Ai đã đặt tên cho dòng sông: Vẻ đẹp thượng nguồn và đồng bằng

Sông Hương trong trang văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường mang vẻ đẹp riêng nơi thượng nguồn, đồng bằng.

Đỗ Thu Nga
12:00 02/02/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

ĐỀ BÀI:

Trong bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã miêu tả sông Hương ở thượng nguồn:

“… nó đã là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác,cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Digan phóng khoáng và man dại”.

Và sông Hương ở đồng bằng:

“…dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi. Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời tây nam thành phố,“sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” như người Huế thường miêu tả”.

(Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, năm 2016, tr.198)

Phân tích hình ảnh sông Hương được miêu tả qua hai đoạn văn trên, từ đó chỉ ra những vẻ đẹp khác nhau của nó ở thượng nguồn và ở đồng bằng.

BÀI LÀM:

Ai đó đã từng viết “Đất nước có nhiều dòng sông nhưng chỉ có một dòng sông để thương, để nhớ như đời người có nhiều cuộc tình nhưng chỉ có một cuộc tình để mãi mãi mang theo”. “Một dòng sông để thương, để nhớ” của mỗi người rất khác nhau. Nếu Hoàng Cầm là nỗi nhớ của ta khi ngang qua “Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh”, nếu Hoài Vũ mãi là nhà thơ của con sông Vàm Cỏ đêm ngày thao thiết chở phù sa, thì Hoàng Phủ Ngọc Tường đã song hành cùng sông Hương đi vào trái tim người đọc với bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông”. Là một ký giả nặng lòng với Huế xuất phát từ tình yêu, niềm tự hào đối với mảnh đất Huế, tác giả đã bằng vốn hiểu biết sâu rộng với vốn ngôn từ phong phú cùng với sở trường về bút kí và đặc sắc trong phong cách sáng tác đã viết lên những dòng ký tràn đầy cảm xúc về một dòng sông mang vẻ đẹp mộng mơ của quê hương xứ Huế, đem đến cho người đọc những cái nhìn mới mẻ, đa diện về hình ảnh sông Hương, đặc biệt khi dòng sông ở thượng nguồn và ở đồng bằng mà tác giả đã miêu tả.

“Ai đã đặt tên cho dòng sông” thuộc thể loại bút kí, một thể văn rất phóng túng tự do với nhân vật chính là cái tôi của nhà văn. Một cái tôi vừa uyên bác, vừa lãng mạn tài hoa thả mình trôi miên man theo dòng cảm xúc suy tư về thiên nhiên và cuộc đời. Chọn hình tượng sông Hương là hình tượng chính trong bài ký của mình bởi lẽ xuất phát từ tình yêu của mình đối với xứ Huế đã khơi gợi cảm xúc để nhà văn treo lên bức tranh tâm trạng của mình. Trong tác phẩm, nhà văn đã dùng thủ pháp nhân hóa để truyền thống sự sống, thổi linh hồn vào hình tượng sông Hương một cái nhìn đa chiều, đầy màu sắc, đầy những hình ảnh đặc sắc của con người và cảnh vật nơi đây. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khắc họa vẻ đẹp tự nhiên của sông Hương trong không gian địa lý ở thượng nguồn và vẻ đẹp riêng của dòng sông ở đồng bằng qua góc độ thi ca và trí tưởng tượng giàu sức sáng tạo của nhà văn.

Sông Hương ở thượng nguồn hiện ra phóng khoáng và man dại. Nó được ví như là “bản trường ca của rừng già”. Nhà văn nhìn thấy được vẻ đẹp của sông Hương qua lăng kính của âm nhạc. Bản trường ca vút lên giai điệu hùng tráng, mạnh mẽ. Ở nơi thượng nguồn của dòng chảy, gắn liền với đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, con sông toát lên vẻ đẹp với sức sống của cảnh quan thiên nhiên sông Hương. Diễn tả về nét đẹp của dòng sông lúc ở thượng nguồn, Hoàng Phủ Ngọc Tường viết: “Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”. Nhà văn đã miêu tả về hình ảnh sông Hương thật sâu sắc và qua đó ta thấy được sự độc đáo trong cách viết của tác giả, với cảm xúc và cách tách câu văn thành nhiều ý nhỏ gợi lên những dư vang trong bảng trường giang. Bản trường ca có lúc vang ngân những giai điệu êm đềm, lắng đọng trôi đi giữa những dặm dài rừng đỗ quyên chói lọi màu hoa đỏ.

Sông Hương ở thượng nguồn như một bản thiên anh hùng ca nhưng không hề đơn điệu, nhàm chán bởi đó là sự kết hợp tuyệt đỉnh giữa sự hài hòa tuyệt mỹ của những đối cực về âm thanh về giai điệu dữ dội và dịu êm, ồn ào và lặng lẽ. Vẻ đẹp của Hương giang ở nơi thượng nguồn rất độc đáo, khác lạ khiến Hoàng Phủ Ngọc Tường ngây ngất và choáng ngợp trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ, bao la, bạt ngàn.

Tác giả ví sông Hương ở bản thượng nguồn như một cô gái Di- gan. Vẻ đẹp của sông Hương đều được nhìn thấy dưới lăng kính của vũ đạo. Dòng chảy của sông Hương giữa rừng già Trường Sơn được nhà văn so sánh như vũ điệu của cô gái Di-gan, cô gái có sức sống man dại, cá tính phóng túng không cam chịu bị trói buộc nên cuồn cuộn băng qua những thác ghềnh. Trong văn học và đặc biệt đặt trong bối cảnh đó là những dòng viết về sông Hương với những hình ảnh so sánh gây ấn tượng đối với người đọc, đó là hình ảnh của một cô gái dân tộc thích sống tự do, lang thang, thích được sống trong một cuộc sống đơn giản, yêu ca hát. Hình ảnh của một cô gái đi bộ trên đồng cỏ thảo nguyên đậm chất lãng mạn của nước Pháp. Nhưng cô gái ấy trong sâu thẳm lại có một tâm hồn trong sáng và bản lĩnh gan dạ để không bỏ dỡ thủy trình đầy thử thách của mình. Nếu sông Hương lúc chảy rầm rộ, lúc cuộn xoáy như cơn lốc, như vũ điệu cuồng nhiệt bốc lửa thì những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên như là những điểm nhấn, họa tiết trên chiếc váy khiến vũ điệu của cô gái ấy làm bao nhiêu chàng trai ngất ngây, mê đắm. Nhà văn qua đó cũng thổi hồn vào dòng sông vô tri để bây giờ sông Hương hiện lên với vẻ đẹp mang hình hài của người thiếu nữ. Bằng việc sử dụng tài năng nghệ thuật của mình với những động từ mạnh, giọng điệu chắc khỏe, tiết tấu nhanh cùng với sự liên tưởng độc đáo, sử dụng các phép tu từ đa dạng và sâu sắc, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã làm nổi bật được vẻ đẹp của sông Hương ở vùng thượng nguồn.

ai-da-dat-ten-cho-dong-song-ve-dep-thuong-nguon-va-dong-bang

Dòng chảy sông Hương ở thượng nguồn giữa rừng già Trường Sơn mang vẻ đẹp mạnh mẽ, cuồng nhiệt đến man dại, rất khác vẻ dịu dàng êm đềm lúc sông Hương trôi giữa lòng thành phố Huế. Vẻ đẹp khác lạ đầy ấn tượng của sông Hương khiến Hoàng Phủ Ngọc Tường bốc men say cảm xúc để ông viết nên những trang hoa, tờ hoa lộng lẫy với rất nhiều ánh lửa. Nhà văn có nhiều so sánh liên tưởng bất ngờ từ góc nhìn của vũ đạo và âm nhạc. Những so sánh liên tưởng ấy không chỉ làm nổi bật vẻ đẹp của sông Hương mà còn cho thấy văn phong lãng mạn tài hoa và tình yêu say đắm của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Trong đời thường sông Hương mang vẻ đẹp của một người con gái dịu dàng. Với thi ca, sông Hương luôn là nguồn cảm hứng bất tận của các thi nhân. Đặc biệt khi diễn tả về dòng sông ở đồng bằng, tác giả đã sử dụng những ngôn từ thể hiện trong bài viết để sông Hương hiện lên thật mềm mại, gợi cảm với điểm nhìn từ xa kia. Dòng sông mềm như tấm lụa và óng ả vắt ngang qua đồng bằng. Trên dòng sông thơ mộng tràn ngập hơi thở của những con thuyền nhỏ xuôi ngược. Dưới góc nhìn của một người nghệ sĩ hội hoa đầy màu sắc đã vẽ lên một bức tranh thiên nhiên sông Hương đậm chất trữ tình, lung linh, huyền ảo với những “mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời tây nam thành phố”. Tất cả những điều đó đều đổi sắc màu qua thời gian trong ngày như tác giả đã miêu tả “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”. Một sự kết hợp đặc sắc của những gam màu để nói đến các buổi trong ngày của xứ Huế, tạo nên một phong cảnh thiên nhiên đậm thơ mộng, hữu tình. Với nghệ thuật so sánh, liệt kê kết hợp với ngôn từ mượt mà, giàu giá trị tạo hình, tác giả đã vẽ nên một bức tranh sông Hương ở đồng bằng bình yên, ấm áp, nên thơ, diễm lệ. Hoàng Phủ Ngọc Tường từng có lần thổ lộ: “Tôi đã vẽ cuộc đời mình bằng màu nước sông Hương”. Mối tình mà ông dành cho sông Hương vừa có sự nồng nàn cháy bỏng của một tình nhân, vừa có chiều sâu lắng đọng của một cố nhân và những suy tư chiêm nghiệm của một triết nhân.

Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tiếp cận và miêu tả dòng sông từ nhiều không gian, thời gian khác nhau. Ở mỗi góc độ nhà văn đều thể hiện cảm nghĩ sâu sắc và khá mới mẻ về con sông đã trở thành biểu tượng của Huế. Từ trong cái nhìn ấy qua giọng điệu của các đoạn văn ở thượng nguồn và đồng bằng ta thấy bàng bạc một tình yêu mến gắn bó, tha thiết một niềm tự hào và một thái độ trân trọng gìn giữ của nhà văn đối với những vẻ đẹp tự nhiên mang đậm màu sắc của dòng Hương giang.

Là một nhà văn có hiểu biết sâu rộng cùng với tài năng nghệ thuật của mình, tác giả đã nhìn ra được sự khác nhau của sông Hương ở nhiều khía cạnh. Dòng sông Hương lúc ở thượng nguồn mang vẻ đẹp vừa hoang sơ, hùng vĩ, vừa dịu dàng, say đắm. Dòng sông có lúc mạnh mẽ, hùng tráng nhưng có lúc lại nên thơ, dịu dàng như cô gái Di-gan. Trong hành trình về với đồng bằng, nhà văn đã nhìn thấy được sự thay đổi và tính cách riêng biệt Ở đây, sông Hương lại mang vẻ đẹp mềm mại, gợi cảm, đầy màu sắc của những gam màu tạo nên một bức tranh rất thân thuộc và gần gũi đối với con người và phong cảnh ở xứ Huế. Tác giả đã có dịp để khám phá tất cả những vẻ đẹp và đó cũng là quá trình lao động nghệ thuật công phu và khó nhọc để diễn tả được cảnh sắc của dòng sông Hương, để cho người đọc một cái nhìn sâu rộng hơn về hình ảnh khác nhau của dòng sông này.

Chế Lan viên, Xuân Diệu đều thú nhận rằng: Vẻ đẹp lãng mạn mộng mơ của mùa thu đã là một bài thơ. Họ chỉ chép bài thơ của đất trời ấy vào trong trang giấy: “Bài thơ anh làm chỉ một nửa mà thôi” Vẻ đẹp lãng mạn, mộng mơ của sông Hương khiến dòng sông như một bài thơ trôi giữa lòng thành phố Huế. Vì vậy khi tái hiện chân thực vẻ đẹp của dòng sông cố đô, mỗi trang bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường đều tràn đầy chất thơ. Mỗi khía cạnh mà tác giả ngắm nhìn đều mang đến cho người đọc một cảm giác mãn nhãn với sự biến chuyển tính cách của dòng sông Hương trong các trạng thái đối lập nhau.

Trích đoạn kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông” đã gợi ra vẻ đẹp của xứ Huế, tâm hồn người Huế, quang cảnh thiên nhiên đều trở nên gần gũi trong mắt độc giả. Dòng sông Hương dưới ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã hiện lên thật đẹp với cảnh ở thượng nguồn và đồng bằng. Một thiên nhiên Huế dịu dàng và thơ mộng qua cuộc hành trình trải nghiệm của tác giả. Từng bước dùng lời văn của mình chiếm lấy trái tim của đọc giả, đưa độc giả về một miền đất để nhớ để thương quá nhiều. Chợt lại nghe bâng khuâng đâu đây những câu hát còn vang vọng:

“Đã đôi lần đến với Huế mộng mơ

Tôi ôm ấp một tình yêu dịu ngọt

Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được

Nét dịu dàng pha lẫn trầm tư...”

Xem thêm: Nét hư cấu trong bút ký "Ai đã đặt tên cho dòng sông"

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận