Bật mí đoạn văn NLXH đạt điểm tuyệt đối ĐH về "tinh thần cống hiến"
Để đạt điểm tuyệt tối ở phần đoạn văn NLXH trong đề thi ĐH không khó nhưng cũng không hề dễ. Điều quan trọng là bạn cần có kỹ năng, kinh nghiệm và trải nghiệm.
Cách làm đoạn văn NLXH 200 chữ hiệu quả
Cô Hồ Ái Linh - Giáo viên trường THCS - THPT Đào Duy Anh (TP Hồ Chí Minh) lưu ý, thí sinh cần xác định vấn đề, làm dàn ý và triển khai viết đoạn văn nghị luận xã hội trong đề thi.
Câu 1 phần Làm văn (nghị luận xã hội) thường có kiến thức và phạm vi đề thi xoay quanh ba chủ đề: Nghị luận về các vấn đề thuộc về tư tưởng, đạo lý; nghị luận vấn đề thuộc hiện tượng đời sống và nghị luận vấn đề xã hội được đặt ra trong văn bản văn học (nghị luận tổng hợp).
Trong đó, dạng thứ ba thường được áp dụng theo cấu trúc đề thi THPT quốc gia trước đây và nay là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Câu hỏi nghị luận xã hội sẽ có nội dung liên quan đến vấn đề từ phần ngữ liệu đọc hiểu (phần I). Với dạng này, học sinh cần nắm chắc vấn đề cốt lõi mà đề yêu cầu, các bước làm bài và triển khai luận điểm, luận cứ rõ ràng.
Sau khi xác định được vấn đề cốt lõi, thí sinh cần xác định dàn ý cho đoạn nghị luận xã hội dài 200 chữ. Mở đầu nên dùng một câu nêu nội dung khái quát và dẫn vào vấn đề, có thể dùng câu nguyên văn hoặc trích từ khóa. Tiếp đó là các bước phát triển đoạn văn.
Đoạn văn cần phát triển theo hướng: Giải thích vấn đề, từ khóa một cách ngắn gọn; phát hiện từ khóa, khía cạnh chính cần phân tích, từ đó tập trung thẳng vào vấn đề để lập luận; dẫn chứng ngắn gọn phù hợp (không lấy tác phẩm văn học).
Cuối cùng, thí sinh cần rút ra bài học nhận thức và hành động và kết đoạn bằng một câu khái quát lại vấn đề.
Đoạn văn NLXH đạt điểm tuyệt đối ĐH về "tinh thần cống hiến"
“Khi bạn không còn cống hiến nữa, bạn bắt đầu chết dần.”, câu nói của Eleanor Roosevelt, nhà hoạt động xã hội Mỹ đã khẳng định sự cần thiết của tinh thần cống hiến trong cuộc sống. Cống hiến được hiểu là sự tự nguyện, tự giác đem sức lực, tài năng, trí tuệ của mình đóng góp cho lợi ích chung, là “thước đo của giá trị đời người” như cách nói của Thượng nghĩ sĩ Mỹ Peter Marshall. Khi có tinh thần cống hiến con người sẽ sống và hành động có mục tiêu, lí tưởng, có chí khí và quyết tâm chinh phục những ước mơ, chạm ngõ thành công. Kiến tạo nên cuộc đời của chính mình với những chiến công, định hình một lẽ sống đẹp và không ngừng hoàn thiện nhân cách, trở thành công dân tốt chính là ý nghĩa ban đầu của hai từ “cống hiến”. Vì nếu bản thân mình còn không tạo dựng cho mình một cuộc đời có giá trị thì ai dám chắc bản lĩnh bạn đủ lớn để sống hết mình, hi sinh cho cộng đồng, đất nước? Để rồi từ đó, tinh thần cống hiến đã đánh thức ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ với xã hội, đất nước.
Năm 2021, Việt Nam liên tiếp đón tin vui khi lần đầu tiên có học sinh Nguyễn Mạnh Quân đạt điểm cao nhất trong kỳ thi Vật lý Châu Á- Thái Bình Dương, khi đội tuyển Bóng đá chạm tay vào tấm vé đến vòng loại cuối cùng của World Cup 2022 sau chiến thắng 2-1 trước Malaysia. Làm rạng danh đất nước trên đấu trường quốc tế ở mọi mặt trận, đó chẳng phải những cá nhân xuất sắc, cống hiến hết mình sao? Thánh Gandhi đã từng nói: “Con người trở nên vĩ đại theo mức độ họ làm cho đồng loại hạnh phúc”. Chính tinh thần cống hiến, hi sinh hết mình đã góp phần dựng xây và nâng cao tầm vóc quốc gia, kết nối sức mạnh cộng đồng, tiếp thêm niềm tin vào những điều tốt đẹp. Càng trong hoàn cảnh đất nước khó khăn hoạn nạn, tinh thần cống hiến càng trở nên quan trọng và ý nghĩa. Động lực nào đã khiến bác sĩ trẻ Đặng Minh Hiệu sẵn sàng cạo trọc hết tóc, khiến cô nữ sinh Trần Phương Thảo giấu bố mẹ, hay hơn 3000 cán bộ y bác sĩ túc trực ngày đêm để chăm sóc, để truy vết Sars-cov 2 ở hai điểm nóng Bắc Ninh, Bắc Giang?
Tinh thần cống hiến đã trở thành lời hiệu triệu những trái tim yêu nước hướng về tiền tuyến, quyết tâm vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh. Tuổi trẻ, có tài có sức, nếu không cống hiến cho non sông thì phải chăng quãng thanh xuân ấy là hoài, là phí? Nhưng không phải chiến công lừng lẫy năm châu mới là cống hiến, là người bình thường thầm lặng cống hiến, sống có đạo đức, tuân thủ Pháp luật cũng đáng quý biết bao! Hãy cống hiến theo cách của bạn! Đồng thời ta cần lên án kịch liệt những con người trông chờ, ỷ lại vào người khác, sống ích kỉ, đăm đăm lợi ích cá nhân. Không cống hiến, cũng xin đừng chọc phá đất nước. Không hi sinh, xin đừng tụ tập nơi đông người, trốn khai báo ý tế, trốn cách li…Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, bạn nhỉ? Sao không để sự cống hiến của bản thân trả lời? Vì tuổi trẻ đẹp lắm nên sao ta không chọn làm “con chim nhỏ” hay “nốt trầm xao xuyến” cống hiến để làm nên bản hòa ca đất nước rạng rỡ muôn đời?!
Xem thêm: 6 sai lầm muôn thuở khi viết đoạn văn NLXH: Muốn có 8+, 9+ thì đừng sai nữa nhé!
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận