Bờ hồ Hoàn Kiếm cách đây 130 năm trông như thế nào?
Thời Pháp thuộc, hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm) được chia thành 2 khu rõ rệt là phố ta và phố tây, ranh giới chính là đường Tràng Tiền và Tràng Thi. Ngày nay, nhìn lại những bức hình cách đây 130 năm thấy hồ Hoàn Kiếm vừa quen lại vừa lạ.
Hồ Hoàn Kiếm (còn được gọi là Hồ Gươm) là hồ nước ngọt tự nhiên nằm trong trung tâm thành phố Hà Nội. Hồ có diện tích khoảng 12ha. Trước kia, hồ có các tên gọi là hồ Lục Thủy (vì nước màu xanh quanh năm), hồ Thủy Quân (dùng thủy để duyệt binh), hồ Tả Vọng và Hữu Vọng (trong thời Lê mạt).
Tên gọi hồ Hoàn Kiếm xuất hiện vào đầu thế kỷ 15 gắn với truyền thuyết vua lê Lợi trả gươm báu cho Rùa thần. Theo truyền thuyết này, trong một lần vua Lê Lợi dạo chơi trên thuyền, bỗng một con rùa vàng nổi lên trên mặt nước đòi vua trả gươm báu mà Long Vương cho mượn để đánh đuổi quân Minh xâm lược.
Sau khi nhà vua trả gươm, rùa thần liền lặn biến mất. Từ đó hồ được lấy tên là hồ Hoàn Kiếm. Tên hồ còn được lấy để đặt cho một quận trung tâm Hà Nội (quận Hoàn Kiếm).
Hồ Hoàn Kiếm có vị trí kết nối giữa khu phố cổ gồm các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Cầu Gỗ, Lương Văn Can, Lò Sũ... với khu phố Tây do người Pháp quy hoạch cách đây hơn một thế kỷ là Bảo Khánh, Nhà thờ, Tràng Thi, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền, Hàng Khay, Bà Triệu. Xung quanh hồ có nhiều danh lam thắng cảnh như tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, đài Nghiên, tháp Bút...
Thời gian từ năm 1888 - 1895, thực dân Pháp đẩy mạnh quy hoạch Hà Nội, ở khu vực trung tâm, họ xây dựng khu phố riêng mà người dân thời ấy gọi là phố tây (phía Nam) để phân biệt với 36 phố phường (phía Bắc). Hồ Hoàn Kiếm trở thành nơi phân cách giữa hai khu phố này.
Hơn 100 năm trước, nhìn toàn cảnh Hồ Gươm từ trên cao có thể phân rõ hai khu phố bởi kiến trúc khác nhau, thấy cầu Long Biên ở phía xa, các bãi bồi ven sông Hồng còn hoang sơ. Do tốc độ đô thị hoá, khu phía Bắc ngày nay phát triển sầm uất chẳng kém phía Nam.
Bên hồ Hoàn Kiếm xưa (đầu đường Đinh Tiên Hoàng ngày nay) từng tồn tại ngôi chùa Báo Ân bề thế nhì Hà thành vào thế kỷ 19. Chùa Khánh thành năm 1847, dưới thời vua Thiệu Trị, có gần 200 gian, 36 nóc, nằm trên vị trí đắc địa, mặt hướng ra hồ. Nhưng vào cuối thế kỷ 19, chùa bị phá bỏ xây bưu điện, ngân hàng trong cơn lốc quy hoạch của thực dân Pháp.
Dưới đây, Sống Đẹp xin tổng hợp lại một số hình ảnh bờ hồ Hoàn Kiếm cách đây 130 năm:
Trải qua thăng trầm của thời gian, sự biến đổi của lịch sử, nhiều thế hệ đã trở thành người thiên cổ, dấu xưa mờ nhạt nhưng câu ca thì vẫn còn nguyên vẹn:
Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn
Hỏi ai gây dựng nên non nước này...
Xem thêm: Loạt ảnh cổ xưa về TP Vinh cách đây 100 năm: Phố xá đông đúc, nhiều công trình cao tầng hiện đại
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận