Bình bàn về 3 giọt nước mắt trong văn học

"Tôi đứng về phe nước mắt…" - ấy là khi văn chương đồng cảm, yêu thương, lên tiếng và bảo vệ những kiếp người bé nhỏ đang quằn quại trong khổ đau và tuyệt vọng. Chừng nào văn chương còn đứng về phe nước mắt, khi ấy con người vẫn còn một ‘điểm tựa”, có sự đồng cảm, yêu thương và trân trọng. 

Đỗ Thu Nga
4 ngày trước Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Giọt nước mắt của Chí Phèo

Giữa một hiện thực tăm tối và rối ren của những nghịch lý được tạo nên bởi bọn cường hào ác bá, Nam Cao đã đau đớn cho kiếp người của Chí Phèo. Sự tha hóa của Chí Phèo là lời tố cáo xã hội nơi những kẻ như Bá Kiến lộng hành đã khiến con người bị hành hạ và dày vò đến nỗi người không ra người, quỷ không ra quỷ. Lời văn của Nam Cao sắc lạnh, nhưng ẩn chứa nỗi xót xa và yêu thương, trân trọng vô bờ. Dù khai thác những góc khuất tăm tối nhất của hiện thực, xây dựng nhân vật Chí Phèo là “quỷ dữ”, ông vẫn coi Chí như một con người, trao cho Chí cơ hội quay lại với ngưỡng cửa lương thiện, tìm lại nhân tính ban đầu. Đó là khi Chí Phèo “mắt ươn ướt” khi gặp Thị Nở, được thị nấu cho bát cháo hành. “Bát cháo hành” giúp Chí Phèo lần đầu cảm nhận được sự quan tâm, sung sướng nhận ra bản thân vẫn được công nhận là con người. Hắn lần đầu lắng nghe những thanh âm trong trẻo của cuộc sống, và mơ về cuộc sống gia đình bình dị với Thị Nở: vợ dệt vải, chồng đốn củi. Đó là giọt nước mắt của nhân tính, của sự cảm hóa và quay về với ngưỡng cửa của sự lương thiện. Giọt nước mắt ấy như đã mở ra một tương lai tươi sáng: Chí Phèo sẽ trở về với anh nông dân Chí lương thiện, sống cuộc sống hạnh phúc, được công nhận như một con người bình thường. Hắn đã mơ về một tương lai như thế, đó chẳng phải là tính người, là sự thức tỉnh của nhân cách hay sao? Giọt nước mắt được khắc họa tài tình, trở thành lời miêu tả gián tiếp cho sự thức tỉnh của Chí Phèo.

binh-ban-ve-3-giot-nuoc-mat-trong-van-hoc-0
Chí Phèo

Nhưng hiện thực phũ phàng lại lần nữa đẩy Chí Phèo vào tận cùng của đau khổ. Chỉ qua vài lời nói của bà dì, Thị Nở đã cự tuyệt Chí Phèo. Thị không chỉ cự tuyệt tình cảm của hắn, mà còn đẩy hắn quay về vực sâu của sự thù hằn và đau khổ. Hắn “ôm mặt khóc rưng rức”. Giọt nước mắt của Chí Phèo lại lần nữa xuất hiện, nhưng nó thể hiện nỗi đau và sự tuyệt vọng khôn cùng. Nếu giọt nước mắt khi lần đầu gặp Thị Nở là giọt nước mắt của hạnh phúc khi lương tâm thức tỉnh, thì giọt nước mắt khi bị cự tuyệt là giọt nước mắt đau đớn và tuyệt vọng khi hắn nhận ra bi kịch bị tước quyền làm người của đời mình.Rõ ràng đây là giọt nước mắt đau khổ, nhưng là nỗi đau của một con người có nhân tính, chứ không phải của một con “quỷ dư” chỉ biết rạch mặt ăn vạ. Không có nhân tính thì làm sao hắn đau đớn khi bị từ chối quyền làm người? Không có lương tâm sao lại biết đau khổ và vật vã vì những khổ đau? Vì thế, giọt nước mắt của Chí Phèo khi bị từ chối quyền làm người không chỉ là giọt nước mắt của khổ đau, của dằn vặt mà còn thể hiện tấm lòng đau người, đau đời của Nam Cao. Ông đã đắm mình vào nỗi đau của nhân loại, đau nỗi đau của con người thời đó để tố cáo những dơ bẩn của xã hội đương thời và bênh vực những kiếp người “bị cái ác hay số phận đen đủi dồn đến chân tường”.

Giọt nước mắt của A Phủ

Con người ta không chỉ đau khổ vì bị cự tuyệt quyền làm người, mà còn thống khổ khi tuyệt vọng và bất lực trước số mệnh. Trong “Vợ chồng A Phủ”, A Phủ vì để mất bò của phú ông nên đã bị trói đứng ròng rã mấy ngày liền. Giọt nước mắt của A Phủ thể hiện sự tuyệt vọng trước hiện thực khốc liệt, buông xuôi sau khi đấu tranh thất bại. Đó là giọt nước mắt lăn dài trên gò má, thể hiện nỗi bất lực và tuyệt vọng đến tột cùng của A Phủ. Qua ngòi bút của Tô Hoài, ta như cùng đau nỗi đau thể xác khi bị dây mây siết chặt, cũng cùng đau nỗi đau đớn, tuyệt vọng và bất lực trước vận mệnh của A Phủ. Giọt nước mắt ấy khơi gợi những đau thương nghẹn khuất, những đắng cay tủi hổ khi không thể tự giải thoát mình khỏi địa ngục trần gian. Nó như sự xót xa của Tô Hoài trước sự bất lực của A Phủ, cảm thương cho những nỗi đau nghẹn khuất không thể giãi bày: “Lặng nghe - Tôi nhé, nghe tôi khóc/ Hiện hữu mà chi? Chỉ nghẹn lòng” Giọt nước mắt chảy dài ấy như mang theo sự tuyệt vọng trong đêm khuya đen đặc, mang theo nỗi thống hận và nghẹn khuất không thể giãi bày, bất lực chấp nhận vận mệnh bất công và oan trái.

binh-ban-ve-3-giot-nuoc-mat-trong-van-hoc-9
Vợ chồng A Phủ

Thế nhưng khi giọt nước mắt A Phủ rơi xuống, đó cũng là khi nó nhận được sự đồng cảm của Mị. Nó khiến Mị nhớ về hoàn cảnh khổ đau của mình trước đây, để rồi đồng cảm với con người đau khổ trước mắt: “Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia…” Giọt nước mắt của A Phủ đâu chỉ là sự bất lực và tuyệt vọng? Nó còn là khát vọng sống đến mãnh liệt, là khát vọng tự do tha thiết của A Phủ. Nó tựa ngọn lửa hừng hực cháy trong đêm đông, lan truyền qua trái tim Mị, thắp lên ánh sáng trong tâm trí Mị. Nó khiến Mị trỗi dậy sự đồng cảm, hâm nóng trái tim Mị, để Mị không còn cảm giác tê dại trong tâm hồn: “cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết…”. Giọt nước mắt A Phủ khiến Mị trỗi dậy mong muốn phản kháng số phận – cảm xúc đã sớm bị hiện thực ác nghiệt mài mòn đến trơ lì. Mị nhận ra sự bất công và ngang trái, căm ghét sự tàn độc của thống lý Pá Tra: “ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi…” Giọt nước mắt A Phủ đã thắp sáng lại tâm hồn Mị, khơi dậy sự thương cảm và ý thức về sự bất công, để trỗi dậy sự phản kháng vẫn luôn tiềm tàng trong tâm trí người con gái Tây Bắc ấy. Qua sự miêu tả tâm lý nhân vật tinh tế, chi tiết và sự chuyển biến đầy bất ngờ, ta nhận ra sự nhân đạo của Tô Hoài. Không yêu thương và cảm thông nhân vật, làm sao tác giả có thể hướng nhân vật đến một tương lai tươi sáng như vậy? Không trân trọng, thấu hiểu, giọt nước mắt của A Phủ trong trang văn của Tô Hoài sẽ vĩnh viễn không có sức sống mãnh liệt, mà chỉ đơn thuần là giọt nước mắt cam chịu và bất lực trước số phận mà thôi.

Giọt nước mắt của tình mẫu tử

Những giọt nước mắt đáng quý trọng nhất bao giờ cũng là giọt nước mắt của một người mẹ yêu con. Trong “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu), tác giả khắc họa hình ảnh người đàn bà hàng chài đầy nhỏ mọn, hèn kém. Người đàn bà ấy không có lấy một cái tên riêng, chỉ được gọi với danh xưng hết sức rẻ  mạt “mụ”. Người đàn bà ấy luôn nhẫn nhục, im lặng chịu đựng những trận đòn roi của người chồng vũ phu, bạo lực. Dường như đó là sự chấp nhận, buông xuôi của người đàn bà tội nghiệp. Giọt nước mắt chị chỉ rơi khi thấy đứa con của mình chứng kiến cảnh bạo lực của chồng chị, rồi đánh lại bố nó với tất cả hận thù: “dướn thẳng người vung chiếc khóa sắt quật vào giữa khuôn ngực trần vạm vỡ cháy nắng” Giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt chị thể hiện sự sụp đổ, tê tái khi đã chứng kiến sự tổn thương của tâm hồn con trẻ, chứng kiến tuổi thơ của con đã bị hôn nhân của mình phá hủy đến tột cùng. Những trận đòn roi của người chồng chỉ khiến thể xác người đàn bà đau đớn, nhưng sự chứng kiến và trả thù bố mình của đứa con đã khiến trái tim người mẹ vụn vỡ. Đứa con là ánh sáng giữa cuộc đời tối tăm của người đàn bà hàng chài. Chị khóc vì sự tự trách, dằn vặt đã không bảo vệ được tuổi thơ hồn nhiên của con, ân hận và tê tái trước những gì cuộc hôn nhân của chính chị đã phá hủy tâm hồn đứa bé. Giọt nước mắt ấy là minh chứng cho sự yêu thương con vô bờ của người mẹ cả đời nhẫn nhục, gần như đã buông xuôi và không còn ý thức phản kháng hiện thực đau khổ.

Giọt nước mắt của tình mẫu tử lại lần nữa thấm đẫm trang văn của Kim Lân qua tác phẩm “Vợ nhặt”. Trong suốt câu chuyện, bà cụ Tứ đã hai lần rơi nước mắt, và lần nào cũng gắn liền với cuộc sống hôn nhân của vợ chồng Tràng. Khi lần đầu gặp cô con dâu, bà cụ Tứ đã coi cô như con ruột, lo lắng cho cuộc sống của vợ chồng Tràng: “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?” Đó là tấm lòng yêu thương, lo lắng và xót xa cho hoàn cảnh ngặt nghèo của vợ chồng Tràng. Tất cả những cảm xúc ấy đã tích tụ và bùng nổ, tuôn trào qua chi tiết “rỉ xuống” qua kẽ mắt bà cụ Tứ. Hình ảnh giọt nước mắt rỉ xuống thể hiện sự tảo tần của một người mẹ quanh năm vất vả, đã khóc cạn nước mắt. Nó thể hiện những giọt nước mắt đang “rỉ ra” của bà cụ Tứ là những cảm xúc chân thật và tha thiết nhất bà cụ dành cho vợ chồng Tràng. Nó thể hiện tình yêu thương con vô bờ, niềm sung sướng và hạnh phúc khi con trai đã lấy được vợ, đồng thời khắc họa sự lo âu, xót xa cho hoàn cảnh ngặt nghèo của họ. Qua giọng văn chậm và lối khắc họa nhân vật giản dị, những vất vả, khó nhọc và tình thương con vô bờ của bà cụ Tứ đã được Kim Lân khắc họa rõ nét qua giọt nước mắt “rỉ ra” một cách nghệ thuật và đầy cảm động.

binh-ban-ve-3-giot-nuoc-mat-trong-van-hoc-8

Từ “rỉ ra” nơi kẽ mắt, cảm xúc của bà cụ Tứ dâng trào, để rồi “chảy xuống ròng ròng” khi bà cùng các con bàn cỗ cưới. Hoàn cảnh éo le và khó khăn đã không cho phép gia đình họ có mâm cỗ cưới hoàn chỉnh và đúng nghĩa. Điều trái ngang này khiến bà cụ Tứ thương xót và day dứt khi chẳng thể lo liệu cho các con hôn lễ đủ đầy. Sức nặng của chi tiết này rơi vào từ “thương”. Tác giả đã sử dụng ngôn ngữ đời thực để khắc họa tình thương của người mẹ. Ta như nghe thấy tiếng nấc nghẹn ngào và khuôn mặt giàn giụa nước mắt của bà cụ Tứ. Giọt nước mắt “chảy ròng ròng” vừa là tình yêu con vô bờ, vừa là sự day dứt, tủi hổ khi không thể lo liệu cho con một hôn lễ đúng nghĩa. Có thể thấy Kim Lân đã thực sự “đứng về phe nước mắt”, để đau những nỗi đau của người dân đương thời, đau những nỗi đau của hiện thực khi đó, và lên án, tố cáo xã hội oan trái đã đẩy những kiếp người đến bước đường cùng, vật lộn trong khổ đau và thống khổ đến cùng cực.

Xem thêm: Lý luận văn học: "Văn chương cũng có lửa..."

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận