lòng của cặp vợ chồng ve chai nghèo trả lại tiền tỷ cho người đánh rơi 

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận