Về Nam Định xem dân làng Hoành Đồn làm giàu từ loại cây "ăn" một nắm muối, trả một phân vàng

Nhiều năm nay, vợ chồng ông Ất "phất" lên nhờ trồng loại cây cho "ăn" một nắm muối, trả một phân vàng. Thế là trên 500 gốc cây ấy đến vụ sẽ cho hơn 500 phân vàng (1 phân vàng - 1/10 chỉ).

Đỗ Thu Nga
11:00 27/11/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đầu tư chỉ 1 đồng lãi 100 đồng

Ở xã Hải Đường (Hải Hậu, Nam Định), sau mỗi vụ thu hoạch, người ta lại kéo nhau đi mua vàng. Đó là cách tích lũy kiểu "ăn chắc, mặc bền". Vợ chồng ông Nguyễn Văn Ất ở làng Hoành Đồn cũng không ngoại lệ. 

Vợ ông Ất tâm sự rằng, chưa có loại cây gì mà đầu tư chỉ 1 đồng lại lãi 100 đồng như cây cau ở quê mình hiện nay: “Nhà tôi có hơn 500 gốc cau đang thời kỳ cho quả, mỗi năm phải cho chúng “ăn” muối 2 lần, vào tháng 2 và tháng 9 âm lịch, lúc trời đã hết mùa mưa. Ngoài muối tôi còn bón thêm chút phân lân. Tính ra hàng năm đầu tư chỉ 3 tạ muối, 3 tạ lân hết cỡ trên 2 triệu là thu hoạch thôi”.

Còn ông Ất thì giải thích rằng, cau vốn thích hợp với thổ nhưỡng vùng lấn biển, đất hãy còn chất mặn. Hàng trăm năm trước, khi Hải Đường là đất mới thì trồng cau sai quả lắm. Nhưng theo thời gian, đất hóa ngọt nhiều nên phải bón thêm muối. Các xã gần biển hơn như Hải Châu, Hải Hòa... thì không cần.

ca-lang-giau-len-nho-trong-loai-cay-an-1-nam-muoi-tra-1-phan-vang (1)
Bà Ất cho cau "ăn" muối

Theo ông Ất, cứ 4,5 năm cau đắt thì mới một năm cau rẻ. Nhưng dù rẻ mấy thì nó vẫn còn nhiều hơn trồng lúa. Trung bình mỗi gốc cau mỗi năm cho thu hoạch từ 7 - 8kg quả. 

"Như năm ngoái giá bán 40.000 - 50.000 đồng/kg tôi thu cỡ 200 triệu, năm nay giá bán 80.000 - 90.000 đồng/kg tôi ước thu cỡ 300 triệu. Ngoài bán cau quả tôi còn bán cỡ 10.000 cây cau giống mỗi vụ, với giá 20.000 đồng/cây cũng thu khoảng 200 triệu nữa…

Hai đứa con trai tôi sau bao năm đi làm thuê bên ngoài giờ cũng về nhà trồng cau cùng bố. Chúng vừa làm 2 cái nhà, hơn tỷ và tỷ rưỡi. Giờ với chúng tôi, dù có giãn cách xã hội cả năm nữa cũng không thành vấn đề bởi rau sẵn trong vườn, gà sẵn trong chuồng, cá sẵn dưới ao, còn gạo sẵn ở trên những ngọn cau cao 9 - 10m”, ông Ất chia sẻ.

Cũng theo lão nông Nguyễn Văn Ất, cái lạ là Hoành Đồn ai cũng có cau nhưng giờ chỉ còn vài ba người ăn trầu. Cau là giống trồng một lần "ăn" cả đời. Người sống đến 80,90 tuổi mà cây vẫn cho thu hoạch. Vườn nhà ông Ất nhiều cây đã có tuổi thọ lên đến 70 năm. Những cây ấy được trồng từ thời bố mẹ ông. Còn những cây khoảng 40 - 50 năm là do vợ chồng ông trồng. Những cây khoảng 10 - 20 tuổi là do con cái ông trồng.

Theo ông Đỗ Thanh Minh - xóm trưởng xóm 6 làng Hoành Đồn, xóm có 156 họ thì tất cả đều trồng cau. Hộ ít là những cặp vợ chồng trẻ mới ra ở riêng, chứng 30 - 50 gốc, hộ trung bình 200 - 300 gốc còn hộ nhiều 700 - 800 gốc. Đó là chỉ tính những cây đang cho thu hoạch chứ chưa kể loại đang lớn.

ca-lang-giau-len-nho-trong-loai-cay-an-1-nam-muoi-tra-1-phan-vang-7
Ông Đỗ Thanh Minh - Xóm trưởng xóm 6 bên những cây cau giống (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

Nói đến Hoành Đồn thì không thể không nhắc đến hàng cau xanh bát ngát. Xưa dân làng hễ trồng một vườn cau thì sẽ trồng thêm 1 giàn trầu ở cạnh. Khi được thu hoạch thì gánh lên Hà Nội, gánh xuống Hải Phòng, gánh vào Thanh Hóa bán.

"42 năm trước khi tôi mua thổ đất này, ông nội bảo nên trồng cau vì đó là giống cây chưa bao giờ thất bại. Bởi thế, trong vườn nhà tôi hiện có những gốc cau 45 năm tuổi, còn phổ biến là những gốc 40 năm tuổi. Giờ trong xóm nhà ai có vườn rộng thì không cớ gì mà lại không giàu. Năm ngoái giá cau rẻ hơn đã 5 - 7 hộ lãi cả trăm triệu, năm nay giá cau đắt thế thì phải cỡ 15 - 20 hộ có thu như vậy, còn lại thu 50 - 70 triệu là chuyện thường.

Như tôi có hơn 5 sào vườn với hơn 400 gốc cau cộng bán mỗi năm cả vạn cây giống nên năm 2020 lãi cỡ 300 triệu, năm nay ước được 450 triệu. Con gái tôi là Đỗ Thị Nhung có 2,5 mẫu vườn, tầng trên là cau, tầng dưới là ổi, mỗi ngày thu trung bình 2 triệu”, ông Minh tâm sự.

ca-lang-giau-len-nho-trong-loai-cay-an-1-nam-muoi-tra-1-phan-vang-5
Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Còn lão nông hơn 90 tuổi Nguyễn Văn Bình bảo rằng đời mình chứng kiến hai đợt cau đắt: Đắt nhất là hơn 40 năm trước khi 1kg cau khô đổi được 1 chỉ vàng, ông Phạm Văn Liễn lúc đó đã mua mảnh vườn với 5 gian nhà ngói, cột lim chỉ bằng vài yến cau khô. Đắt nhì là 2 năm gần đây, khi 1kg cau khô bán đổi được xấp xỉ 1 phân vàng (1/10 chỉ).

Cơn "say" cau

Người ở vùng khác đến mới nhai dập miếng cau là đã nóng bừng cả mặt, lâng lâng như người say. Ấy vậy mà chưa bằng cái "say" của cả làng, cả xã Hải Đường với quả cau. 

Anh Lê Xuân Hiệp - một người dân trong làng có nhiều năm làm nghề sấy cau cho biết: Cau sau khi luộc chừng 1,5 tiếng sẽ được đem sấy trong lò hơi suốt 4 ngày. Cứ 5 tấn cau tươi thì cho ra lò 1 tấn cau khô. 

Anh Hiệp kể: “Lò của tôi thuộc dạng nhỏ trong tổng số hơn 30 lò của xã. Tháng 5 âm tôi sấy ở miền Tây, tháng 7, tháng 8 sấy ở Tây Nguyên, ở Quảng Nam còn tháng 9 lại về quê.

Cau đưa vào sấy đủ loại, đều bán sang Trung Quốc, thành phẩm 1kg khô rẻ nhất là cau Thái Lan, Myanmar giá 230.000 - 240.000 đồng, cau miền Tây giá 280.000 - 300.000 đồng, cau Quảng Nam, Hải Phòng giá 370.000 - 380.000 đồng, còn cau Hải Hậu giá 450.000 đồng do ngọt và mềm nhất.

ca-lang-giau-len-nho-trong-loai-cay-an-1-nam-muoi-tra-1-phan-vang-3
Cảnh luộc cau (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

Phải chọn mua được nhiều quả loại 1 tức dài 4,3cm chiếm tỷ lệ cỡ 70% trở lên, loại 2 dài 4cm chiếm cỡ 20%, còn loại 3 ngắn hơn 4cm tỷ lệ càng ít càng tốt. Năm ngoái giá cau tươi 40.000 - 50.000 đồng/kg, mỗi tấn sấy lãi 10 - 15 triệu nên lò nhỏ lãi được 400 - 500 triệu còn lò to lãi được đôi, ba tỷ, thậm chí còn hơn. Năm nay cau tươi đắt, lại dính dịch Covid-19 nên xe chở hàng tươi các nơi về ít, xe chở hàng khô lên biên giới cũng gặp khó khăn, mẻ lãi bù mẻ lỗ, các lò đang ở trong tình trạng hòa. Nghề buôn hàng này cũng bấp bênh lắm, có gia đình cách đây mấy năm đã phải bán nhà trả nợ”.

Anh Hiệp từng sang những nhà máy to như khu công nghiệp ở Hồ Nam (Trung Quốc) xem họ chế biến kẹo cau từ thịt quả trộn với mạch nha, bạch hà ăn thay kẹo cao su để chống rét, chống cúm. Mỗi gói kẹo thành phẩm gồm 10 miếng từ 5 quả cau bổ đôi làm từ hàng trộn của các địa phương có giá khoảng 80.000 đồng, nhưng nếu chế từ cau chuẩn của Hải Hậu sẽ có giá 150.000 đồng.

Anh Trần Thanh Huyện - Chủ tịch UBND xã Hải Đường, cau chủ yếu trồng trên đất vườn nhưng không thống kê được chính xác diện tích vì toàn dạng xen canh. Nếu cho phép chuyển đổi thì “thả” ra một cái, ruộng lúa hôm nay nhưng ngày mai 100% sẽ thành luống cau hết lượt.

Xem thêm: 8x Thái Nguyên mày mò nuôi ốc nhồi, thu nhập ổn định xây được nhà tiền tỷ

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận