Chùa Thiên Mụ "tụ linh khí, bền long mạch" - đó là thủ thuật chính trị của chúa Nguyễn Hoàng?

Chùa Thiên Mụ là biểu tượng của xứ Huế mộng mơ, là chốn tâm linh linh thiêng và đầy bí ẩn. Thế nhưng ít ai biết được, khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, ông không cho trùng tu lại chùa luôn mà đến tận 43 năm sau mới làm việc đó.

Đỗ Thu Nga
07:00 05/11/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đôi nét về chùa Thiên Mụ

Chùa Thiên Mụ hay chùa Linh Mụ, nằm ở trên đồi Hà Khê, bên dòng sông Hương thơ mộng thuộc địa phận phường Kim Long, thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Chùa chính thức khởi lập năm Tân Sửu (1601), đời chúa Nguyễn Hoàng – vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng trong và đây cũng là một trong những ngôi chùa cổ nhất đất cố đô.

Biểu tượng của chùa Thiên Mụ là tháp Phước Duyên. Tháp cao 21 mét, gồm 7 tầng, được xây dựng ở phía trước chùa. Mỗi tầng đều thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng - đó là nơi thờ tượng Phật bằng vàng.

chua-nguyen-hoang-va-truyen-thuyet-ve-chua-thien-mu-8
Chùa Thiên Mụ nhìn từ trên xuống

Ngoài ra, chùa Thiên Mụ còn có những công trình kiến trúc cổ như Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm… cùng bia đá, chuông đồng.  Nơi đây có nhiều cổ vật quý giá về mặt lịch sử và văn hóa. 

Chuyện trùng tu chùa Thiên Mụ

Tương truyền, từ xa xưa trên đồi Hà Khê đã có một ngôi chùa. Đến năm 1601, chúa Tiên Nguyễn Hoàng cho xây dựng chùa mới, đặt tên là Thiên Mụ. Đến năm 1665, chúa Nguyễn Phúc Tần lệnh cho tu sửa chùa. 

Chúa Nguyễn Phúc Chu (trị vì từ năm 1691 - 1725) là người rất sùng đạo Phật nên năm 1714, chùa Thiên Mụ được chúa cho tu sửa (thực chất là làm mới lại) thành một ngôi chùa lớn hơn nhiều so với ngôi chùa chúa Tiên Nguyễn Hoàng dựng lên năm 1601. Việc sửa chữa, xây dựng lại chùa lần này được ghi lại trên tấm bia đá lớn đặt trong chùa. Lần tu sửa và làm mới này đã tạo nên một ngôi chùa có quy mô và trở thành 1 trong những biểu tượng của xứ Huế sau này.

chua-nguyen-hoang-va-truyen-thuyet-ve-chua-thien-mu
Bản vẽ cảnh chùa Thiên Mụ bằng tranh mộc bản minh họa của Bộ Công triều Nguyễn, 1844

Từ đó về sau, đến khi chúa Nguyễn Phúc Thuần bôn tẩu vào Nam, chùa không được tu sửa thêm nữa. Thời gian quân Trịnh chiếm đóng Phú Xuân, rồi thời nhà Tây Sơn đóng đô tại đây, chủ yếu lo việc binh đao, chùa càng xuống cấp, hoang tàn hơn.

 Khi vua Gia Long lên ngôi (1802), ngôi chùa cổ đã gần như thành hoang phế. Năm 1815, nhà vua cho dựng lại một lần nữa ngôi chùa Thiên Mụ, trên đúng các nền cũ từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu năm 1714.

chua-nguyen-hoang-va-truyen-thuyet-ve-chua-thien-mu-0
Không ảnh tổng thể chùa Thiên Mụ - 1994

Đến năm 1844, vua Thiệu Trị cho xây dựng tháp Phước Duyên và sửa chữa chùa Thiên Mụ rất nhiều. Thực ra ý tưởng xây tháp của vua Minh Mạng - một vị vua đã cho xây dựng nhiều công trình kiến trúc vĩ đại, vừa mỹ thuật trong thời kỳ ông trị vì. song vua chưa kịp thực hiện tháp Phước Duyên thì đã mất.

Vào năm 1862, vua Tự Đức cho rằng đã lâu vua không có con là do trời phạt, nên ra lệnh cấm, không được phạm vào mấy chữ thiên, địa. Từ năm ấy, chùa được gọi là Linh Mụ. Nhưng sau một thời gian, người ta lại gọi chùa là Thiên Mụ, và từ đó đến nay chùa có hai cái tên vậy.

Truyền thuyết về chùa Thiên Mụ

Cho đến nay, chùa Thiên Mụ vẫn là một bí ẩn. Sử sách cũng đã lưu truyền một truyền thuyết liên quan đến ngôi chùa linh thiêng này. Huyền ấy bắt đầu xuất hiện trong các thư tịch từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu. 

Năm 1695 - 1696, nhà sư Thích Đại Sán người Trung Quốc được chúa Nguyễn Phúc Chu mời sang thăm Đàng Trong. Sau đó trong tác phẩm Hải ngoại kỷ sự có đoạn ông viết về huyền thoại chùa Thiên Mụ như sau: "…Trích tiên chuyện cũ truyền Thiên Mụ/Hồn mộng mơ màng trở lại đây".,

Nhắc đến nội dung truyền thuyết, các sử sách triều Nguyễn cơ bản đều ghi tương tự nhau. Sách Đại Nam nhất thống chí (NXB Thuận Hóa, 2006) chép: “… Chúa thượng (Nguyễn Hoàng - NV) đến xã Hà Khê (nay là xã An Ninh), thấy đồng bằng nổi đất cao như hình con rồng ngoảnh đầu trông lại, phía trước trông ra sống cái, phía sau liền với hồ, phong cảnh đẹp tốt, nhân hỏi người địa phương, họ nói gò này rất thiêng. Tương truyền ngày trước có người trông thấy một bà già mặc áo đỏ quần xanh ngồi trên gò nói: 'Phải có chân chúa đến dựng chùa ở đây, mà thu góp khí thiêng để giữ vững long mạch'. Nói xong thì biến mất, nên gọi là núi Thiên Mụ. Chúa thượng bèn dựng chùa gọi là chùa Thiên Mụ”.

chua-nguyen-hoang-va-truyen-thuyet-ve-chua-thien-mu-5
Tranh minh họa chúa Nguyễn Hoàng mở cõi phía Nam

Tuy nhiên, năm 1555, từ trước khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1558), Dương Văn An khi viết Ô châu cận lục đã ghi nhận có một ngôi chùa trên đồi Hà Khê. Chùa ấy có tự bao giờ, do ai dựng nên, sách không hề nhắc tới, cũng không hề có một lời nào về truyền thuyết bà lão áo đỏ.

"(Chùa Thiên Lão) ở phía nam xã Giang Đạm, huyện Kim Trà. Trên là đỉnh núi, dưới là dòng sông (nơi tưởng như đã) vượt ba ngàn (kiếp) trần thế và chỉ còn cách trời trong gang tấc. Khách tản bộ đi lên, chẳng biết mình tự phát lòng lành, tâm tục sạch không. Thực đúng là cảnh trí của một nơi tu hành vậy” (trích bản dịch năm 2009 của Nguyễn Khắc Thuần).

Vấn đề là vì sao chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558 (khi đó 33 tuổi) nhưng đến 43 năm sau ông mới cho dựng lại chùa Thiên Mụ? Theo báo Thanh Niên, chúa Nguyễn Hoàng đã đi ngang dọc khắp đất Thuận Hóa từ khi mới vào trấn phủ để dò xét thế đất. Ông có thể đã sớm nhìn ra vị trí đắc địa là Hà Khê. Nhưng đến năm 1601, Nguyễn Hoàng mới quyết định dựng lại chùa vì lúc đó tiềm lực của ông đã đủ mạnh. 

Vì cuốn sách cổ nhất nói về ngôi chùa này không ghi một lời nào về huyền thoại bà lão trên trời xuống, dù trong sách lại nói rất nhiều đến các thần thoại về các đền chùa ở Hóa châu thời đó, nên rất có thể huyền thoại Thiên Mụ do chúa Nguyễn Hoàng hoặc các mưu sĩ của ông nghĩ ra một cách có chủ đích, bởi việc dựng lên một huyền thoại có lợi cho mình là một thủ thuật chính trị nhiều nhà sáng nghiệp xưa nay vẫn sử dụng để chiếm lợi thế trong việc dựng nghiệp.

Cho đến nay, huyền thoại về chùa Thiên mụ vẫn là huyền thoại. Nhưng chúa Nguyễn Hoàng quả là một vị "chân chúa" như trong huyền thoại. Ông đã có những chính sách hiệu quả để phát triển vùng đất của mình và mở rộng lãnh thổ hơn về phía Nam. 

Các vị đế, vương hậu duệ của ông tiếp tục chính sách mở mang này và đã chống nhau với họ Trịnh bất phân thắng bại trong nhiều năm, cuối cùng họ Nguyễn cũng đã hoàn thành việc thống nhất đất nước từ Nam đến Bắc ở đất liền, khởi đầu từ niên hiệu Gia Long (cháu đời thứ 10 của ông).

Nguyễn Hoàng chính là vị quân chủ có tuổi thọ cao nhất trong các vị quân chủ của Việt Nam nếu tính cả vua lẫn chúa (ngài thọ 87 tuổi từ năm 1525-1613), còn nếu chỉ tính vua mà không tính chúa thì vua Bảo Đại là vị vua có tuổi thọ cao nhất với 83 tuổi từ năm 1913-1997.

Xem thêm: Chúa Tiên Nguyễn Hoàng - đấng minh quân mở cõi Đàng Trong

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận