Tứ đại Thiên Vương trong đạo Phật gồm những vị nào?

Tứ đại Thiên Vương là các vị ở ban Cảnh vệ bảo vệ chùa, có trách nhiệm giữ gìn Phật pháp, trông nom bốn phương để mưa thuận, gió hòa.

Chi Nguyễn
16:23 20/01/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Tứ đại Thiên Vương là gì?

Tứ đại Thiên Vương (Tứ Thiên vương, tiếng Phạn: catur-mahārāja) hay còn được biết đến là "Tứ đại Kim Cương", xuất hiện trong Phật giáo và Đạo giáo, là các vị Thiên vương ở ban Cảnh vệ bảo vệ chùa. Các vị Thiên vương này có trách nhiệm giữ gìn Phật pháp, trông nom bốn phương để mọi chuyện mưa thuận, gió hòa, do đó còn được gọi là "Hộ thế Thiên tôn".

tu-dai-thien-vuong-trong-dao-phat-gom-nhung-vi-nao
Tứ đại Thiên Vương hay "Tứ đại Kim Cương" là các vị Thiên vương ở ban Cảnh vệ bảo vệ chùa, giữ gìn Phật pháp, trông nom bốn phương.

Thiên Vương (tiếng Hán: 四大天王, tiếng Hàn: 사왕천/사천왕, tiếng Nhật: 四天王) là từ để chỉ những vị canh giữ thế giới, thường được thờ trong các chùa Phật giáo, còn được gọi là Hộ pháp. Theo truyền thuyết, các vị Thiên vướng sống trên núi Tudi, có nhiệm vụ canh giữ thế giới và Phật pháp, thường chiến đấu chống lại cái ác, bảo vệ những nơi mà Phật pháp được truyền bá. Tứ đại Thiên Vương được cho là đang sống tại tầng Trời Cātummahārājika, (tiếng Pāli Cātummahārājika, dịch là "của Tứ Đại Vương") tại đỉnh Thiền Đà La ở núi Tudi, là nơi thấp nhất của các chư thiên trên Dục giới.

tu-dai-thien-vuong-trong-dao-phat-gom-nhung-vi-nao
Tứ Đại Thiên Vương theo truyền thống Miến Điện.

Theo truyền thuyết, Tứ đại Thiên vương vốn là 4 vị đại tướng trong kinh Phật Ấn Độ. Tương truyền rằng, thế giới con người được chia làm 4 đại bộ châu, mỗi đại bộ châu do một vị Thiên vương bảo vệ. Mỗi vị Thiên vương có 91 người con trai, 8 vị tướng quân, giúp canh giữ mười phương thế giới. Họ là các vị bảo vệ của thế giới, diệt trừ cái ác, mỗi vị có thể chỉ huy quân đoàn gồm những sinh vật siêu nhiên để bảo vệ Phật Pháp. Sau này, khi đạo Phật được truyền nhập tại Trung Quốc, Tứ đại Thiên vương thường được mô tả với những trang phục, binh khí hay chức trách Hán hóa. 

Có 4 vị Thiên Vương ở bốn hướng là:

tu-dai-thien-vuong-trong-dao-phat-gom-nhung-vi-nao
Tương truyền, các vị Thiên vướng sống trên núi Tudi, có nhiệm vụ canh giữ thế giới và Phật pháp, thường chiến đấu chống lại cái ác, bảo vệ những nơi mà Phật pháp được truyền bá.

Bắc Thiên vương tức Đa văn thiên (多聞天, sa. vaiśravaṇa) có thân màu lục, tay trái cầm cờ chiến thắng, tay phải mang tượng chùa hoặc một bảo tháp (theo truyền thuyết thì Long Thụ Tôn Giả đã tìm được những bộ kinh dưới Long cung), hoặc một con chuột màu bạc phun ngọc. Trong truyền thuyết Trung Quốc, Bắc Thiên vương cầm theo dù, do đó còn có chức vụ là "Vũ" (mưa).

Bắc Thiên vương được coi là là vị quan trọng nhất trong bốn vị Thiên vương. Ngài cai quản loài yêu quái (Dạ xoa), được phân thành hai loại yêu (Dạ xoa) là Thiên Yêu - loài yêu xinh đẹp có vòng sáng quanh thân và Bàn Sinh Yêu - loài có dáng hình xấu xí. Bắc Thiên vương là bảo vệ đạo trường Đức Như Lai, thường nghe Đức Như Lai thuyết pháp, do đó được gọi là Đa Văn (nghe nghiều).

Nam Thiên vương là Tăng trưởng thiên (增長天, sa. virūḍhaka) có thân màu xanh, cầm gươm chém Vô minh. Vị này chuyên giữ gìn những chủng tử tốt đẹp trong con người, có trách nhiệm bảo hộ chánh Pháp, cai quản chúng hung thần, có thể kết hợp chúng sinh, phát triển thiện căn. Theo truyền thuyết Trung Quốc, Tăng trưởng thiên cầm kiếm, do mũi kiếm còn được gọi là phong (mũi nhọn), còn có nghĩa là phong (gió).

Đông Thiên vương là Trì quốc thiên (持國天, sa. dhṛtarāṣṭra) có thân trắng, tay cầm đàn. Tương truyền rằng, tiếng đàn của ngài sẽ khiến tâm thức con người trở nên thanh tịnh, bảo hộ chúng sinh, giữ gìn đất đai, cai quản chúng yêu quỷ nương tựa vào cây (tức Mộc Dạ Xoa). Theo truyền thuyết Trung Quốc, Trì quốc thiên ôm đàn tì bà, giữ chức vụ là "điều" (dây đàn).

Tây Thiên vương tên Quảng mục thiên (廣目天, sa. virūpākṣa) có thân màu đỏ, tay phải cầm rắn hoặc rồng (sa. nāga) nhưng không cho nó chiếm giữ Như ý châu (tức Ngọc như ý). Ngọc như ý chỉ chuyên dành cho những bậc giác ngộ còn rắn chỉ là người canh giữ viên ngọc đó. Tương truyền rằng ngài cai quản tất cả loài rồng, quan sát thế gian và bảo hộ chúng sinh. Theo truyền thuyết Trung Quốc, Quảng Mục rồng cuộn trên tay, mà rồng và rắn phải thuận, do đó giữ chức vụ là "thuận".

Theo đạo Phật, Tứ Đại Thiên Vương là bốn vị Thiên tướng thủ hộ Phật pháp, thuộc chư Thiên bộ trong Nhị thập thiên hoặc Thập nhị thiên. Tượng của Tứ đại thiên vương thường được thờ trong các ngôi chùa, đặt tại Thiên vương diện, phía sau sơn môn hoặc 4 góc cửa tháp.

Đa Văn Thiên Vương

Đa Văn Thiên Vương là vị thần đứng đầu trong Tứ đại Thiên vương, là vị thần trấn giữ phương Bắc, theo dõi thế gian, bảo hộ chúng sinh, do đó còn được gọi là Bắc phương Thiên vương.

tu-dai-thien-vuong-trong-dao-phat-gom-nhung-vi-nao
Đa Văn Thiên Vương là vị thần đứng đầu trong Tứ đại Thiên vương, là vị thần trấn giữ phương Bắc.

Ban đầu, trong Ấn Độ giáo, ông là vị thần mang tên Kuvera (Kubera), vốn là con trai nhà hiền triết Visharava. Do đó ông còn có tên là Vaiśravaṇa, tức Tỳ Sa Môn. Ông được cho là đã tu khổ luyện cả ngàn năm, do được được thần sáng tạo Brahma ban cho sự bất tử, giàu sang và trông coi kho tàng của Trái Đất.

Sau khi Phật giáo xuất hiện, ông trở thành một vị Hộ thế trấn giữ phương Bắc của cõi trời thứ nhất trong Dục giới. Ông chế phục chúng ma, bảo hộ tài sản nhân gian. Ông được mô tả là mặc giáp trụ, thân hình lục, khuôn mặt vàng, mang mũ giáp, tay cầm lọng báu che chở nhân gian.

Trong tín ngưỡng và tôn giáo tại Tây Tạng, Nepal, Tỳ Sa Môn thường được thờ phục dưới hình tượng thần giàu sang Kubera, là hiển tướng quan trọng nhất của thần. Do đó, ông thường được miêu tả là vị thần to béo, tay cầm theo túi đựng tiền bạc, vây quanh là châu báu. Có khi ông Tỳ Sa Môn được miêu tả là mặc giáp trụ, cưỡi sư tử, được vây quanh bởi 8 Yaksas. Cũng có khi ông được miêu tả là vị thần đội vương miện, đeo ruy băng, cưỡi sư tử, tay trái giữ con chồn Mongoose, là biểu tượng của sự chiến thắng của thần với yêu quái. Ngài bóp chặt Mongoose, khiến nó phải nhả ngọc châu, tay phải cầm ngọc châu.

Theo Phật giáo Đại thừa Trung Hoa, tên của Ngài được dịch thành Duō Wén Tiān Wang (多聞天王), có nghĩa là "vị thiên vương lắng nghe cả thế gian". Chịu ảnh hưởng, vị thần này trong tiếng Nhật được gọi là Tamon-ten (多聞天) hay Bishamon-ten (毘沙門天); tiếng Hàn là Damun-cheonwang (다문천왕). Còn ở Việt Nam, dân gian gọi ngài là Đa Văn Thiên Vương.

Theo đạo Phật, Ngài được coi là vị thần tinh thông Phật pháp, đưa phúc đức tới 4 phương. Ngài tọa ở ngọn Thủy Tinh, núi Kiên Đà La thuộc ngọn Tudi, mặc giáp trụ, tay phải cầm lọng báu, tay trái nắm Ngân thử (chuột bạc) biết nhả ngọc khi bị siết chặt. Ngài có thể chế phục ma chúng, bảo hộ sinh linh.

Trong các ngôi chùa tại Châu Á, Đa Văn Thiên Vương thường được thờ như là vị hộ thần phương Bắc, tay trái cầm bảo tháp chứa châu báu, tay phải cầm thương. Ngài được gọi là vị thần bảo vệ và che chở, thường được thờ trước cổng môn chùa. Ngài thường được mô tả là xuất hiện với một số pháp khí như Bảo tháp, Lọng báu Hỗn Nguyên Tán, Thương kích, Chồn Mongoose hoặc Ngân Thử, Hoa Hồ Điêu...

Theo ảnh hưởng của Phật giáo Đại thừa, Tứ Đại Thiên Vương được hóa thân thành các vị thần canh giữ Thượng giới, là nơi mà Ngọc Hoàng Tượng đế ngự trị. Đa Văn thiên vương trấn phương Bắc, thuộc tính nhâm quý Thủy, màu tượng trưng là Đen, tay cầm lọng báu. Vị thần này còn là biểu tượng cho sự che chở, sinh sôi nảy nở nên còn được mệnh danh là Vũ (雨).

Đa Văn Thiên vương thường được phối thờ chung với các vị Thiên vương khác, duy chỉ có tại Ấn Độ và Trung Á là thờ riêng. Đây là vị thần duy nhất trong Tứ Đại Thiên Vương được thờ riêng. 

Tăng Trưởng Thiên Vương

Tăng Trưởng Thiên Vương là một trong bốn vị Tứ Đại Thiên Vương, là vị thần trấn giữ phương Nam, giúp cho chúng sinh tăng trưởng thiện căn, bảo vệ Phật Pháp, do đó còn được gọi là Nam phương Thiên vương.

tu-dai-thien-vuong-trong-dao-phat-gom-nhung-vi-nao
Tăng Trưởng Thiên Vương là một trong bốn vị Tứ Đại Thiên Vương, là vị thần trấn giữ phương Nam.

Trong tôn giáo Ấn Độ, ngài có tên là Virūḍhaka theo tiếng Phạn hoặc Virūḷhaka theo tiếng Pali, phiên âm là Tỳ Lưu Ly. Ngài là một trong 4 vị thiên tướng của tôn giáo Bà la môn du nhập vào Phật giáo Ấn độ, trở thành Hộ thế. Ngài là vị thần trấn giữ phương Nam của cõi trời thứ nhất thuộc Dục giới, phát triển thiện căn cho chúng sinh, bảo vệ đạo pháp. Ngài được mô tả mặc giáp trụ, thân hình màu lục, thường cầm theo chày hoặc kiếm báu.

Khi Phật giáo được du nhập vào Trung Quốc, tên vị thần được dịch thành Zēng Zhǎng Tiān Wang (增長天王), có nghĩa là "vị thiên vương phát triển (tăng trưởng) thế gian". Ở Nhật, ngài được gọi là Zōchō-ten (増長天), tại Hàn Quốc là Jeungjang Cheonwang (증장천왕); ở Việt Nam, vị thần này được gọi là Tăng Trưởng Thiên Vương.

Tương truyền rằng, Tăng trưởng Thiên vương ngụ tại ngọn Lưu Lý núi Kiên Đà La thuộc ngọn núi Tudi, thân mặc giáp trụ, tay cầm bảo kiếm. Theo Phật giáo Đại thừa, Tăng Trưởng Thiên Vương là vị thần trần giữ phương Nam Thượng giới, thuộc bính Hỏa, mang sắc Đỏ. Tay ngài cầm theo kiếm, biểu trưng cho sự khoáng đạt nên còn được gọi là "Phong" (風).

Tương truyền rằng, ngài thường được nhìn thấy với một số pháp khí như Bảo kiếm (Thanh Vân kiếm, Thanh quang bửu kiếm), Giáo, Chày kim cương, Vòng ngọc (Bạch ngọc kim cương)...

Trì Quốc Thiên Vương

Trì Quốc Thiên Vương là một trong bốn vị thần Tứ đại Thiên vương, là vị thần trấn giữ phương Đông, hộ trì quốc thổ, do đó còn được gọi là Đông phương Thiên vương.

tu-dai-thien-vuong-trong-dao-phat-gom-nhung-vi-nao
Trì Quốc Thiên Vương là một trong bốn vị thần Tứ đại Thiên vương, là vị thần trấn giữ phương Đông.

Theo tôn giáo Ấn Độ, ngài có tên là Dhṛtarāṣṭra trong tiếng Phạn hoặc Dhataraṭṭha trong tiếng Pali, phiên âm là Đa La Sất. Ngài là một trong 4 vị thiên tướng thuộc tôn giáo Bà la môn được du nhập vào Phật giáo Ấn Độ, trở thành Hộ thế, trấn giữ phương Đông của cõi trời thứ nhất tại Dục giới, bảo vệ chúng sinh, bảo vệ quốc thổ.

Ngài thường được mô tả là mặc giáp trụ, thân hình màu trắng, tay cầm theo đàn tỳ bà. Tương truyền, chiếc đàn tượng trưng cho sự vui vẻ, ngài thường dùng âm nhạc để giáo hóa chúng sinh.

Trì Quốc Thiên Vương trong Phật giáo Đại thừa được phiên âm thành Chí Guó Tiān Wang (持國天王), mang ý nghĩa là "vị thiên vương bảo hộ thế gian". Tại Nhật Bản, vị thần này được gọi là Jikoku-ten (持国天), trong tiếng Hàn là Jiguk-cheonwang (지국천왕), còn tại Việt Nam là Trì Quốc Thiên Vương.

Ngài là vị Thiên vương cư ngụ tại ngọn Hoàng Kim núi Kiên Đà La thuôc ngọn núi Tudi, mặc giáp trụ, tay cầm tỳ bà, bảo hộ Phật pháp. Tương truyền, Ngài được coi là vị thần trấn giữ phương Đông Thượng giới, thuộc giáp ất Mộc, mang màu Lục, biểu tượng cho âm điệu, điều hòa nên còn mang chữ "Điều" (調).

Trong Tứ đại Thiên vương, Trì Quốc Thiên Vương là vị ít khi thay đổi về pháp khí nhất. Ngài thường được mô tả là cầm theo Đàn tỳ bà, chuột thần (Hoa Hồ Điêu) hoặc Bảo kiếm, Dù hỗn nguyên...

Quảng Mục Thiên Vương

Quảng Mục Thiên Vương là một trong 4 vị thần quan trọng được gọi là Tứ Đại Thiên Vương, là vị thần trấn giữ phương Tây, theo dõi thế gian, còn được gọi là Tây phương Thiên vương.

tu-dai-thien-vuong-trong-dao-phat-gom-nhung-vi-nao
Quảng Mục Thiên Vương là một trong 4 vị thần quan trọng được gọi là Tứ Đại Thiên Vương, là vị thần trấn giữ phương Tây.

Trong tôn giáo Ấn Độ, ngài có tên là Virūpākṣa trong tiếng Phạn hoặc trong tiếng Pali là Virūpakkha, phiên âm Hán Việt là Tỳ Lưu Bác Xoa. Ngài là một vị Hộ thế, trấn giữ phương Tây của cõi trời thứ nhất tại Dục giới, có trách nhiệm trừng trị cái ác, bảo vệ đạo pháp, đạo tràng.

Tương tự như các vị Hộ pháp khác, ngài được mô tả là mặc giáp trụ, thân màu đỏ tựa lửa dữ, thường có long thần (naga) quấn bên tay phải, tay kia cầm ngọc như ý (mani).

Khi Phật giáo du nhập vào Trung Hoa, tên vị thần này được dịch thành Guăng Mù Tiān Wang (廣目天王), có nghĩa là "vị thiên vương theo dõi thế gian". Tại Nhật, ngài được gọi là Kōmoku-ten (広目天), tại Hàn Quốc được gọi là Gwangmok-cheonwang (광목천왕). Tại Việt Nam, tên vị Hộ thế này được phiên âm là Quảng Mục Thiên Vương.

Ngài được mô tả là có đôi mắt to (tức Quảng mục) để theo dõi thế gian, ngự tại ngọn Bạch Ngân núi Kiên Đà La, cạnh núi Tudi, thân mặc giáp trụ. Ngài vốn là vị thần cai quản rồng, do đó trên tay cầm theo rồng đỏ (hoặc sợi dây đỏ), nếu thấy ai thành tâm tin Phật thì trói lại, bắt quy y.

Theo Phật giáo Đại thừa, Quảng Mục Thiên Vương là vị thần trấn giữ phương Tây Thượng giới, thuộc canh tân Kim, sắc Trắng, tay cầm theo con rắn. Ngài được cho là biểu trưng cho sự thuận lợi, suôn sẻ nên thường mang chữ "Thuận".

Một số pháp khí thường được mô tả gắn liền với Quảng Mục Thiên Vương là Rồng đỏ (Xích Long hoặc Naga), Ngọc như ý (mani), Lọng Hỗn Nguyên Châu Tán, Tịch hỏa trạo (Lồng chống lửa), Cung tên,...

Các vị Thiên Vương ngoài nhiệm vụ giữ gìn Phật pháp, đạo tràng còn có trách nhiệm trông nom bốn phương, để cho mưa thuận gió hòa, nên còn được mệnh danh là Hộ thế Thiên tôn.

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận