Cặp vợ chồng liều lĩnh cầm cố nhà cửa để có tiền kinh doanh, vài năm sau thành tỷ phú tự thân nhờ trà sữa
Từng thế chấp nhà cửa để có tiền mở cửa hàng trà sữa, cặp vợ chồng Peng Xin và Zhao Lin đã trở thành tỷ phú tự thân sau đợt IPO thành công rực rỡ.
Vào năm 2014, bất chấp lời khuyên can của gia đình và bạn bè, vợ chồng Peng Xin và Zhao Lin vẫn quyết định cầm cố căn nhà, vay ngân hàng một khoản tiền lớn. Sau đó, họ nghiên cứu thị trường trà sữa, mở cửa hàng trà sữa của riêng mình tên là Nayuki. Sau 7 năm, Nayuki chính thức có mặt trên sàn chứng khoán, và với phi vụ IPO thành công rực rỡ, Peng Xin và Zhao Lin đã trở thành tỷ phú tự thân.
Bỏ việc văn phòng để khởi nghiệp
Peng Xin (SN 1987, Trung Quốc) tốt nghiệp đại học Kinh tế Tài chính Giang Tây, sau đó đi làm với vị trí thư ký tại công ty Kingdee International Software Group. Tuy nhiên, vào năm 2012, 8x bất ngờ xin nghỉ việc. Cô chia sẻ: "Tôi vốn là dân "cổ cồn trắng" (dân văn phòng). Nhưng vì muốn mở một cửa tiệm mà bản thân mình thích, tôi đã nghỉ việc để khởi nghiệp".
Tuy nhiên, vì thiếu kinh nghiệm, việc kinh doanh ban đầu của cô không mấy thành công. Mọi thứ thay đổi khi cô gặp Zhao Lin, chồng cô bây giờ qua một buổi hẹn hò giấu mặt. Khi đó, cô đã dành 2 tiếng để nói về ý tưởng kinh doanh của mình, và điều đó đã khiến Zhao Lin chú ý. Zhao vốn là một doanh nhân có kinh nghiệm hơn 10 năm trong ngành thực phẩm, anh nhận thấy ý tưởng của Peng rất hứa hẹn nhưng cũng rất khó thành công.
Dù vậy, tinh thần khởi nghiệp cũng như cá tính của Peng đã hấp dẫn Zhao, và hai người họ đã kết hôn chỉ 3 tháng sau đó. Đến năm 2014, cả hai vợ chồng quyết định thế chấp căn nhà của mình, vay tiền mở cửa hàng trà sữa tên Nayuki. Peng nhớ lại: "Gia đình và bạn bè đã rất lo lắng cho chúng tôi ở thời điểm đó. Nhưng chúng tôi và cả nhóm làm việc tin tưởng vào sự lựa chọn của mình".
Vợ chồng "song kiếm hợp bích" kinh doanh
Chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn, Peng Xin cho biết: "Đó không phải là một quyết định liều lĩnh. Chúng tôi đã mất gần 2 năm để thử nghiệm các sản phẩm của mình khi bán trên những khu phố trước khi mở cửa tiệm đầu tiên". Sau đó, Nayuki mở 3 chi nhánh đầu tiên ở TP. Thâm Quyến (Trung Quốc) và nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều người.
Khách hàng mục tiêu của Nayuki là các nữ nhân viên công sở ở độ tuổi 20 đến giữa 30, những người thuộc thế hệ Millennials. Tuy trà sữa bị coi là thức uống giá rẻ, nhưng Peng đã tìm cách thay đổi hình ảnh thương hiệu bằng cách thiết kế cửa hàng với phong cách sang trọng và nâng cao chất lượng đồ uống cũng như mẫu mã.
Với cửa hàng ban đầu, họ đã dành thời gian dài để tìm kiếm địa điểm phù hợp. Không ít trung tâm mua sắm đã tỏ ra ngạc nhiên khi họ yêu cầu khu vực tối thiểu 2.100 m2 cho một cửa hàng trà sữa. Cửa hàng trà sữa Nayuki đầu tiên được mở tại Trung tâm Thế kỷ Xuất sắc của Thâm Quyến, rất nhanh sau đó là hai địa điểm khác. Cô nói: "Trước kia, bạn sẽ cảm thấy khá kỳ lạ khi bước vào một khách sạn 5 sao để mua trà sữa. Xây dựng thương hiệu cần được cân nhắc thận trọng".
Kể từ năm 2018, Nayuki thực hiện kế hoạch đưa thức uống mới vào thực đơn của mình mỗi tuần, nhằm thu hút nhiều người tiêu dùng hơn trong thị trường trà sữa đầy tính cạnh tranh. Các cửa hàng của họ thường có diện tích trung bình từ 180 đến 350 m2, thường đặt tại các địa điểm cao cấp ở các thành phố hàng đầu của Trung Quốc.
Người tiêu dùng có thể ngồi, thư giãn hoặc mua các sản phẩm bán chạy nhất của Nayuki như Trà dâu phô mai tuyệt đỉnh (Supreme Cheese Strawberry Tea), Trà cam tuyệt đỉnh (Supreme Orange Tea) và Trà nho phô mai tuyệt định (Supreme Cheese Grape Tea) được bán với giá trung bình 4 USD, đưa thương hiệu vào phân khúc cao cấp của thị trường.
Hiện tại, cặp vợ chồng vẫn đang "song kiếm hợp bích" kinh doanh khá thành công, mở khoảng 560 cửa hàng trà sữa tại hơn 70 thành phố. Peng phụ trách tiếp thị và phát triển sản phẩm, còn Zhao giám sát quản lý và chiến lược.
IPO thành công bất ngờ, một bước trở thành tỷ phú
Trong đợt IPO đầu tiên trên sàn chứng khoán Hong Kong, Nayuki đã huy động được 656 triệu USD. Công ty Nayuki Holding's do vợ chồng Peng Xin thành lập được định giá hơn 4 tỷ USD, bắt đầu giao dịch cổ phiếu từ ngày 30/6 vừa qua. Hiện tại, Peng và Zhao mỗi người sở hữu khoảng 28% cổ phần của Nayuki, có tổng giá trị khoảng 2,4 tỷ USD. Kể từ khi thành lập đến nay, công ty này đã nhận được 5 đợt tài trợ.
Theo báo cáo, công ty này đang chiếm khoảng 19% tổng doanh thu bán lẻ trong thị trường cửa hàng café hiện đại vào năm 2020 và có thị phần lớn thứ 2, đứng sau HeyTea. Họ còn có thêm 1 cửa hàng khác ở Hong Kong và 1 ở Nhật Bản, còn dự tính mở thêm 300 chi nhánh khác trong năm 300. Hầu hết trong số đó sẽ là những hình thức cửa hàng mới có tên Nayuki PRO, menu sẽ có thêm café và một số loại bánh cỡ nhỏ để thu hút nhân viên văn phòng.
Peng cho hay: "Sau đại dịch, chúng tôi nhận thấy hơn 70% đơn hàng đến từ các nền tảng trực tuyến. Khách hàng thường đến cửa hàng theo nhóm 3-4 người để trò chuyện và ăn uống. Tuy nhiên, giờ đây, khách hàng sẽ đặt hàng online bất cứ khi nào họ thấy thích."
Do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Nayuki phải tạm thời đóng cửa gần 500 cửa hàng ở Trung Quốc vào năm ngoái. Khoản lỗ ròng của Nayuki tăng đáng kể lên 31,5 triệu USD từ 6,2 triệu USD vào năm 2019. Dù vậy, Peng và Zhao vẫn xoay xở đạt được 445 triệu USD doanh thu, tăng 25% so với năm trước đó.
Một số nhà phân tích lo ngại rằng liệu công ty vẫn đang thua lỗ này có thể xoay vòng vốn và sinh lời hay không. Peng cho hay, công ty đang nỗ lực cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, chẳng hạn như bằng cách tự động hóa trong các quy trình cắt trái cây hoặc nhào bột. Nữ doanh nhân 8x bày tỏ: "Chúng tôi hy vọng Nayuki có thể là một thương hiệu mà khách hàng muốn quay trở lại mỗi ngày."
Theo Forbes, SCMP
Thanh niên 9x trượt đại học làm giàu nhờ ý tưởng lạ, xây dựng đế chế trà sữa ở tuổi 30
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận