Tỉnh An Giang được thành lập dưới triều vua Minh Mạng ra sao?

Thời vua Minh Mạng, nhiều tỉnh thành được "cải cách hành chính", trong đó phải kể tới sự ra đời của tỉnh An giang.

Chi Nguyễn
14:22 20/03/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Vào thời vua Gia Long, bộ máy hành  chính vận hành theo cơ chế phân quyền. Đàng Ngoài và Đàng Trong cũ được phân chia thành 27 thị trấn, doanh (còn gọi là dinh). Trong đó, triều đình Huế trực tiếp quản lý 4 doanh (Kinh kỳ) Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (sau đổi thành phủ Thừa Thiên), Quảng Nam và 7 trấn từ Nghệ An đến Bình Thuận.

tinh-an-giang-duoc-thanh-lap-luc-nao-va-ra-sao
Nam kỳ lục tỉnh xưa. Ảnh: T.L

Trước khi có danh xưng Bắc kỳ và Nam kỳ thì nguyên 6 tỉnh Nam kỳ thời bấy giờ đều gọi chung là Gia Định. Kể từ năm 1831 - 1832, vua Minh Mạng bắt đầu chia hạt đặt tỉnh, đổi trấn thành tỉnh, chỉ giữ lại mỗi phủ Thừa Thiên. Lúc bấy giờ, cả nước chỉ có 1 phủ và 30 tỉnh. Đến lúc này, danh xưng Nam kỳ mới chính thức ra đời dù đã xuất hiện trước đó trong các thư tịch, về sau dân gian quen gọi là Nam kỳ lục tỉnh (南圻六省).

Vua cho bãi bỏ loạt chức Tổng trấn cùng các chức Trấn thủ, Hiệp trấn, Tham hiệp ở các trấn trước; thiết lập nhiều vị trí quan chức như Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát, Lãnh binh. 

Trong cuốn Đại Nam thực lục (tập 3, nhóm dịch, NXB Giáo dục, 2007), quyền hạn của Tổng đốc, Tuần phủ được nêu rõ: "Tổng đốc giữ việc cai trị cả quân, dân, cầm đầu các quan văn quan võ trong toàn hạt. Khảo hạch các quan lại, sửa sang bờ cõi. Tuần phủ giữ việc tuyên bố đức ý triều đình, vỗ yên nhân dân, coi giữ các việc chính trị, giáo dục, mở điều lợi, bỏ điều hại...

tinh-an-giang-duoc-thanh-lap-luc-nao-va-ra-sao
Vua Minh Mạng (bên trái) qua nét vẽ của người châu Âu. Ảnh: John Crawfrud, London (1828)

...Phàm trong hạt sự việc gì nên tâu báo, đều được làm chuyên tập tâu lên. Duy Tuần phủ kiêm hạt, khi có chính sự lớn lao về việc hưng lợi trừ tệ thì cùng với Tổng đốc bàn bạc rồi ký tên tâu chung một giấy. Nếu ý kiến khác nhau, thì cho làm tờ tâu riêng".

Sau khi lên ngôi, vua Minh Mạng chỉ thị nhiều thay đổi. Chẳng hạn, như trong Đại Nam thực lục có ghi, vào tháng 10/1832 (Âm lịch), vua cho chia đặt các tỉnh hạt, thiết lập quan chức ở phía nam tương tự như phía bắc. Cụ thể: "Năm trước, chia đặt các tỉnh Bắc kỳ [đất kỳ phụ (gần Kinh kỳ) ở phía bắc], những việc mưu ích lợi, trừ tệ hại, thực có công hiệu sờ sờ ra rồi. Các trấn Nam kỳ, địa thế dẫu có lớn, nhỏ, xa, gần khác nhau, nhưng mọi việc như quân, dân, tài chính, thuế khóa, hình án, đều không khác gì Bắc kỳ".

Từ đó, 5 trấn của Gia Định thành cũ được phân chia thành 6 tỉnh mới, gồm Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Long (đổi từ trấn Vĩnh Thanh), Định Tường, An Giang và Hà Tiên. Vua xét thấy Vĩnh Long có vùng đất động, dân giàu có nên đã cho tách lấy huyện Vĩnh An và Vĩnh Định của tỉnh này gộp với đất Châu Đốc, lập làm tỉnh mới là An Giang.

tinh-an-giang-duoc-thanh-lap-luc-nao-va-ra-sao
Cảnh chợ ở Sài Gòn. Ảnh: Albert Morice

Dưới thời vua Minh Mạng, các Tổng đốc có nhiệm vụ chuyên hạt một tỉnh, kiêm hạt một tỉnh. 6 tỉnh Nam kỳ bất giờ cia thành 3 liên tỉnh là An - Biên, Long - Tường và An - Hà. Tổng đốc Long Tường (tức liên tỉnh Vĩnh Long và Định Tường) khi đó là Thống chế Lê Phúc Bảo (một số tài liệu gọi là Lê Phước Bửu). Vị quan này kiêm luôn chức Tuần phủ tỉnh Vĩnh Long, dưới ông có quan Bố chánh Vĩnh Long (bấy giờ là Phạm Phúc Thiệu).

Theo Nguyễn Quang Diệu/Thanh Niên

Xem thêm: Toát mồ hôi hột với hành trình 14 năm tìm đất thiêng xây lăng vua Minh Mạng

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận