Cái nghèo đói dưới bút pháp của một nhà văn lãng mạn

Sáng tác của Thạch Lam giàu chất thơ đem đến cho người đọc sự dễ chịu. Thế nhưng, Thạch Lam cũng từng khai thác những vấn đề nhức nhối: "Đói - nghèo". 

Đỗ Thu Nga
13:00 31/05/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Cái đói, cái nghèo đã đi vào trang văn của Thạch Lam ra sao? Một nhà văn lãng mạn sẽ khai thác như thế nào về đề tài trên? 

Không viết về đề tài cái đói với giọng văn sắc lạnh như Nam Cao, hay châm biếm, trào phúng như Vũ Trọng Phụng, trong những áng văn của Thạch Lam, ta bắt gặp những cái đói, cái nghèo được tái hiện một cách “đời”, một cách “nhàn nhạt” nhưng lại gần gũi gần gũi đến lạ. Cái đói đi vào trang văn của Thạch Lam dẫu mang nét trữ tình, nhẹ nhàng nhưng vẫn đủ để chạm vào những ngóc ngách tế vi của hiện thực trong xã hội đương thời.  

“Thế giới nhân vật của Thạch Lam phần lớn là những con người ở địa vị thấp bé, có cuộc sống nghèo khổ, vất vả, thường ở trong nhịp sống đơn điệu, nhàm tẻ", (Lê Quang Hưng).

Đó là chị em Liên và An phải trải qua cuộc sống tẻ nhạt, buồn chán tại nơi phố huyện nghèo xơ nghèo xác, cùng những người dân tại phố huyện nghèo đói này phải sống lay lắt qua ngày “Những nguồn ánh sáng đều chiếu ra ngoài phố khiến cát lấp lánh từng chỗ và đường mấp mô thêm vì những hòn đá nhỏ một bên sáng một bên tối”. Người thì vẹn nguyên nhưng đời đã tàn lụi từ bao giờ. Họ - những kiếp người mong mỏi đợi mong một thứ gì tươi sáng cho cuộc sống nghèo khổ, hiện ra chốc lát rồi khi đêm dần đi vào chiều sâu, thì thứ ánh sáng bắt đầu câu chuyện về cuộc đời họ cũng khép dần lại, thu nhỏ dần rồi leo lét bên những thân phận nhỏ nhoi. Đó là gia đình của mẹ Lê trải qua cơn gió lạnh đầu mùa “Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét như thịt con trâu chết”. Nghèo tới mức khiến người mẹ phải ngậm ngùi, đau xót mà thốt lên “Mất bớt đi cho nó đỡ tội”. Gió lạnh đầu mùa vẫn đến, vẫn thổi cơn rét lạnh vào từng số phận hẩm hiu trong xã hội. Không cố kể lể hay cố tạo ra những tình tiết kịch tính, Thạch Lam đã sử dụng thế mạnh miêu tả của mình để lột tả, khắc họa rõ nét nhất khung cảnh nghèo đói của từng nhân vật trong tác phẩm. 

 Khi hướng ngòi bút vào những kiếp người thấp bé, bị chà đạp bởi cái đói, cái nghèo, không riêng Thạch Lam, ngay cả độc giả, cũng không khỏi ớn lạnh và xót thương thay cho những mảnh đời bị đeo đuổi bởi cái tàn khốc của hiện thực. “Nhưng họ biết rằng bác Lê không trở về nữa và họ thấy một cái cảm giác lo sợ đè nén lấy tâm can họ, những người ở lại, những người còn sống mà cái nghèo khổ cứ theo đuổi mãi không biết bao giờ hết”. Nguồn động lực lớn nhất thôi thúc người con Tự lực văn đoàn tiếp tục viết, tiếp tục sống với nghiệp văn chương, đó là khi con chữ của anh có thể phản ánh hiện thực, nói lên nỗi đau của một bộ phận người nằm rìa xã hội!

cai-ngheo-doi-duoi-but-phap-cua-mot-nha-van-lang-man

Cái đói được miêu tả bằng giọng văn nhẹ nhàng nhưng sâu cay, trữ tình nhưng đầy niềm trăn trở. 

Ở trang văn Nam Cao, ta từng chứng kiến một người đàn ông không tên, đã cùng những đứa con của mình ngấu nghiến miếng thịt chó, chỉ vì quá thèm, quá đói; một bà cụ ăn lấy ăn để ăn no đến mức lăn đùng ra c.h.ế.t trong “Một bữa no”. Hay một thị vì miếng ăn mà phải thay đổi tính nết, trở nên chua ngoa trong “Vợ nhặt” của Kim Lân. Đến với Thạch Lam, một lần nữa, ta lại giật mình vì cái đói có thể khiến con người ta quằn quại đau đớn, thậm chí chấp nhận vứt bỏ lòng tự tôn, nguyên tắc sống mà bản thân đã theo đuổi cả đời. Sinh, một nhà trí thức trong truyện ngắn “Đói” đã phải đau đớn gạt đi lòng tự trọng của một con người, lòng tự tôn của một người đàn ông để mà nuốt xuống miếng ăn mà vợ y đã dùng xác thịt mình đổi lấy. “Sinh cúi xuống nhìn gói đồ ăn tung tóe dưới bàn, chàng lấm lét đưa mắt nhìn quanh, không thấy Mai đứng đấy nữa… Khẽ đưa tay như ngập ngừng, sợ hãi, Sinh vớ lấy miếng thịt hồng hào”. Và rồi “Sinh ăn vội vàng, không kịp nhai, kịp nuốt. Chàng nắm chặt miếng thịt trong tay, nhây nhớp mỡ, không nghĩ ngợi gì, luôn luôn đưa vào miệng…”.

Miếng ăn đã khiến con người bị méo mó nhân dạng. Cũng cùng chân lý ấy, Thạch Lam đã có cách khai thác của riêng mình. 

Nhìn chung, những nhà văn hiện thực đã phản ánh xã hội đương thời đậm nét, thẳng thừng. Trong khi đó, Thạch Lam lại đi sâu vào tâm hồn, bản năng con người và cả những điều dung dị xoay quanh đời sống con người. Có thể khẳng định, dù theo chủ nghĩa lãng mạn nhưng ở Thạch Lam không lãng mạn hóa hay thoát ly hiện thực đời sống mà luôn có điểm dừng để cúi xuống với mảnh đất hiện thực, nơi cái đói khát và đau khổ của con người vẫn còn hiện tồn ở những nơi “hang cùng ngõ hẻm”. Văn nhân viết về cái đói để con người ta được sống, viết về sự đánh mất con người để tìm lại phần "người". 

Địa hạt văn chương của Thạch Lam quả thật đã thể hiện được tôn chỉ mà nhà văn đã chiêm nghiệm: “Văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly trong sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn".

Xem thêm: Rung cảm cùng "những kiếp đời tàn" trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận