Chuyện người phụ nữ nuôi "con tu hú" đến quên cả việc lấy chồng

Ngoài xã hội có không ít người mẹ nhẫn tâm bỏ những đứa con còn đỏ hỏn bên vệ đường, dưới hố ga... Thế nhưng cũng có một "người mẹ" kỳ lạ, nhận nuôi 2 "con tu hú" đến quên cả lấy chồng.

Đỗ Thu Nga
10:37 19/10/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Bỗng dưng trở thành mẹ

Chị Hồ Thị Ngọc (53 tuổi, sinh ở huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) theo cha mẹ lên Xóm Than ở bên sông Sài Gòn (Quận 2, TP.HCM) mưu sinh. Thời ở Xóm Than, gia đình chị Ngọc nghèo lắm, cha mẹ làm nghề đưa đò từ Thủ Thiêm qua Quận 1, nuôi một bầy đến 14 con "đẻ năm một".

Chị Ngọc là con thứ 9, vì nhà nghèo nên chỉ học đến lớp 2 thì nghỉ. Sau đó chị Ngọc đi chăn bò mướn rồi làm "con đò Thủ Thiêm"... Khi Thủ Thiêm thay đổi, Xóm Than bị giải tỏa, cả nhà về khu trọ gần đó tiếp tục mưu sinh bằng cách "ai thuê làm gì thì làm cái đó".

Theo báo Tuổi trẻ, lúc ấy bên phòng trọ của chị Hồ Thị Ngọc có đôi vợ chồng trẻ dắt díu nhau từ Phú Thọ vào đây sinh sống. Chồng đi lặn sông tìm sắt thép phế liệu, vợ bán vé số. Năm 2007, họ sinh thằng Tí. "Cha mẹ đặt tên nó là Lương Phước Đạt. Hai năm sau thì sinh thằng Bin, đặt tên là Lương Đạt Phát. Tui chỉ nhớ cha nó họ Lương", chị Ngọc tâm sự.

Dù không thể nhớ nổi tên cha mẹ hai đứa trẻ nhưng chị Ngọc lại nhớ như in chuyện thằng Tí sinh ở Bệnh viện Quận 2, ba mẹ nó trốn viện đem con về. Chưa đầy 2 năm sau có thai thằng Bin thì họ phải đi Bệnh viện Từ Dũ khám. Bác sĩ khuyên bỏ cái thai bởi bệnh tim người mẹ nặng, việc sinh nở rất nguy hiểm.

chuyen-nguoi-phu-nu-nuoi-con-tu-hu-den-quen-ca-viec-lay-chong-5
Chị Ngọc nhận nuôi cả hai đứa trẻ thơ dù khi đó hoàn cảnh của bản thân cũng rất khó khăn

Mắt nhìn xa xăm, chị Ngọc lại kể tiếp: "Nhưng mẹ thằng Tí nói thôi đời khổ rồi, mẹ chết cho con sống cũng được. Ai ngờ cổ nói vậy mà sinh thằng Bin xong, trốn viện về được đúng 2 tuần thì chết thật".

Cái ngày mẹ thằng Tí chết, cả xóm trọ nghèo cùng nhau hùn tiền lo từ ma chay, áo tang cho đến chi phí hỏa táng. Chị Ngọc vẫn nhớ như in, chỉ 3 ngày sau đám tang, cha thằng Tí ôm bình tro cốt của vợ bỏ đi. 

Gạt nước mắt, chị Ngọc lại tiếp tục kể: "5h sáng, thằng Tí khóc to quá, mọi người qua xem thì thấy cửa khóa bên ngoài nên xúm vào phá cửa. Thằng Tí khóc khản giọng, còn thằng Bị lúc này chưa đầy tháng, người tím tái gần chết. Mẹ tui pha sữa bột nhỏ vào miệng thằng Bin một hồi nó mới khóc được".

Sau đó việc cha hai đứa trẻ bỏ đi được báo cho chính quyền. Và chị Ngọc quyết định nhận nuôi cả hai anh em. "Con thú bị thương mà mình thấy cứu được còn cứu, huống chi hai đứa nhỏ vầy sao bỏ được", chị Ngọc tâm sự. 

Khi nhận nuôi hai đứa trẻ tội nghiệp này, chị Ngọc chưa lấy chồng, phụ bán quán bánh canh để nuôi mẹ. Khi nhận thêm 2 đứa trẻ, một mình chị Ngọc phải gánh vác mấy miệng ăn trong nhà.

Khoảng 3 năm sau, mẹ chị Hồ Thị Ngọc mất. Một mình chị tiếp tục nuôi hai đứa con của hàng xóm trong tâm thế nếu cha tụi nó trở về thì... "mình lỡ thương con rồi, mà nếu cha nó tìm về thì cũng phải giao lại, máu mủ người ta mà". Thế nhưng mãi đến giờ vẫn chưa thấy cha hai đứa trẻ trở về.

"Mình không dám hờn trách gì vì có ở hoàn cảnh người ta đâu mà biết", chị Ngọc nghĩ đơn giản. Những người xung quanh hoặc thương chị hoặc có ý châm chọc nuôi con tu hú làm gì, sau này nó cũng bỏ đi. Chị Ngọc cũng chỉ cười: "Con tui tui thương. Sáng sớm, tui ngủ dậy thấy con mình nằm ngủ đó là đã thấy vui một ngày rồi".

Nuôi "con tu hú" đến quên cả lấy chồng

Để có cơm ăn áo mặc cho hai đứa trẻ tội nghiệp, chị Ngọc tất bật làm việc từ sáng đến tối và quên luôn chuyện lấy chồng. Năm tháng cứ thế trôi qua, trong suy nghĩ của người phụ nữ này chỉ còn hình bóng của hai đứa nhỏ chứ chẳng có khái niệm gì về mái nhà có vợ có chồng.

Chị Ngọc nuôi thằng Tí đến tuổi đi học thì mới phát hiện ra, còn cần có giấy khai sinh. Tưởng chừng con mình không được đi học thì một lần chị đi đổ cát thuê, ông chủ mỏ cát thấy hoàn cảnh thương quá nên bày cách cho chị về quê... mượn giấy khai sinh của hai đứa cháu ngoại con bà chị ruột ông ta.

Hai đứa Nguyễn Hoài Ân và Nguyễn Hoài Nhân ở Tiền Giang cũng bằng tuổi thằng Tí, thằng Bin. Rồi ông chủ ấy cầm tờ khai sinh này đi xin cho hai con chị Ngọc nhập học.

Có chỗ cho con đi học, chị Ngọc vui mừng khôn tả. Chị rời Sài Gòn đưa con về Long An mà không đắn đo gì cả. Chị cứ nghĩ, đời làm mướn thì ở đâu cũng vậy. Con được đến trường mới là chuyện quan trọng.

Thằng Tí đến trường với giấy khai sinh đi mượn cho đến năm học lớp 6 thì quyết định nghỉ ở nhà đi kiếm tiền mặc mẹ ra sức ngăn cản. Thằng Tí nói rằng: "Mẹ có bắt con đi học thì con cũng trốn à, mẹ đi làm mướn cả ngày sao canh con được". Chị Ngọc khóc một chập rồi cũng chịu. Chị có mắng con bao giờ.

Ngày hôm sau thằng bé đi lĩnh vé số mang đi bán dạo kiếm tiền. Nó bán vé số được 2 tháng thì ông chủ công ty sản xuất áo phao thấy mặt mũi sáng sủa, dễ thương nên nhận vào làm trong xưởng với mức lương cao hơn việc đi bán vé số hàng ngày. Còn thằng Bin vẫn đi học theo giấy khai sinh đi mượn.

chuyen-nguoi-phu-nu-nuoi-con-tu-hu-den-quen-ca-viec-lay-chong
Hai bé thắp nhang cho mẹ ruột trong phòng trọ của mẹ nuôi

Từ ngày hai đứa trẻ nhận thức được đến giờ, chị Hồ Thị Ngọc chưa bao giờ giấu con chuyện chị không phải mẹ đẻ của chúng. Nhưng khổ nỗi, tụi nhỏ cứ nghĩ mẹ... đùa. Khi đó, chị Ngọc cũng nghĩ con còn nhỏ nên cũng không giải thích sâu.

Hai đứa trẻ chỉ thực sự biết chị Ngọc không phải mẹ đẻ của chúng vào tháng 3/2020. Khi đó, chị nghiêm túc đưa ra một tấm ảnh thẻ của mẹ ruột chúng. Đó là thứ kỷ vật duy nhất chị tìm thấy trong bao lót gối của thằng Tí nằm khi xưa.

"Tui nghĩ con đã đủ tuổi lớn rồi, mà mình đâu biết ra sao ngày mai. Sợ mình chẳng may gặp chuyện rồi cả đời tụi nó chẳng biết sự thật thì tội nghiệp. Cha nó không tìm về, sau này có gì nó cũng biết đường mà đi tìm quê cha đất tổ",chị Ngọc bộc bạch. Nhìn thấy hình mẹ đẻ, hai anh em thằng Tí cùng khóc. Chị Ngọc thấy con khóc cũng khóc theo. 

Đó là những ngày cả nước căng mình chống dịch, chị Ngọc đi làm cho công ty bao bì cũng bị dừng việc từ tết. Công ty thằng Tí làm cũng tạm ngừng hoạt động. Có bữa, thằng Tí phải lội sông bứt rau muống về luộc để 3 mẹ con ăn qua bữa.

Thằng Tí khóc một hồi thì gạt nước mắt chạy đi xin ứng ông chủ nó 300.000 đồng. Việc đầu tiên là rửa ảnh mẹ ruột nó đặt lên góc tủ phòng trọ mà thờ. 

Rồi nó lại đón xe ôm đi tuốt ra thị trấn Bến Lức, nơi hiếm hoi có hàng quán giữa mùa dịch, để mua nửa con vịt, mấy trái quýt đường về thắp nhang làm bữa giỗ đầu tiên cho người mẹ sau 12 năm qua đời mà nó không hề nhớ mặt...

Cúng mẹ ruột xong, nó lại ôm chặt mẹ nuôi mà như liền máu thịt của mình.

Xem thêm: Người đàn bà "gánh cả giang sơn": 10 năm ăn cám lợn chăm chồng tàn tật, nuôi 4 con học Đại học

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận