"Bùa" mở bài theo từng dạng đề nghị luận văn học

Với những gợi ý dưới đây, các có thể dễ dàng thực hiện được các dạng đề hóc búa nhất mà thầy cô đưa ra.

Đỗ Thu Nga
10:00 16/12/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Dạng đề phân tích nhân vật

1. Puskin từng viết “Linh hồn là ấn tượng của một tác phẩm. Cây cỏ sống được là nhờ ánh sáng, chim muông sống được là nhờ tiếng ca, một tác phẩm sống được là nhờ tiếng lòng của người cầm bút”. Và nhà văn A đã để tiếng lòng mình cất lên, để linh hồn tác phẩm neo đậu mãi trong trái tim của bạn đọc về nhân vật B trong tác phẩm C.

2. “Đối tượng của văn học vốn là thân phận con người, nên chỉ có kẻ nào đọc và hiểu nó sẽ hóa thành không phải là một chuyên gia nghiên cứu văn học mà là một kẻ hiểu biết con người một cách sâu sắc”. (Văn chương lâm nguy, Todorov). Quả thực, con người luôn là nơi bắt đầu và cũng là nơi đi đến của văn học. Với mỗi thế giới khác nhau của mỗi một tác phẩm, người đọc lại có một thể nghiệm riêng về con người. Và trong tác phẩm A, nhà văn B đã dùng ngòi bút của mình để mang đến những trang văn neo đậu mãi trong tâm hồn chúng ta về nhân vật C.

3. “Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những con người bị cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường. Những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đọa đày đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào con người và cuộc đời. Nhà văn tồn tại ở trên đời để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực.”(Nguyễn Minh Châu). Với hình tượng nhân vật A trong tác phẩm B, nhà văn C đã thực hiện trọn vẹn sứ mệnh ấy.

Dạng đề nghị luận về một đoạn trích

1. Thời gian vẫn trôi đi và bốn mùa luôn luân chuyển. Con người chỉ xuất hiện một lần trong đời và cũng chỉ một lần ra đi mãi mãi vào cõi vĩnh hằng. Nhưng những gì là thơ, là văn, là nghệ thuật đích thực thì vẫn còn mãi mãi với thời gian. A của nhà văn/ nhà thơ B là một trong số những tác phẩm nghệ thuật như thế. Đặc biệt là trích đoạn…

bua-mo-bai-theo-tung-dang-de-nghi-luan-van-hoc-7

2. Đâu là cầu nối giữa quá khứ và tương lai, đâu là thanh nam châm thu hút mọi thế hệ? Đó chẳng phải là văn học hay sao. Văn học vẫn luôn sống một cuộc đời cao đẹp gắn liền với con người và kết tinh những giọt ngọc của thời đại. Tất cả những giá trị vĩnh cửu đó đã thăng hoa cùng ngòi bút của nhà văn/nhà thơ A để tác phẩm B, đặc biệt là đoạn trích C còn vấn vương trong trái tim biết bao bạn đọc.

3. Nếu phải tìm bản nhạc hay nhất, có lẽ tôi sẽ chọn văn chương. Bởi chỉ khi đến với văn chương, người nghệ sĩ mới được tự do để trái tim dẫn dắt, được thể hiện quan niệm của chính mình và rồi mang đến cho người đọc biết bao giai điệu cảm xúc với nhiều cung bậc. Và tác giả A đã để tác phẩm B của mình là nốt ngân đầy sáng tạo trong bản hòa tấu của văn học, đặc biệt là đoạn trích…

Dạng đề phân tích giá trị hiện thực/ nhân đạo

1. “Cuộc sống còn tuyệt vời biết bao trong thực tế và trên trang sách. Nhưng cuộc sống cũng bi thảm biết bao. Cái đẹp còn trộn lẫn niềm sầu buồn. Cái nên thơ còn lóng lánh giọt nước mắt ở đời.” (Trích trong Nhật ký của Nguyễn Văn Thạc). Có lẽ ta không thể cảm nhận trọn vẹn “niềm sầu buồn” hay “giọt nước mắt” đó nếu nhà văn A không dùng ngòi bút của mình để in dấu tất cả qua tác phẩm B với những giá trị hiện thực/ nhân đạo sâu sắc.

2. Nhà văn Sedrin đã từng nhận định: “Văn học nằm ngoài quy luật của sự băng hoại, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết.” Vậy điều gì đã làm nên sự bất tử của những tác phẩm văn chương chân chính? Phải chăng chính là ở tấm lòng và tư tưởng của người cầm bút luôn hướng tới việc phản ánh chân thực và sâu sắc cuộc đời, con người. Tác phẩm A của nhà văn B là một minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của giá trị hiện thực/ nhân đạo trong văn học.

3. Có một nhà văn đã nói rằng: “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng chính cuộc sống viết ra”. Hiện thực cuộc sống được xem như là cái nền cho những cảm hứng nghệ thuật chắp cánh và đâm chồi. Chính vì vậy mà bức tranh hiện thực cuộc sống và con người trong tác phẩm A của nhà văn/nhà thơ B gây ấn tượng đặc biệt sâu đậm trong lòng người đọc…

Dạng đề phân tích chi tiết nghệ thuật

1. Trong nền văn học viết Việt Nam, có những tác giả đã khẳng định vị trí của mình bằng sáng tác đồ sộ mang giá trị nhân văn lớn như đại thi hào Nguyễn Du với “Truyện Kiều” hoặc bằng cách phản ánh những sự kiện trọng đại của đất nước như tác gia Tố Hữu, Nguyễn Tuân. Số khác thì đánh dấu bằng tuyên ngôn nghệ thuật như Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam… Nhưng cũng có các tác giả đã để lại ấn tượng muôn đời trong lòng người đọc chỉ bằng một một chi tiết nhỏ trong toàn bộ tác phẩm. Chi tiết A trong tác phẩm B của tác giả C là một trường hợp như vậy.

2. Katrina Mayer đã từng nói: “người tạo ra sự khác biệt to lớn thường là người làm những điều nhỏ bé một cách kiên định”. Trong sáng tạo nghệ thuật, điều đó thật đúng đắn. Không phải cứ nói những điều lớn lao là tác phẩm có giá trị. Đôi khi, những gì tầm tầm thường, nhỏ bé ở xung quanh ta, nếu biết tìm kiếm và nhìn nhận lại có thể mang đến giá trị gấp nhiều lần. Chi tiết A trong tác phẩm B của tác giả C chính là một minh chứng hùng hồn cho điều đó.

3. Nhà phê bình văn học G.Jung từng viết: “Từ sự không thỏa mãn với đương thời, nỗi buồn sáng tạo dẫn đưa nghệ sĩ đi vào bề sâu cho tới khi nó tìm thấy trong vô thức mình cái nguyên tượng có khả năng bù đắp lại cao nhất sự tổn thất và què quặt của tinh thần hiện đại.” Và trong tác phẩm A, nhà văn/nhà thơ B đã để nguyên tượng ấy hiện lên đầy sống động qua chi tiết C.

Dạng đề so sánh, liên hệ

1. Nhà thơ Lê Đạt trong bài “Vân chữ” đã từng khẳng định:

“Mỗi công dân đều có một dạng vân tay

Mỗi nhà thơ thứ thiệt đều có một dạng vân chữ

Không trộn lẫn.”

Quả đúng như vậy, người nghệ sĩ đích thực bao giờ cũng đem đến cho cuộc đời một cái gì đó mới mẻ, một cái gì riêng biệt chưa từng có dù rằng cái anh nói là một vấn đề quen thuộc. Cùng khai thác mảnh đất quen thuộc về A, nhưng đọc những trang thơ/ trang văn của tác giả B và C, ta không chỉ xúc động mà còn nhận ra chất giọng “riêng” của mỗi người.

2. “Văn chương là điệu hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu”, tác giả A và B đã có sự gặp gỡ, đồng điệu về tư tưởng, tình cảm. Đó chính là (vấn đề nghị luận) được thể hiện sâu sắc trong hai tác phẩm C và D.

Xem thêm: Mở bài 9+ của các thủ khoa, giám khảo đọc là mê

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận