Abdulrazak Gurnah - chủ nhân giải Nobel Văn học 2021: "Nhà văn châu Phi vĩ đại nhất còn sống"
Giải thưởng Nobel Văn học 2021 đã gọi tên nhà văn gốc Phi Abdulrazak Gurnah. Đây là giải thưởng thứ tư được công bố trong mùa giải Nobel 2021.
Theo Viện hàn lâm Thụy Điển, nhà văn Abdulrazak Gurnah được vinh danh bởi "sự thâm nhập không khoan nhượng và đầy lòng trắc ẩn về những ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân và số phận những người di cư trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa".
Việc nhà văn Abdulrazak Gurnah được vinh danh tại giải thưởng Nobel Văn học 2021 phần nào giải tỏa được mối nghi ngại của công chúng xoay quanh tính đa dạng địa lý của giải thưởng này.
Theo tìm hiểu của Sống Đẹp, tiểu thuyết gia gốc Phi sinh năm 1948 trên đảo Zanzibar (thuộc Tanzania) ở Ấn Độ Dương. Nhưng ông đã đến Anh tị nạn vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước.
Sau cuộc giải phóng hòa bình khỏi ách thống trị của thực dân Anh, tháng 12/1963, Zanzibar trải qua một cuộc cách mạng mà đã dẫn đến sự đàn áp và bắt bớ công dân gốc Ả Rập, nhiều vụ thảm sát.
Nhà văn Gurnah thuộc nhóm nạn nhân dân tộc thiểu số và sau khi học xong, năm 18 tuổi, ông buộc phải rời khỏi gia đình, chạy trốn khỏi đất nước, Cộng hòa Tanzania khi đó mới vừa thành lập. Cuối những năm 1960, ông đến Anh với tư cách là một người tị nạn.
Kể từ năm 1980 đến 1982, nhà văn Abdulrazak Gurnah giảng dạy tại Đại học Bayero Kano ở Nigeria. Sau đó, ông chuyển đến Đại học Kent (Anh), lấy bằng tiến sĩ năm 1982. Đến năm 1984, ông mới có thể quay trở lại Zanzibar để gặp cha mình ngay trước khi cha qua đời. Trước khi về hưu, Abdulrazak Gurnah là giảng viên tiếng Anh và văn chương hậu thuộc địa tại Đại học Kent ở Canterbury.
Về sự nghiệp Văn học, nhà văn gốc Phi sáng tác từ năm 21 tuổi trong khi lưu vong, các tác phẩm của ông được viết bằng tiếng Anh dù tiếng Swahili là tiếng mẹ đẻ của ông. Đến nay ông đã xuất bản 10 tiểu thuyết và một số truyện ngắn, với chủ đề xuyên suốt là cuộc sống của những người di cư.
Nhà văn Abdulrazak Gurnah thành công vang dội với cuốn tiểu thuyết thứ tư "Paradise" (phát hành năm 1994). Cuốn tiểu thuyết này được đánh giá là bước đột phá trong sự nghiệp văn chương của ông. Tác phẩm ra đời sau chuyến đi nghiên cứu của tác giả đến Đông Phi vào khoảng năm 1990.
Đó là câu chuyện sống động về tuổi mới lớn và chuyện tình buồn mà trong đó các thế giới và niềm tin khác nhau xung đột. Tác phẩm này lọt vào danh sách đề cử cuối cùng của 2 giải thưởng danh giá là giải Booker và Whitbread Prize…
Nhà văn Gurnah là người gốc Phi tiếp theo đoạt giải Nobel Văn học kể từ sau khi nhà văn Wole Soyinka (người Nigeria) được vinh danh năm 1986. Trong số 117 người đoạt giải kể từ khi giải Nobel Văn học đầu tiên được trao năm 1901 (chưa tính giải năm nay), 95 người là người châu Âu hoặc Bắc Mỹ.
Theo The Guardian, biên tập viên Alexandra Pringle của Nhà xuất bản Bloomsbury tại Anh, một người đã gắn bó lâu năm với Abdulrazak, cho rằng chiến thắng của tiểu thuyết gia này là "xứng đáng nhất" cho một nhà văn chưa từng được công nhận xứng đáng cho công việc của mình.
"Ông ấy là một trong những nhà văn châu Phi vĩ đại nhất còn sống, và chưa ai từng để ý đến ông ấy. Điều đó giày vò tôi. Đối với tôi, ông ấy là một nhà văn phi thường viết về những điều thực sự quan trọng. Trái tim tôi tan nát vì ông ấy không được công nhận xứng đáng. Và giờ thì ông ấy đạt giải Nobel rồi", bà nói.
Nói thêm về tác phẩm của Abdulrazak Gurnah, chủ tịch Ủy ban Nobel Anders Olsson cho rằng những tiểu thuyết của ông, từ cuốn đầu tiên là Memory of Departure đến cuốn mới nhất Afterlives, đã "rút ra khỏi những mô tả có phần định kiến và mở rộng tầm nhìn của chúng ta về một Đông Phi đa dạng về văn hóa, không giống với nhiều nơi khác trên thế giới".
Afterlives kể về Ilyas, một người bị quân đội Đức bắt đi khi còn là một cậu bé và trở về làng của mình sau nhiều năm tham chiến chống lại chính người dân của mình.
"Niềm đam mê trí tuệ thúc đẩy sự khám phá không ngừng hiện diện trong tất cả các cuốn sách của ông, và trải dài đến tận bây giờ trong Afterlives cũng như lúc ông mới bắt đầu viết văn khi còn là chàng trai tị nạn năm 21 tuổi", ông Anders Olsson nói.
Xem thêm: Lịch công bố giải Nobel 2021 và những điều chưa biết về giải Nobel 2021
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận