3 bước đơn giản để sử dụng thơ làm liên hệ trong văn xuôi

Không chỉ dùng thơ để liên hệ thơ, các bạn học sinh có thể sử dụng thơ để liên hệ trong văn xuôi. Nếu chưa biết cách liên hệ sao cho tinh tế nhất thì hãy theo dõi bài viết dưới đây nhé.

Đỗ Thu Nga
10:00 26/11/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Mới đây, fanpage "Học Văn Chị Hiên" đã chia sẻ bài viết về 3 bước sử dụng thơ để liên hệ trong văn xuôi. Đó là:

- Bước 1: Xác định được nội dung mình phân tích.

- Bước 2: Tìm những bài thơ có nội dung tương tự.

- Bước 3: Viết đoạn văn liên hệ mở rộng dựa vào ngữ liệu vừa tìm được.

VÍ DỤ 1

Bước 1: Xác định nội dung phân tích: Đề tài trong “Người lái đò sông Đà”

 “Người lái đò sông Đà” nằm trong tập tùy bút “Sông Đà” cùng với 14 bài tuỳ bút và một bài thơ khác. Được đánh giá là tác phẩm gần đạt đến độ “toàn thiện toàn mỹ” (từ dùng của Vũ Ngọc Phan), tác phẩm là bản ghi chép sinh động những gì Nguyễn Tuân mắt thấy tai nghe trong chuyến đi lên vùng rẻo cao Tây Bắc. Ở đó ông tìm thấy chất vàng mười là vẻ đẹp vừa hung bạo, vừa trữ tình của con sông Đà và chất vàng mười đã qua thử lửa là những người lao động miệt mài, dũng cảm trên miền non cao. Đề tài mà Nguyễn Tuân hướng tới ở đây là vẻ đẹp của đất nước, cụ thể là vẻ đẹp của thiên nhiên và con người. Đây là một đề tài to lớn và rộng khắp, bao trùm cả tiến trình văn học Việt Nam.

* Bước 2: Tìm những bài thơ có nội dung tương tự

- Việt Nam quê hương ta - Nguyễn Đình Thi viết:

“Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn

Cánh cò bay lả rập rờn

Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều”

- Ca dao:

“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ…

Sông Tô một dải lượn vòng

Ấy nơi liệt nữ anh hùng giáng sinh

Sông Hồng uốn khúc chảy quanh

Giai nhân tài tử lừng danh trong ngoài.”

- Với sông Đà - Vũ Quần Phương viết: 

“Tôi đi với sông Đà

Bao lần rồi vẫn lạ

Tôi thuộc ngầm thuộc đá

Tôi thuộc lũ, thuộc dòng”

3-buoc-don-gian-de-su-dung-tho-lam-lien-he-trong-van-xuoi-0

* Bước 3: Viết đoạn văn liên hệ

 Vẻ đẹp con người, thiên nhiên đất nước ta luôn là đề tài hấp dẫn những người nghệ sĩ. Ngay từ thuở ban sơ của văn học, những tác giả - nhân dân cần lao đã thốt lên những lời ca ngợi thiết tha:

“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ…

Sông Tô một dải lượn vòng

Ấy nơi liệt nữ anh hùng giáng sinh

Sông Hồng uốn khúc chảy quanh

Giai nhân tài tử lừng danh trong ngoài.”

(Ca dao)

Cho đến văn học hiện đại, khi những ngọn núi đã hiện rõ trên những trang thơ, những vùng đất đã được “cày xới” bằng ngòi bút nhiều tác giả thì Nguyễn Tuân lại xăm xăm lội xuống, ngâm cả và trầm cả con tim và khối óc mình xuống dòng sông Đà, để rồi tác phẩm “Người lái đò sông Đà” ra đời như một thành quả nghệ thuật tất yêu tuyệt đẹp với hình tượng sông Đà biến ảo tuyệt diệu trên trang sách.

VÍ DỤ 2

* Bước 1: Xác định nội dung phân tích: xã hội trong “Vợ nhặt”

Xã hội Việt Nam chìm trong nạn đói kinh hoàng, khủng khiếp năm 1945 - thời điểm mà dân ta chịu cảnh gông cùm, xiềng xích của cả thực dân Pháp và phát xít Nhật. Đời sống người dân điêu đứng đến mức “người chết thây nằm còng queo bên đường, người sống chỉ còn là những cái bóng dật dờ lặng lẽ như những bóng ma”.

* Bước 2: Tìm những bài thơ có nội dung tương tự

- Đói - Bàng Bá Lân viết:

“Khắp đường xa những xác đói rên nằm

Trong nắng lửa, trong bụi lầm co quắp.

Giữa đống giẻ chỉ còn đôi hố mắt

Đọng chút hồn sắp tắt của thây ma”

 - Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc  - Văn Cao viết: 

“Ngã tư nghiêng nghiêng xe xác

Đi vào ngõ khói công yên

Thấy bâng khuâng lối cỏ hư huyền

Hương nha phiến chập chờn mộng ảo

Bánh nghiến nhựa đường nghe sào sạo

Ai vạc xương đổ sọ xuống lòng xe

Chiếc quỷ xa qua bốn ngả ê chề

Chở vạn kiếp đi hoang ra khỏi vực..”

* Bước 3: Viết đoạn văn liên hệ

Kim Lân khi nói về tác phẩm “Vợ nhặt” từng tâm sự: “Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người”. Dẫu là thế, Kim Lân cũng chẳng thể né tránh sự thực thảm khốc của nạn đói năm Ất Dậu - thời điểm mà dân ta chịu cảnh gông cùm, xiềng xích của cả thực dân Pháp và phát xít Nhật. Xã hội rơi vào cảnh khốn cùng, con người lao đao thậm chí đến cái chết cũng chẳng còn gì là xa lạ: “người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”. Rồi đến người sống “chỉ còn là những cái bóng dật dờ lặng lẽ như những bóng ma”. Hay nói ngắn gọi như cách của Văn Cao trong bài thơ “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc” thì:

“Ngã tư nghiêng nghiêng xe xác

Đi vào ngõ khói công yên

Thấy bâng khuâng lối cỏ hư huyền

Hương nha phiến chập chờn mộng ảo

Bánh nghiến nhựa đường nghe sào sạo

Ai vạc xương đổ sọ xuống lòng xe

Chiếc quỷ xa qua bốn ngả ê chề

Chở vạn kiếp đi hoang ra khỏi vực…

(Nguồn: Học Văn Chị Hiên)

Xem thêm: Học vấn không có quê hương nhưng người học phải có Tổ quốc

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận