Trước Trạng Trình 4 thế kỷ, nước Việt ghi nhận 1 nhân vật có tài tiên tri xuất chúng: Đoán chuẩn việc thắng Tống, bình Chiêm, nghiệp đế
Tài tiên tri của Thiền sư Vạn Hạnh sánh ngang ngửa với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sinh thời, ngài dự đoán đúng việc nước Việt ta thắng Tống, bình Chiêm và đoán trúng mệnh đế vương của Lý Thái Tổ.
Thiền sư Vạn Hạnh (938 – 1018) là một tu sĩ Phật giáo Đại Cồ Việt. Thiền sư họ Nguyễn, quê châu Cổ Pháp (nay là Từ Sơn, Bắc Ninh). Từ nhỏ đã thông minh, học thông Nho, Lão, Phật và nghiên cứu hàng trăm bộ luận Phật giáo. Năm 21 tuổi, ngài xuất gia, tu học với bạn là Thiền sư Định Tuệ dưới sự chỉ dẫn của Thiền sư Thiền Ông ở chùa Lục Tổ.
Thiền sư Vạn Hạnh là một trong những tri thức Phật giáo làm cố vấn cho vua Lê Đại Hành, đồng thời là người thầy của Lý Công Uẩn, đã hướng dẫn cho vị này một thời gian dài trước và sau khi triều Lý thành lập. Ông được xem là người có tài tiên đoán, đã vận dụng khả năng này để đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, mở ra triều Lý, triều đại lâu dài đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
Sử Việt ngoài nhắc đến công lao của Thiền sư Vạn Hạnh với Phật giáo thì còn nhắc đến những lời sấm truyền của ngài. Tài tiên tri của Thiền sư Vạn Hạnh sánh ngang với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sau này.
Tiên tri việc thắng Tống, bình Chiêm
Nhắc đến tài chiêm đoán của Thiên sư Vạn Hạnh, báo Pháp luật Việt Nam từng dẫn chứng: Tháng 3 năm Thiên Phúc thứ nhất (981), dưới thời trị vì của vua Lê Đại Hành, tướng nhà Tống là Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng đến Lạng Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến Bạch Đằng Giang.
Họa ngoại xâm lơ lửng trên đầu. Vua Lê Đại Hành bấy giờ vốn biết tiếng Thiền sư Vạn Hạnh nên đã cho người mời sư đến, đem chuyện thắng bại ra hỏi. Thiền sư nghe xong đáp: "Trong vòng 37 ngày giặc phải lui". Quả nhiên, sau ngần ấy thời gian, quân Tống đại bại đúng như lời Thiền sư.
Vào năm Nhâm Ngọ 982), vua Lê Đại Hành lại sai bọn Từ Mục và Ngô Tử Canh đi sứ sang Chiêm Thành, nhưng bị vua Chiêm bắt giữ. Vua oán giận lắm, có ý muốn xuất quân Nam chinh. Nhưng việc bàn định chưa dứt khoát. Biết việc, Vạn Hạnh tâu với vua: "Xin Hoàng thượng mau cất binh, nếu không, ắt mất cơ hội".
Nghe lời Thiền sư, vua Lê Đại Hành sai người sửa sang thuyền chiến, đồ giáp binh, thân tự làm tướng đi đánh, chém được tướng nước Chiêm là Bề Mi Thuế tại trận, bắt được nhiều tù binh. Chúa Chiêm Thành sợ hãi bỏ chạy. Ta bắt được trăm người cung nữ, vàng bạc châu báu kể có hàng vạn, san phẳng cả thành trì, phá hủy tông miếu, vừa đầy một năm mới về kinh đô.
Có tên Đỗ Ngân ghen ghét với tài năng của Thiền sư Vạn Hạnh, muốn tìm cách mưu sát. Sư biết trước, đưa cho y một bài thơ:
Cây đất sinh nhau bạc với vàng
Cớ sao thù địch mãi cưu mang
Bấy giờ năm miệng hồn thu dứt
Thật đến về sau chẳng hận lòng.
(Nguyên văn câu một: Thổ mộc tương sinh ngân bạn kim. Đọc theo lối chiết tự thì Thổ mộc là chữ “Đỗ”, chỉ Đỗ Ngân. Nguyên văn câu ba: Đương thời ngụ khẩu thu tâm tuyệt. Đọc theo lối chiết tự, ngũ với khẩu là chữ ngô là “ta”, thu với tâm là chữ “sầu”). Đỗ Ngân đọc xong sợ toát mồ hôi, từ ấy thôi hẳn ý định xấu xa.
Nhìn Công Uẩn biết là người phi thường, mang nghiệp đế
Đối với Lý Công Uẩn, ngay từ buổi đầu ở Viện Cảm tuyền (ở chùa Lục Tổ) nơi Thiền sư Lý Khánh Vân đang nuôi dạy Lý Công Uẩn (lúc nhỏ), sư Vạn Hạnh đã khen rằng: "Đây là người phi thường sau khi lớn lên tất có thể giải quyết rối rắm (cho đời) mà làm minh chúa của thiên hạ”.
Lời tiên tri này của Thiền sư Vạn Hạnh quả linh nghiệm. Bởi sau này, Lý Công Uẩn đã lên ngôi, mở ra triều đại nhà Lý hưng thịnh trăm năm.
Sử chép, khi vua Lê Đại Hành qua đời, con cháu ông tranh giành ngôi báu. Vua Trung Tông ở ngôi 3 ngày thì bị ám hại, ngai vàng rơi vào tay Lê Ngọa Triều.
Nhưng ngặt nỗi, Lê Ngọa Triều bạo ngược, trời người đều oán giận. Lý Công Uẩn khi ấy đang giữ chức Thân vệ trong triều nhà Lê. Trong khoảng thời gian này, những điềm liên quan đến Công Uẩn, Vạn Hạnh ước đoán đều đúng cả.
Như viện Hàm Toại chùa Ứng Thiên Tâm, châu Cổ Pháp có con chó trắng, lông trên lưng kết thành chữ "Thiên tử". Cái điềm sinh chó trắng có chữ "Thiên tử" trên lưng ứng với Lý Công Uẩn sinh năm Giáp Tuất. Rồi sét đánh vào cây đa chùa Song Lâm nơi trụ trì của Thiền Ông (thầy Vạn Hạnh) ở làng Phù Ninh, phủ Thiên Đức để lại dấu thành nét chữ “Quốc”.
Ngôi mộ Hiển Khánh đại vương là cha của Lý Công Uẩn, bốn bè đêm nghê có tiếng đọc tụng. Những việc mà tùy theo chỗ tai nghe mắt thấy Vạn Hạnh đã xét bàn thì phù hợp với điềm Lê diệt, Lý hưng.
Vì vậy, ngày Lý Thái Tổ lên ngôi ở Hoa Lư, mặc dù lúc ấy ông đang ở chùa Lục Tổ nhưng đã biết trước việc, bảo người bác và chú của Lý Công Uẩn rằng: "Thiên tử đã băng, Lý Thân vệ hiện đang ở nhà, tay chân họ Lý túc trực trong thành lên tới số ngàn. Trong trưa này, Thân vệ ắt được lên ngôi".
Nói rồi yết bảng ở đường cái nói rằng: Tật Lê chìm bể Bắc, / Hạt Lý mọc trời Nam./ Bốn phương gươm giáo dẹp,/ Tám cõi mừng bình an. (Tật Lê và hạt Lý là ý muốn chỉ họ Lê và họ Lý)
Bác và chú của Lý Công Uẩn nghe rất sợ, việc chẳng biết thành bại ra sao kẻo lụy đến cả gia tộc nên đã sai người đi hỏi tin tức thì quả đúng như lời Thiền sư Vạn Hạnh nói. Lý Công Uẩn đã lên ngôi làm vua.
Trước đó, Lý Công Uẩn chưa lên ngôi, ở chùa thuộc Cổ Pháp quê ông có cây đa bị sét đánh đổ, ở ruột cây đa có chữ rằng:
Thụ căn diểu diểu,/ Mộc biểu thanh thanh./ Hòa đao mộc lạc,/ Thập bát tử thành./ Đông a nhập địa,
Dị mộc tái sinh./ Chấn cung kiến nhật,/ Đoài cung ẩn tinh./ Lục thất niên gian,/ Thiên hạ thái bình.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, nhà sư Vạn Hạnh đã từng giải mã lời sấm rằng: Câu “mộc căn diểu diểu”, chữ “căn” nghĩa là gốc, tức là vua; “mộc biểu thanh thanh”, chữ “biểu” đồng nghĩa với chữ ngọn, tức là bề tôi. “Hòa đao mộc” ghép lại thành chữ Lê; “Thập bát tử” ghép lại thành chữ Lý; “Đông A” ghép lại thành chữ Trần. Bài sấm có nghĩa là: “Vua thì non yểu, tôi thì cường thịnh. Họ Lê mất thì họ Lý nổi lên. Thiên tử (mặt trời) ở phương Đông mọc ra thì thứ nhân ở phương Tây lặn mất, trải qua 6 - 7 năm thì thiên hạ thái bình”.
Thiền sư mới bảo Công Uẩn: "Mới rồi tôi thấy chữ bùa sấm kỳ lạ, biết họ Lý cường thịnh, tất dấy lên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng Thân vệ là người khoan thứ nhân từ được lòng dân, lại đang nắm binh giữ quyền trong tay, đứng đầu muôn dân chính là ông. Tôi đã hơn 70 tuổi rồi, mong được thư thả hãy chết, để xem đức hóa của ông như thế nào, thực là cái may nghìn năm có một".
Khi ấy, Công Uẩn sợ câu nói ấy tiết lộ, đem Thiền sư Vạn Hạnh giấu trong Tiêu Sơn. Sau này, lời ước đoán của Thiền sư thật chỉnh với vận của Công Uẩn, và chỉnh với cả lịch sử các triều đại về sau của nước Việt ta.
Với tài chiêm đoán của mình, cùng công sức dạt dỗ, hướng nghiệp đạo, đời cho Lý Công Uẩn, Thiền sư Vạn Hạnh trở thành một nhân vật có đóng góp to lớn trong lịch sử nước nhà không chỉ về mặt đạo mà cả mặt đời. Cảm công đức của ông, sau này, Vua Lý Nhân Tông viết về Vạn Hạnh: Vạn Hạnh dung tam tuế/ Chân phù cổ sấm thi/ Hương quan danh cổ pháp/ Trụ tích chấn vương kỳ.
Nghĩa là: Thiền Sư Vạn Hạnh hợp nhất được ba cõi, quá khứ, hiện tại, vị lai/ Đúng với tinh thần tiên tri thời cổ xưa/ Quê hương danh tiếng là Cổ Pháp/ Thiền Sư đem gậy Thiền Học bảo vệ cho lãnh thổ quốc gia.
Xem thêm: Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: Nhà tiên tri hàng đầu cùng giai thoại khiến nhiều người trầm trồ
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận