Bến không chồng: Tấm huy chương hay dây thừng trói buộc?

Nguyên Ngọc từng phát biểu: “Đến “Bến không chồng” của Dương Hướng thì tiếng kêu thét của cá nhân bị vùi lấp càng mạnh mẽ, thống thiết hơn”...

Đỗ Thu Nga
15:00 25/08/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nói về chiến tranh, thứ đầu tiên mà người ta nghĩ đến là mất mát, hy sinh, là khói lửa, đạn bom, máu thịt và xiềng xích. Người ta cứ ngỡ, ra khỏi chiến tranh tàn khốc ấy là tương lai tươi sáng, là hòa bình, tự do người lính dành cả thanh xuân, tuổi trẻ chiến đấu cho một thời say lí tưởng. Nhưng không, chiến tranh đâu chỉ có vậy, “con quỷ độc dữ” ấy đã hằn sâu những vết thương lòng không ngừng rỉ máu, không chỉ ở người ra đi, mà còn trong lòng người ở lại, không chỉ giữa chiến tranh bạo tàn chơi vơi sinh – tử, mà còn ngổn ngang chặng đường hậu chiến, tái thiết cuộc sống. Đó là hủ tục, lệ làng, là sự trói buộc, sức trì níu của tấm huân chương nặng nề trước ngực cô đọng trong không gian làng Đông nhuốm màu bi kịch chồng chéo trong “Bến không chồng” – Dương Hướng – một nét chấm phá ấn tượng góp phần làm nên diện mạo của “gương mặt đa diện” văn học sau 1975!

Nguyên Ngọc từng phát biểu: “Đến “Bến không chồng” của Dương Hướng thì tiếng kêu thét của cá nhân bị vùi lấp càng mạnh mẽ, thống thiết hơn”. Bên cạnh hình ảnh làng quê vắng bóng đàn ông giữa bến tình, bến đợi; bên cạnh bi kịch tình yêu bị chiến tranh, hủ tục giẫm đạp đến méo mó, xô lệch; thiên tiểu thuyết đã khắc họa nỗi đau thống thiết của người lính trước sức nặng của tấm huy chương qua nhân vật Nguyễn Vạn. Trở về trong sự hào nhoáng của chiến tích vang dội, gánh trên vai sứ mệnh dân tộc một thời hoa niên, người lính có còn được là mình, cò còn được “nhỏ bé”, “đời thường” giữa sự trọng vọng của người đời? Nỗi đau của Nguyễn Vạn có lẽ chẳng của riêng ai, biết bao người đã sống quang vinh, huy hoàng để giữ trọn ánh kim chói lọi của huân chương, biết bao người đã sống trong bi kịch không được là mình, khước từ hạnh phúc, ước mơ...? Có biết bao thân phận như thế đã được cất tiếng nói, tiếng gào thét phẫn uất qua nhân vật người lính Điện Biên – Nguyễn Vạn trong thiên tiểu thuyết “Bến không chồng” – Dương Hướng!

Chiến tranh – nỗi đau nhưng cũng là thời vàng son, huy hoàng của lịch sử. Bước ra khỏi vũng lầy đau khổ, bi thương kéo dài kháng chiến trường kỳ, Nguyễn Vạn trở về làng Đông thân thương với dòng sông huyền thoại, lũy tre, bến nước, cây đa thuở nào. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, anh trở về với huân chương rung rinh, lấp lãnh trước ngực, trong sự trọng vọng, ngưỡng mộ của người làng. Huân chương sáng nhất, dấu tích oanh liệt trên chiến trường đã mãi mãi hằn sâu trên da thịt - là vết thương trên bả vai và một ống chân bị gẫy, làm bước đi cứ tập tễnh, nhát gừng. Vạn sống thanh sạch, xông xáo xây dựng hậu phương, tiếp thêm sức mạnh lí tưởng, tình yêu đất nước cho thế hệ trai tráng làng Đông, từ anh Thành, anh Hà đến Nghĩa, sẵn sàng ra trận theo tiếng gọi thân thương của Tổ quốc.

ben-khong-chong-tam-huy-chuong-hay-day-thung-troi-buoc

Nhưng, tấm huân chương ấy cũng là dây thừng trói buộc, trì níu Nguyễn Vạn tìm đến hạnh phúc cho chính mình. Sống giữa hủ tục, lệ làng, Vạn không sao thoát khỏi những ràng buộc của danh dự và sức nặng của ánh hào quang ấy mà sống là mình với mưu cầu, khát khao hạnh phúc. Khoác trên vai tấm huân chương “Người lính Điện Biên” nặng trịch, Nguyễn Vạn có thương mà chẳng thể đến với chị Nhân vì danh phận “vợ liệt sĩ” của chị. Vì bảo vệ ánh kim vô hình ấy, hai người thương nhau mà chẳng thể bên nhau trọn đời. Bao kìm nén, bi phẫn, xót xa cứ góp dần mà “nổi dậy gào thét” trong những giấc mơ chập chờn: “Tôi yêu chị đấy, từ lâu rồi, chị có dám không?” Không! Không bao giờ lại xảy ra điều khủng khiếp ấy. trên đời này còn bao nhiêu chuyện ràng buộc: Danh dự, uy tín…”

Tình yêu một đời không thành, dây thừng của hào quang còn trói buộc cả những xúc cảm thuần túy, nhu cầu bản năng của người lính dành cả đời cho lí tưởng. Có những khoảnh khắc tưởng như có thể thoát cởi mọi ràng buộc để sống cùng xúc cảm chân thành tận sâu tâm khảm, tưởng chừng có lúc Vạn không còn là chính mình nữa, vậy mà chút lí trí còn lại vẫn kéo anh về với tấm khiên danh dự, nhân phẩm trước bà Nhân, mụ Hơn. Nhưng, trong khoảnh khắc rung động với Hạnh trong men rượu, “Sự ham muốn của Nguyễn Vạn lần này còn mãnh liệt hơn lần Vạn chạm vào ngực mụ Hơn. Vạn buông thả cho thân xác tự do gây tội lỗi, tự do rên xiết trên thân thể rừng rực của người đàn bà. Lần đầu tiên trong Vạn thấy sung sướng cực độ và quên hẳn mình.” Giây phút ấy, tưởng như Nguyễn Vạn đã có thể vượt thoát khỏi tấm áo lí tưởng mà sống cho mình, vì mình. Nhưng không, tấm huy chương với sức đè nén tai họa ấy đã thắng, danh dự, nhân phẩm “Người lính Điện Biên” vô hình, tàn nhẫn ấy đã thắng. Nguyễn Vạn – một chiến binh anh dũng chiến thắng bom đạn chiến tranh – lại thua cuộc trước vòng vây trói buộc của lí tưởng, để rồi kết liễu cuộc đời vì không thể đối diện với “tội lỗi”!? Một đời huy hoàng, một đời cống hiến cho làng, cho đất nước, lại ra đi lặng thầm cũng vì sức nặng của tấm huân chương “Người lính Điện Biên”. Cay đắng, xót xa, bất hạnh thay thân phận con người hậu chiến!

Huân chương hay dây thừng trói buộc, danh dự, nhân phẩm hay tình yêu, hạnh phúc? Sự lựa chọn bao giờ cũng khổ đau! Sự lựa chọn khiến con người ta khước từ cả cuộc đời? Có đáng không...?

“Bến không chồng” – Dương Hướng – một thời để nhớ, để xót xa và để trân quý, thương yêu!

(Theo Linh Phương - Trường THPT Chuyên Hạ Long/Mochi's garret - Gác xép văn chương)

Xem thêm: Viết về những lần "chạy trốn" trong văn chương

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận