Thái sư Trần Thủ Độ: Vị quan nổi tiếng nghiêm khắc Đại Việt xưa, từng ban thưởng cho người tố cáo mình
Thái sư Trần Thủ Độ là người một tay cáng đáng trọng sự thời nhà Trần, nổi tiếng là một người nghiêm khắc ngay cả với bản thân mình.
Trần Thủ Độ (陳守度) hay còn gọi là Trung Vũ đại vương, là một vị quan đại Việt sống vào cuối triều Lý đầu triều Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông là người đóng vai trò quan trọng trong các sự kiện lật đổ nhà Lý, lập nên nhà Trần, một tay cáng đáng trọng sự triều đình. Ông từng giúp Trần Thái Tông thu phục những thế lực người Man làm phản, và giúp cho nước Đại Việt thời bấy giờ cường thịnh.
Xuất thân của Trần Thụ Độ không được các sách chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư hay Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi chép rõ. Chỉ biết rằng Trần Thủ Độ là chú họ của Trần Cảnh, sau chính là vua Trần Thái Tông. Khi còn giữ chức vụ Điện tiền chỉ huy sứ, ông đã sắp xếp cho Trần Cảnh lấy vua Lý Chiêu Hoàng, rồi để bà nhường ngôi cho chồng. Sau đó, Trần Cảnh lên ngôi vua, xưng là Trần Thái Tông, lập ra triều Trần. Lúc này, vua phong cho Trần Thủ Độ làm Quốc thượng phụ, nắm giữ mọi việc cai quản trong nước.
Ông nổi tiếng là người nghiêm khắc, ngay cả với bản thân hay người nhà cũng không có ngoại lệ. Đại Việt sử ký toàn thư có chép, bấy giờ có kẻ xin vào gặp vua Trần Thái Tông, nói về Trần Thủ độ. Người này vừa khóc vừa tố rằng: "Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao?". Nghe xong, vua Thái Tông lập tức đem xe ngự tới dinh Thủ Độ, đặng đem theo người kia và nói hết những lời ấy cho Trần Thủ Độ biết. Nghe xong, Thủ Độ không những không giận còn nói, quả thực đúng như lời hắn nói, rồi lấy tiền lụa thưởng cho người này.
Lại có chuyện kể rằng, một người cháu bên vợ muốn xin ông làm chức Câu Đương - chức quan nhỏ ở xã nên đến gặp cậu. Nghe xong, Trần Thủ Độ đồng ý, nói người này ghi họ tên, quê quán khiến anh ta rất cả mừng. Lúc này, Thủ Độ mới nói tiếp: "Ngươi vì có Công chúa (tức bà Linh Từ) xin cho được làm câu đương (tên của chức vị ở địa phương), không thể ví những câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác". Người này nghe xong liền hoảng sợ, lạy lục van xin mãi ông mới tha cho. Từ đó về sau người thân cũng không ai dám gặp riêng, xin xỏ ông điều gì.
Đại Việt sử ký toàn thư có chép rằng, có lần nọ vợ ồng là bà Trần Thị Dung ngồi kiệu đi qua thềm cấm, vị quân hiệu thấy vậy liền ngăn lại. Bà ấm ức, về khóc và bảo Trần Thủ Độ rằng: "Ta làm vợ của ông mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế". Thủ Độ nghe xong rất tức giận, sai người đi bắt người quân hiệu kia hỏi chuyện cho ra nhẽ. Người này mới kể thành thực mọi chuyện, Trần Thủ Độ nghe xong thì bảo: "Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa". Nói xong, ông lại sai người lấy lụa tốt, thưởng cho vị quân hiệu kia rồi cho về.
Một chuyện khác kể về Trần Thủ Độ như sau: Một lần nọ, vua Trần Thái Tông đề xuất phong người anh của ông là An Quốc làm tể tướng. Thấy vậy, Thủ Độ tâu: "An Quốc là anh thần, nếu cho là giỏi hơn thần, thị thần xin trí sĩ, nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc. Nếu anh em đều làm tể tướng thì việc triều đình sẽ ra làm sao ?". Vua nghe xong bèn thôi, không làm vậy nữa.
Trong kháng chiến quân Nguyên - Mông lần thứ nhất vào năm 1258, thấy thế giặc mạnh, vua liền hỏi ý kiến Thái sư về việc nên đánh hay hàng. Trần Thủ Độ điềm tĩnh đáp lại: "Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo". Câu nói đầy ý chí quyết tâm, khảng khái và dũng mạnh của Trần Thủ Độ đã khiến quân dân cảm động, khí thế ngút trời, được người đời sau này ca tụng. Ông ngồi trong màn trướng mà định việc chiến trận, chỉ đạo các danh tướng Lê Tần, Trần Khánh Dư, Trần Phó Duyệt, Trần Hưng Đạo hay đến cả vua Trần Thái Tông và thái tử Trần Hoảng cũng xông pha đánh giặc.
Năm 1264, Thái sư Trần Thủ Độ qua đời, thọ 71 tuổi. Sau khi ông mất, vua Trần Thái Tông truy tặng ông thụy hiệu là Thượng phụ Thái sư Trung Vũ đại vương (尚父太師忠武大王). Có thể nói, Trần Thủ Độ cả đời một lòng trung thành với triều Trần, ngay cả những chuyện chấn động ông cũng dám làm. Đối với ông, luật pháp thì không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, bất cứ ai dù là ở vị trí nào, miễn vi phạm pháp luật đều sẽ bị xử lý theo đúng quốc luật đã ban hành.
Bàn về ông, Đại Việt sử lý toàn thư có ghi những lời sau: "Trần Thủ Độ tuy làm Tể tướng, nhưng mọi việc không việc gì không để ý. Vì thế đã giúp nên vương nghiệp và giữ được tiếng tốt cho đến lúc mất. Thái Tông hoàng đế có làm bài văn bia ở sinh từ để tỏ lòng đặc biệt quý mến ông. Thế nhưng cái tội giết Lý Huệ Tông thì khó lẩn tránh với đời sau vậy.
Thủ Độ tuy không có học vấn, nhưng tài lược hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn. Thái Tông lấy được thiên hạ đều nhờ mưu sức của ông cả. Vì thế ông được nhà nước dựa cậy, quyền át cả vua".
Xem thêm: Thái sư Trần Thủ Độ - vị "đạo diễn" khởi dựng triều Trần, có lòng trung quân, ái quốc tột độ
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận