3 buổi chiều ngả bóng trong các tác phẩm Ngữ văn 12

Tây Tiến, Việt Bắc và Vợ nhặt là 3 tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn 12 có xuất hiện hình ảnh buổi chiều ngả bóng...

Đỗ Thu Nga
12:00 06/12/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

TÂY TIẾN

Giai điệu thơ của Quang Dũng trùng xuống rồi lại vút lên âm hưởng hào hùng:

“Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”

Hai câu thơ ghi lại sự ám ảnh bởi sự lạ lẫm và bí ẩn của núi rừng hoang dại. Thiên nhiên Tây Bắc như chuyển mình trong bản giao hưởng của đại ngàn với tiếng gầm của cọp, tiếng thét của thác suối đêm đêm, chiều chiều. Từ láy “chiều chiều”, “đêm đêm” vẽ ra khoảng thời gian liên tục, tuần hoàn, khép kín. Dường như những hiểm nguy của núi rừng luôn rình rập, bủa vây những người lính.

3-buoi-chieu-nga-bong-trong-cac-tac-pham-ngu-van-12-p

Một kỉ niệm nữa cũng không thể nào quên trong tâm trí của người ra đi đó là cảnh sông nước, mây trời Tây Bắc trong chiều sương thơ mộng. Xa Tây Tiến mới có bao ngày thế mà nhà thơ đã nhớ chơi vơi và nỗi nhớ buột ra thành tiếng gọi tha thiết ngân lên thành câu hỏi:

“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ”

Đó là kỉ niệm về thời gian và không gian Tây Bắc: được phủ bởi không khí huyền thoại của buổi chiều sương như một bức tranh cổ điển, cảnh mơ hồ, như có như không, cảnh ngập chìm trong sương là vẻ đẹp đặc trưng của Tây Bắc mà Chế Lan Viên cũng đã từng nhắc đến trong thơ của mình:

“Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ

Nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương”.

Dưới ngòi bút tài hoa của Quang Dũng, một bức tranh lãng mạn của núi rừng Tây Bắc trong buổi chiều sương, đấy là màn sương của thiên nhiên, cũng là màn sương của hoài niệm, của nỗi nhớ.

VIỆT BẮC

Một nỗi nhớ da diết, khôn nguôi được tác giả hình dung thật lạ:

“Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương”.

3-buoi-chieu-nga-bong-trong-cac-tac-pham-ngu-van-12-y

Qua hai câu thơ chúng ta vừa cảm nhận được nỗi nhớ của Tố Hữu dành cho người dân nơi đây nồng nàn tha thiết thế nào. Cách sử dụng hình ảnh người yêu để ví nỗi nhớ thể hiện sắc thái cao nhất của nỗi nhớ. Câu thơ thứ hai Tố Hữu sử dụng phép tiểu đối: “Trăng lên đầu núi/ nắng chiều lưng nương” thể hiện nỗi nhớ đêm ngày, bao trùm cả không gian lẫn thời gian. Cho thấy nỗi nhớ lớn lao và rất rộng. Nỗi nhớ Việt Bắc không chỉ là như người yêu, không chỉ là ánh trăng, nắng lưng chiều mà đó còn là hình ảnh quen thuộc của bản làng. Nhớ những chiều khói bếp nghi ngút trắng trời xen lẫn sương khuya, hình ảnh đẹp, ma mị như một bức tranh đồng quê chân thực, mộc mạc.

VỢ NHẶT

Buổi chiều trong “Vợ nhặt” càng tàn tạ, u uất. Nó đã nuốt trọn vào mình bóng dáng xanh xám như những bóng ma của những người đói từ mạn Nam Định, Thái Bình đang trên hành trình tìm kiếm cơ hội thoát khỏi nanh vuốt tử thần, để rồi bất lực nằm xuống trong một cái đám ma khổng lồ từ Quảng Trị tới Bắc Kỳ thật khủng khiếp và ghê sợ. Người chết như ngả rạ… Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người. Trong hoàn cảnh ấy, Tràng lấy vợ, mà nói đúng hơn, như nhà văn Kim Lân nói là nhặt vợ và dẫn cô ta về nhà trong cái khung cảnh đầy mùi tử khí. Hành trình của họ trở về xóm ngụ cư cũng là hành trình đi vào vực thẳm của bóng tối xác xơ, heo hút với từng trận gió từ cánh đồng thổi vào, ngăn ngắt. Hai bên dãy phố, úp súp, tối om, không có nhà nào có ánh đèn, lửa.

Xem thêm: Muốn có bài văn hay, trước hết phải biết mở bằng lý luận văn học

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận