Chữ sống sót bằng cách nào?

"In một hay vài cuốn sách dày, bìa cứng bảnh bao, gửi vào thư viện hay bảo tàng văn chương nào đó đã đánh dấu vào thời gian, không bị vùi lấp mất sao? Chữ sống sót không phải bằng cách đó" - Nguyễn Ngọc Tư.

Đỗ Thu Nga
10:00 21/03/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

ĐỀ BÀI:

“Cuối năm tặng sách cho bạn, hời hợt nói một câu: “Vậy là năm nay không đến nỗi vô tăm tích”. Chỉ mấy từ mà phơi hết ngây thơ. In một hay vài cuốn sách dày, bìa cứng bảnh bao, gửi vào thư viện hay bảo tàng văn chương nào đó là đã đánh dấu vào thời gian, không bị vùi lấp mất sao? Chữ sống sót không phải bằng cách đó.”

(Nguyễn Ngọc Tư, Hành lý hư vô, 2019, NXB Trẻ, tr.10)

Theo anh (chị), tại sao Nguyễn Ngọc Tư cho rằng “chữ sống sót không phải bằng cách đó”? Chữ “sống sót” bằng cách nào? Hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của mình.

BÀI VIẾT GỢI Ý:

“Thời gian qua kẽ tay

Làm khô những chiếc lá...

Riêng những câu thơ 

còn xanh

Riêng những bài hát 

còn xanh” 

Thời gian, người bạn vô thủy vô chung của con. người! Thời gian làm cho vạn vật héo úa làm tan hoang đền đài, làm vỡ vụn tường thành. Ấy vậy mà có một thứ thời gian vô tình bỏ quên - phải chăng là văn chương nghệ thuật? Văn Cao đã nói lên sức sống bất diệt của tác phẩm chân chính - nằm ngoài quy luật băng hoại của thời gian, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết. Điều gì khiến tác phẩm văn chương thả mình trôi theo dòng chảy miên viễn của thời gian, còn xanh mãi những câu chữ trọng lòng bạn đọc? Nguyễn Ngọc Tư cũng đã từng trăn trở về số phận của cuốn sách khi nó ra đời. Liệu chữ sống sót bằng cách nào nếu nó không len lỏi vào tâm trí của độc giả?

Thành công của một đời nghệ sĩ không phải lượng cuốn sách anh in ấn đẹp ra sao, mà thành công chính là khi cuốn sách ấy sống mãi trong lòng độc giả, khiến họ thưởng thức, trông nhìn những triết lý cuộc sống mà văn nhân gửi gắm. Nguyễn Ngọc Tư khi tặng sách cho “bạn: nhắn gửi rằng “năm nay không đến nỗi vô tăm tích”. Vô tăm tích chính là mất hút, là hư vô hóa, trở nên xa lạ, bị lãng quên giữa dòng đời. Còn gì tệ hơn khi đứa con tinh thần không thể sống khi vừa mới chào đời. Nhưng cái làm nên sự sống cho nó không nằm ở vẻ bề ngoài “dày” hay “cứng”, “bảnh bao” hay “xoàng xĩnh”. Đó chỉ là những thứ giá trị nhất thời, sớm muộn cũng bị thời gian làm cho tàn lụi. Cũng không phải là mà nó được trưng bày, “thư viện”, “bảo tàng”, đó là nơi cuốn sách trở thành một vật “lưu niệm”, chỉ trông thấy sau lớp kính bao bọc. Cuốn sách không cần neo mình nơi xa hoa, lộng lẫy, trên tủ kính kiêu sa, cuốn sách cần đến tay bạn đọc. Những tác phẩm chân chính không “đứng” trên ngọn hải đăng, “tỏa” ra thứ ánh sáng đẹp đẽ, nó phải hòa vào lòng người thông qua tiếp nhận. Tác phẩm chỉ thực sự sống khi nó đến tay độc giả. Con chữ “sống sót” không phải bằng cách đó, nó hiện hữu, sống mãi bằng một cuộc đời khác, một thân phận khác trong tâm trí độc giả. Như vậy, người quyết định nên sự sống sót của chữ không ai khác chính là bạn đọc.

Chu-song-sot-bang-cach-nao-8

Nhà văn như con tằm rút ruột nhả tơ, hết lòng hết tâm để khai sinh con chữ, cấu thành nên văn bản nghệ thuật. Văn bản ấy sẽ thoát kén, bay đi tìm chân trời riêng của chính mình. Vậy liệu chữ sẽ đi về đâu, sẽ ra sao giữa vô vàn dòng chảy hợp lưu của những ấn phẩm không ngừng sinh thành? Chỉ khi thông qua tiếp nhận, hoạt động chiếm lĩnh những giá trị của tác phẩm, mới biến văn bản thuần túy do nhà văn sáng tác thành tác phẩm nghệ thuật ngôn từ. Nhà văn dẫu là người thai nghén nên tác phẩm cũng không thể nào can thiệp vào sự sống của đứa con tinh thần mình tạo nên. Chữ sống sót khi độc giả còn cần đến nó, còn cầm nó trên tay và nó còn lưu vết trong bộ não của họ. Đây là quá trình tác phẩm đi tìm chỗ đứng của nó trên văn đàn, đi tìm những tâm hồn đồng điệu mời gọi con chữ neo đậu.

Thế nhưng không phải tác phẩm nghệ thuật nào sinh ra cũng được chào đón nhiệt tình. Có những tác phẩm bị thời gian vùi dập, khó khăn trong việc đi tìm chỗ đứng trong đời sống. “Truyện Kiều” khi vừa ra đời liền chễm chệ nằm trong danh sách “làm gái chớ đọc Thúy Vân, Thúy Kiều” hay “Nỗi buồn chiến tranh: vừa mới xuất bản đã hứng không ít gạch đá" vì sự “lố bịch hóa chiến tranh”. Tuy vậy, những tác phẩm nghệ thuật chân chính không chịu khuất phục trước sóng gió từ đời sống, tự thân nó mang đến những giá trị sẽ sự vượt qua quy luật băng hoại của thời gian, sống mãi trong lòng độc giả. Con chữ sống sót không phải bằng sự chèn ép, sự ghẻ lạnh của một vài độc giả hay của một thời đại. Sức sông của con chữ chỉ thực sự có khi nó can đảm bằng xuyên qua mọi lời chỉ trích, đàm tiếu, khi nó tự chinh phục độc giả bằng giá trị mà nó mang lại.

Hồ Xuân Hương, người phụ nữ mạnh mẽ dám đập vỡ cái nhìn tĩnh tại, phiến diện của một thời đại, để cất tiếng vượt tầm, bênh vực cho con người. Khi mới xuất hiện “chữ” của Hồ Xuân Hương gặp phải biết bao lời chê bai, chế giễu, bị cho là những tác phẩm “đồi trụy". Thế mà, con chữ ấy vẫn len lỏi vào tầng sâu nhất của tâm hồn bạn đọc khi nó dám đứng lên cho những kẻ không có ai bênh vực. Đó là hạng "không chồng mà chửa”, là thứ mạt hạng, thấp kém bậc nhất của xã hội. Khi hình phạt mà xã hội đương thời thi hành lên những đối tượng này là cạo đầu bôi vôi, thả trôi trên sông. Đi ngược với con mắt coi khinh người phụ nữ, Hồ Xuân Hương thẳng tay dùng sức mạnh ngôn từ mà đả phá:

“Quản bao miệng thế đời chênh lệch

Không có nhưng mà có mới ngoan”

                      (Không chồng mà chửa)

Mặc kệ những lời chỉ trỏ từ đời sống Hồ Xuân Hương thương lấy những số phận “cả nể” cho nên hoá dở dang, không phải vì họ dễ dãi, ngu muội mà bởi cái tình sâu đậm chan chứa, lòng tin vào những kẻ trăng hoa “vô trách nhiệm”, những kẻ truất truất ngựa truy phong. Mũi giáo con chữ đã chỉ thẳng vào những người gây ra tội lỗi. Nếu không có một trái tim biết cảm thương cho số phận con người, đặc biệt là những kẻ bên rìa của đời sống, thì làm sao Hồ Xuân Hương có thể có cái bút lực ấy. Một cú chà đạp lên danh dự, nhân phẩm của đấng tự xưng "cây tùng cây bách” chính là khẳng định “có mới ngoan”, khiến những kẻ coi mình “trung tâm” phải hổ thẹn vì con chữ, câu từ đanh thép của người phụ nữ. Tư duy này đã vượt tầm thời đại, ta bắt gặp trong “Khuyên người tùy nữ” của nhà văn hiện đại thế kỉ XXI cũng là một tinh thần đả phá cho lối tư duy "xem phụ nữ là công cụ tình dục, thuần túy”. Chữ của Hồ Xuân Hương sống mãi trong tâm trí độc giả vì nó dám mạnh dạn đi theo một lối riêng, chinh phục những kẻ khó tính phải gật đầu, thán phục. Nhưng trước hết con chữ ấy, phải là kết tinh của máu và nước mắt thi sĩ trước cuộc đời, con người.

Những tác phẩm đến tay bạn đọc, con chữ sống dậy, đập cánh nơi tâm trí chứ không còn là cánh bướm xác xơ trên trang giấy. Làm được như thế, con chữ phải nói đến, chạm tới tầng sâu kín của dân tộc. Viết về chính mình, với những nồi niềm riêng tư, thầm kín, song nhờ sức khái quát hóa cao độ, tác phẩm viết ra không chỉ để giải bày nhu cầu được bộc lộ của tác giả mà nó còn sống nhờ chạm đến sợi dây tình cảm  của hàng trăm, hàng triệu độc giả. Nguyễn Ngọc Tư khi viết về câu chuyện của một gia đình nọ nhưng đủ sức chạm tới trái tim của người con đất Nam Bộ nói riêng và hồn cốt Việt Nam nói chung. Bởi lẽ Nguyễn Ngọc Tư đã khơi ra được “thứ vàng ròng” đặc sệt chất miền Nam. Con chữ sống sót bởi nó không hòa lẫn giữa vô vàn những câu từ ngoài kia, khi nó là ngôn từ được sản xuất mang tính cá thể hóa cao độ. Nguyễn Ngọc Tư đã cày xới mảnh đất con người hiện đại, phát hiện ra bên trong đứa trẻ như Nương là một tâm hồn cần được yêu thương, là thứ hơi ấm gia đình trước giờ cô chưa cảm nhận được. Con chữ giản dị mà chân thực khiến độc giả không ngừng trăn trở về kiếp sống hiện sinh. Liệu gia đình có thực sự là nơi để đứa trẻ tìm về hay chỉ là sự oan khúc chịu trận trước những hành xác từ đời sống xã hội như cách Nương lặng người trong bất lực khi bị xâm hại. Ta mới vỡ lẽ cái nhìn bất lực từ người ngoài cuộc và tổn thương không biết bao lâu mới được hàn gắn. Con chữ lúc này trở thành nhịp cầu nối liền đôi bờ tri âm tri kỉ, cứ thế cuộc đối thoại không ngừng ra đời.

Để con chữ sống mãi, nhà văn phải trút hồn mình trong đó, kí thác chúng bằng máu và nước mắt. Độc giả cũng nên tạo điều kiện cho tác phẩm có môi trường để hít thở và tồn tại, nâng cao tầm đón nhận để hiểu hết câu chữ nhà văn kí khắc. Như vậy, chữ sống sót bằng sức sống trong lòng độc giả.

Bông hoa trước hiên nhà sẽ sớm tàn lụi nhưng tác phẩm văn học vẫn mãi chảy trôi, mặc cho lá cây vẫn luôn tìm về cội. Bởi lẽ nó được viết bằng ngôn từ, có sức cản phá mọi chiêu kích. Điều gì khiến con chữ sống sót nếu không phải là hơi thở mà nhà văn trút vào để làm rung lên sợi dây tình cảm của độc giả? 

(Lê Huyền Thương - Sinh viên SP Văn, K48, trường Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh; Cựu HS lớp 12 Văn, THPT chuyên Lương Thế Vinh, khóa 10VA)

Xem thêm: Những nhận định nâng cao cho một số tác phẩm văn học 12, các em 2k5 đừng bỏ lỡ!

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận