Lật lại vụ án Thái sư hóa hổ hại vua: Nỗi oan ức thiên cổ của vị Trạng nguyên đầu tiên

Vụ án Thái sư hóa hổ hại vua diễn ra cách đây hơn 900 năm vẫn còn nhiều uẩn khúc chưa thể giải đáp.

Chi Nguyễn
16:25 13/08/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Vụ án Thái sư hóa hổ hại vua, còn được biết đến là vụ án hồ Dâm Đàm (Hồ Tây) diễn ra vào năm 1096, cách đây hơn 900 năm. Tuy nhiên, vì sử sách ghi chép còn vắn tắt, hiện vụ án này còn nhiều uẩn khúc chưa thể giải đáp.

Tác giả Từ Khôi (tức nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng) cho hay, ông có niềm tin rằng vị trạng nguyên khai khoa mở đầu cho học giới nước nhà - Thái sư Lê Văn thịnh không thể là người hại vua Lý Nhân Tông. Vì thế, ông đã dành hàng thập kỷ nghiên cứu, đối chiếu sử sách và thu thập dữ kiện, từng bước làm sáng tỏ những uẩn khúc năm xưa, tất cả được thuật lại trong cuốn Vụ án thái sư hóa hổ (NXB Thanh niên, 2017).

Thái sư Lê Văn Thịnh là ai?

Tác giả Từ Khôi cho hay, sử sách ghi chép về Thái sư Lê Văn Thịnh rất ít, và tuyệt nhiên không nhắc tới đời tư của ông. Ngọc phả cho biết, Lê Văn Thịnh sinh ngày 11/2/1050 (năm Canh Dần) ở làng Gủ, thôn Bảo Tháp, trang Đông Cứu, lộ Bắc Giang. Thân phụ ông là Lê Văn Thành, vốn là một thầy lang giỏi, còn thân mẫu là bà Trần Thị Tín. Được biết, con đường học vấn của ông vô cùng trôi chảy, thuận lợi.

vu-an-thai-su-hoa-ho-hai-vua-oan-uc-cua-vi-trang-nguyen-dau-tien
Tác giả Từ Khôi cho hay, sử sách ghi chép về Thái sư Lê Văn Thịnh rất ít, và tuyệt nhiên không nhắc tới đời tư của ông

Năm 1075, tức kỳ thi Nho học năm Ất Mão, kỳ thi Minh kinh bác họ và nho học tam trường đầu tiên, Lê Văn Thịnh đỗ đầu trong số 10 người trúng tuyển. Khi ấy, danh hiệu Trạng nguyên chưa có, nhưng triều đjai sau này đều suy tôn ông là trạng nguyên đầu tiên. Ông được giao làm Sư phó Nội cấp, là thầy dạy vua Lý Nhân Tông. Đến tháng 12 cùng năm, ông được bổ chức Thị lang Bộ Binh, có đóng góp trong việc bình Chiêm, phá Tống.

Chưa dừng lại ở đó, ông còn có công trong việc giành lại đất của Tổ quốc. Chuyện là vào năm 1076-1077, sau cuộc chiến Việt - Tống, Thái úy Lý Thường Kiệt rời khỏi triều đình, về Thanh Hóa trấn nhậm, Từ tháng 1/1078 tới tháng 6/1083, vua Lý Nhân Tông cử phái bộ ngoại giao do Đào Nguyên Tông dẫn đầu, sang Tống đàm phán về cương thổ nhưng không thành công. Năm 1084, ông Lê Văn Thịnh được phong là Chánh sứ, có nhiệm vụ giành lại cương thổ trên bàn ngoại giao. Khi ấy, ông đã thể hiện tài phản biện thuyết phục, dùng luật của Tống để "bẻ" lại người Tống, đòi được phần đất bị nhà Tống lấy trước chiến tranh. Phần đất này gồm 6 huyện, 3 động ở châu Quảng Nguyên, phần lớn thuộc đất Cao Bằng ngày nay.

vu-an-thai-su-hoa-ho-hai-vua-oan-uc-cua-vi-trang-nguyen-dau-tien
Ông được coi là Trạng Nguyên đầu tiên, đã có nhiều công lao lớn

Nhờ công lao này, ông được Vua Lê Nhân Tông gia phong chức Thái sư, và ông đã có nhiều cuộc cải cách lớn khi nắm giữ cương vị ấy. Tháng 8 năm Bính Dần (1086), ông đề xuất mở kỳ thi nho học, tuyển người tài lần thứ 2. Ông quy hoạch chùa thành 3 hạng là đại, trung và tiểu danh lam, rồi bổ các quan văn nho học kiêm chức làm đề cử tổng coi chùa chiền. 3 năm sau, ông lại tiến hành biện pháp cải cách bộ máy nhà nước sao cho gọn và hiệu quả với công việc. Năm 1092, ông còn cho xác định sổ ruộng của các làng xã, hộ nông dân,...

Oan khuất vụ án Thái sư hóa hổ

Vào năm 1096, tức năm Bính Tý, lúc ấy cuộc cải cách của Thái sư Lê Văn Thịnh đang tiến triển thì đột nhiên xảy ra vụ án Dâm Đàm (Hồ Tây). Theo tác giả Từ Khôi, sử sách không đưa ra nhiều nghi án về vụ án, mà chỉ viết rất cô động. Vụ án được nhắc tới trong các sử liệu Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử lược, Việt Điện u linh, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Thiên Nam ngữ lục.

Trích Đại Việt sử ký toàn thư như sau: "Bính Tý, Hội Phong năm thứ 5 (1096), mùa Xuân, tháng 3, Lê Văn Thịnh mưu làm phản, tha tội chết an trí ở Thao Giang. Bấy giờ vua ra hồ Dâm Đàm, ngự trên thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mây mù có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt nói: “Việc nguy rồi”! Người đánh cá là Mục Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh.

Vua nghĩ là đại thần, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang. Thưởng cho Mục Thận quan chức và tiền của, lại cho đất Tây Hồ làm thực ấp, trước đấy gia nô người nước Đại Lý có phép thuật kỳ lạ, cho nên mượn thuật ấy toan mưu chuyện thí nghịch. Sử thần Ngô Sỹ Liên nói: Kẻ làm tôi phạm tội giết vua cướp ngôi mà được miễn tội chết, thế là sai trong việc hình, lỗi ở vua tin sùng đạo Phật".

vu-an-thai-su-hoa-ho-hai-vua-oan-uc-cua-vi-trang-nguyen-dau-tien
Đền Thái sư Lê Văn Thịnh ở tỉnh Bắc Ninh

Vì sử liệu còn nhiều bất cập, Từ Khôi đã xem xét, khảo cứu mọi sự kiện diễn ra trong khoảng thời gian Lê Văn Thịnh đang làm thái sư. Ông đã nêu ra một sự kiện đáng cú ý như sau: Năm 1088, vua Lý Nhân Tông phong Thiền sư Khổ Đầu Quốc là Quốc sư. Theo tác giả, điều này khiến việc hành chính, nội trị được xử lý theo nhiều hướng khác nhau, một bên là tư tưởng trị dân theo nho gia, một bên là lòng nhân từ bi nhà Phật.

Tác giả cũng đặt ra một số nghi vấn: Thứ nhất, liệu Lê Văn Thịnh có băng đảng nào đứng sau hậu thuẫn? Những âm mưu lướn, đặc biệt là chuyện đảo chính, cướp ngôi không thể là chuyện của một người. Các sử liệu khi viết về việc này cũng chỉ nêu là ông học thuật hóa hổ của gia nô họ Lý, không nhắc tới bè đảng, thế lực nào.

Chưa kể, từ tháng 10/1042, nhà Lý đã ban luật Hình thư, trong đó tội mưu phản và tội mưu đại nghịch thuộc tội thập ác. Những phạm nhân phạm tội đại trọng như vậy thường bị tru di tam tộc, thậm chí có thể là tru di cửu tộc. Việc Thái sư Lê văn Thịnh chỉ bị đi đày và tội danh "hóa hổ" đã là điều khó tin.

Nghi vấn thứ 2, khoảng thời gian Lê Văn Thịnh làm Thái sư, ông đã thực hiện nhiều cải cách. Chắc hẳn điều này đã gây tổn hại tới lợi ích của tầng lớp tăng lữ, quý tộc, thậm chí bị coi là hạn chế thế lực nhà chùa. Tác giả đặt ra nghi vấn, có thể thế lực nào đó đã mượn tay đạo lão mà Mục Thận đứng ra dựng màn kịch vụ án ở hồ Dâm Đàm?

Bên cạnh đó, kỳ thi nho học lần thứ 2 do Lê Văn Thịnh đề xuất được tổ chức vào năm 1086, nhưng phải đến năm 1152 mới có kỳ thi thứ 3. Từ khôi đặt câu hỏi, liệu có phải đã có sự áp chế nho học ở đây? Tác giả nhận định, sau khi xem xét các nghi vấn, thì vấn đề mâu thuẫn ý thức nho - phật là thuyết phục hơn cả. Khi nho giáo mới bắt đầu xây dựng nền móng, mà đã muốn vị trí độc tôn trên chính trường thì tất yếu bi kịch xảy ra và Lê Văn Thịnh đã bị loại khỏi vũ đài chính trị.

vu-an-thai-su-hoa-ho-hai-vua-oan-uc-cua-vi-trang-nguyen-dau-tien
Tượng rồng đá “miệng cắn thân, chân xé mình" đầy hàm ý tại đền Thái sư Lê Văn Thịnh

Được biết, dù bị triều đình kết án, rồi phao tin chuyện hoang đường,nhưng phần đông người dân  không tin đây là sự thực. Sau khi Lê Văn Thịnh mất, người dân lập đền thờ, lưu truyền tập tục riêng biệt trong lễ tế ông. Thậm chí, các vua tiều đại sau còn truy tặng, phong thần nhiều lần. Việc ai đó tạc một pho tượng thân rắn, nhưng tư thế và móng vuốt của rồng, tự cắn xé thân mình, chôn xuống đất tại nơi là nhà ông ở, rồi là đền thờ ông, đã thể hiện rõ niềm tin vô tội của ông.

Chân tướng vụ vua Minh Mạng san bằng mộ Lê Văn Duyệt, viết lời cay đắng

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận